Cái đẹp, cái thiện có sức mạnh cảm hóa con người
Chữ người tử tù là tác phẩm xuất sắc của nhà văn Nguyễn Tuân và của nền văn học Việt Nam thế kỉ XX. Qua việc cho chữ của Huấn Cao và hành động nhận chữ của Viên quản ngục, tác phẩm khẳng định: Cái đẹp, cái thiện có sức mạnh cảm hóa con người. Cảm nhận trước tấm lòng biết trân trọng cái đẹp của quản ngục, Huấn Cao đã đồng ý cho chữ. Sau khi cho chữ, Huấn Cao còn khuyên quản ngục tìm về chốn thanh tao, trong sạch để giữ được nhân cách thiên lương và những sở nguyện cao quý. Quản ngục đã cảm động trước vẻ đẹp của nhân cách và khí phách của Huấn Cao nên bái lạy người tù và xin lĩnh hội lời dạy của ông. Qua đoạn trích, Nguyễn Tuân đã cho thấy sự chiến thắng của cái đẹp, cái thiện trước cái xấu, cái ác. Từ đó chứng minh cái đẹp, cái thiện có sức mạnh cảm hóa con người. Cái đẹp, cái thiện xóa đi ranh giới của địa vị xã hội, xóa bỏ những hận thù, vượt qua những nghịch cảnh để những tâm hồn đồng điệu có thể tìm đến với nhau. Cái đẹp cái thiện đã hướng con người tới những khao khát tốt đẹp, giúp con người biết tìm cho mình cuộc sống có ý nghĩa. Cái đẹp, cái thiện được ươm mầm, được chăm sóc sẽ chiến thắng cái xấu, cái ác. Những con người hướng thiện sẽ biết bảo vệ cái đẹp, cái thiện và có khát vọng vươn tới những giá trị sống đích thực. Trong xã hội hiện nay vẫn tồn tại những hiện thân của cái xấu, cái ác. Con người cần biết phê phán và đấu tranh để chiến thắng. Thông điệp từ trong tác phẩm nghệ thuật đích thực vẫn còn tỏa sáng trong xã hội hiện nay. Nó sẽ thức tỉnh và cổ vũ cho những con người đang lầm lạc tìm về với con đường sáng
Bài tham khảo:
PHÂN TÍCH CẢNH CHO CHỮ TRONG TÁC PHẨM “CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ” – NGUYỄN TUÂN
“Chữ người tử tù” là ánh sáng lung linh nhất, ngời chói nhất, đa màu sắc nhất để tô điểm cho tuyệt tác “Vang bóng một thời”.
“Chữ người tử tù” đã thể hiện một bút pháp thật sắc sảo với từng câu văn, nét chữ như chất chứa cả đai dương ý nghĩa cuồn cuộn dâng trào của nhà văn Nguyên Tuân.
“Chữ người tử tù” thật sự đi vào lòng người khi Nguyễn Tuân đã biết tạo dựng một nhân vật điển hình. Đặc biệt là ông đã tạo dựng cảnh Huấn Cao cho chữ “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có”.
Vì sao Nguyễn Tuân lại nói cảnh Huấn Cao cho chữ là “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có”? Nguyên do thật đơn giản, đó là các bậc nho sĩ ngày xưa “tao nhân mặc khách”, ”bụng đựng đầy chữ thánh hiền” khi viết chữ hoặc cho chữ phải ở những nơi trăng thanh gió mát, hoa hương ngào ngạt, ly rượu nồng nàn chếnh choáng hơi men… Có như thế thì viết chữ mới hay, cho chữ mới đáng được thưởng thức và mới đạt đến trình độ thẩm mỹ tuyệt vời. Nhưng ở đây Huấn Cao cho chữ quản ngục lại vào một phòng giam tối mịt “tường đầy mạng nhện, tổ rệp, đất bừa bãi phân chuột, phân gián”. Đúng là “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có”.
“Một cảnh tượng xưa nay chưa từng có” ấy đã diễn ra vào đêm hôm khuya khoắt, ngay tại nhà tù. Cảnh đêm buông xuống không gian bốn bề chỉ còn văng vẳng tiếng mõ trên vọng canh. Ngoài nhà tù đã tối thì bước chân vào nhà tù kín mít hẳn phải “sẫm đen hơn nữa”.
Theo viên quản ngục và thầy thơ lại vào phòng gian có một bó đuốc sáng rực lan tỏa khắp bốn bề. Và không khí lúc đó mới “tỏa như đám cháy nhà, ánh sáng đỏ rực” , rồi “lửa đóm cháy rừng rực, lửa rụng xuống phòng giam, tàn lửa tắt nghe xèo xèo”. Không phải ngẫu nhiên nhà văn Nguyên Tuân lại nhắc đến bó đuốc “sáng rực” đó đến hai lần, rõ ràng đó là dụng ý nghệ thuật cũng như Bác Hồ viết “Phương đông màu trắng chuyển sang hồng” vậy.
Chính bởi vì thế mà sự đối lập giữa ánh sáng và bóng tối cứ giằng co nhau quyết liệt. Bóng tối quánh đặc như muốn nuốt tươi ánh sáng. Nhưng không, ánh sáng ở đây vẫn ngời chói vẫn ngời tỏ, sáng rực, chứ không như ánh sáng leo lét, buồn rầu của mẹ con chị Tý và ánh sáng rực tỏa, chói lọi như đoàn tàu rồi lại chìm vào hư không của bóng đêm trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam. Song xét sau xa hơn thì ánh sáng đó không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa sắc màu vật lý mà ánh sáng đó mang sắc màu ý nghĩa nhân sinh đậm nét: ánh sáng của sự lương tri, của nhân tâm, của thiên lương trong sáng đã chiến thắng bóng tối của cường quyền, bạo lực. Sự chiến thắng đó là điều tất yếu sẽ xảy ra, bởi vì mọi cái thiện, cái cao cả, chính nghĩa cuối cùng sẽ chiến thắng. Với ánh sáng ấy đã cảm hóa con người một cách mạnh mẽ, nâng đỡ những con người có đức, mến mộ cái tài, nhưng yếu ớt trở về cuộc sống lương thiện… Sự chiến thắng đó là bản hùng ca, ca ngợi chữ tâm của con người thiên lương.
Bản hùng ca chữ tâm đó sẽ ngời tỏ và sáng lạn hơn nữa khi nó đi liền với cái tài hoa, cái đẹp lại làm mờ nhạt đi sự nhơ bẩn, sự phàm tục.
Ở đây, sự nhơ bẩn, phàm tục được hiện hữu rất rõ: ”một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt,tường đầy mạng nhện, tổ rệp, đất bừa bãi phân chuột, phân gián”. Một cái buồng giam thật kinh sợ chẳng khác gì chi một chuồng trâu của nhà nông! Phân gián, mạng nhện, tổ rệp lại cộng thêm ẩm ướt, chật hẹp thì đẩy sự nhem nhuốc, phàm tục lên đỉnh điểm. Sự nhem nhuốc, sự phàm tục này tưởng chừng như mãi mãi tồn tại. Song với sự xuất hiện của phiếm lụa, của lọ mực đã xua tan đi mùi ô uế. Phiến lụa, mùi mực là biểu tượng cái đẹp, cái thơm tho. Cho nên, phân gián, phân chuột cùng với không khí chật hẹp, nền nhà ẩm ướt dần dần mất đi, bởi “cái đẹp là địa hạt của sự sống”, “cái đẹp đã lên ngôi thay thế cho cái xấu xa, thấp hèn, cái đẹp nâng đỡ con người”, cái đẹp là mục đích mà con người ta muốn vươn lên. Màu trắng của phiến lụa là tâm hồn cao khiết của con người; mùi thơm của lọ mực là mùi thơm của tình người, tình đời. Màu trắng ấy, mùi thơm ấy hội tụ lại thành biểu tượng của cái đẹp, cái thiên lương.
