hinh-anh-con-do-trong-thi-ca

Hình ảnh con đò trong thi ca

Hình ảnh con đò trong thi ca.

Cũng như cây đa, bến nước, hình ảnh con đò trở thành biểu tượng của quê hương nguồn cội con người Việt Nam. Con đò ngang dọc đưa đón con người sang sông. Con đò chuyên chở ân tình. Con đò gợi nhớ những cuộc chia ly. Và gần như ở đâu có làng quê sông nước thì ở đó có con đò.

Nhiều người đã nhầm lẫn hình ảnh con đò và con thuyền. Tuy cả hai đều phương tiện chuyên chở trên sông nước, cùng óc hình dáng giống nhau nhưng về căn bản có khác nhau đôi chỗ.

Trước hết là về kích cỡ, con thuyền lớn hơn con đò. Đôi khi con đò rất nhỏ, chỉ đủ chỗ cho một vài người ngồi. Thuyền thường di chuyển trên sông lớn còn con đò có mặt ở bất cứ đâu có mặt nước. Thuyền thường di chuyển theo chiều dọc con sông trên những đoạn dài còn con đò thường di chuyển theo chiều ngang con sông trên đoạn ngắn.

Cả con thuyền lẫn con đò đều trở thành biểu tượng trong thi ca. Đó là một hình ảnh bất định, tượng trưng cho những chuyến đi, cho cuộc sống xuôi ngược nổi trôi của con người. Đôi khi, nó được ví von như con người:

“Thuyền về có nhớ bến chăng
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền”.

(Ca dao)

Thuyền được tự do trên sông nước là hình ảnh người con trai, còn bến cố định một nơi, là hình ảnh người con gái. Dân gian đã lấy những hình ảnh quen thuộc nhất để ví von tình nghĩa vừa thể hiện tình cảm thấm sâu vừa hết sức tự nhiên, gần gũi.

Hay để nhắc nhở về tình nghĩa vợ chồng, tấm lòng thủy chung son sắt, người xưa mượn hình ảnh con đò như một biểu tượng của sự vĩnh hằng, trường cửu:

“Trăm năm còn lỗi hẹn hò
Cây đa bến cũ con đò khác xưa?”

(Ca dao)

Con đò cũng được biểu đạt như một phương tiện kết nối đôi bờ tình duyên:

“Con sông sâu nước dọc đò ngang
Mình về bên ấy, ta sang bên này.”

(Ca dao)

Đôi khi nó là là sự đồng cảm, ưng thuận, là của chung:

“Dòng sông chung một con đò
Sao anh tiếc, chẳng đưa đồ hỏi xin?”

(Ca dao)

Đến thơ ca, hình ảnh con đò được mở rộng ở nhiều cung bậc hết sức độc đáo. Nguyễn trãi trong bài thơ “Bến đò xuân đầu trại” đã biểu đạt con đò trong trạng thái nghỉ ngơi, nhàn nhã trong buổi sớm mùa xuân thanh bình:

“Cỏ xuân như khói bến xuân tươi
Lại có mưa xuân nước vỗ trời
Quạnh quẽ đường đồng thưa vắng khách
Con đò ghếch bãi suốt ngày chơi”.

(Bến đò xuân đầu trại – Nguyễn Trãi)

Con đò thảnh thơi nằm chơi trên bến là hình ảnh người ẩn sĩ đã trút bở được gánh nặng nhân gian, hòa mình vào với thiên nhiên tươi đẹp, mặc cho sự đời chảy trôi. Đó cũng là hình ảnh của Nguyễn Trãi trong những ngày ở ẩn tại Côn Sơn, luôn yêu mến thiên nhiên và tìm được phút gây thực sự yên bình trong quê hương xứ sở.

Hàn Mặc Tử trong bài “Đây thôn Vĩ Dạ” cũng có một cái nhìn đầy sáng tạo:

“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó?
Có chở trăng về kịp tối nay”.

(Đây thôn Vĩ Dạ – Hàn Mặc Tử)

Con thuyền đậu trên bến sông đầy trăng thật là một phát hiện độc đáo. Nó vừa như thực lại vừa rất thơ mộng, ảo huyền. Thuyền trở thành phương tiện chuyên chở tình duyên, lại là đối tượng để nhà thơ tâm sự, gửi gắm. Nó vừa vô tình lại vừa rất hữu tình, đậm đà thi vị.

Dòng sông trôi chảy, con đò xuôi ngược đôi khi được liên hệ như dòng đời nổi trôi. Mỗi đời người là một chuyến đò vạn lí:

“Gọi đò, đò đã sang sông
Gọi em, em đã xuôi dòng trầm luân”.

(Gọi đò – Từ Xuân Lãnh)

Dòng sông cuộc đời chảy vào vô tận. Thoáng một cái đã lỡ chuyến đò đi. Tiếng gọi hụt hẫng trong muôn trùng xa cách. Đã nhìn thấy mà sao gọi mãi không nghe. Con đò trở thành niềm chia ly cách biệt trùng trùng.

Nhà thơ Nguyễn Bính trong bài “Tương Tư” cũng có một cách diễn đạt tương tự nhưng mềm mại hơn:

“Bao giờ bến mới gặp đò?
Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau?”.

(Tương tư – Nguyễn Bính)

Sự gặp gỡ, hội ngộ trong tình yêu lứa đôi ẩn hiện trong hình ảnh bến nước, con đò nghe sao nhung nhơ vô cùng. Người xưa rất ý nhị, không bao giờ quá phô trương hay suồng xã trong ngôn ngữ. Cái duyên tình bẽn lẽn lúc nào cũng được khép kín trong các biểu tượng và trao gửi cho nhau thật trân trọng và kín đáo.

Hình ảnh dòng sông trong thi ca

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang