»» Nội dung bài viết:
Vì sao có thể nói “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”?
Hiền tài là trụ cột của đất nước.
Hiền tài tức là những người có phẩm chất đạo đức tốt đẹp, có bản tính hiền lương, có học thức uyên sâu và bản lĩnh, tài năng hơn người. Nguyên khí là khí chất ban đầu, trong sạch, vững mạnh, làm nên sự sống còn và phát triển của sự vật. Cách nói: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp” chính là dựa vào vai trò, vị trí và tầm quan trọng của các bậc hiền tài đối với vận mệnh tổ quốc.
Hiền tài là sự kết tụ tinh hoa của đất trời, của khí thiêng sông núi, của truyền thống dân tộc. Người xưa đã nói: Địa linh sinh nhân kiệt. Nhân kiệt là nguồn lực tinh hoa nhất của mỗi dân tộc, đó chính là hiền tài.
Giữa hiền tài và vận mệnh đất nước có mối quan hệ khăng khít, bền chặt. Người hiền tài có vai trò quyết định đến sự thịnh – suy của một đất nước. Họ không những họ đóng vai trò quyết định trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, giữ yên bề cõi mà còn có đống góp rất lớn về mặt giáo dục, kinh tế, ngoại gia, văn hóa thuật,… Mỗi một hiền nhân đều là một vì sao sáng chói về đạo đức và tài năng.
Trong bất kì thời đại nào, hiền tài cũng đều là lực lượng then chốt, nắm giữ và thực hiện các trọng trách mà đất nước giao phó. Lúc đất nước có chiến tranh, họ xung phong xông pha trận mạc, giết giặc lập công, giữ yên bờ cõi. Công trạng lẫy lừng của các hiền nhân như Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thiếp, Ngôi Thời Nhậm,… đời đời còn ghi nhớ. Lúc đất nước hoà bình, họ đem sức mình dựng xây đất nước, phát triển văn hoá, giáo dục, kinh tế đất nước cốt đem lại cuộc sống thái bình, phồn thịnh cho muôn dân. Những hiền sĩ sống hết mình vì đất nước như: Nguyễn Hiền, Mạc Đỉnh Chi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chu Văn An,… tên tuổi đến nay vẫn còn lưu thơm.
Đất nước có nhiều hiền tài, danh sĩ thì xã hội hưng thịnh, văn hoá nghiêm trang. Ngược lại, hiền tài cạn kiệt hoặc có mà quy ẩn lánh đời bởi bất mãn đối với chính cương thì đất nước tất suy yếu. Lịch sử mấy nghìn năm của nước ta đã chứng minh rõ ràng điều đó. Như vậy, muốn cho nguyên khí thịnh vượng, đất nước phát triển vững bền thì không thể không phát hiện, chăm chút, bồi dưỡng nhân tài.
“Hiền tài” không phải tự nhiên mà có. Ngoài thiên khiếu bẩm sinh, những người tài phải được phát hiện và giáo dục theo một quy củ nghiêm túc để họ nhận thức đúng đắn về mục đích học tập là rèn luyện đạo lí làm người, bồi dưỡng phẩm đức cao quý và thực hiện trách nhiệm của bản thân đối với xã hội.
Nhà nước ta luôn có truyền thống trọng hiền đãi sĩ từ xưa đến nay. Trong bất cứ thời đại nào, tầng lớp trí thức, học sĩ, hiền tài đều được xem trọng, đề cao danh tiếng, phong chức tước, cấp bậc, ghi tên bảng vàng, ban yến tiệc… Tên tuổi các vị trạng nguyên, tiến sĩ con được khắc tạc bia đá lưu danh đến nghìn đời.
Những hành động cho thấy các triều đại nước ta đã rất trọng dụng người tài:
Nhận thấy vị trí, vai trò và tầm quan trọng của hiền tài, các triều đại phong kiến ở nước ta đã không ngừng tìm kiếm, tôn vinh và bồi dưỡng người tài cho đất nước.
– Trước hết, triều đình luôn ưu ái cho khoa danh, lại đề cao bằng trước trật. Lấy khoa bảng để lựa chọn ra những hiền tài đích thực, vinh danh tên tuổi, ban thưởng hậu hĩnh cho người có đóng góp đối với đất nước.
– Những khoa cử đỗ đạt cao được nêu tên ở tháp Nhạn, ban cho danh hiệu Long hổ, bày tiệc Văn hỷ vinh danh.
– Lại còn dựng bia đá đề danh đặt ở cửa Hiền Quan, lưu danh đến nghìn đời.
Ý nghĩa của việc khác bia đá ở Văn Miếu Quốc Tử Giám:
Việc dựng bia “đề danh tiến sĩ” ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám, khắc ghi tên tuổi hiền tài vào bia đá đến nghìn đời là sự tôn vinh tột bậc các bậc hiền tài của triều đình. Việc làm ấy nhằm mục đích lưu danh nhân tài muôn đời, thể hiện sự coi trọng, đề cao hiền tài của “thánh minh”. Việc làm ấy để cho kẻ sĩ trông vào những gương hiền tài được lưu danh mà phấn chấn hâm mộ, rèn luyện danh tiết, gắng sức giúp vua. Việc lưu danh bia đá không những để nêu gương mà còn để nhắc nhở và kêu gọi kẻ sĩ tự rèn đức luyện tài, cống hiến cho đất nước, hiền nhân lấy đó mà răn mình, tránh được hư hỏng, sa đoạ.
Việc lập bia lưu danh tiến sĩ là việc làm hết sức có ý nghĩa: kẻ ác lấy đó mà răn, người thiện theo đó mà gắng, dẫn việc dĩ vãng, chỉ lối tương lai, vừa để rèn giũa danh tiếng cho sĩ phu, vừa để củng cố mệnh mạch cho nhà nước.
- Nghị luận: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia – Thân Nhân Trung
- Giới thiệu ngắn gọn về Văn Miếu – Quốc Tử Giám
- Giới thiệu về “Tao đàn nhị thập bát tú” – hội xướng họa thi ca lớn nhất trong lịch sử nước ta