Trong cảnh cho chữ này người ta để ý nhiều tới người tù Huấn Cao “chọc trời, quấy nước”, nay đã sa cơ, lỡ vận. Nhưng không thể không để ý tới viên quản ngục và thầy thơ lại, đó là hai con người mới “đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền” biết coi trọng cái đức, mến mộ cái tài, nhất là tài viết chữ của Huấn Cao. Quản ngục và thầy thơ lại có thể coi đó là tâm hồn của nhà văn Nguyễn Tuân đang sùng kính cái đẹp, đang khát khao cái đẹp. Huấn Cao, quản ngục, thầy thơ lại là ba điểm sáng tạc nên một tượng đài, trong đó Huấn Cao là trung tâm: “ba cái đầu người đang chăm chú nhìn trên tấm lụa bạch”. Ba con người có ba địa vị xã hội khác nhau, giờ đây họ đang muốn điểm màu, tô son cho cái đẹp lên ngôi thay thế sự phàm tục, nhơ nhuốc bẩn thỉu.
Cái đẹp, cái cao thượng và sự phàm tục, nhơ nhuốc, hai cái đó đối lập nhau trong một hoàn cảnh. Nguyễn Tuân đã cùng thủ thỉ ném cùng một lúc hai cái đó vào nhà giam tạo ra sự mâu thuẫn cực độ. Từ đó làm bật lên bản chất cái đẹp, cái cao thượng. Nhất là Huấn Cao chỉ ngày mai thôi sẽ bị giải về kinh, rồi phải bước lên đoạn đầu đài, nhưng ông vẫn ung dung lắm, vẫn nghệ sĩ lắm. Ông nhận xét về mùi hương của thoi mực đúng là của một con người “bần tiện bất năng duy, uy vũ bất năng khuất”: ”Thoi mực thầy mua ở đâu tốt và thơm quá. Thầy có thấy mùi thơm của lọ mực bốc lên không?”… Ôi cái mùi thơm của thoi mực ấy nó ngào ngạt lan tỏa như “Dạ lan thơm nức lạ lùng – Tưởng như đi mãi không cùng mùi hương”. Đó là mùi thơm danh tiếng của Huấn Cao vẫn còn ngào ngạt đến muôn đời. Nhà tù ở đây đã không còn là nhà tù nữa mà nó đã trở thành nơi chứa đựng mùi thơm tho của thiên lương con người.
Trước cái đẹp đang lên ngôi thì Huấn Cao “cổ đeo gông, chân vướng xiềng đang đập đập tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng phẳng”, đó là thái độ uy nghi, đường hoàng, một thái độ của “hùm thiêng” khi đã “sa cơ” mà chẳng hèn chút nào. Thái độ ấy, đúng là “Thân thể ở trong lao – Tinh thần ở ngoài lao”. Cái chết đang tiến lại gần, nhưng người tù Huấn Cao vẫn nói về sự sống, hướng về cái đẹp, cái thiện của đời. Do đó nhà tù chỉ còn là để cho Huấn Cao thể hiện thêm khí phách của một người anh hùng mà thôi. Cũng chính vì thế mà người tù ở đây đã hóa thành chủ, còn bọn quản lý nhà ngục lại hóa ra tôi tớ trung thành của người tù. Người tù ấy đã ngự trị nơi bóng tối này với một dáng vóc uy nghi, lẫm liệt thật đường hoàng làm cho bọn quản lý nhà ngục phải khiếp sợ, kính nể: ”viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa” và “thầy thơ lại gầy gò run run bưng chậu mực”. Những chi tiết đó, những hình ảnh đó tưởng chừng như không có trong nhà tù, nhưng thực ra nó lại diễn ra theo lô gic đích thực của những người biết tôn thờ, biết kính trọng cái đẹp “hàng hàng gấm thêu”, “lời lời châu ngọc”, cái phí phách “chọc trời, quấy nước” cái bản chất thiên lương mà Huấn Cao đã đem lại.
Uy quyền và bạo lực giờ đây đã tan biến, nó bị khuất phục bởi cái đẹp, cái thiên lương. Cái đẹp, cái thiên lương bỗng nhiên trở nên thiêng liêng tuyệt đối, bởi “cái đẹp cảu tâm hồn mới làm cho con người ta kính trọng”. Chính vì vậy, mọi thứ nhem nhuốc, đen tối, cường quyền đã hóa thành những thứ bủn xỉn, chập choạng rơi xuống bùn sâu.
Lời khuyên của Huấn Cao đối với quản ngục lại một lần nữa khẳng định cái đẹp, cái thiên lương cảu con người: “Ở đây lẫn lộn ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa với những nét chữ vuông vắn, tươi tắn nó nói lên cái hoài bão tung hoành của một đời con người”. Cái hoài bão tung hoành của một đời con người: “chọc trời, khuấy nước”, “Năm năm hùng bá một phương Hải Tần”, “Trong hang tối mắt thần khi đã quắc – Là khiến cho mọi vật đều im hơi” của Huấn Cao với tấm lụa trắng trẻo, nét chữ tươi tắn, vuông vắn thì chốn ngục tù bẩn thỉu này làm sao xứng đáng để treo một đôi câu đối về bản chất thiên lương của con người quý như báu vật ấy. Và hơn nữa, Huấn Cao cũng khẳng định rằng: cái đẹp, cái thiên lương không bao giờ và không khi nào lại có thể chung sống với cái xấu, cái ác: “Ở đây khó giữ thiên lương cho lành vững được và rồi cũng nhen nhuốm mất cả cái đời lương thiện đi”. Một lời khuyên thật thiện tâm, thiện ý của Huấn Cao đã làm cho viên quản ngục cảm động: “vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: – Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Câu nói : “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh” đúng là câu nói của một con người có văn hóa và biết tôn sùng cái đẹp. Cái vái của quản ngục cũng là cái vái của Nguyễn Tuân trước cái tâm, cái đẹp, cái tài danh mà ông tôn sùng. Cái vái ấy thật giống với cái vái của Cao Chu Thần trước vẻ đẹp của hoa mai: “Nhất sinh đê thủ bái hoa mai” (Một đời chỉ biết cúi lạy trước vẻ đẹp của hoa mai).
Cảnh Huấn Cao cho chữ được Nguyễn Tuân khắc họa đạm nét. Ở đây không phải là cảnh cho chữ bình thường nữa, mà đó đã trở thành cảnh thọ giáo thiêng liêng của người cho chữ và người nhận chữ. Lời khuyên dạy của Huấn Cao chắc khác chi một chúc thư về lẽ sống cảu đời người trước khi ông đi vào cõi bất tử. Với lời khuyên đầy tình người ấy đã có sức mạnh mãnh liệt cảm hóa tâm hồn con người bấy lâu đã cam chịu nô lệ nay nhận ra trở về với thiên lương. Tóm lại, cái phí phách tinh thần bất khuất đã chiến thắng một cách vang dội trước thái độ cam chịu nô lệ.
Với bút pháp lãng mạn, nghệ thuật đối lập đòn bẩy và cách xây dựng nhân vật đầy cá tính đi đôi với cách tạo cảnh hấp dẫn được nhà văn Nguyễn Tuân triệt để khai thác trong toàn bộ truyện ngắn “Chữ người tử tù” cũng như cảnh Huấn Cao cho chữ ở cuối truyện. Với bút pháp ấy, nghệ thuật ấy nhà văn muốn ca ngợi cái đẹp, cái cao thượng, cái phí phách đường hoàng của tinh thần bất khuất cùng với lương tâm trong sáng của con người.Những vẻ đẹp ấy xứng đáng là những tia sáng cho muôn đời soi vào mà noi theo. Mọi người chúng ta hãy hướng về tia sáng đó thì nhất định bóng tối sẽ ngả về phía sau.