tinh-huong-truyen-la-gi

Tình huống truyện là gì?

Tình huống truyện là gì?

I. Khái niệm tình huống truyện.

– Tình huống truyện là hoàn cảnh riêng, tình thế xảy ra truyện, là khoảnh khắc được tạo nên bởi một sự kiện đặc biệt trong truyện khiến tại đó, cuộc sống hiện lên đậm đặc nhất và ý đồ tư tưởng của tác giả cũng được bộc lộ sắc nét nhất.

– Đó là tình huống chứa đựng những mâu thuẫn, những điều “bất thường” éo le, nghịch lý trong cuộc sống thường ngày của nhân vật. Từ đó tạo nên một hoàn cảnh, tình thế cho nhân vật, bắt buộc nhân vật phải có sự lựa chọn, thể hiện rõ tư tưởng, tâm lý, hành động của nhân vật.

II. Đặc điểm.

– Tình thế đặc biệt của truyện (trước và sau đó không vậy) được tạo nên bởi một sự kiện đặc biệt có liên quan sâu sắc đến nhân vật trung tâm của truyện.

– Tình thế đặc biệt đó thể hiện dụng công nghệ thuật của tác giả nhằm làm cho cuộc sống trong tác phẩm hiện lên đậm đặc nhất và ý đồ tư tưởng của tác giả cũng được bộc lộ sắc nét nhất, tính cách nhân vật cũng bộc lộ chân xác nhất.

– Tình huống truyện thường có vai trò gây đột biến, tạo ra bước ngoặt, sự biến đổi bất ngờ trong cuộc đời, trong tâm trạng hoặc nhận thức của nhân vật.

– Tình huống truyện có khi diễn ra rất nhanh gắn với một thời điểm tức thời của truyện nhưng có khi lại diễn ra trong cả một quá trình vận động của nhân vật.

– Không phải loại tình huống truyện nào cũng dễ nhận ra và đều hiển hiện rõ trên bề mặt sự kiện của tác phẩm. Những tình huống gắn với tâm trạng hay nhận thức của nhân vật thường không rõ bằng những tình huống thuộc loại hành động.

III. Mục đích khi sử dụng tình huống truyện.

– Tình huống truyện miêu tả tình thế đặc biệt của truyện (tình huống bất ngờ trong khi trước và sau tình huống đó không xảy ra hoặc không xảy ra lại) được tạo nên bởi một sự kiện hoặc sự việc bất ngờ, đặc biệt có liên quan mật thiết tới nhân vật chính của truyện.

– Tình thế đặc biệt là cách tạo nên điểm nhấn mà tác giả muốn nhấn mạnh tới nhằm làm cho suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của nhân vật được làm nổi bật và đc bộc lộ một cách chân thực nhất.

– Tình huống truyện đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên sự đột biến, tạo nên bước ngoặt, tạo sự bất ngờ trong cuộc sống của nhân vật từ đó bộc lộ toàn bộ tính cách hay những đặc điểm đặc biệt của nhân vật chính một cách tự nhiên và chân thật nhất.

– Tình huống truyện thường có tiết tấu rất nhanh gắn với một thời điểm tức thời trong cốt truyện nhưng cũng có trường hợp tình huống truyện lại xuyên suốt quá trình hành động của nhân vật chính.

– Không phải tất cả các loại tình huống truyện nào cũng dễ dàng có thể nhìn hay thể hiện rõ ở bề mặt của sự kiện trong truyện. Những tình huống truyện gắn liền với tâm trạng, tính cách của nhân vật thường không được biểu hiện một cách rõ nét giống như tình huống truyện thể hiện hành động của nhân vật.

IV. Phân loại tình huống truyện.

Cách phân chia các loại tình huống truyện không phải bao giờ cũng rõ ràng. Có truyện thiên về loại tình huống truyện này nhưng có loại thiên về loại tình huống truyện khác. Có 3 loại tình huống truyện thường được các tác giả chú tâm xây dựng:

1. Tình huống hành động.

Là loại sự kiện đặc biệt mà trong đó nhân vật bị đẩy tới một tình thế (thường là éo le) chỉ có thể giải quyết bằng hành động. Tình huống này thường hướng tới một kiểu nhân vật: Nhân vật hành động. Tức là loại nhân vật chủ yếu được hiện lên bằng hệ thống hành vi, hành động của nó, các bình diện khác ít được quan tâm. Do đó, nó quyết định đến diện mạo của toàn truyện: truyện ngắn giàu kịch tính.

2. Tình huống tâm trạng.

Đó là sự kiện đặc biệt của đời sống mà ở đó nhân vật rơi vào một tình thế làm nảy sinh một biến động nào đó trong thế giới tình cảm. Tình huống này thường dẫn tới một kiểu nhân vật là: con người tình cảm. Nghĩa là kiểu nhân vật được hiện lên chủ yếu bằng thế giới nội cảm của nó, nhà văn tạo dựng nên hình tượng nhân vật chủ yếu bằng một hệ thống chất liệu là cảm giác, cảm xúc với các phức hợp khác nhau của chúng. Còn các khía cạnh khác (như ngoại hình, hành động, lí tính…) ít được quan tâm. Và vì thế, nó quyết định đến diện mạo của toàn truyện: truyện ngắn trữ tình.

3. Tình huống nhận thức.

Đó là sự kiện đặc biệt của đời sống mà tại đó nhân vật được đẩy tới một tình thế bất thường: đối mặt với một bài học nhận thức, bật lên một vấn đề (về nhân sinh, về nghệ thuật) cần phải vỡ lẽ, giác ngộ. Kiểu nhân vật của dạng tình huống này đương nhiên là: nhân vật tư tưởng. Nghĩa là kiểu nhân vật được khai thác chủ yếu ở đời sống nhận thức lí tính của nó. Chất liệu cơ bản để dệt nên nhân vật là hệ thống những quan sát, phân tích, suy lí, đúc kết, chiêm nghiệm,… Mà trường hợp đậm đặc nhất là mỗi nhân vật giống như một tư tưởng được nhân vật hoá vậy. Diện mạo của loại truyện ngắn này cũng đương nhiên là nghiêng về triết luận.

Sự phân loại như trên là tương đối. Viêc nhận diện chỉ dựa vào sự nổi trội của yếu tố nào đó để xác định tác phẩm truyện ngắn có tình huống truyện hành động, tình huống truyện tâm trạng hay tình huống truyện nhận thức.

V. Vai trò của tình huống truyện trong tác phẩm.

Tình huống truyện có vai trò hết sức quan trọng, được ví như “cái chìa khóa vận hành cốt truyện”. Vai trò cụ thể của tình huống truyện như sau:

– Từ tình huống truyện, các sự kiện, biến cố của cốt truyện được phát triển.

– Qua tình huống truyện, tính cách nhân vật được bộc lộ rõ nét.

– Việc giải quyết những mâu thuẫn, xung đột trong tình huống truyện sẽ bộc lộ rõ tư tưởng chủ đề của tác phẩm và dụng ý nghệ thuật của tác giả.

– Việc sáng tạo nên các tình huống độc đáo biểu hiện khả năng quan sát, khám phá bản chất cuộc sống, bản chất con người của nhà văn.

VI. Phương pháp tiếp cận tình huống truyện.

Từ những nội dung lí thuyết trình bày trên đây, ít nhất có thể rút ra những ý nghĩa phương pháp luận đối với việc tiếp cận sau: với người đọc, bước vào một truyện ngắn tuy không thể bỏ qua việc phân tích tìm hiểu các thành tố khác cấu thành cái thực thể sinh động là truyện ngắn (như nhân vật, cảnh vật, cốt truyện, kết cấu, ngôn ngữ…), nhưng nếu chưa nắm được tình huống thì coi như chưa nắm được chiếc chìa khoá quan trọng nhất để mở vào thế giới bí ẩn của truyện ngắn ấy. Đọc vào truyện ngắn thì điều tối quan trọng là phải đọc cho ra tình huống truyện của nó.

Có thể hình dung về qui trình tiếp cận tình huống với các bước chính như sau:

Bước 1. Xác định tình huống truyện.

– Thao tác 1. Đặt câu hỏi: Sự kiện nào bao trùm và chi phối toàn bộ thiên truyện này? Hay Sự kiện bao trùm nào đã giúp tác giả dựng lên toàn bộ truyện ngắn này?…

– Thao tác 2. Tổng hợp các tình tiết: Lướt qua những tình tiết chính và xác định: một trong các tình tiết ấy đóng vai trò bao trùm, chi phối quán xuyến toàn truyện, hay chúng chỉ là những thành tố nối kết với nhau để làm thành một sự kiện lớn hơn, sự kiện ấy mới trùm lên tất cả? Đáng chú ý nhất ở đấy là cái tình thế bất thường nào đó mà chúng chứa đựng.

– Thao tác 3. Tìm tên gọi để định danh: Đây là khâu khá then chốt, chưa tìm được tên thích hợp thì xem như tình huống vẫn còn nằm ngoài tầm tay của ta vậy.

Bước 2. Phân tích tình huống.

Cần tiến hành phân tích các bình diện cơ bản sau đây:

– Diện mạo của tình huống (bình diện không gian)

– Diễn biến của tình huống (bình diện thời gian)

– Mối liên kết của tình huống với các khâu khác của tác phẩm (chi phối đến tổ chức hình thức của văn bản nghệ thuật truyện ngắn)

Bước 3. Rút ra ý nghĩa của tình huống.

Tức là rút ra các thông điệp thẩm mĩ mà tình huống chứa đựng:

– Về quan niệm: Toát lên quan niệm gì về nhân sinh, thẩm mĩ?

– Về cảm xúc: Chứa đựng cảm xúc chủ đạo gì?

Xem thêm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang