Thuyết minh thương hiệu cà phê Trung Nguyên

thuyet-minh-ve-thuong-hieu-ca-phe-trung-nguyen

Thuyết minh thương hiệu cà phê Trung Nguyên

  • Mở bài:

Nhắc đến cà phê Việt là nhắc đến cà phê Trung Nguyên. Từ một công ty nhỏ, thương hiệu cà phê Trung Nguyên nổi lên nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Việt Nam và tiến ra thế giới. Ngày nay, mặc dù xu hướng tiêu dùng cà phê đã thay đổi khá nhiều nhưng sản phẩm thương hiệu cà phê Trung Nguyên vẫn chiến thị phần rất lớn trong thị trường Việt Nam. Sự thành công của thương hiệu cà phê Trung Nguyên là một bài học lớn cho các doanh nhân muốn phát triển một thương hiệu từ các sản phẩm truyền thống hiện nay.

  • Thân bài:

Tập đoàn cà phê Trung Nguyên được thành lập bởi ông Đặng Lê Nguyên Vũ và vợ ông là bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Vốn có niềm say mê với cà phê, từ lâu, Đặng Lê Nguyên Vũ đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, thử nghiệm cách sản xuất và pha chế cà phê theo sở thích. Đến năm 1996, ông cùng vợ quyết định thành lập hãng Cà phê Trung Nguyên tại thành phố Buôn Ma Thuột. Hình thức kinh doanh của công ty lúc ban đầu là rang xay, pha trộn cà phê bột và mở các cơ sở kinh doanh cà phê trong thành phố Buôn Ma Thuột. Lợi thế về sự khác biệt của các sản phẩm cà phê đậm đà, cơ sở kinh doanh trang trí ấn tượng, cà phê Trung Nguyên thu hút khách hàng mạnh mẽ. Thương hiệu cà phê lớn mạnh nhanh chóng, vượt ra khỏi Đắc Lắc.

Năm 1998, công ty Trung Nguyên lần đầu tiên mở quán cà phê ở Thành phố Hồ Chí Minh theo mô hình nhượng quyền thương hiệu. Từ đó các quán cà phê nhượng quyền thương hiệu Trung Nguyên xuất hiện khắp mọi nơi trên toàn quốc. Thắng thế tại Thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Trung Nguyên lan tỏa ra toàn quốc với chiến lược kinh doanh táo bạo của Đặng Lê Nguyên Vũ.

Năm 2003, cùng với việc phát triển thương hiệu cà phê hòa tan G7, Trung Nguyên đã đột phá chiếm lĩnh thị trường cà phê Việt Nam. Có thể xem cà phê hòa tan G7 là một bước đi chiến lược của Trung Nguyên. Tập đoàn Trung Nguyên đã chuẩn bị rất kĩ lưỡng trước khi tung ra con át chủ bài này. Không những đầu tư về chất lượng sản phẩm mà các chương trình quảng cáo, tiếp thị cũng hết sức mạnh mẽ. Trong một thời gian ngắn cà phê G7 thâm nhập sâu vào thị trường, đánh bật sản phẩm của cà phê Vinacafe và Nestlé (vốn đã thâm nhập thị trường Việt Nam 100 năm tính đến 2012) ra khỏi quầy bán và gần như độc chiếm thị trường.

Cũng trong năm 2003, Trung Nguyên mở cửa hiệu bán cà phê tại Nhật Bản, tiến hành thử thách thương hiệu cà phê này tại thị trường thế giới. Với giá bán cao hơn cả cà phê Starbucks, Trung Nguyên muốn tạo một cú nhấn đối với khách hàng Nhật Bản về chất lượng đi đôi với giá cả. Nhưng thật đáng tiếc, lúc này, cà phê Trung Nguyên chưa thể khẳng định được vị trí của mình tại Nhật Bản.

Năm 2005, Trung Nguyên khánh thành nhà máy chế biến cà phê lớn nhất Việt Nam tại Bình Dương. Đây chính là thủ phủ của Cà phê Trung Nguyên, nơi cung ứng mọi sản phẩm cà phê của thương hiệu này.

Sau khi chiếm lĩnh gần như toàn bộ thị trường cà phê trong nước từ khâu cung ứng sản phẩm đến khâu bán hàng, Trung Nguyên bắt đầu hướng ra thị trường cà phê thế giới. Năm 2008, Trung Nguyên thực hiện bước đệm chinh phục thị trường cà phê thế giới khi thành lập văn phòng tại Singapore nhằm mục tiêu phát triển thị trường này thành một cứ điểm để phát triển thị trường nội dịa ASEAN và chinh phục thị trường cà phê toàn cầu. Đến năm 2010, Trung Nguyên có đơn hàng xuất khẩu cà phê ra thế giới.

Với chương trình tiếp thị mạnh mẽ cùng các chiến lược bán hàng thông minh, hiện nay, cà phê Trung Nguyên đã có mặt trên 60 quốc gia trên toàn cầu, tiêu biểu như tại Mỹ, Canada, Nga, Anh, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN…

Sự thành công của thương hiệu cà phê Trung Nguyên xuất phát từ nhiều yếu tố mang tính hợp thời. Đặng Lê Nguyên Vũ đã có cái nhìn rất đúng đắn về thị trường tiêu dùng và tương lai của các sản phẩm cà phê khi quyết định lập nghiệp với sản phẩm này. Ngoài việc sáng tạo ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, ông đã tận dụng được yếu tố dân tộc, xây dựng được tính cộng đồng và tạo ra xu hướng thưởng thức mới đối với người tiêu dùng. Ông Vũ cũng tận dụng được các khoảng trống trong thị trường cà phê Việt Nam và quyết định đầu tư một khoản tiền rất lớn, trong một thời gian ngắn lấp đầy các khoảng trống ấy để chiếm thị phần khiến cho các đối thủ không kịp trở tay. Ông đã thành công dù đó là bước đi hết sức nguy hiểm.

Kế đến áp dụng mô hình nhượng quyền thương hiệu là bước đi đột phá của Trung Nguyên. Bằng hình thức này, tập đoàn Trung Nguyên đã nhanh chóng có được những vị trí tốt nhất trên bản đồ cà phê Việt Nam. Thế nhưng, vì mở rộng quá nhanh bằng hình thức nhượng quyền, Trung Nguyên dần mất kiểm soát. Không đồng nhất về không gian bài trí, chất lượng phục vụ và giá cả ở các cơ sở kinh doanh khiến cà phê Trung Nguyên bị chỉ trích mạnh mẽ.

Ngày nay, dù vẫn cung ứng các sản phẩm cà phê, cơ sở kinh doanh hết sức rộng rãi nhưng thương hiệu cà phê Trung Nguyên có phần xuống dốc do những mâu thuẫn nội bộ gia đình của Đặng Lê Nguyên Vũ. Mặt khác, xu hướng thưởng thức cà phê rang xay nguyên chất trở nên phổ biến khiến cho các sản phẩm cà phê độc quyền của Trung Nguyên không còn được ưu chuộng như trước nữa. Thị trường cà phê có xu hướng chia đều cho các thương hiệu cà phê.

Trong sự nghiệp phát triển, cà phê Trung Nguyên nhận được nhiều danh hiệu cao quý như: Giải thưởng hàng Việt Nam chất lượng cao; Cà phê Trung Nguyên được Bộ Ngoại giao chọn là “Đại sứ Ngoại giao Văn hóa”; Thương hiệu cà phê được người tiêu dùng Việt Nam yêu thích nhất; Chứng nhận Doanh nghiệp xuất sắc châu Á – Thái Bình Dương năm 2014.

  • Kết bài:

Có thể thấy trong những năm gần đây, thị trường cà phê trong nước gần như đang bị bão hòa. Thời kì phát triển huy hoàng của “ông hoàng cà phê” Trung Nguyên đã qua đi từ lâu. Trung Nguyên tiếp tục giữ gìn bản sắc của mình nhưng trong tương lai, bản sắc ấy có tiếp tục chinh phục khách hàng hay không, đó là một bài toán cần tính toán kĩ lưỡng.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.