Nội dung bài viết:
Kịch và kịch bản văn học
Kịch là một loại hình nghệ thuật sân khấu biểu diễn mang tính chất tổng hợp. Ngoài yếu tố văn bản kịch, nhệ thuật kịch còn có sự hỗ trợ của người diễn, đạo diễn, đạo cụ và sân khấu.
Kịch bản văn học chỉ là một trong các yếu tố ấy. Dù kịch bản văn học là yếu tố chủ chốt, quan trọng nhất nhưng cũng chưa thể phản ánh đầy đủ bản chất của kịch sân khấu. Bởi thế, khi đọc hiểu văn bả kịch chúng ta phải hình dung rõ ràng về loại hình nghệ thuật này. Kịch bản văn học ngoài những đặc điểm chung của văn bản văn học (có nhân vật, cốt truyện, lời thoại…) còn có một số đặc trưng riêng.
Đọc hiểu văn bản kịch:
Tìm hiểu nhân vật kịch.
Nhân vật kịch là yếu tố then chốt của một kịch bản. Nhân vật kịch chứa đựng tư tưởng của kịch. Qua nhân vật kịch, tác giả từng bước bày tỏ, biểu hiện và khẳng định một ý nghĩa nào đó thông qua hành động và xung đột kịch. Tấ cả đều được bộc lộ thông qua nhân vật.
Nhân vật của kịch thường chứa đựng những cuộc đấu tranh nội tâm. Chính từ đặc điểm này, nhiều tác giả kịch đã dùng biện pháp lưỡng hóa nhân vật nhằm biểu hiện cuộc đấu tranh nội tâm của chính nhân vật đó. ví dụ, ở nhân vật Trương Ba đã xảy ra nhiều cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt giữa việc chấp nhận thân xác mới và sống tiếp hay từ bỏ nó và nhận lấy cái chết, sống một cách đớn hèn, bẩn thiểu hay chết trong sạch, cao quý. Ông tự phân thân mình ra thành hai tuyến đối lập để chất vấn, giải đáp, tự giải quyết xung đột trong chính mình. Nhân vật Thị Kính bên cạnh việc giải bày nỗi oan khuất của mình với mọi người cũng đã nhiều lần tự vấn chính mình. Cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt có vai trò làm chuyển tiếp hoặc chuyển hướng xung đọt kịch lên cao.
Tìm hiểu xung đột kịch:
Xung đột kịch là sự phát triển cao nhất những mâu thuẫn giữa các lực lượng, các tuyến nhân vật. Đó có thể là xung đột về tư tưởng, nhân cách, xung đột về lợi ích, được thể hiện bằng một cốt truyện có cấu trúc chặt chẽ tuân theo những quy tắc nhất định của nghệ thuật kịch.
Kịch bắt đầu từ xung đột. Pha-de-ap cho rằng: “xung đột chính là cơ sở hình thành nên kich”. Nếu không có xung đột thì cũng không có kịch bản.
Có thể có rất nhiều loại xung đột khác nhau. Có xung đột biểu hiện của sự đè nén, giằng co, chống đối giữa các lực lượng (Tôi và chúng ta). Có xung đột được biểu hiện qua sự đấu tranh nội tâm của một nhân vật (Quan âm thị kính). Có xung đột là sự đấu trí căng thẳng và lí lẽ để thuyết phục đối phương giữa hai lực lượng (Hồn Trương Ba, da hàng thịt)
Tìm hiểu hành động kịch:
Hành động là cơ sở của tác phẩm kịch. Từ những xung đột kịch, nhân vật biểu hiện bằng hành động cụ thể. Hành đọng kịch có thể là ngôn ngữ, lời nói, hành vi, cử chỉ. Cũng có thể là thái độ, nội tâm,…của nhân vật dduwwocj biểu hiện sinh động và phức tạp.
Trong mỗi vở kịch, sẽ có một hệ thống hành động chính gọi là hành động xuyên nhằm thể hiện tư tưởng trọng tâm của nhân vật. Ví dụ vở kịch Hồn Trương ba da hàng thịt là sự đấu tranh kịch liệt giữa phần hồn và phần xác xảy ra đối với nhân vật Trương Ba. Sự hoán đổi linh hồn trong một thân xác mới khiến Trương Ba nảy sinh những xung đột lớn về sự sống và ý nghĩa của sự sống. Cuối cùng, Trương Ba chấp nhận lấy cái chết thực sự để linh hồn mình được trong sạch. Sự sống không quan trọng, quan trọng nhất là cách sống và cách tồn tại. Đó chính là tư tưởng mà Lưu Quang Vũ muốn khẳng định trong kịch bản này.
Tìm hiểu lời thoại:
Có thể nói là lời đối thoại hay độc thoại – nhưng đều là giao lưu đa tuyến, đa chức năng (nói với nhau và nói cho người xem). Lời thoại không chỉ biểu lộ tính cách nhân vật mà còn có yếu tố trần thuật, cung cấp thông tin về các nhân vật khác, về cốt truyện; có tác dụng thúc đẩy hành động và xung đột. Ví dụ: những lời thoại của Hồn Trương Ba với Xác hang thịt trong lớp kịch “Cuộc đối thoại giữa Hồn và Xác” đã thể hiện tâm trạng tủi nhục, đau đớn của Hồn Trương Ba trong kiếp sống vay mượn, chắp vá, giả dối; đồng thời phản ánh xung đột giữa con người với môi trường, hoàn cảnh đã bị tha hóa, giữa hai phần “sáng” và “tối” trong mỗi con người…
Phân loại thể loại kịch:
Dựa trên nội dung kịch bản và phương thức biểu diễn, có thể chia làm ba loại kịch: bi kịch, hài kịch và chính kịch. Ngoài ra, ở một số vở kịch có sự hòa trọn giữa ba thể loại này.
Các văn bản kịch được học hầu hết thuộc thể loại bi kịch. Bi kịch là thể loại điển hình của kịch. Trong bi kịch, nhân vật ở giữa những tình huống gây cấn, đấu tranh kịch liệt với cái xấu, cái ác nhưng cuối cùng phải nhận lấy thất bại. Thất bại của họ gợi lên ở khấn giả sự xót thương cao cả, có tính chất thanh lọc tâm hồn, tình cảm, tư tưởng, nâng cao nhận thức về đời sống con người. Số phận của nhân vật trong bi kịch còn nhằm để ca ngợi, biểu dương ý chí vươn lên của con người trong cuộc chiến chống lại cái xấu, cái ác, cái bất công trong xã hội nhằm bảo vệ con người, bảo vệ lẽ phải, công lí, công bình.
Dựa trên những đặc trưng ấy, người phân tích cần làm sáng tỏ mỗi đặc điểm kịch thông qua một văn bản kịch cụ thể. Sự phân tích có hệ thống và toàn diện đảm bảo giúp chúng ta hiểu được văn bản kịch và có được bài viết chi tiết, rõ ràng và đầy đủ, đáp ứng được yêu cầu của các đề bài tìm hiểu.