tai-lieu-luyen-thi-van-ban-tho-dong-chi-bai-tho-ve-tieu-doi-xe-khong-kinh

Tài liệu luyện thi văn bản: Đồng chí (Chính Hữu), Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật).

Tài liệu luyện thi văn bản:

ĐỒNG CHÍ (Chính Hữu)

BÀI THƠ VỀ TIỂU ĐỘI XE KHÔNG KÍNH (Phạm Tiến Duật)

ĐỀ SỐ 1. Phân tích bài “Đồng Chí” của Chính Hữu.

I. Mở bài:

– Giới thiệu tác phẩm: Đồng chí, tác giả: Chính Hữu.

– Hoàn cảnh sáng tác: đầu năm 1948, sau khi tác giả đã cùng đồng đội tham gia chiến dịch Việt Bắc.

II. Thân bài:

1. Cơ sở hình thành tình đồng chí:

– Tình đồng chí bắt nguồn từ sự tương đồng về hoàn cảnh xuất thân của những người lính:

“Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”.

“Anh” ra đi từ vùng “nước mặn đồng chua”; “tôi” từ miền “đất cày lên sỏi đá”. Hai miền đất xa nhau, “đôi người xa lạ” nhưng cùng giống nhau ở cái “nghèo”. Hai câu thơ giới thiệu thật giản dị hoàn cảnh xuất thân của người lính: họ là những người nông dân nghèo.

– Tình đồng chí hình thành từ sự cùng chung nhiệm vụ, cùng chung lý tưởng, sát cánh bên nhau trong hàng ngũ chiến đấu: “Súng bên súng, đầu sát bên đầu”

– Họ vốn “chẳng hẹn quen nhau” nhưng lý tưởng chung của thời đại đã gắn kết họ lại với nhau trong hàng ngũ quân đội cách mạng. “Súng” biểu tượng cho nhiệm vụ chiến đấu, “đầu” biểu tượng cho lý tưởng, suy nghĩ. Phép điệp từ (súng, đầu, bên) tạo nên âm điệu khoẻ, chắc, nhấn mạnh sự gắn kết, cùng chung lý tưởng, cùng chung nhiệm vụ.

– Tình đồng chí nảy nở và bền chặt trong sự chan hoà và chia sẻ mọi gian lao cũng như niềm vui: “Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ”.

– Cái khó khăn thiếu thốn hiện lên: đêm rét, chăn không đủ đắp nên phải “chung chăn”. Nhưng chính sự chung chăn ấy, sự chia sẻ với nhau trong gian khổ ấy đã trở thành niềm vui, thắt chặt tình cảm của những người đồng đội để trở thành “đôi tri kỷ”.

Sáu câu thơ đầu đã giải thích cội nguồn và sự hình thành của tình đồng chí giữa những người đồng đội. Câu thơ thứ bảy như một cái bản lề khép lại đoạn thơ một để mở ra đoạn hai.

2. Những biểu hiện cảm động của tình đồng chí

– Tình đồng chí là sự cảm thông sâu sắc những tâm tư, nỗi niềm của nhau. Những người lính gắn bó với nhau, họ hiểu đến những nỗi niềm sâu xa, thầm kín của đồng đội mình:

“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày,
Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”.

– Người lính đi chiến đấu để lại sau lưng những gì yêu quý nhất của quê hương: ruộng nương, gian nhà, giếng nước gốc đa,… Từ “mặc kệ”cho thấy tư thế ra đi dứt khoát của người lính. Nhưng sâu xa trong lòng, họ vẫn da diết nhớ quê hương. Ở ngoài mặt trận, họ vẫn hình dung thấy gian nhà không đang lung lay trong cơn gió nơi quê nhà xa xôi.

– Tình đồng chí còn là cùng nhau chia sẻ những gian lao, thiếu thốn của cuộc đời người lính :

+ Những gian lao, thiếu thốn trong cuộc sống của người lính những năm kháng chiến chống pháp hiện lên rất cụ thể, chân thực: áo rách, quần vá, chân không giày, sự khổ sở của những cơn sốt rét rừng hành hạ, trời buốt giá, môi miệng khô và nứt nẻ, nói cười rất khó khăn, có khi nứt ra chảy cả máu. Nhưng những người lính vẫn cười bởi họ có hơi ấm và niềm vui của tình đồng đội “thương nhau tay nắm lấy bàn tay”.

+ Hơi ấm ở bàn tay, ở tấm lòng đã chiến thắng cái lạnh ở “chân không giày” và thời tiết “buốt giá”. Cặp từ xưng hô “anh” “tôi” luôn đi với nhau, có khi đứng chung trong một câu thơ, có khi đi sóng đôi trong từng cặp câu liền nhau diễn tả sự gắn bó, chia sẻ của những người đồng đội.

3. Biểu tượng cao đẹp ,thiêng liêng của tình đồng chí.

– Ba câu cuối cùng kết thúc bài thơ bằng một hình ảnh thơ thật đẹp:

“Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo”.

– Nổi lên trên cảnh rừng đêm hoang vắng, lạnh lẽo là hình ảnh người lính “đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới”. Đó là hình ảnh cụ thể của tình đồng chí sát cánh bên nhau trong chiến đấu. Họ đã đứng cạnh bên nhau giữa cái giá rét của rừng đêm, giữa cái căng thẳng của những giây phút “chờ giặc tới”. Tình đồng chí đã sưởi ấm lòng họ, giúp họ vượt lên tất cả…

– Câu thơ cuối cùng mới thật đặc sắc: “Đầu súng trăng treo“. Đó là một hình ảnh thật mà bản thân Chính Hữu đã nhận ra trong những đêm phục kích giữa rừng khuya.

– Nhưng nó còn là một hình ảnh thơ độc đáo, có sức gợi nhiều liên tưởng phong phú sâu xa.

+ “Súng” biểu tượng cho chiến tranh, cho hiện thực khốc liệt. “Trăng” biểu tượng cho vẻ đẹp yên bình, mơ mộng và lãng mạn.

+ Hai hình ảnh “súng”“trăng” kết hợp với nhau tạo nên một biểu tượng đẹp về cuộc đời người lính: chiến sĩ mà thi sĩ, thực tại mà mơ mộng. Hình ảnh ấy mang được cả đặc điểm của thơ ca kháng chiến – một nền thơ giàu chất hiện thực và giàu cảm hứng lãng mạn.

+ Vì vậy, câu thơ này đã được Chính Hữu lấy làm nhan đề cho cả một tập thơ – tập “Đầu súng trăng treo”.

Đoạn cuối bài thơ là một bức tranh đẹp về tình đồng chí, đồng đội của người lính.

III. Kết bài:

– Tóm tắt các ý đã phân tích.

– Liên hệ bản thân.


ĐỀ SỐ 2. Phân tích “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật.

I. Mở bài:

Phạm Tiến Duật là nhà thơ được rèn luyện, trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ gian khổ và oanh liệt của dân tộc.

“Bài thơ về tiểu đội xe không kính” được sáng tác năm 1969 khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt, khắc họa hình ảnh độc đáo của những chiếc xe không kính làm nổi bật hình ảnh những người lính lái xe ở Trường Sơn trong thời kì chống Mỹ với tư thế, tinh thần hiên ngang bất khuất.

II. Thân bài:

1. Hình ảnh những chiếc xe không kính:

– Hình ảnh những chiếc xe không kính được tác giả miêu tả trần trụi, chân thực

“Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi”

– Đó là những chiếc xe vận tải chở hàng hóa, đạn dược ra mặt trận, bị máy bay Mĩ bắn phá, kính xe vỡ hết.

– Động từ “giật”, “rung” cùng với từ “bom” được nhấn mạnh hai lần càng làm tăng sự khốc liệt của chiến tranh

Hai câu thơ đầu giải thích nguyên nhân đồng thời phản ánh mức độ khốc liệt của chiếc tranh.

2. Hình ảnh người lính lái xe.

– Hình ảnh người lính lái xe với tư thế hiên ngang, ngang tàng dù thiếu đi những phương tiện chiến đấu tối thiểu:

“Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”.

– Tính từ ung dung đặt ở đầu câu nhấn mạnh tư thế chủ động, coi thường mọi khó khăn, nguy hiểm của các chiến sĩ lái xe.

– Người lái xe bộc lộ những phẩm chất cao đẹp, sức mạnh lớn lao đặc biệt là sự dũng cảm, hiên ngang của họ.

– Những khó khăn gian khổ như tăng lên gấp bội vì xe không có kính: gió vào xoa mắt đắng, Bụi phun tóc trắng như người già, Mưa tuôn mưa xối như ngoài trời… nhưng không làm giảm ý chí và quyết tâm của các chiến sĩ lái xe.

a, Tư thế hiên ngang, bất khuất; tinh thần lạc quan, coi thường hiểm nguy.

– Hình ảnh những chiếc xe không kính độc đáo là hình ảnh tươi đẹp của người lính lái xe Trường Sơn

+ Họ là chủ nhân của những chiếc xe không kính độc đáo

+ Họ với tư thế hiên ngang “nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng” vượt qua mọi khó khăn thiếu thốn về vật chất

+ Họ phải đối mặt với hiểm nguy “gió vào xoa mắt đắng”, “đột ngột cánh chim”…

+ Hiện thực khốc liệt nhưng người lính cảm nhận và thể hiện bằng sự ngang tàng, trẻ trung, lãng mạn

– Họ tự tin, hiên ngang đối diện với gian khói lửa chiến tranh

– Giọng nói ngang tàng, bất chấp hiểm nguy thể hiện rõ trong cấu trúc” không có… ừ thì”cứng cỏi, biến khó khăn thành điều thú vị

→ Khó khăn, nguy hiểm, thiếu thốn không làm nhụt chí người lính lái xe Trường Sơn. Ngược lại, ở họ là bản lĩnh, nghị lực phi thường hơn.

b, Tâm hồn sôi nổi của tuổi trẻ, của tình đồng chí, đồng đội sâu sắc:

– Những người lính lái xe hóm hỉnh, tươi vui “chưa cần rửa phì phèo châm điếu thuốc/ Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”

– Họ hồn nhiên, tếu táo và ấm áp trong tình đồng đội, đồng chí. Tình đồng đội thắm thiết, thiêng liêng là sợi dây vô hình nối kết mọi người trong hoàn cảnh hiểm nguy, kề cận cái chết

– Chiến tranh có khốc liệt thì những người lính lái xe vẫn đoàn kết hợp nhất thành “tiểu đội xe không kính” cùng nhau chiến đấu.

– Điệp từ “lại đi” khẳng định đoàn xe sẽ không ngừng tiến tới đi tiếp con đường gian khổ phía trước.

c, Ý chí chiến đấu vì miền Nam ruojt thịt, vì sự nghiệp thống nhất đất nước:

– Bài thơ khép lại với bốn câu thơ thể hiện ý chí sắt đá của những người lính

– Miền Nam chính là động lực mạnh mẽ nhất, sâu xa nhất tạo nên sức mạnh phi thường của người lính cách mạng

– Với biện pháp liệt kê, điệp từ “không có” diễn tả mức độ khốc liệt ngàng càng tăng của chiến trường

– Đối lập với những cái “không có” chỉ cần “có một trái tim” đã làm nổi bật sức mạnh, ý chí ngoan cường của người lính lái xe.

– Hình ảnh trái tim là một hoán dụ nghệ thuật đẹp đẽ và đầy sáng tạo, khẳng định phẩm chất cao quý của các chiến sĩ lái xe trên đường ra tiền tuyến lớn. Các anh xứng đáng với truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc Việt Nam; tiêu biểu cho chủ nghĩa yêu nước của thế hệ thời đánh Mĩ.

III. Kết bài:

“Bài thơ về Tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật là tác phẩm đậm chất trữ tình cách mạng. Nhà thơ đã khắc hoạ hình ảnh các chiến sĩ lái xe Trường Sơn bằng tình cảm mến yêu và cảm phục chân thành.

– Vẻ đẹp của người lính lái xe và hình tượng những chiếc xe không kính trong bom đạn khốc liệt nói lên phẩm chất cao đẹp của thế hệ trẻ trong kháng chiến chống Mỹ.


ĐỀ SỐ 3. Có ý kiến cho rằng: “Bài thơ “Đồng chí ”của Chính Hữu là một bức tranh tráng lệ, cao cả, thiêng liêng về người chiến sĩ trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Em hãy phân tích bài thơ để làm sáng tỏ.

GỢI Ý LÀM BÀI

I/  Yêu cầu về kỹ năng: Làm đúng thể loại nghị luận văn học, có kỹ năng làm bài văn giải thích kết hợp với chứng minh, xây dựng hệ thống lập luận chặt chẽ, lôgic, văn viết trong sáng, giàu cảm xúc.

II/ Yêu cầu về kiến thức:

  • Mở bài:

– Bài thơ ra đời năm 1948, khi Chính Hữu là chính trị viên đại đội thuộc Trung đoàn Thủ đô, là kết quả của những trải nghiệm thực, những cảm xúc sâu xa của tác giả với đồng đội trong chiến dịch Việt Bắc.

– Nêu nhận xét chung về bài thơ (như đề bài đã nêu)

  • Thân bài:

1. Giải thích:

– Lời nhận định trên đã đánh giá chính xác sự thành công của bài thơ “Đồng chí ” bởi lẽ, nói tới bức tượng đài tráng lệ là nói tới hình ảnh của một người nào đó được khắc hoạ để bền vững với núi sông, trường tồn với thời gian. Còn nói tới sự tráng lệ là nói tới vẻ đẹp rực rỡ, lộng lẫy.

+ Như vậy, lời nhận định trên đã khẳng định rằng, nhà thơ chính Hữu đã xây dựng được hình ảnh người chiến sĩ hiện lên trong bài thơ với vẻ đẹp rực rỡ, cao cả, thiêng liêng. Hình tượng nghệ thuật ấy được xây dựng bằng ngôn từ sống mãi với thời gian, sống mãi trong tâm trí bạn đọc.

2. Chứng minh:

Trước hết người đọc cảm nhận được vẻ đẹp rực rỡ, cao cả, thiêng liêng của người chiến sĩ là tình đồng chí xuất phát từ cơ sở của sự hình thành tình đồng chí.

– Xuất thân nghèo khổ: Nước mặn đồng chua, đất cày lên sỏi đá

– Chung lí tưởng chiến đấu: Súng bên súng, đầu sát bên đầu

– Chia sẻ mọi khó khăn, gian lao cũng như buồn vui của cuộc đời người lính: “Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”

– Kết thúc đoạn là dòng thơ chỉ có một từ : Đồng chí  – một nốt nhấn, một sự kết tinh cảm xúc.

Vẻ đẹp rực rỡ, cao cả, thiêng liêng của người chiến sĩ còn được thể hiện ở tình đồng chí gắn bó với nhau trong cuộc sống gian lao:

– Họ cảm thông chia sẻ tâm tư, nỗi nhớ quê: nhớ ruộng nương, lo cảnh nhà gieo neo (ruộng nương… gửi bạn, gian nhà không … lung lay), từ “mặc kệ” chỉ là cách nói có vẻ phớt đời, về tình cảm phải hiểu ngược lại), giọng điệu, hình ảnh của ca dao (bến nước, gốc đa) làm cho lời thơ càng thêm thắm thiết.

– Cùng chia sẻ những gian lao thiếu thốn, những cơn sốt rét rừng nguy hiểm: những chi tiết đời thường trở thành thơ, mà thơ hay (tôi với anh biết từng cơn ớn lạnh,…) ; từng cặp chi tiết thơ sóng đôi như hai đồng chí bên nhau : áo anh rách vai / quần tôi có vài mảnh vá ; miệng cười buốt giá / chân không giày ; tay nắm / bàn tay.

Kết đoạn cũng quy tụ cảm xúc vào một câu: Thương nhau tay nắm lấy bàn tay (tình đồng chí truyền hơi ấm cho đồng đội, vượt qua bao gian lao, bệnh tật).

Đặc biệt vẻ đẹp cao cả, thiêng liêng của tình đồng chí còn được thể hiện thật lãng mạn, thơ mộng khi họ sát cánh bên nhau trong chiến hào chờ giặc:

– Cảnh chờ giặc căng thẳng, rét buốt : đêm, rừng hoang, sương muối.

– Họ càng sát bên nhau vì chung chiến hào, chung nhiệm vụ chiến đấu, chủ động trong tư thế: chờ giặc.

– Cuối đoạn mà cũng là cuối bài cảm xúc lại được kết tinh trong câu thơ rất đẹp: Đầu súng trăng treo (như bức tượng đài người lính, hình ảnh đẹp nhất, cao quý nhất của tình đồng chí, cách biểu hiện thật độc đáo, vừa lãng mạn vừa hiện thực, vừa là tinh thần chiến sĩ vừa là tâm hồn thi sĩ,…)

  • Kết bài :

– Khẳng định ý nghĩa lời nhận định….

– Đề tài dễ khô khan nhưng được Chính Hữu biểu hiện một cách cảm động, sâu lắng nhờ biết khai thác chất thơ từ những cái bình dị của đời thường.

– Đây là một sự cách tân so với thơ thời kì kháng chiến cống Pháp viết về người lính.

– Viết về bộ đội mà không tiếng súng nhưng tình cảm của người lính, sự hi sinh của người lính vẫn cao cả, hào hùng…


ĐỀ SỐ 4. “Văn học phản ánh cuộc sống bằng hình tượng (…) Nhưng văn học không phản ánh máy móc, thụ động như một tấm gương mà thông qua tư tưởng, tình cảm, cách nhìn, cách đánh giá của từng nhà văn” (SGK Ngữ văn 9 – Tập 2, Trang 115)

Phân tích hình tượng người lính trong hai bài thơ “Đồng chí” (Chính Hữu) và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” (Phạm Tiến Duật) để làm sáng tỏ nhận định trên.

GỢI Ý LÀM BÀI.

Yêu cầu về kĩ năng:

– Có kiến thức lý luận văn học về một trong những đặc điểm nội dung cơ bản của tác phẩm văn học là hình tượng nghệ thuật.

– Phân tích được vẻ đẹp của hình tượng người lính qua từng bài thơ để làm rõ vấn đề trên.

– Bố cục chặt chẽ, diễn đạt trong sáng, giàu cảm xúc.

– Không mắc lỗi về câu, từ, chính tả.

Yêu cầu về kiến thức:

Học sinh có thể có những cách lập luận khác nhau song cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

  • Mở bài:

– Nêu vấn đề nghị luận, trích dẫn nhận định

  • Thân bài:

1. Giải thích nhận định:

– Hình tượng là phương tiện của văn học để phản ánh hiện thực. Đó là bức tranh sinh động về con người và cuộc sống.

– Hình tượng văn học vừa chứa nội dung hiện thực (trực tiếp miêu tả cuộc sống), vừa mang nội dung tư tưởng (biểu hiện lý tưởng, cách nhìn, cách nghĩ, cảm xúc của mỗi cá nhân nhà văn). Nghĩa là vừa có tính chung sâu sắc, vừa mang tính riêng độc đáo.

Bởi vậy: phân tích hình tượng văn học là làm nổi bật vẻ đẹp con người, cuộc sống được thể hiện qua đó; phát hiện sự đóng góp riêng của nhà văn trong việc chọn lựa các yếu tố để xây dựng hình tượng.

2. Phân tích hình tượng người lính trong hai bài thơ để làm sáng tỏ nhận định:

a. Vẻ đẹp chung của hình tượng:

Chân dung người lính là biểu tượng cao đẹp của con người Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh với các phẩm chất đáng quí

– Có trái tim yêu nước cháy bỏng.

– Có lý tưởng cao đẹp, chiến đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc.

– Đoàn kết, gắn bó trong tình đồng chí, đồng đội keo sơn.

– Dũng cảm, kiên cường vượt qua mọi gian khó, hiểm nguy để sống, chiến đấu và chiến thắng.

b. Sự phát hiện riêng của hai nhà thơ:

* “Đồng chí” (Chính Hữu):

– Vẻ đẹp giản dị, mộc mạc của người nông dân mặc áo lính trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.

– Tình đồng chí, đồng đội hòa quyện với tình giai cấp.

– Sự thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ của nhà thơ trước hoàn cảnh và tình cảm của người lính.

– Những chi tiết, hình ảnh, cấu tứ đặc sắc, giàu giá trị gợi tả, gợi cảm, biểu trưng. (Quê hương anh … làng tôi, đôi người xa lạ … đôi tri kỷ, ruộng nương … gian nhà … giếng nước gốc đa, anh với tôi…, áo anh … quần tôi, thương nhau tay nắm lấy bàn tay, đứng cạnh bên nhau … đầu súng trăng treo)

* “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” (Phạm Tiến Duật):

– Vẻ đẹp dũng cảm, hiên ngang, trẻ trung, yêu đời, mang đậm chất “lính” của người chiến sĩ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn thời chống Mỹ.

– Tình đồng chí, đồng đội gắn với đời sống và tâm hồn phơi phới, sôi nổi, tinh nghịch, ngang tàng của thế hệ Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.

– Tình cảm yêu quí, tự hào, gắn bó của nhà thơ đối với những người lính.

– Những chi tiết, hình ảnh đặc sắc cùng giọng điệu, ngôn từ và lối thơ văn xuôi khắc đậm hình tượng người lính (Xe không có kính…kính vỡ, nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng … nhìn nhau mặt lấm cười ha ha, bắt tay qua cửa kính vỡ rồi, võng mắc chông chênh … Lại đi, lại đi … Xe vẫn chạy vì Miền Nam phía trước: chỉ cần trong xe có một trái tim)

3. Đánh giá:

– Nhận định trên hoàn toàn đúng đắn…

– Cả hai bài thơ “Đồng chí” (Chính Hữu) và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” (Phạm Tiến Duật) đều xây dựng hình tượng đẹp về người lính trong những năm tháng chiến tranh nhưng không phản ánh máy móc, thụ động như một tấm gương mà thông qua tư tưởng, tình cảm, cách nhìn, cách đánh giá của từng nhà thơ. Các nhà thơ đã khắc tạc nên chân dung anh bộ đội cụ Hồ thời kháng chiến…

  • Kết bài:

– Những đặc sắc về nghệ thuật…

– Khẳng định tài năng, sự đóng góp của hai nhà thơ trong nền thơ ca hiện đại Việt Nam.


ĐỀ SỐ 5. Trong văn bản “Tiếng nói của văn nghệ“, Nguyễn Đình Thi viết: “Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ. Anh gửi vào tác phẩm một lá thư, một lời nhắn nhủ, anh muốn đem một phần của mình góp vào đời sống chung quanh”. (Ngữ Văn 9, Tập II, Tr 12,13 – NXB GD 2005)

Qua “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, em hãy làm sáng tỏ “điều mới mẻ“, “lời nhắn nhủ” mà nhà thơ Phạm Tiến Duật muốn đem “góp vào đời sống”.

GỢI Ý LÀM BÀI.

Yêu cầu về kĩ năng

– Bố cục bài rõ ràng, lập luận thuyết phục bằng việc phân tích các dẫn chứng cụ thể để làm sáng rõ luận điểm.

– Văn viết mạch lạc, trong sáng, có cảm xúc; ít mắc lỗi diễn đạt, lỗi chính tả.

Yêu cầu về nội dung

Bài làm đúng kiểu văn nghị luận, các ý có thể trình bày theo những cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

  • Mở bài:

– Giới thiệu vấn đề, ý kiến của Nguyễn Đình Thi.

  • Thân bài:

1. Giải thích nhận định:

+ “Vật liệu mượn ở thực tại” trong tác phẩm là hiện thực cuộc kháng chiến chống Mĩ với nhiều khó khăn, gian khổ và tinh thần chiến đấu, đời sống tình cảm của những người lính trên tuyến đường Trường Sơn.

– Nội dung của một tác phẩm nghệ thuật là hiện thực cuộc sống và những khám phá, phát hiện riêng của người nghệ sĩ.

– Những khám phá, phát hiện ấy chính là điều mới mẻ góp phần quan trọng tạo nên giá trị của một tác phẩm nghệ thuật và mang theo thông điệp của người nghệ sĩ.

2. Làm sáng tỏ nhận định.

“Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật đã thể hiện được “điều mới mẻ”“lời nhắn nhủ” của riêng nhà thơ trên cơ sở “vật liệu mượn ở thực tại”.

a. Điều mới mẻ:

– Nhà thơ đã khám phá ra vẻ đẹp riêng của những người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn trong thời kì kháng chiến chống Mĩ từ chính những khó khăc, gian khổ của hiện thực:

– Phong thái ung dung, tự tin và tinh thần dũng cảm, hiên ngang, bất chấp bom đạn, coi thường gian khổ, hiểm nguy, luôn hướng về phía trước.

– Tâm hồn trẻ trung, sôi nổi, nét tinh nghịch đáng yêu của những người lính trẻ; niềm lạc quan phơi phới vượt lên hiện thực khốc liệt của chiến tranh.

– Trong gian khổ, tình đồng chí, đồng đội được thể hiện cũng thật vô tư, tinh nghịch mà chân thành.

– Trái tim mang tình yêu Tổ quốc là sức mạnh thôi thúc tinh thần, ý chí quyết tâm chiến đấu vì miền Nam, tình yêu đó mạnh hơn tất cả đạn bom, cái chết.

(so sánh với hình ảnh người lính trong thời kì chống Pháp)

Vẻ đẹp của họ có sự kết hợp hài hòa, tự nhiên giữa cái vĩ đại phi thường với cái giản dị đời thường

– Điều mới mẻ thể hiện trong nghệ thuật của bài thơ: nhan đề lạ, sáng tạo ra một hình ảnh thơ độc đáo, giọng điệu và ngôn ngữ thơ rất đặc sắc, rất gần vời lời nói thường ngày, đậm chất văn xuôi; sự đối lập giữa cái không và cái có… để thể hiện chân thực và sinh động vẻ đẹp của những người lính.

b. Lời nhắn nhủ:

– Đây cũng là tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Hình ảnh những người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn thời chống Mĩ mãi là biểu tượng đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Họ chính là những con người đã góp phần làm nên những trang sử vẻ vang của dân tộc, sức mạnh và tinh thần chiến đấu của họ đã khẳng định một chân lí của thời đại: sức mạnh tinh thần có thể chiến thắng sức mạnh vật chất.

  • Kết bài:

– Khẳng định ý kiến và ý nghĩa bài thơ.


