van-ban-nhung-cau-hat-cham-biem-day-du-ngu-van-7

Văn bản: Những câu hát châm biếm (đầy đủ) – SGK Ngữ văn 7

Những câu hát châm biếm

Văn bản:

1. Cái cò lặn lội bờ ao
Hỡi cô yếm đào[1] lấy chú tôi chăng?
Chú tôi hay tửu hay tăm[2],
Hay nước chè đặc, hay nằm ngủ trưa.
Ngày thì ước những ngày mưa[3].
Đêm thì ước những đêm thừa trống canh[4].

2. Số cô chẳng giàu thì nghèo
Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà.
Số cô có mẹ có cha
Mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông.
Số cô có vợ có chồng,
Sinh con đầu lòng, chẳng gái thì trai.

3. Con cò chết rũ trên cây,
Cò con mở lịch xem ngày làm ma.
Cà cuống uống rượu la đà,
Chim ri ríu rít bò ra lấy phần.
Chào mào thì đánh trống quân,
Chim chích cởi trần, vác mõ đi rao.

4. Cậu cai nón dấu lông gà,
Ngón tay đeo nhẫn gọi là cậu cai.
Ba năm được một chuyến sai,
Áo ngắn đi mượn, quần dài đi thuê.

Đọc thêm:

1. Chập chập thôi lại cheng cheng,
Con gà trống thiến để riêng cho thầy.
Đơm xôi thì đơm cho đầy,
Đơm vơi thì thánh nhà thầy mất thiêng!

2. Con mèo mà trèo cây cau,
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà.
Chú chuột đi chợ đường xa.
Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo.

3. Đồn rằng quan tướng có danh

Cưỡi ngựa một mình chẳng phải vịn ai
Ban khen rằng: Ấy mới tài
Ban cho cái áo với hai đồng tiền
Đánh giặc thì chạy vào tiên
Xông vào trận tiền cởi khố giặc ra
Giặc sợ, giặc chạy về nhà
Trở về gọi mẹ mổ gà khao quân

Khảo dị:

Đồn rằng quan trạng có danh
Cưỡi ngựa một mình chẳng phải vịn ai
Vua khen quan tướng có tài
Ban cho cái áo với hai đồng tiền
Đánh giặc thì chạy trước tiên
Xông ra trận tiền cởi khố giặc ra
Giặc sợ, giặc chạy về nhà
Trở về gọi mẹ mổ gà khao quân

Chú thích:

[1] Cô gái mặc yếm màu hoa đào (yếm: đồ mặc lót che ngực của phụ nữ thời xưa).
[2] Tửu: rượu; tăm: bọt sủi lên; đây là cách nói hoán dụ, dùng ghép với từ tửu để chỉ rượu.
[3] Ý nói để khỏi phải đi làm.
[4] Mỗi đêm có năm canh, sau mỗi canh có điểm trống; ước đêm nhiều (thừa) trống canh để được ngủ thêm.

Nguồn:
1. Nguyễn Xuân Kính, Đăng Nhật Phan, Kho tàng ca dao người Việt, NXB Văn hoá thông tin, 2001
2. Mã Giang Lân, Tục ngữ và ca dao Việt Nam, NXB Giáo dục, 1999 (tái bản lần thứ 5)
3. SGK Ngữ văn 7 (tập I), NXB Giáo dục, 2005.

I. Đọc hiểu văn bản:

Câu 1: Bài 1 “giới thiệu” về “chú tôi” như thế nào? Hai dòng đầu có ý nghĩa gì? Bài này châm biếm hạng người nào trong xã hội?

Câu 2: Bài 2 nhại lại lời của ai nói với ai? Em có nhận xét gì về lời của thầy bói? Bài ca này phê phán hiện tượng nào trong xã hội? Hãy tìm những bài ca dao khác có nội dung tương tự.

Câu 3: Mỗi con vật trong bài 3 tượng trưng cho ai, hạng người nào trong xã hội xưa? Việc chọn các con vật để miêu tả, “đóng vai” như thế lí thú ở điểm nào? Cảnh tượng trong bài có phù hợp với đám tang không? Bài cao dao này phê phán, châm biếm cái gì?

Câu 4: Trong bài 4, chân dung “cậu cai” được miêu tả như thế nào? Em có nhận xét gì về nghệ thuật châm biến của bài ca dao này?

* Ghi nhớ:

“Những câu hát châm biếm” đã thể hiện khá tập trung nét đặc sắc của nghệ thuật trào lộng dân gian Việt Nam. Những câu hát châm biếm ấy đã phơi bày các sự việc mâu thuẫn, phê phán thói hư, tật xấu của những hạng người và sự việc đáng cười trong xã hội.

II. Luyện tập.

Câu 1: Nhận xét về sự giống nhau của 4 bài ca dao, em đồng ý với ý kiến nào?

Câu 2 : Những câu hát châm biếm nói trên có điểm gì giống truyện cười dân gian?


* Soạn bài:

Những câu hát châm biếm

Câu 1:

“Giới thiệu” về chú tôi để rêu rao cầu hôn, chân dung gồm mấy nét giễu cợt, mỉa mai như sau:

– “Hay tửu hay tăm”: nghiện rượu.

– “Hay nước chè đặc” nghiện chè đậm.

– “Hay nằm ngủ trưa” và ban ngày thì ước “những ngày mưa”, ban đêm thì ước “đêm thừa trống canh”’, nghiện ngủ.

→ Như vậy, rõ ràng “chú tôi” là người có nhiều tật, đã rượu, chè lại còn thêm lười biếng. Thông thường, giới thiệu việc nhân duyên, người ta phải nói tốt. Nhưng đây thì ngược lại. Đó là cách nói ngược để châm biếm “chú tôi”.

Câu 2:

– Bài 2 nhại lời thầy bói nói với người đi xem bói. Ở đây, lời của thầy bói là kiểu nói nước đôi, nói những chuyện hiển nhiên. Thế nhưng, thầy bói dùng cái trò ấu trĩ này để lường gạt những người nhẹ dạ cả tin. Bài ca dùng chính lời của thầy bói để nói ra bản chất của thầy bói. Đó là nghệ thuật “gậy ông đập lưng ông” để gây cười, châm biếm sâu sắc.

– Bài ca dao này phê phán những kẻ hành nghề mê tín, lừa bịp, lợi dụng sự non dạ của người khác để kiếm tiền. Đồng thời, nó cũng châm biếm những người mê tín mù quáng, thiếu hiểu biết như ông thầy bói dốt nát kia.

– Bài ca dao có nội dung tương tự:

Chập chập thôi lại cheng cheng,
Con gà trống thiến để riêng cho thầy.
Đơm xôi thì đơm cho đầy
Đơm vơi thì thánh nhà thầy mất thiêng!

Câu 3: Ý nghĩa tượng trưng của các con vật: Muốn hiểu được ý nghĩa tượng trưng của các con vật trong bài ca dao các em phải tìm hiểu các tục lệ, luật lệ của cuộc sống làng xã ngày xưa.

+ Con cò tượng trưng cho những người nông dân trong xã hội thân phận nhỏ bé.

+ Cà cuống là những kẻ có vai vế, địa vị trong làng xã như xã trưởng, lí trường

→ đến đám ma ngồi uống rượu say sưa.

+ Chim ri, chào mào là những kẻ tay chân của xã trưởng, lí trưởng như: cai lệ, lính lệ – kiếm chác chia phần.

+ Chim chích là anh mõ đi rao việc làng.

– Sự lí thú trong việc lựa chọn các con vật đóng vai:

+ Làm cho cảnh tượng trở nên sinh động lí thú. Một xã hội loài người được thực hiện ra qua xã hội của loài vật.

+ Mỗi con vật có những hành động và đặc trưng riêng đúng với hạng người mà nó đóng vai.

+ Ý nghĩa phê phán trở nên sâu sắc kín đáo.

– Nhận xét về cảnh tượng trong bài ca dao.

+ Cảnh tượng đó không phù hợp với đám tang – chủ yếu là từ phía nững người đến dự đám.

+ Gia đình nhà cò ở trong tình cảnh đáng thương thê thảm: cha mẹ cò chết rũ ở trên cây, cò còn lo lắng chuẩn bị mọi thứ cho đám tang – còn những kẻ khác thì lại tranh nhau đến để kiếm chác, chia phần, đánh chén một cách vô lối.

– Ý nghĩa phê phán của bài ca dao: Phê phán hủ tục ma chay vô lí làm khổ người dân.

Câu 4: Trong bài 4 chân dung “cậu cai” được miêu tả với những nét như sau:

– Đầu đội “nón dấu đuôi gà”: chi tiết này chứng tỏ cậu cai là lính và chứng tỏ cũng là người có “quyền hành”.

– “Ngón tay đeo nhẫn”: chi tiết này cho thấy cậu cai có vẻ cố làm thêm ra dáng.

– Thế nhưng, áo quần thì phải “đi mượn”, “đi thuê”. Thật là thảm hại cho một con người “quyền hành” như thế. Hóa ra “quyền hành” của cậu cai chỉ là sự khoe khoang, cố làm ra vẻ bên ngoài để lòe đời bịp người mà thôi.

Nghệ thuật châm biếm của bài ca dao này thể hiện ở mấy điểm:

– Tác giả dân gian gọi anh cai lệ là “cậu cai” vừa như để lấy lòng, vừa như xếp anh vào hạng trai lơ để mỉa mai kín đáo.

– Cách định nghĩa về cậu cai ở hai dòng đầu, tác giả dân gian như bĩu môi mà nói rằng, đội nón lên rồi đeo nhẫn vào là thành cậu cai, chứ cai là cái thứ gì chứ.

– “Ba năm được một chuyến sai” là dùng nghệ thuật phóng đại. Ý nói chẳng mấy khi cậu cai mới được một “chuyến sai”. Và vì chẳng mấy khi cho nên áo quần quan có mây lần mặc, chẳng cần chuẩn bị làm gì, để rồi mỗi lúc cần thì “đi mượn” hoặc “đi thuê”. “Áo ngắn đi mượn, quần dài đi thuê” cũng chính là sự phóng đại để tô điểm cho cái chẳng mấy khi trên.

II. Luyện tập

Câu 1: Nhận xét về sự giống nhau của bốn bài ca dao, trong các ý kiến đã nêu, em đồng ý với ý kiến sau:

c) Cả bốn bài đều có nội dung và nghệ thuật châm biếm.

Câu 2: Những câu hát châm biếm nói trên và truyện cười dân gian đều giống nhau ở chỗ: lấy thói hư tật xấu của người đời để chê cười, châm biếm, dùng tiếng cười như một thứ vũ khí để xây dựng cho xã hội, con người ngày càng tốt đẹp hơn lên.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang