Tiểu thuyết là gì?

tieu-thuyet-la-gi

Tiểu thuyết là gì?

I. Khái niệm.

Tiểu thuyết (novel): là một thể loại văn xuôi có hư cấu, thông qua nhân vật, hoàn cảnh, sự việc để phản ánh bức tranh xã hội rộng lớn và những vấn đề của cuộc sống con người, biểu hiện tính chất tường thuật, tính chất kể chuyện bằng ngôn ngữ văn xuôi theo những chủ đề xác định.

Trong văn học phương Đông, danh từ tiểu thuyết xuất hiện khá sớm nhằm phân biệt với hai thể loại cơ bản khác là đại thuyếttrung thuyết. Đại thuyết là kinh sách của các thánh nhân viết như “Kinh Thư”, “Kinh Thi” của Khổng Tử, đó là loại sách mang nặng tính triết học, gần như chân lý, kiểu khuôn vàng thước ngọc và rất khó đọc. Trung thuyết do các hiền sư, sử gia thực hiện như “Sử ký” của Tư Mã Thiên. Còn tiểu thuyết, vốn chỉ những chuyện vụn vặt, đời thường. Những chuyện ấy cùng với cổ tích, ngụ ngôn là những mầm mống của tiểu thuyết phương Đông. “Thuỷ Hử” và “Hồng Lâu Mộng” là một trong những số đó.

Theo quan niệm trước đây, đặc biệt là quan niệm của Trung Quốc và Nhật Bản, tiểu thuyết bao gồm có hai loại chính là tiểu thuyết đoản thiên hay truyện ngắn, thậm chí là “vi hình tiểu thuyết” (truyện cực ngắn, truyện siêu ngắn) hay “truyện trong lòng bàn tay“) và tiểu thuyết trường thiên (truyện dài). Tuy nhiên hiện nay, ở Việt Nam, khi nói đến tiểu thuyết, độc giả thường hiểu đó là tác phẩm truyện dài.

Ở một số ngôn ngữ phương Tây, từ tiểu thuyết có nguồn gốc từ tiếng Latinh, mang nghĩa chuyện mới (novel). Song song với tiến trình này, văn học hiện đại thế giới cũng cho thấy những nguyên lý của tiểu thuyết chi phối hầu hết các tác phẩm tự sự khác nên sự phân biệt bản chất thể loại ở các truyện cụ thể trở nên ngày càng khó khăn.

II. Đặc điểm.

a. Tính chất văn xuôi.

Là một thể loại cao cấp nhất thuộc phương thức tự sự, tính chất văn xuôi, vì vậy, trở thành đặc trưng tiêu biểu cho nội dung của thể loại. Tính chất đó đã tạo nên trường lực mạnh mẽ để thể loại dung chứa toàn vẹn hiện thực, đồng hóa và tái hiện chúng trong một thể thống nhất với những sắc màu thẩm mỹ mới vượt lên trên hiện thực, cho phép tác phẩm phơi bày đến tận cùng sự phức tạp muôn màu của hiện thực đời sống.

b. Nghệ thuật kể chuyện.

Giống như các hình thái tự sự khác như truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết lấy nghệ thuật kể chuyện làm giọng điệu chính của tác phẩm. Thông thường ở tác phẩm xuất hiện người kể chuyện như một nhân vật trung gian có nhiệm vụ miêu tả và kể lại đầu đuôi diễn biến của chuyện. Tuy sự tồn tại của yếu tố này là ước lệ nghệ thuật của nhiều thể loại thuộc tự sự, nghệ thuật kể chuyện của tiểu thuyết vẫn cho thấy sự đa dạng đặc biệt về phong cách: có thể thông qua nhân vật trung gian, có thể là nhân vật xưng “tôi”, cũng có thể là một nhân vật khác trong tác phẩm, tạo nên các tác phẩm có một điểm nhìn trần thuật. Hiện nay, một trong những xu hướng tìm tòi đổi mới tiểu thuyết là việc tăng thêm các điểm nhìn ở tác phẩm, khi vai trò của nhân vật trung gian hoặc nhân vật xưng “tôi” được “san sẻ” cho nhiều nhân vật trong cùng một tác phẩm.

c. Khả năng phản ánh toàn vẹn hiện thực.

Đặc trưng lớn nhất của tiểu thuyết chính là khả năng phản ánh toàn vẹn và sinh động đời sống theo hướng tiếp xúc gần gũi nhất với hiện thực. Là một thể loại lớn tiêu biểu cho phương thức tự sự, tiểu thuyết có khả năng bao quát lớn về chiều rộng của không gian cũng như chiều dài của thời gian, cho phép nhà văn mở rộng tối đa tầm vóc của hiện thực trong tác phẩm của mình.

Ở phương diện khác, tiểu thuyết là thể loại có cấu trúc linh hoạt, không chỉ cho phép mở rộng về thời gian, không gian, nhân vật, sự kiện mà còn ở khả năng dồn nhân vật và sự kiện vào một khoảng không gian và thời gian hẹp, đi sâu khai thác cảnh ngộ riêng và khám phá chiều sâu số phận cá nhân nhân vật.

d. Hư cấu nghệ thuật.

Hư cấu nghệ thuật cũng được coi là một đặc trưng của thể loại, là một thao tác nghệ thuật không thể thiếu trong tư duy sáng tạo của tiểu thuyết. Hư cấu cho phép tác phẩm tái hiện những thời đại lịch sử phát triển trong câu chuyện hư cấu, không hiện thực như sử học, và những nhân vật hoàn toàn không bị lệ thuộc bởi nguyên mẫu ngoài đời như những tác phẩm thuộc thể ký. Trong vô vàn những gương mặt đời thường và giữa muôn ngàn biến cố của lịch sử, nhà văn khi trước tác một tác phẩm tiểu thuyết đã thực hiện những biện pháp nghệ thuật đồng hóa và tái hiện bức tranh đời sống bằng phương thức chọn lọc, tổng hợp và sáng tạo. Khi đó, hư cấu nghệ thuật, đối với tiểu thuyết đã trở thành yếu tố bộc lộ rõ rệt phẩm chất sáng tạo dồi dào của nhà văn.

e. Tính đa dạng về sắc độ thẩm mỹ.

Tính đa dạng về màu sắc thẩm mỹ cũng là một đặc trưng tiêu biểu của thể loại. Các thể loại văn học khác thường chỉ tiếp nhận một sắc thái thẩm mỹ nào đó để tạo nên âm hưởng của toàn bộ tác phẩm, như bi kịch là cái cao cả, hài kịch là cái thấp hèn, thơ là cái đẹp và cái lý tưởng. Ở tiểu thuyết không diễn ra quá trình chọn lựa màu sắc thẩm mỹ khi tiếp nhận hiện thực mà nội dung của nó thể hiện sự pha trộn, chuyển hóa lẫn nhau của các sắc độ thẩm mỹ khác nhau: cái cao cả bên cái thấp hèn, cái đẹp bên cái xấu, cái thiện lẫn cái ác, cái bi bên cạnh cái hài v.v.

g. Bản chất tổng hợp.

Ở phương diện cuối cùng, tiểu thuyết là một thể loại mang bản chất tổng hợp. Nó có thể dung nạp thông qua ngôn từ nghệ thuật những phong cách nghệ thuật của các thể loại văn học khác như thơ (những rung động tinh tế), kịch (xung đột xã hội), ký (hiện thực đời sống); các thủ pháp nghệ thuật của những loại hình ngoại biên như hội họa (màu sắc), âm nhạc (thanh âm), điêu khắc (sự cân xứng, chi tiết), điện ảnh (khả năng liên kết các bức màn hiện thực); và thậm chí cả các bộ môn khoa học khác như tâm lý học, phân tâm học, đạo đức học và các bộ môn khoa học tự nhiên, khoa học viễn tưởng khác. v.v. Nhiều thiên tài nghệ thuật đã định hình phong cách từ khả năng tổng hợp này của thể loại, như Lev Tolstoy với tiểu thuyết-sử thi, Fyodor Dostoevsky với thể loại tiểu thuyết-kịch, Mikhail Sholokhov với tiểu thuyết anh hùng ca-trữ tình, Romain Rolland với tiểu thuyết-giao hưởng v.v

h. Kết cấu.

Tiểu thuyết có nhiều dạng thức kết cấu tùy theo yêu cầu của đề tài, chủ đề hoặc theo sở trường của người viết. Thậm chí người ta còn cho rằng, về nguyên tắc, tiểu thuyết không có một hình thức thể loại hoàn kết, bởi vì nó là “sử thi của thời đại chúng ta”, tức là sử thi của cái hiện tại, cái đang hàng ngày hàng giờ đổi thay, bởi vì điều quan trọng đối với nó là sự tiếp xúc tối đa với cái thực tại dang dở “chưa xong xuôi”, cái thực tại đang thành hình, cái thực tại luôn bị đánh giá lại, tư duy lại.

Tuy thường gặp những kết cấu chương hồi, kết cấu tâm lý, kết cấu luận đề, kết cấu đơn tuyến, kết cấu đa tuyến v.v. tiểu thuyết vẫn không chịu được những chế định chặt chẽ, nó không có quy phạm cố định và người viết thậm chí có thể phá vỡ những khuôn mẫu sẵn có để vận dụng một cách linh hoạt và sáng tạo các hình thức kết cấu khác nhau. Kết cấu cho phép tạo nên một diện mạo chung nhất về tiểu loại: tiểu thuyết chương hồi, tiểu thuyết tâm lý, tiểu thuyết luận đề, tiểu thuyết đa thanh v.v.

III. Phân loại.

Phân chia loại thể tiểu thuyết theo nội dung, đề tài đã có từ xa xưa trong lịch sử văn học các nước phương Tây cũng như phương Đông.

a. Trung Quốc

Các tài liệu về lịch sử tiểu thuyết ở Trung Quốc nói đến các loại tiểu thuyết sau:

– Tiểu thuyết chí quái: những tác phẩm kể những chuyện quái dị. Có thể kể đến “Sưu Thần Ký”, “Liệt dị truyện đời Lục Triều”.

