the-nao-la-chan-thien-my

Thế nào là Chân – Thiện – Mỹ?

Thế nào là Chân – Thiện – Mỹ?

Chân – Thiện – Mỹ là gì?

Chân thường được hiểu là thật, là chân thật, chân thực, xác thực. Nói tới chân là để đối lập với phạm trù cái giả – cái không thật. Song, chân còn được hiểu theo nghĩa hẹp là chân lý – tức là cái đúng, là “sự phản ánh chính xác sự vật khách quan và quy luật của chúng vào ý thức con người” (Từ điển Tiếng Việt, tr. 185).

Thiện theo ý nghĩa từ Hán Việt là tốt, lòng tốt, lương thiện, để đối lập với cái ác. Thuật ngữ thiện được dùng trong cuộc sống khá nhiều như: cuộc đấu tranh giữa thiện – ác trong truyện cổ tích, người thiện, có tấm lòng thiện nguyện, từ thiện, thiện tâm, “thiện căn ở tại lòng ta”,… Người thiện là người tốt, sống tốt. Thiện cũng được bàn đến nhiều trong giáo lý nhà Phật (khuyên con người tu nhân, tích đức, tích thiện, có lòng từ bi). Trong tư tưởng của các nhà triết học cổ phương Đông (Khổng Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử…), thiện cùng với nhân, đức, lễ, nghĩa là những phẩm chất quan trọng của con người. “Nhân chi sơ tính bản thiện”, hay “nhân chi sơ tính bản ác” chính là những quan niệm về tính thiện và ác vốn có hay không có khi con người sinh ra. Về vấn đề này, chúng tôi thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu quan niệm rất khoa học: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên” (Nhật ký trong tù).

Mỹ là phạm trù thẩm mỹ rất phức tạp, song hiểu một cách thông dụng và dễ hiểu nhất là cái đẹp. Quan niệm về cái đẹp rất phong phú ở mỗi thời đại, mỗi người, ở bài viết này chúng tôi không có điều kiện bàn tới, mà chỉ muốn giới hạn phạm vi cách hiểu mỹ là cái đẹp: cái đẹp ở trong cuộc sống và trong con người.
Ảnh minh họa.

Trong văn chương, Chân – Thiện – Mỹ là những giá trị cốt lõi của văn chương; văn chương hướng tới Chân – Thiện – Mỹ bao giờ cũng là văn chương cho mọi người và là văn chương của muôn đời. Cũng vậy, trong đời sống, Chân – Thiện – Mĩ là ba giá trị phổ quát mà con người hướng tới, thậm chí còn muốn hướng đến chân lý và sự toàn thiện, toàn mỹ.

Mối quan hệ giữa Chân – Thiện – Mỹ.

Ở bình diện cảm thức thông thường, chúng ta thấy cái đẹp bao giờ cũng gắn với cái thật. Khi nói rằng bài thơ ấy giả tạo, bức tranh ấy giả tạo có nghĩa là bài thơ ấy, bức tranh ấy không đẹp, không hay. Trong tác phẩm nghệ thuật có thể tha hồ tưởng tượng, thậm chí đến mức siêu thực, nhưng nó luôn luôn là cái thực, cái có ý nghĩa, không thể là cái giả, mà cái giả cũng đồng nghĩa với cái không có giá trị.

Picasso đã nói: “Tôi có thể hãnh diện mà nói điều này: Tôi chẳng bao giờ coi hội họa như là một nghệ thuật chỉ đơn thuần để gây thú vị, để giải trí. Tôi muốn dùng nét vẽ và màu sắc, bởi lẽ đây là vũ khí của tôi, để càng đi sâu hơn vào việc hiểu biết thế giới và con người, để sự hiểu biết đó càng ngày càng giải phóng thêm cho chúng ta. Phải, tôi có ý thức là bấy lâu tôi vẫn chiến đấu bằng hội họa của tôi như một người cách mạng thật sự”. (Dẫn theo Phùng Văn Tửu- Mỹ học, của Diderot, NXB. Khoa học và Xã hội). Trong bài diễn từ nhận giải Nobel năm 1987, nhà thơ Joseph Brodsky nói “Thi ca là nhận thức, tư duy, cảm nhận thế giới” và đi “xa hơn” vào trong bí mật của thế giới, “nơi chưa từng ai đến”.

Tuy nhiên, văn học là sáng tạo, hư cấu, không phải sao chép hiện thực. Tolstoi không thừa nhận thống nhất Chân – Thiện – Mỹ, trong sáng tác của ông cũng không có thống nhất ấy. Trong tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình, Tolstoi vì muốn khẳng định sự thống nhất của nhân dân Nga trong cuộc chiến chống quân Pháp, ông đã xóa đi các mâu thuẫn giữa các giai cấp, giảm đi tính sắc nhọn của ngòi bút, xé toạc các mặt nạ giả dối của xã hội. Tức là vì cái thiện, cái đẹp, ông hi sinh bớt một phần cái thật. Cái thật đối thoại với cái thiện, cái chân. Hoặc chúng phủ định lẫn nhau, phê phán nhau.

Nếu đem ánh sáng của cái đẹp, cái thiện mà miêu tả cái xấu, cái ác thì lúc đó chúng đối thoại với nhau, chứ không thống nhất với nhau. Nhà xã hội học người Đức là Max Weiber, đã nói như đinh đóng cột: “Một vật sở dĩ đẹp là vì nó không chân, không thiện. Một sự vật sở dĩ là chân thật chính là do nó không đẹp và không thiện. Mà chỉ vì nó không đẹp, không tốt, nó mới là chân. Chân – Thiện – Mỹ căn bản là tách rời nhau chứ không phải thống nhất với nhau”. Weiber cũng cho rằng ba giá trị Chân – Thiện – Mỹ có tính loại trừ nhau, không nhất thiết phải thống nhất.

Trong thực tế, Chân – Thiện – Mỹ khó có khả năng thống nhất với nhau. Theo Lão Tử trong Đạo đức kinh, cái thật và cái đẹp không đi đôi: “Lời thật thì không đẹp, mà lời đẹp thì không thật. Người tốt không giỏi nói lí, người khéo nói lí thì không tốt; người hiểu đạo không biết rộng, kẻ biết rộng không biết đạo” (Tín ngôn bất mỹ, mỹ ngôn bất tín; thiện giả bất biện, biện giả bất thiện; tri giả bất bác, bác giả bất tri). Lời nói thật thì khó nghe; lời nói dói thường ngọt ngào, bùi tai đều là dối trá. Mà lời đã giả dối thì cũng không có giá trị thiện căn đạo đức gì cả. Chân – Thiện – Mỹ – Biện – Tri – Bác là các phương diện khác nhau, không thống nhất với nhau. Phạm vi của Lão Tử có hẹp hơn. Ông chỉ bàn quan hệ giữa lời thật và lời đẹp, một quan hệ có tính loại trừ. Nhưng qua đó ta cũng có thể thấy quan hệ của chúng trong văn học, nghệ thuật ngôn từ.

Văn học thật, không đẹp, văn học đẹp không thật. Trong thời cận đại, nhà thơ tượng trưng Pháp Baudelaire có lẽ là một trong những người chủ trương duy mỹ, đầu tiên phản đối sự thống nhất đó. Ông nói : “Mục đích của thi ca không phải là nâng con người lên cao hơn các lợi ích phàm tục, nếu nhà thơ chạy theo một mục đích đạo đức thì ông ta sẽ làm suy yếu đi sức mạnh của thơ. Thơ không thể đặt ngang hàng với khoa học và đạo đức, nếu không thơ sẽ suy tàn và chết. Thơ không lấy chân thực làm đối tượng, nó chỉ lấy bản thân nó làm mục đích”. Một chỗ khác ông viết: “Thơ không thể lấy bất cứ cái gì ngoài nó làm mục đích, chỉ có những bài thơ viết đơn thuần ra vì niềm vui mới vĩ đại và cao quý, mới xứng đáng với tên gọi của thơ”. Theo ông cái thật, cái thiện và cái đẹp ở những vị trí khác nhau, có chức năng khác nhau, nếu thống nhất thì cái này phá hoại cái kia. Thơ chỉ lấy thơ làm mục đích. Quan niệm này có chỗ thống nhất với Lão Tử.

Một thời gian dài, chúng ta phê phán quan niệm nghệ thuật vị nghệ thuật. Song ngày nay không thể không thấy tính hợp lí nhất định của nó. Văn học là những tác phẩm được viết ra dựa trên sự tưởng tượng cái cái khát khao của con người, nên chúng ta có thể dễ dàng thấy được Chân – Thiện – Mỹ đi cùng nhau. Trong nghệ thuật, cái chân (cái thật) là cái có trước tuyệt đối, là cái không chịu phụ thuộc bất cứ cái gì có trước nó. Cái tốt (cái thiện) là cái cần phải có, so với cái hiện có, gắn với lí tưởng của nhà văn. Nếu cái cần phải có chiếm ưu thế thì sẽ tồn hại đến cái thật. Cái thẩm mỹ là cái dùng để tạo hình thức cho thế giới nghệ thuật. Nhưng cái thẩm mỹ ngày nay không nhất thiết là chỉnh thể, nó phân mảnh, tạp chủng, lai ghép không còn giống như Bakhtin quan niệm vào đầu thế 8 kỉ XX nữa.

Theo Bakhtin quan hệ đó là như sau: “Hiện thực chỉ có thể đối lập với nghệ thuật như là một cái gì tốt (thiện) hay là một cái gì thật (chân) đối với cái đẹp”. Ở đây Bakhtin nói cái thật hay cái tốt trong quan hệ lựa chọn. Ông không nói cái đẹp là đối tượng, bởi nó phụ thuộc vào cái thật. Cái thẩm mỹ đem cái thật hay cái tốt lại gần với sự thụ cảm, soi ngắm của người đọc. Như vậy thống nhất Chân – Thiện – Mỹ không phải là đem bao nhiêu cái tốt, cái thật, cái đẹp trong đời sống tập họp lại làm thành nghệ thuật, mà chỉ là đem cái thật (vốn có), hay cái tốt (cần phải có) biến thành yếu tố của khách thể thẩm mĩ. Với nghĩa đó, theo Bakhtin, “cuộc sống vừa ở bên ngoài, vừa ở bên trong nghệ thuật; nghệ thuật giàu có, không khô khan, không chuyên biệt; người nghệ sĩ chỉ là chuyên gia với tư cách là người thợ, tức là chỉ trong quan hệ với chất liệu của anh ta”.

Như vậy, Chân – Thiện – Mĩ thống nhất theo phương thức cái đẹp (thẩm mỹ) trở thành hình thức biểu đạt cho cái thật hay cái thiện, trong đó cái thật, cái thiện và cái mỹ ở vào một tương quan hoàn toàn quy ước. Do đó tính chân thực của văn học là chân thực của các khả năng trong đời sống mà nhà văn đã lựa chọn, khái quát thành thế giới nghệ thuật. Tính chân thực ở đây là phù hợp với các khả năng đời sống. Khi người đọc chấp nhận thế giới ấy như là có thật, thì nó có tính chân thật. Văn hóa, nghệ thuật Việt Nam đang đi trên đường đa nguyên hóa. Từ chỗ không thừa nhận vô thức, phi lí tính, chúng ta đã phiên dịch và thưởng thức được các tác phẩm thuộc dòng văn học phi lí tính, như văn học hiện sinh, văn học phi lí tính. Từ chỗ không chấp nhận yếu tố sex trong văn chương đã thừa nhận từng bước sự xâm nhập của nó vào văn học, nghệ thuật. Ranh giới của sex trong nghệ thuật và khiêu dâm nằm ở chỗ một bên là giá trị tinh thần, còn bên kia là giá trị vật chất, vật thể.

Trong văn học cách mạng trước đây, một nụ hôn đã bị coi là đồi trụy thì hiện tượng sex trong văn học hôm nay có thể coi là sự kiện thay đổi nhãn quan về giá trị thẩm mỹ, chân thực và đạo đức. Trong thực tiễn phê bình, nếu ta theo tiêu chí đạo đức, tức dựa vào tác dụng giáo dục mà đánh giá thì tiêu chí thẩm mỹ có thể bị hi sinh. Như cụ nghè Ngô Đức Kế đánh giá Truyện Kiều, khi xét theo tiêu chí đạo đức, cụ chỉ thấy tác dụng xấu của nó: “ai, dâm, sầu, oán, đạo, dục, tăng, bi, tám chữ ấy không tránh đâu cho khỏi”. Cụ cũng thấy Truyện Kiều văn chương đẹp, nhưng không thấy thống nhất đâu cả. Trong sáng tác, nếu chạy theo tác dụng tuyên truyền, giáo dục thì tính chân thực thường bị vi phạm.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang