Giới thiệu tập THI NHÂN VIỆT NAM của Hoài Thanh, Hoài Chân
Năm 1942, văn đàn Việt Nam rộn ràng đón nhận tập phê bình văn học Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân. Đây là cuốn sách hợp tuyển vừa là nghiên cứu, phê bình về phong trào Thơ mới, ghi nhận lại những tên tuổi nhà thơ và bài thơ có giá trị trong khoảng thời gian khoảng 1932-1941, khi mà phong trào Thơ mới đang rộ nở và sắp đi vào kết thúc.
Cuốn sách ra đời đúng vào thời điểm xuất hiện các nhà thơ mới ưu tú nhất của thời kì này như Xuân Diệu, Huy Cận, Vũ hoàng Chương, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Nguyễn Vỹ, Đoàn Phú Tứ, Anh Thơ,… và hàng loạt tập thơ nổi bậc của phong trào thơ mới cũng rầm rộ xuất hiện và nhanh chóng nhậ lấy sự đồng cảm của người đọc. Chưa bao giờ người ta thấy trên văn đàn Việt Nam “trăm hoa đua nở” mạnh mẽ đến như vậy. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo nhận xét về thời kì này: “Thơ mới khi ra đời như kỳ hoa dị thảo mọc lên một cách hoang hóa từ khắp rừng núi. đồng bằng, đô thị Việt Nam”.
Trong bối cảnh đó, quyển Thi nhân Việt Nam ra đời đáp ứng nhu cầu tìm đọc, cảm nhận và phê bình của người đọc về một giai đoạn thơ rực rỡ của dân tộc. Hoài Thanh, Hoài Chân đã mất rất nhiều công sức đọc và tìm ra trong hàng vạn bài thơ của hàng trăm tập thơ và những bài thơ in rải rác trên các báo, thậm chí là thơ chép của các thi sĩ để tìm ra những tinh hoa và thâu tóm lại trong một tuyển tập phê bình đặc sắc.
Thi nhân Việt Nam đã nhìn nhận và phê bình tỉ mỉ 46 nhà thơ và 169 bài thơ tiêu biểu của phong trào thơ mới. Riêng đối với thi sĩ Tản Đà, tuy thuộc về lớp thi sĩ tiền nhưng đã có những đóng góp to lớn thời kỳ đầu của phong trào nên được Hoài Thanh trân trọng sắp xếp đầu tiên. Tuy nhiên nhìn nhận về “cái mới” trong thơ Tản Đà cho đến tận ngày nay vẫn còn nhiều tranh cãi.
Ở mỗi tác giả, Hoài Thanh, Hoài Chân đã rất công phu, tỉ mỉ ghi nhận thật sâu sắc, giúp người đọc xác định rõ rằng quan điểm và định hướng tiếp cận. Có thể nói, Thi nhân Việt nam đã mở rộng cửa thơ dẫn lối người đọc vào khu vườn thi ca bát ngát hương hoa và màu sắc. Người đọc vô cùng thú vị khi phát hiện ra cái hay, cái đẹp của thi phẩm mà nhà phê bình đã khơi lộ, chỉ dẫn. Đọc Thi nhân Việt Nam ta như bắt gặp những nhà thơ ngay trên con đường thơ, cùng nhau chuyện trò, chia sẽ, đồng mộ và đồng điệu.
Dường như Hoài Thanh, Hoài Chân đã xây sẵn một tòa lâu đài thơ, tổ chức đại hội thơ đình đám ngay giữa lòng ta. Ở đó không còn có giới hạn, không còn có sự phân biệt nào, dù là người đọc hay nhà thơ, dù là người đọc nhiều hay người vừa mới đọc đều có thể tự do lựa chọn và thưởng thức những tuyệt phẩm. Mỗi bài bài giống như một ly rượu sâm banh nồng nàn, say đắm. Càng đọc, càng thấy say mê.
Hoài Thanh đã rất chú ý đến sự giản đơn trong bút pháp phê bình. Tuy lựa chọn thì hết sức nghiêm khắc nhưng khi nhận xét ông lại hết sức khéo léo, khen chê công bằng. Ông muốn nó thật mềm mại, quyến rũ, không chút cầu kì hay hình thức. Mỗi câu văn uyển chuyển như một sợi dây dịu dàng kết nối người đọc và thi phẩm và điệu đà đầy chất thơ.
Không thể nói Thi nhân Việt Nam đã thực sự hoàn hảo, đôi chỗ người ta cũng thấy Hoài thanh thiên vị, vụng về hay lướt qua sơ sài. Có lẽ lúc đó chưa đủ thi liệu để ông làm tốt hơn hoặc cũng có thể càng về cuối ông càng lúng túng trong khâu nhận xét,đánh giá khác biệt. Chỉ đơn giản là ông thấy nó có giá trị và cần phải đưa vào tuyển tập này. Chắc chắn rằng khi cho in tác phẩm này Hoài Thanh đã cảm thấy đáng tiếc rằng ông quá vội vã, không thể kiên trì thêm chút nữa.
Nhưng dù thế nào, Thi nhân Việt Nam đã thực sự đêm đến cho người đọc những trang viết giá trị nhất có thể có trong giai đoạn đó. Trong khi các nhà thơ say sưa viết, các nhà diễn thuyết bênh vực phong trào Thơ mới cứ say sưa diễn thuyết thì Hoài Thanh đã thì thầm với chúng ta cái hay, cái tuyệt vời của nó. Thật là quá thú vị. Từ tuyển tập này, xác định cho người đọc một thế đứng trên thi đàn. Vai trò của người đọc được nâng cao, họ được tham gia vào cuộc chơi và cảm thấy được trân trọng.
Có lần Hoài Thanh khẳng định: “Văn chương có ảnh hưởng lớn vì văn chương hun đúc tinh thần người đời. Văn chương không có quyền luôn luôn ở trên mấy tầng mây cao thẳm, lãnh đạm ngắm những cảnh phong ba dữ dội ở đời”. Nghĩa là văn chương phải bám sát thực tại, lấy thực tại làm nguồn sinh lực và không được xa rời. Giống như câu chuyện Ăngte, con của thần mặt đất. Một khi Ăngte rời khỏi đất mẹ thì mọi sức mạnh cũng biến.
Tuy quan điểm này có mâu thuẫn với quan điểm ban đầu khi ông chủ trương phái “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Nhưng nó đã thể hiện sự chuyển biến tích cực trong nhìn nhận của người nghệ sĩ luôn lấy nghệ thuật làm mục đích sống, sáng tạo và cống hiến hết mình cho cuộc đời này.
Nói như Nguyễn Văn Hanh, Thi nhân Việt Nam xứng đáng là “một công trình của thế kỉ”. Một đời cầm bút và sáng tạo, Hoài Thanh đã để lại trong văn chương dấu ấn thật khó phai mờ. Dấu ấn độc đáo đó thể hiện trong quan niệm nghệ thuật, phương pháp phê bình, tính cách phê bình của Hoài Thanh. Một đời cầm bút và sáng tạo, Hoài Thanh đã để lại trong văn chương dấu ấn thật khó phai mờ. Dấu ấn độc đáo đó thể hiện trong quan niệm nghệ thuật, phương pháp phê bình, tính cách phê bình của Hoài Thanh. “Rồi người đời sẽ quên dần và quên hết các chức tước, các trọng trách mà ông đã giữ, để chỉ còn, và còn mãi mãi tác giả Thi nhân Việt Nam” (Phong Lê).