Tư tưởng yêu nước trong bài thơ “Nam quốc sơn hà” và “Tụng giá hoàn kinh sư”.
Tinh thần yêu nước là một nội dung lớn của văn học nói chung, của thơ trữ tình trung đại Việt Nam nói riêng, nội dung yêu nước được thể hiện qua thơ trung đại rất phong phú và đa dạng… Nội dung yêu nước thể hiện ở hai tác phẩm Sông núi nước Nam và Phò giá về kinh: Khẳng định chủ quyền lãnh thổ, nêu cao ý chí quyết tâm bảo vệ đất nước;thể hiện hào khí chiến thắng và khát vọng thái bình,thịnh trị của dân tộc.
1. Tinh thần yêu nước trong tác phẩm “Nam Quốc Sơn Hà”:
– Tinh thần yêu nước được thể hiện ở sự khẳng định chủ quyền lãnh thổ:
Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
(Sông núi nước Nam vua Nam ở
Vằng vặc sách trời chia xứ sở)
Sông núi, lãnh thổ nước Nam là của vua nước Nam cai quản. Điều thiêng liêng ấy đã được phân định rõ ràng ở sách trời. “Nam quốc sơn hà’’: Nước Nam có lãnh thổ, cương vực rõ ràng không phải một quận huyện của Trung Hoa. Nói “Nam quốc” cũng ngang hàng với Bắc quốc, thể hiện rõ chủ quyền độc lập của ta. Ý thức về chủ quyền có lẽ được thể hiện rõ nhất trong cụm từ “Nam đế cư”, nghĩa là nước Nam có vua, có quốc chủ. ở đây tác giả dùng chữ “đế” chứ không phải chữ “vương” thể hiện sự ngang hàng, bình đẳng với hoàng đế Trung Hoa. Cách xưng hô đó còn chứng tỏ ý thức độc lập dân tộc, tự cường không phụ thuộc vào nước lớn của Đại Việt ta.
Chủ quyền của dân tộc Đại Việt ta càng trở nên vững vàng hơn khi được ghi nhận một cách rõ ràng, dứt khoát như thế tại sách trời. Tạo hóa , tự nhiên đã công nhận như vậy. Đó là một chân lý hiển nhiên không thể chối bỏ.
– Tinh thần yêu nước thể hiện ở ý chí quyết tâm bảo vệ đất nước:
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
(Giặc dữ cớ sao phạm đến đây
Chúng mày nhất định phải tan vỡ)
Giọng thơ mạnh mẽ, hàm ý răn đe cảnh cáo quân giặc sẽ thất bại thảm hại và thể hiện niềm tin chiến thắng của nhân dân ta. Chúng sẽ phải chịu kết cục thê thảm, nhục nhã như một lẽ tất yếu bởi chúng đi ngược lại đạo trời, làm trái đạo lí. Đó cũng là lời thề non sông của vua tôi Đại Việt quyết đánh tan bất cứ kẻ thù xâm lược nào, dẫu chúng mạnh đến dâu, tàn bạo và nham hiểm đến cỡ nào.
Bài thơ được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc.
2. Tinh thần yêu nước trong Tụng giá hoàn kinh sư:
– Tinh thần yêu nước thể hiện ở hào khí chiến thắng:
Đoạt sáo Chương Dương độ
Cầm hồ Hàm Tử quan
(Chương Dương cướp giáo giặc
Hàm Tử bắt quân thù)
Nhịp thơ khẩn trương, mạnh mẽ, chỉ vẻn vẹn mười chữ nhưng lượng thông tin dồn nén. Những động từ mạnh được đảo lên đầu câu thơ: đoạt, cầm đã diễn tả một cách sinh động thế chủ động áp đảo đầy uy lực của quân đội nhà trần trước kẻ thù. Trong cái thế vũ bão của quân dân ta, hình ảnh kẻ thù trở nên bạc nhược, đáng khinh. Hai câu thơ ngắn gọn có tới bốn tiếng nói về địa danh: Chương Dương và Hàm Tử. Đó là những địa danh hào hùng gắn với những chiến công giòn giã làm đảo ngược tình thế. Hơi thở của hào khí Đông Á còn vang dội, niềm hân hoan, phấn khởi như đang truyền đến từng người.
– Tinh thần yêu nước thể hiện ở khát vọng thái bình, thịnh trị của dân tộc:
Thái bình tu trí lực
Vạn cổ thử giang san
(Thái bình nên gắng sức
Non nước ấy ngàn thu).
Đất nước đã sạch bóng quân thù, nền thái bình đang mở ra một tương lai tươi sáng hơn cho dân tộc, nhưng tác giả vẫn không quên nhắc nhở về nhiệm vụ trước mắt và cũng là nhiệm vụ lâu dài: “Thái bình tu trí lực”– Nghĩa là gắng sức đem tài trí, đem sức người, sức của ra xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh. Lời thơ của Trần Quang Khải nhắn nhủ tới mỗi chúng ta bài học cảnh giác hết sức sâu sắc và truyền tới mỗi người đọc niềm tin vào sức mạnh tự cường sẽ xây dựng non sông “nghìn thuở vững âu vàng”.