»» Nội dung bài viết:
Suy nghĩ về ý nghĩa của lối sống có đạo đức đối với thanh niên ngày nay.
- Mở bài:
Bác Hồ từng nói rằng: ““Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Thanh niên là lực lượng xã hội quan trong có nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Trách nhiệm của thanh niên là cần xây dựng lối sống có đạo đức, gắn lợi ích của bản thân mình với lợi ích của dân tộc, của đất nước.
- Thân bài:
Đạo đức là gì?
Theo Không Tử, đạo đức tức là con đường lớn giúp con người tạo ra các công trạng hữu ích cho xã hội. Đạo đức còn có thể hiểu là làm đúng với đạo lí làm người. Người biết tuân thủ luân thường, đạo lí gọi là người có đức. Có thể hiểu đạo đức là hệ thống các nguyên tắc, chuẩn mực được xã hội quy định nhằm giúp mỗi cá nhân điều chỉnh hành vi của mình phù hợp với lợi ích của cộng đồng và xã hội, đảm bảo cho xã hội phát triển bền vững, văn hóa và tiến bộ.
Người có đạo đức là người có nhiều phẩm chất tốt đẹp, biết sống vì người khác và luôn đặt lợi ích của cộng đồng, của đất nước lên trên lợi ích cá nhân của mình.
Tại sao con người cần phải xây dựng lối sống có đạo đức?
Xã hội phát triển ổn định và bền vững bởi chính do đạo đức ràng buộc con người với nhau. Một xã hội không có đạo đức, ai muốn làm gì thì làm thì nhân cách con người sẽ sớm bị tha hóa, trật tự xã hội đảo lộn, tội ác lộng hành. Sớm muộn gì xã hội ấy cũng bị hủy diệt.
Sống có đạo đức làm mối quan hệ giữa người và người trở nên tốt đẹp hơn. Bản chất của xã hội là nhận thức về thế giới và bản thân. Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong nhận thức về bản thân đó chính là nhận thức về đạo đức con người và thực hành lối sống có đạo đức trong xã hội. Mỗi con người đều sống có dạo đức thì cái tốt mới được đề cao, cái xấu bị đẩy lùi, quyền lợi chính đáng của mỗi con người mới được đảm bảo. Trước khi được bảo vệ bởi pháp luật, con người được bảo vệ bởi hệ thống đạo đức đã được xã hội quy ước và thực hành.
Lối sống có đạo đức giúp con người không ngừng tiến bộ, tạo ra được nhiều điều hữu ích, thúc đẩy xã hội phát triển. Người sống có đạo đức luôn được người khác trân trọng và tôn vinh. Bởi ở họ luôn biết làm điều tốt đẹp, tránh xa và chống lại cái xấu, cái ác, cái bất công, bảo vệ con người. Bởi thế, tên tuổi và đức độ của người sống có đạo đức cao thượng được truyền tụng đến muôn đời. Họ cũng trở thành tấm gương sáng, là mẫu mực để người khác học tập và làm theo.
Sống không có đạo đức là tự đánh mất lợi ích của chính mình. Ai cũng có quyền được lựa chọn lối sống có đạo đức. Sống đúng chuẩn mục thì được trân trọng. Sống không đúng chuẩn mực thì bị phê bình, chỉ trích, lên án và trừng phạt. Người sống không có đạo đức luôn bị người khác khinh ghét, xa lánh. Họ thường là những người thất bại trong cuộc sống này. Thậm chí, tên tuổi của họ trở thành bài học cảnh tỉnh đối với người khác.
Muốn rèn xây dựng lối sống có đạo đức, con người cần phải làm những gì?
Đạo đức luôn sẵn có ở trong mỗi con người. Và ai cũng có thể rèn luyện và thực hành lối sống có đạo đức. Tuy nhiên, những mầm non tốt đẹp ấy không thể tự nó lớn lên được. Muốn sống có đạo đức, nhất định phải rèn luyện và thực hành nó trong cuộc sống hàng ngày.
Trước hết là phải biết trân trọng con người và các giá trị đạo đức chuẩn mực trong xã hội. Biết quý trọng mới biết giữ gìn và làm theo. Luôn nâng cao trách nhiệm của bản thân đối với xã hội và đất nước. Sống biết giữ chữ tín, có lý tưởng cao đẹp, ước mơ, hoài bão lớn lao, hướng đến tạo ra những giá trị hữu ích, đống góp vào sự phát triển chung của cộng đồng.
Phải chăm chỉ, kiên trì trong học tập, không ngừng nỗ lực vươn lên. Học tập để hiểu biết thế giới xung quanh, hiểu biết đạo lí ở đời. Lấy học tập làm sức mạnh căn bản làm nảy sinh và nuôi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp có ở con người. Bởi “nhân chi sơ tính bản thiện” như đức khổng Tử đã nói. Bản chất từ thuở ban đâu là tốt đẹp. Khi ta lớn lên, nó có còn tốt đẹp hay không là do mình rèn luyện. Việc rèn luyện các phẩm chất nhất định phải thông qua học tập.
Học tập và làm theo các tấm gương đạo đức sáng ngời trong cuộc sống. Mọi bài học trên sách vở không ý nghĩa bằng một tấm gương chân thực và sinh động có ở trước mắt. Nó thôi thúc ta học hỏi và hành động với một niềm tin tưởng và tự hào lớn lao.
Học xong phải thực hành điều ấy vào trong cuộc sống. Muốn có đạo đức trước hết nói phải đi đôi với làm và luôn nêu gương về đạo đức. Bởi người đạo đức luôn xem trọng lời nói của mình. Nói là phải làm, không nói suông, nói chơi, nói mà không làm. Biết giữ lời hứa và đề cao tín nghĩa trong từng công việc cụ thể. Bản thân phải là một tấm gương về đạo đức. Một bài diễn văn hay không bằng một tấm gương sống.
Biết chống lại cái xấu, cái ác, cái giả dối trong xã hội. trong cuộc sống, cái xấu và cái tốt; cái đúng và cái sai; cái đạo đức và cái đạo đức giả luôn lẫn lộn với nhau, mâu thuẫn lân nhau thông qua hành vi của mỗi con người khác nhau, thậm chí là trong mỗi con người. Bởi thế, trước hết là chống lại cái vô đạo đức của bản thân. Nhất quyết không sống bằng bộ mặt giả tạo, lợi dụng lòng tin của người khác để mưu lợi cá nhân. Sau đó là kịch liệt chống lại cái vô đạo đức của xã hội, làm cho xã hội tốt đẹp hơn, công bằng hơn.
Luôn biết tự kiểm tra, đánh giá bản thân, kịp thời điều chỉnh và khác phục những sai lầm, củng cố, duy trì những phẩm chất tốt đẹp. Hãy xem việc rèn luyện và thực hành lối sống sống đạo đức phải là việc làm suốt đời của mỗi người. Bởi cái xấu, cái ác luôn tìm cách xâm nhập và phá hỏng con người. Nếu không đủ bản lĩnh gìn giữ cái tốt, phát huy sức mạnh của đạo đức thì con người dễ bị mua chuộc bởi vật chất, bị tha hóa, biến chất, trở thành kẻ phục vụ cho cái xấu, cái ác.
- Kết bài:
Trong bất kì thời đại nào, lối sống có đạo đức cũng được đề cao. Bởi con người sống với nhau là dựa trên các mối mối quan hệ tình cảm. Lối sống có đạo đức, biết tôn trọng bản thân và người khác là lối sống cao đẹp cần có ở mỗi chúng ta.
Tham khảo:
Suy nghĩ về mối quan hệ giữa “tài” và “đức”
Sinh thời Bác Hồ đã từng nói “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Câu nói của Bác đã khẳng định giá trị cơ bản của thanh niên thời đại mới.
“Tài” chính là tài năng, kiến thức, hiểu biết, kỹ năng, kỹ xảo, là kinh nghiệm sống để con người có thể hoàn thành công việc của mình một cách tốt nhất, đặc biệt là trong những hoàn cảnh khó khăn, những tình huống phức tạp. Người có “tài”, là đem hết tài năng của mình ra phục vụ Tổ quốc, nhân dân thì đều đó rất đáng trân trọng, cái tài giỏi đó được công nhận. Ngược lại, người có tài mà chỉ biết vun vén cho riêng mình không giúp ích được gì cho dân, cho nước thì đó quả là người vô dụng.
Mặt khác, người có tài mà làm những việc xấu, trái với đạo đức thì không những là kẻ vô dụng mà còn là có hại, cái tài đó sẽ không được xã hội xem trọng. “Đức” chính là đạo đức, tư cách tác phong, lòng nhiệt tình, những khát vọng “chân, thiện, mĩ…”. Người có “đức” biết tôn trọng và bảo vệ chân lý, dám đấu tranh với sai lầm, sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân cho quyền lợi của tập thể. Đạo đức là phẩm chất không thể thiếu của một con người.
Tuy nhiên, theo Bác thì người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Người có đức mà không có tài cũng chẳng khác gì ông bụt ngồi trong chùa. Tài năng thì giúp cho chúng ta hoàn thành công việc một cách dễ dàng, vì vậy có đức mà không có tài thì làm việc khó thành công, khó đạt được kết quả như ý muốn. Nhiều khi vì không có tài năng, họ đã làm hỏng mọi việc làm ảnh hưởng đến sự nghiệp chung.
Như vậy, trong một con người “tài” và “đức” phải luôn song hành với nhau. Đây là hai phạm trù khác nhau nhưng giữa chúng có mối liên hệ biện chứng với nhau. Trong mỗi con người cái “tài”, cái “đức” không phải ngẫu nhiên mà có, mà hai chữ ấy phải được vun đắp, trao dồi và phải được giáo dục ngay từ tấm bé.
Tổ chức giáo dục Liên hiệp quốc đã xác định mục đích của việc học là: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”. Điều cốt yếu trong mục tiêu này là qua hoạt động giáo dục nhằm hoàn thiện con người có đủ đức, đủ tài. Học là để trau dồi tri thức, phải sống có tình, có nghĩa, phải biết “mình vì mọi người”.
Đạo đức còn thể hiện ở sự công bằng. Sự công bằng là phương thuốc hữu hiệu nhất để kích thích sự năng động, sáng tạo, dám trình bày những ý kiến của mình, dám đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác, đem lại công bằng trong đời sống.
Muốn có tầm nhìn xa, muốn xử lý đúng trong mọi tình thế thì mỗi chúng ta nhất định phải tự hoàn thiện, không ngừng học tập và tu dưỡng suốt đời. Như vậy mới có đủ “đức” và “tài” – tiêu chuẩn của một thanh niên thời đại mới và vấn đề này không chỉ là yêu cầu cấp bách, mà đồng thời còn là hành động thiết thực góp phần nâng cao năng lực sống và làm việc thành công trong giai đoạn hiện nay.