– Tiểu thuyết chí nhân: ghi về lời nói, việc làm của người thường có ý nghĩa tiêu biểu, như Thế thuyết tân ngữ.

– Tiểu thuyết truyền kỳ: thịnh hành thời Đường, Tống, Nguyên, Minh, như “Cổ kính ký”, “Bạch Viên truyện”, “Tiễn đăng tân thoại”, “Ngu sơ tân chí”.

– Tiểu thuyết thoại bản: phát triển vào đời Tống, Nguyên, Minh, tiêu biểu là các tác phẩm của Phùng Mộng Long, Lăng Mông Sơ.

– Tiểu thuyết chương hồi: những tiểu thuyết trường thiên bao gồm nhiều hồi, đầu mỗi hồi có “hồi mục”, là một hoặc hai câu thất ngôn dự báo tình tiết chính của hồi, mỗi hồi viết về một sự kiện chủ yếu và kết thúc hồi có lời dẫn dắt đến hồi tiếp. Căn cứ theo dung lượng có thể chia tiểu thuyết chương hồi thành loại lớn (100 hồi trở lên) và loại nhỏ (khoảng 2-3 chục chương hồi trở lại). Loại lớn thường bao gồm tiểu thuyết diễn nghĩa lịch sử như Tam quốc diễn nghĩa, Đông Chu liệt quốc, Tây Hán diễn nghĩa; tiểu thuyết truyền kỳ anh hùng như Thủy hử; tiểu thuyết thần ma như Tây du ký; tiểu thuyết tình đời như Kim Bình Mai, Hồng Lâu Mộng; tiểu thuyết châm biếm như Chuyện làng Nho; tiểu thuyết công án như Long đồ công án; tiểu thuyết võ hiệp như truyện kiếm hiệp, tiền thân của những tác phẩm tiểu thuyết Kim Dung sau này. Tiểu thuyết chương hồi loại nhỏ có thể bao gồm tiểu thuyết tài tử giai nhân kể những mối tình của trai gái, thể hiện ước mơ hạnh phúc lứa đôi; tiểu thuyết khiển trách vạch trần những ung nhọt xã hội như tác phẩm Quan trường hiện hình ký.

b. Phương Tây.

Tiểu thuyết ở phương Tây xuất hiện đa dạng tùy theo đặc điểm văn học dân tộc. Tuy nhiên, thường thấy các thể sau:

– Tiểu thuyết hiệp sĩ (chevalric romance): là thể loại văn học tao nhã thời trung đại xuất hiện ở Trung và Nam Âu, nhân vật chính là hiệp sĩ đi lập công vì vinh quang và vì người tình. Tiêu biểu là các tiểu thuyết về vua Arthur, câu chuyện Tristan và Iseut v.v..

– Tiểu thuyết du đãng (picaresque novel): nhân vật trung tâm là những kẻ bợm nghịch xuất thân từ dưới đáy xã hội, thường có óc thông minh, hài hước, hay chơi khăm ông chủ bà chủ. Có thể kể đến tác phẩm Gil Blas ở Santillanne của Alain-René Lesage.

– Tiểu thuyết kinh dị (gothic novel): xuất hiện ở Anh vào cuối thế kỷ XVIII, với cốt truyện kết hợp các motif kinh dị, cạm bẫy, hồn ma, sức mạnh siêu nhiên với niềm hoài niệm quá vãng. Nhà văn Mỹ Edgar Allan Poe sau này đã tiếp tục với loại thể tiểu thuyết này trong nhiều tác phẩm của mình.
Tiểu thuyết trinh thám (roman detective): nhân vật chính là thám tử, cốt truyện là điều tra vụ án, tình tiết được giữ bí mật cho đến kết thúc tác phẩm. Tiêu biểu là tác phẩm của Sir Arthur Conan Doyle.

– Tiểu thuyết lịch sử (historical novel): lấy nhân vật, sự kiện lịch sử là đề tài, tuy có hư cấu một số nhân vật hay tình tiết phụ nhưng về cơ bản là tôn trọng sự thật lịch sử. “Chiến tranh và hòa bình” của Lev Tolstoy, “Sông đông êm đềm” của Sô-lô-khốp thuộc dạng này.

– Tiểu thuyết giáo dục: học hỏi, kể về quá trình trưởng thành của một con người như David Copperfield của Charles Dickens.

– Tiểu thuyết luận đề (problem novel): thông qua nhân vật và sự kiện trình bày một vấn đề chủ yếu.
Tiểu thuyết tâm lý (psychological fiction): đặt trọng tâm ở miêu tả diễn biến tâm lý, động cơ, cảnh ngộ của nhân vật. Các tiểu thuyết của Henry James thuộc dạng này.

– Tiểu thuyết tự truyện (autobiographical novel): nhà văn tự kể lại đời mình một cách khách quan, trung thực, thịnh hành ở thế kỷ XIX như bộ ba tác phẩm Thời thơ ấu, Kiếm sống, Những trường đại học của tôi của Maksim Gorky.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.