ĐỀ SỐ 6. Nhận xét về văn học Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, có ý kiến viết: “Văn học của ta đã xây dựng và thể hiện sinh động hình ảnh của thế hệ trẻ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” với ý thức ngày càng sâu sắc về trách nhiệm của thế hệ trước dân tộc và nhân dân, trước Tổ quốc và lịch sử.”

Qua một số tác phẩm đã học, em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

GỢI Ý LÀM BÀI.

I. Về kĩ năng:

– Biết cách làm bài văn nghị luận văn học có bố cục rõ ràng, đúng thao tác nghị luận, diễn đạt sáng rõ, không mắc lỗi diễn đạt, dùng từ, đặt câu.

– Xác định đúng vấn đề nghị luận: Vẻ đẹp của hình ảnh thế hệ trẻ Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ và phạm vi tư liệu

Lưu ý: Về phạm vi tư liệu sử dụng cho bài viết, ngoài hai văn bản đã học ở học kì I lớp 9 là “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật và “ Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long, giám khảo cần khuyến khích cho những thí sinh có thêm những dẫn chứng ở các tác phẩm khác ở HKII hoặc ngoài chương trình cùng đề tài.

II. Về kiến thức

Bài viết cần trình bày được những nội dung cơ bản sau:

  • Mở bài:

– Giới thiệu vấn đề nghị luận: Hình ảnh thế hệ trẻ Việt Nam qua thực tế văn học chống Mĩ

– Trích ý kiến:

  • Thân bài:

1. Khái quát chung:

– Hoàn cảnh lịch sử: Hai mươi năm dân tộc Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Đó là cuộc chiến đấu đầy gian khổ, ác liệt và hi sinh.

– Hình ảnh trung tâm của thời đại, niềm tự hào của dân tộc và cũng là hình ảnh trung tâm của văn học kháng chiến chống Mĩ đó là hình ảnh thế hệ trẻ Việt Nam- thế hệ đóng góp lớn công sức và xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và dựng xây đất nước:

Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai

– Bởi vậy văn học giai đoạn từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, nhiều tác phẩm thơ ca cũng như văn xuôi của các tác giả đã khắc họa sinh động hình ảnh thế hệ trẻ Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ: Họ là những người lính lái xe Trường Sơn; những cô gái thanh niên xung phong trên chiến trường; những con người ngày đêm miệt mài lao động cống hiến cho đất nước…

– Họ đều là những thanh niên sống có lý tưởng cao đẹp, họ nguyện đem sức trẻ, tinh thần, trí tuệ…cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.Tuy nhiệm vụ khác nhau nhưng họ cùng chung mục đích, lý tưởng là bảo vệ và xây dựng đất nước nên ở họ đều tỏa sáng những phẩm chất cao đẹp tuyệt vời.

2. Phân tích và chứng minh

a. Đó là lớp thanh niên trẻ có lý tưởng cách mạng cao đẹp, có hoài bão ước mơ, sẵn sàng cống hiến sức trẻ cho đất nước:

– Lý tưởng cao đẹp của những người lính lái xe Trường Sơn: Vì sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước

“Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim”.

(Bài thơ về tiểu đội xe không kính)

– Nhân vật anh thanh niên dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng anh đã ý thức được một cách sâu sắc về trách nhiệm của mình (một công dân) đối với quê hương đất nước, mà cao hơn là lý tưởng sống, lý tưởng cách mạng: “Mình sinh ra là gì,mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc?” (Lặng lẽ Sa Pa)

b. Họ là những con người dũng cảm, gan dạ, đầy tinh thần trách nhiệm, coi thường hiểm nguy,vượt qua mọi gian khổ sẵn sàng hi sinh để hoàn thành nhiệm vụ:

– Những người lính lái xe Trường Sơn với tinh thần dũng cảm và ý chí kiên cường vì sự nghiệp giải phóng đất nước đã giúp họ vượt qua sự nguy hiểm của bom đạn ( sự ác liệt trên tuyến đường Trường Sơn thời chống Mĩ), vượt qua sự khó khăn gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ

“Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi…”

“Không có kính ừ thì có bụi….”

“Không có kính ừ thì ướt áo…”

“Lại đi, lại đi trời xanh thêm.”

– Anh thanh niên với lòng yêu nghề và tinh thần trách nhiệm đã giúp anh vượt qua nỗi cô đơn, vượt qua mọi gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ: “Cháu ở đây có nhiệm vụ đo nắng, đo mưa….xong việc trở vào là không thể nào ngủ lại được.”

c. Ở họ có tình đồng chí, đồng đội gắn bó thân thiết, sẵn sàng chia sẻ với nhau trong cuộc sống thiếu thốn, gian khổ và hiểm nguy.

– Những người lính lái xe Trường Sơn từ sự cùng chung nhiệm vụ, lý tưởng họ đã trở thành đồng đội của nhau, sẻ chia với nhau những gian khổ ở chiến trường, tình đồng đội đã tiếp thêm cho họ sức mạnh để vượt qua bom đạn hiểm nguy. Hơn thế họ còn coi nhau như anh em trong một gia đình

(Dẫn chứng và phân tích)

– Anh thanh niên có thể vượt qua nỗi cô đơn, vượt qua mọi sự gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ là vì anh luôn suy nghĩ anh không cô đơn mà luôn có đồng đội tiếp sức cho anh: “ Huống chi công việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em đồng chí dưới kia”.Vì đồng đội mà anh luôn cố gắng trong công việc bởi anh luôn thấy những đóng góp của mình cho đất nước còn quá nhỏ bé so với họ (anh bạn trên đỉnh Phan-xi-păng,anh cán bộ nghiên cứu bản đồ sét, ông kĩ sư vườn rau Sa- Pa).

d. Giữa những khó khăn ác liệt của cuộc sống họ vẫn tràn đầy tinh thần lạc quan, sự trẻ trung, lãng mạn của tuổi trẻ.

– Sự trẻ trung, ngang tàng, sôi nổi đậm chất lính của những chiến sĩ lái xe Trường Sơn giữa chiến trường ác liệt. Thái độ bất chấp những gian khổ hiểm nguy

(Dẫn chứng và phân tích)

– Anh thanh niên, qua những lời anh tâm sự với ông họa sĩ và cô kĩ sưvề cuộc sống một mình của anh, về công việc của anh ta thấy được ý chí nghị lực phi thường ở anh“ …Nếu là nỗi nhớ phồn hoa đô hội thì xoàng…”. Không chỉ vậy, ngoài giờ làm việc còn trồng hoa, nuôi gà và đặc biệt là dành thời gian để đọc sách mở mang hiểu biết.

3. Đánh giá

– Hình ảnh thế hệ trẻ Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ hiện lên chân thực, sinh động trên các trang văn của các tác giả đã có sức thuyết phục với người đọc.

– Hình ảnh ấy không chỉ cho thấy tài năng của các tác giả mà còn cho chúng ta thấy sự am hiểu, trải nghiệm cuộc sống trong những năm kháng chiến ác liệtcủa các nhà văn, nhà thơ.

– Qua đó, chúng ta có thể hiểu thêm về lịch sử dân tộc, thêm tự hào và tiếp bước truyền thống các thế hệ cha anh.

  • Kết bài

– Khẳng định lại vấn đề.

– Suy nghĩ của bản thân.


ĐỀ SỐ 7. “Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học” (Tố Hữu). Em hãy chọn một số bài thơ trong chương trình Ngữ văn 9 để chứng minh cho nhận định trên.

GỢI Ý LÀM BÀI.

I/ Yêu cầu về kĩ năng:

– Thí sinh biết cách làm một bài nghị luận văn học.

– Bài viết có kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, lí lẽ và dẫn chứng thuyết phục, viết có cảm xúc, biết vận dụng linh hoạt các thao tác nghị luận, không mắc các loại lỗi.

II/ Yêu cầu về kiến thức:

– Thí sinh có thể có nhiều cách trình bày và lí giài khác nhau, song cần đảm bào các ý cơ bản sau:

  • Mở bài:

– Văn học nghệ thuật có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của con người. Mỗi tác phẩm văn học đều có một sinh mệnh riêng, một đời sống riêng. Tác phẩm đến từ đâu và hướng tới nơi nào, tất cả đều do người nghệ sĩ và bạn đọc quyết định. Bàn về điều này, nhà thơ Tố Hữu từng khẳng định: “Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học” (Tố Hữu)

Thân bài:

1. Giải thích:

– “Cuộc đời là nơi xuất phát của văn học” : Nội dung của các tác phẩm phản ánh được hiện thực, khám phá những vấn đề của cuộc sống.

-“Cuộc đời cũng là nơi đi tới của văn học”: Văn học tác động trở lại cuộc đời, làm thay đổi nhận thức và tình cảm của con người để cuộc sống chung tốt đẹp hơn.

Nhà thơ Tố Hữu khẳng định: Văn học vị nhân sinh – vì cuộc đời mà văn học được sinh ra và cũng vì cuộc đời, vì con người mà văn học tiếp tục sứ mệnh xây dựng những thành lũy vững chắc cho tâm hồn con người. Trong đó, vai trò của người nghệ sĩ khá quan trọng.

2. Chứng minh:

a. Cuộc đời đúng là nơi xuất phát của văn học:

– Nhà thơ, nhà phê bình văn học Nguyễn Đình Thi cũng đồng quan điểm với nhà thơ Tố Hữu khi cho rằng: “Tác phẩm nghệ thuật nào cũng mượn vật liệu ở thực tại”. Người sáng tác chiêm nghiệm cuộc sống, lựa chọn đề tài từ hiện thực góp nên trang viết của mình. Họ phản ánh đời sống bằng cái tâm của người nghệ sĩ chân chín không tô hồng hay bôi đen hiện thực đó. Tuy nhiên, người sáng tác không bê nguyên thực tại vào trang viết của mình, qua lăng kính nghệ sĩ, hiện thực trở nên lung linh sinh động hơn và có ý nghĩa hơn.

– Văn học là nơi in bóng của thời đại, nhà văn là thư kí trung thành của thời đại:

+ Tác phẩm văn học, nghệ thuật, tự thân nó không thể xa rời hiện thực đời sống. Nhưng phản ánh hiện thực như thế nào, thì không phải là câu hỏi dễ trả lời. Không đơn giản chỉ là sự tả chân một cách cơ học, chưa nói rằng, tả chân đôi lúc cũng chưa hẳn là thấu đáo; và thực tiễn văn học, nghệ thuật cho thấy, thành tựu văn học, nghệ thuật phụ thuộc vào tài năng, quan niệm thẩm mỹ và sự thăng hoa cảm xúc của người nghệ sĩ.

+ Mỗi nhà văn cũng là một thư kí trung thành của thời đại bới nếu không có hiện thực cuộc sống, mỗi nhà văn cũng không thể tự tưởng tượng ra những điều mới mẻ để viết. Kể cả chương viễn tưởng cũng là chiết xuất từ hiện thực những chất liệu cần thiết để hình thành nên. Không có tác phẩm nào mà không phản ánh hiện thực, cũng không có nhà văn nào có thể bước ra khỏi cuộc sống để viết.

+ Đọc bài thơ Đồng chí của Chính Hữu, người đọc nhận ra ngay hoàn cảnh chiến đấu chống thực dân Pháp của quân và dân ta thời kì đầu: thiếu thốn, trăm nghìn gian khó chưa thể giải quyết được, người lính còn chiến đấu trong tình trạng mất cân đối với kẻ thù. Đó là những ngày đầu khi ta chưa võ trang. Người đọc cũng nhận ra tinh thần vượt khó kiên cường, quyết chiến, quyết thắng kẻ thù, một lòng trung thành với đất nước của các chiến sĩ, dẫu gian nguy cũng không chịu lùi bước hay than vãn.

+ Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải ra đời năm 1980, khi đất nước vừa đi qua chiến tranh. Nhưng cuộc sống chung vẫn còn nhiều khó khăn : chiến tranh lại nổ ra ở hai đầu biên giới phía Bắc và Tây Nam Tổ quốc, bữa cơm còn độn khoai, nhiều nơi còn loang lỗ hố bom … Hiện thực ấy đi vào trang thơ của Thanh Hải, ông viết:

“Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao”

– Ấn tượng nghệ thuật ở đoạn thơ này là cách dùng điệp ngữ “mùa xuân”, lộc”, “tất cả” khiến cho lời thơ nhịp nhàng, hình ảnh mùa xuân tràn đầy sức sòng hiện ra rõ nét. Hình ảnh hoán dụ “người cầm súng”, “người ra đồng” gợi lên mùa xuân đất nước, người người hối hả tay súng, tay cày; vừa xây dựng vừa bảo vệ biên cương Tổ quốc. Từ láy “hối hả”, “xôn xao” diễn tả không khí rộn ràng, khẩn trương, náo nức của cả nước.

– Nhà thơ viết những dòng thơ lúc đang nằm trên giường bệnh, tai không thể nghe được âm thanh mùa xuân đất nước, mắt không thể nhìn thấy người người ra trận, ra đồng. Nhưng tác giả vẫn cảm nhận được hiện thực cuộc sống và thể hiện trên trang viết của mình.

b. Cuộc đời cũng là nơi đi tới của văn học:

– Tiếng nói của văn học nghệ thuật sẽ đồng hành cùng con người đi đến tương lai. Bởi trong mỗi tác phẩm, người nghệ sĩ gửi vào đó những lời nhắn, những thông điệp sống, giúp con người nhận ra mình để sống tốt đẹp hơn. Cho nên nghệ sĩ còn mang thiên chức “kĩ sư tâm hồn”. Tuy nhiên, những bài học về lẽ sống gửi trong mỗi tác phẩm không đơn thuần là thuyết lí khô khan; nhà văn, nhà thơ nói bằng hình ảnh, bằng nhạc điệu, bằng các tình huống độc đáo. Và họ thắp lên trong lòng bạn đọc những ngọn lửa ấm, ngọn lửa hướng thiện.

– Đến với bài thơ “Nói với con ”của nhà thơ miền núi Y Phương, tấm lòng của người nghệ sĩ dân tộc Tày dành cho con, cho quê hương; đem tiếng thơ của mình góp vào đời sống một viên đá con làm nên thành lũy tâm hồn con người trong những năm 1980. Ở đoạn thơ thứ hai, người cha nói với con về phẩm chất của đồng bào mình và cũng là lời trao gửi niềm tin của một thế hệ dành cho một thế hệ.

“Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc”

– Y Phương đã không hề rời xa hiện thực đời sống, cách nghĩ, cách làm của “người đồng mình”. Tất cả đã được phản ánh chân thực, sinh động trong những vần thơ tha thiết. Đồng thời tiếng thơ quay trở lại bồi dưỡng tâm hồn con người, làm đẹp cho quê hướng, đất nước. Nghĩa là nó trở lại với nguồn cội đã sản sinh ra nó. Nghĩa là văn học đã đi tới với hiện thực cuộc sống sinh động và tái sinh một cuộc sống mới.

Qua phần phân tích trên, ta thấy rõ, “cuộc đời là nơi xuất phát và cũng là nơi đi tới của văn học”.

3. Đánh giá, mở rộng:

– Trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ, người nghệ sĩ phải có con mắt tinh tườn, có trái tim giàu cảm xúc mới nhận ra nhùng vẻ đẹp của con người, của thiên nhiên, mới nghe được, cảm được những âm thanh sống động và những vang động âm thầm của cuộc sống để đưa lên trang viết mình. Người nghệ sĩ cũng phải có khả năng sáng tạo đặc biệt, lao động không mệt mỏi để dệt nên tác phẩm có sức sống vượt thời gian.

  • Kết bài:

– Văn học không đơn thuần là phản ánh hiện thực mà là sự nghiền ngẫm về hiện thực. Văn học thoát ra từ hiện thực cuộc sống để sau đó trở lại phục vụ cuộc sống. Nhận định của nhà thơ Tố Hữu có ý nghĩa đề cao vai trò văn học trong sống con người đồng thời nhắc nhở người sáng tác và bạn đọc cần có sự đồng điệu để tác phẩm văn học tiếp thêm sức mạnh cho cuộc đời.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang