Cách tiếp cận và phân tích một tác phẩm văn xuôi hiệu quả

Tiểu thuyết và truyện ngắn là hai thể loại tuy rất khác nhau nhưng vẫn mang đặc điểm chung là có cốt truyện, nhân vật, lời kể… Khi đọc hiểu tiểu thuyết và truyện ngắn, cần chú ý các yếu tố sau:

I. Phân tích nhân vật

Nhân vật là yếu tố quan trọng hàng đầu của truyện ngắn và tiểu thuyết. Tùy theo tiêu chí, sẽ có các loại nhân vật sau: nhân vật chính và nhân vật phụ, nhân vật chính diện và nhân vật phản diện… Để nắm bắt, khái quát tính cách, bản chất của nhân vật, cần căn cứ vào những phương tiện cơ bản mà nhà văn thường sử dụng để khắc họa nhân vật như:

Phân tích ngoại hình nhân vật:

Ngoại hình nhân vật không chỉ giúp người đọc hình dung dáng vẻ bề ngoài của nhân vật mà còn thể hiện một phần tính cách và cả những biến cố, những đổi thay trong cuộc đời của nhân vật ấy

Ví dụ:

Các chi tiết miêu tả ngoại hình Chí Phèo (Chí Phèo – Nam Cao) sau khi ở tù về thực sự gây ấn tượng đối với người đọc về sự hủy hoại khủng khiếp cả nhân tính lẫn nhân hình của nhân vật.

Hoặc khi đã rơi vào kiếp sống quỷ dữ, vẻ ngoài thô kệch, rách rưới, lam lũ của người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu…

Hình ảnh nhân vật Tràng với cái vẻ bề ngoài lù lù, cục mịch thể hiện cái bản tính hiền lành, số phận bất hạnh và nỗi thống khổ trong cái đói khủng khiếp trong tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân

Phân tích ngôn ngữ nhân vật:

Ngôn ngữ nhân vật (bao gồm hình thức đối thoại và độc thoại) thường được nhà văn cá thể hóa bằng nhiều cách: ghép từ, đặt câu, lặp đi lặp lại những từ, những câu nói

Ví dụ:

+ Nhân vật cụ Mết với lời khen “được” trong Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành.

+ Nhân vật cụ cố Hồng với “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, Xuân Tóc Đỏ với “Mẹ kiếp! Nước mẹ gì” trong Số đỏ của Vũ Trọng Phụng.

+ Lối phát âm đặc trưng của nhân vật bá Kiến trong Chí Phèo của Nam Cao với giọng nói nghe rất “sang” và giọng cười Tào Tháo.

+ Lời nói cộc lốc, cái vẻ chỏng lỏn của người vợ nhặt trong tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân.

Nội dung lời nói và cách nói có giá trị phản chiếu lai lịch, vốn sống, tâm lí, tính cách… của nhân vật. Qua ngôn ngữ của nhân vật, người đọc có thể một phần nhận ra tính cách và cuộc sống, kể cả số phận của nhân vật ấy.

Ví dụ:

+ Lời đáp của Huấn Cao khi nghe thầy thơ kể lể nỗi lòng của viên quản ngục trong Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân)

+ Những lời tâm sự của nhân vật bà Hiền trong Một người Hà Nội (Nguyễn Khải) về chuyện “đau đớn mà bằng lòng” cho cả hai con trai ra chiến trường…

Phân tích hành động của nhân vật:

Hành động là những việc làm của nhân vật – có giá trị trực tiếp bộc lộ tính cách, bản chất hoặc đánh dấu sự thay tính cách của nhân vật. Ví dụ: hành động thắp sáng ngọn đèn trong căn buồng mờ tối, sửa soạn váy áo đi chơi Tết của  nhân vật Mị (Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài) thể hiện sự trỗi dậy của khát vọng sống tự do, khát vọng tình yêu và hạnh phúc …

Phân tích nội tâm của nhân vật:

Nội tâm là thế giới tinh thần của nhân vật với những cảm xúc, suy nghĩ, quá trình diễn biến tâm lí… Đây là yếu tố có khả năng bộc lộ rõ nhất chiều sâu tâm hồn nhân vật, thể hiện sự thấu hiểu con người và tài nghệ của nhà văn.

Ví dụ:

+ Diễn biến tâm trạng của nhân vật Chí Phèo khi nhận bát cháo hành của thị Nở (ngạc nhiên, xúc động, ăn năn, thèm được yêu thương, mong ước được trở về với cuộc sống lương thiện…) cho thấy bên trong hình hài quỷ dữ vẫn là trái tim của một con người – biết đón nhận tình thương và kháo khát được yêu thương.

+ Quá trình hồi sinh của tâm hồn nhân vật Mị trong đêm cắt dây trói cứu A Phủ (thương thân, thương những người cùng cảnh ngộ, căm giận lũ người độc ác, bất bình thay cho A Phủ …)

Phân tích mối quan hệ của nhân vật với các nhân vật khác và hoàn cảnh xung quanh cũng có tác dụng bộc lộ địa vị, tính cách và số phận của nhân vật.

Ví dụ:

+ Mối quan hệ giữa nhân vật Huấn Cao và quản ngục, hoàn cảnh lao tù, khung cảnh buồng giam tử tù… trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân.

+ Mối quan hệ giữa nhân vật Tnú với cụ Mết, với dân làng, với Mai… trong Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành.

+ Mối quan hệ giữa nhân vật Chí Phèo và bá Kiến trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao

II. Phân tích cốt truyện và tình huống truyện:

Cốt truyện là hệ thống sự kiện được nhà văn tổ chức theo yêu cầu tư tưởng và nghệ thuật nhất định. Cốt truyện là phương tiện vừa có khả năng bộc lộ tính cách nhân vật vừa phản ánh những xung đột xã hội. Vì vậy, nắm vững cốt truyện sẽ giúp người đọc hiểu đúng nội dung tác phẩm.

Tình huống là một yếu tố then chốt, thậm chí được coi là “hạt nhân” của truyện ngắn. Đó là “một khoảnh khắc mà trong đó sự sống hiện ra rất đậm đặc”, “khoảnh khắc chứa đựng cả một đời người, thậm chí cả một đời nhân loại” (Nguyễn Minh Châu).

Có ba loại tình huống truyện cơ bản:

+ Tình huống hành động (Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân, Vợ nhặt của Kim Lân…)

+ Tình huống tâm trạng (Hai đứa trẻ của Thạch Lam);.

+ Tình huống nhận thức (Đôi mắt của Nam Cao, Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu).

Đọc hiểu tình huống truyện là “nắm được chiếc chìa khóa quan trọng nhất để mở vào thế giới bí ẩn của truyện ngắn” (Chu Văn Sơn).

III. Phân tích Kết cấu truyện

Kết cấu truyện là cách tổ chức tác phẩm. Do dung lượng, nêu tiểu thuyết và truyện ngắn có kết cấu rất khác nhau song vẫn có những điểm chung: sự phối hợp giữa  phần mở đầu và kết thúc, sự lựa chọn và sắp xếp các chi tiết, đoạn, chương.

Ví dụ:

+ Chi tiết chiếc bóng với tác dụng thắt nút và mở nút trong Chuyện người con gái Nam Xương (Nguyễn Dữ)

+ Đoạn mở đầu và kết thúc truyện ngắn Rừng xà nu đều có hình ảnh những cánh rừng, những ngọn đồi xà nu xanh tươi trải ra đến hút tầm mắt…

+ Hình ảnh chiếc lò gạch cũ ở đàu truyện và cuối truyện là kết cấu vòng trong tuện ngắn Chí Phèo.

IV. Phân tích lời kể, lời dẫn chuyện

Lời kể, lời dẫn là ngôn ngữ của người kể chuyện. Đọc kĩ lời kể không chỉ giúp người đọc hiểu bức tranh đời sống mà còn nắm được điểm nhìn của người kể khi tái hiện bức tranh đời sống ấy. Điểm nhìn được thể hiện qua cách dùng từ ngữ xưng hô, cách miêu tả, cách diễn đạt, giọng kể…

Ví dụ:

+ Lời kể của Thạch Lam trong đoạn văn mở đầu Hai đứa trẻ vừa tái hiện khung cảnh buồn vắng song cũng thật êm đềm, gần gũi, thân thuộc của buổi hoàng hôn nơi phố huyện; vừa thể hiện niềm yêu thương, gắn bó của nhà văn với cảnh sắc và cuộc sống nơi đây…

+ Lời kể của Nam Cao trong truyện ngắn Chí Phèo cho thấy sự am hiểu sâu sắc về đời sống và sự bế tắc của người nông dân Việt Nam trước cách mạng tháng Tám.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang