Trường ca.
Trường ca là tác phẩm thơ có dung lượng lớn, thường có cốt truyện tự sự hoặc trữ tình. Trường ca (poème) cũng được dùng để gọi các tác phẩm sử thi (épopée) thời cổ và thời trung đại, khuyết danh hoặc có tác giả.
Cho đến nay người ta đã biết nhiều dạng thể loại trường ca: trường ca anh hùng, trường ca châm biếm, trường ca có cốt truyện lãng mạn, trường ca mang tính kịch trữ tình,… Được coi như nhánh chủ đạo của thể loại là những trường ca thể hiện đề tài lịch sử toàn dân hoặc đề tài lịch sử toàn thế giới (đề tài tôn giáo) của Viếc-gin, “Thần khúc” của Đan-tê, “Lu-xi-át” của L.Ca-mo-en-xơ, “Giải phóng Giê-ru-da-lem” của T.Ta-xô, Thiên đường đã mất của Gi.Min-tơn,…).
Một nhánh khác, rất có ảnh hưởng trong lịch sử thể loại là trường ca với những đặc điểm cốt truyện lãng mạn (“Dũng sĩ áo da hổ” của Sô-ta Rút-xta-ven-li, “Chàng Ro-lăng cuồng nộ” của L. A-ri-ô-xtô) vốn gắn với truyền thống tiểu thuyết hiệp sĩ trung đại. Dần dần trong trường ca các đề tài cá nhân, triết lý đạo đức được đề lên hàng đầu, các yếu tố kịch – trữ tình được tăng cường, các truyền thống dân gian được phát hiện và khai thác. Đây là đặc điểm của các trường ca tiền lãng mạn (của Gi. Mác-phéc-xơn, U. Xcốt).
Thời thịnh vượng của trường ca là thời chủ nghĩa lãng mạn, nhiều trường ca có giá trị xuất hiện ở nhiều nước. Các tác phẩm trường ca chiếm vị trí đỉnh cao của thể loại thời kì này thường nghiêng về tính triết lí – xã hội (Gi. Bai-rơn, A. Pu-skin, A. Mi-xki-ê-vích, M. Léc-man-tốp, H. Hai-nơ).
Nửa sau thế kỷ 19, lúc thể loại đang suy thoái, vẫn xuất hiện một số trường ca lãng mạn xuất sắc như “The Song of Hiawatha” (Bài ca về Hiawatha) của Henry Wadsworth Longfellow, đồng thời có sự xuất hiện của những trường ca theo xu hướng hiện thực như “Thần băng giá mũi đỏ” (Mороз, Красный нос) và “Ai được sống sung sướng ở Nga” (Кому на Руси жить хорошо) của Nikolay Alexeyevich Nekrasov.
Sang thế kỷ 20, trường ca thường phát triển theo hướng trữ tình, tâm lý, triết lý; các xúc cảm riêng tư đặt trong liên hệ với những chấn động lịch sử, trong khi đó yếu tố cốt truyện được giảm xuống thậm chí tương đối mờ nhòe. Điển hình cho loại thể là các trường ca “Đám mây mặc quần” (Облако в штанах) của Vladimir Vladimirovich Mayakovsky, “Hội ngộ lần đầu” của Andrei Belyi, “Đầu tường” và “Trong bão” của Robert Frost, “Những vật chuẩn” của Saint-John Perse…
Cuối thế kỷ XX, lúc thể loại đang suy thoái, vẫn xuất hiện một số trường ca xuất sắc đồng thời cũng có những trường ca theo xu hướng hiện thực (N.Nhê-cra-xốp).
Dù không thể trở lại thời hoàng kim như những năm đầu thế kỷ 19, nhưng trường ca, với tư cách một thể loại tổng hợp, trữ tình-tự sự, hoành tráng, cho phép kết hợp những chấn động lớn, những xúc cảm trầm sâu và những quan niệm về lịch sử, vẫn chiếm được vị trí nhất định trong thi ca thế giới, là thể loại mà bất cứ nhà thơ lớn nào cũng đều muốn thử sức.
Ở Việt Nam các truyện thơ dài như “Truyện Kiều”, “Tiễn dặn người yêu”,… được gọi là truyện thơ, các tác phẩm trữ tình dài được gọi là ngâm khúc. Tên gọi “trường ca” một thời dùng chỉ các sử thi dân gian như “Đam Săn”, nay thường được dùng để chỉ sáng tác thơ dài của các tác giả như “Bài ca chim chơ rao” của Thu Bồn, “Theo chân Bác” của Tố Hữu