phan-tich-nhan-vat-trang

Phân tích hình ảnh nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân

Phân tích hình ảnh nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân.

  • Mở bài:

– Khái quát về tác giả Kim Lân, về tác phẩm Vợ nhặt:

  • Kim Lân là nhà văn viết ít nhưng có thành công lớn. Ông chủ yếu viết về đời sống của người nông dân Việt Nam. Nói về Kim Lân, nhà văn Nguyên Hồng đã cho rằng: Kim Lân là nhà văn một lòng đi về với “đất”, với “người”, với “ thuần hậu nguyên thủy” của cuộc sống nông thôn.
  • “Vợ nhặt” là truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân được in trong tập “Con chó xấu xí”.

– Khái quát về hình tượng nhân vật Tràng: Nhân vật chính của truyện.

  • Thân bài:

1. Số phận, gia cảnh của Tràng.

– Hình dáng: áo nâu tàn, đầu trọc nhẵn, lưng to bè như lưng gấu  ngoại hình xấu, thô kệch.

– Hoàn cảnh : quá nghèo, lại là dân ngụ cư.

– Tình huống Tràng nhặt vợ (lấy vợ) đã khiến cho người dân xóm ngụ cư phải ngạc nhiên thậm chí ngay cả Tràng.

→ Tình huống truyện độc đáo, vừa lạ, vừa éo le và cũng là đầu mối cho sự phát triển của truyện tác động đến diễn biến tâm trạng và hành động của các nhân vật và làm nổi bật chủ đề của tác phẩm.

2. Diễn biến tâm trạng của Tràng khi dẫn vợ về nhà:

– Lúc đầu: “Mới đầu anh chàng cũng chợn nghĩ: thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng” → có chút phân vân, do dự.

– Sau đó: anh tặc lưỡi : “Chậc, kệ” → quyết  định đưa người đàn bà xa lạ ấy về nhà, chấp nhận cưu mang, phẩm chất nhân hậu của Tràng. Đồng thời cho thấy  niềm khao khát hạnh phúc gia đình người nông dân nghèo khổ này.

– Trên đường dẫn vợ về nhà.

+ Tràng như thành một con người khác: “Mặt hắn có một vẻ gì phớn phở khác thường. Hắn tủm tỉm cười nụ một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh”

+ Trước con mắt tò mò của dân xóm ngụ cư, người đàn bà càng thêm “ngượng nghịu, chân nọ bước díu cả chân kia” thì Tràng lại “ thích ý lắm, cái mặt cứ vênh vênh lên tự đắc”.

–  Về đến nhà: “chợt hắn thấy sờ sợ. Chính hắn cũng không hiểu sao hắn sợ”. Hắn thấy thực sự căng thẳng.

 Nhà văn đã diễn tả vừa sinh động, vừa cụ thể, vừa tinh tế vừa sâu sắc niềm khao khát hạnh phúc, tổ ấm gia đình và tình thương giữa những con người nghèo khổ đã vượt lên tất cả, bất chấp cả cái đói và cái chết.

– Buổi sáng đầu tiên khi có vợ.

+ Tràng cảm thấy: “trong người êm ái, lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra”.

+ Hắn chợt nhận ra: “xung quanh mình có cái gì vừa  thay đổi mới mẻ, khác lạ”.

+ “Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu, gắn bó với cái nhà hắn lạ lùng”.

+ “Một niềm vui sướng phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng”.

+ “Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này”.

 Trong giờ phút có tính chất bước ngoặt ấy, Tràng cảm thấy mình trưởng thành hơn. Niềm vui sướng hạnh phúc của Tràng đã gắn liền với ý thức và bổn phận và trách nhiệm

– Nghĩ về tương lai: trong óc anh hai lần hiện ra hình ảnh là cờ đỏ của Việt Minh. Có lẽ hắn hướng tới cách mạng.

Tràng là con người có chất tốt đẹp và sức sống kì diệu ngay trên bờ vực của cái chết, Tràng vẫn hướng về sự sống, khát khao tổ ấm gia đình và thương yêu, đùm bọc lẫn nhau .Đó chính là giá trị nhân đạo của tác phẩm

3. Đánh giá:

– Với nghệ thuật miêu tả  tâm lí nhân vật một cách sống động và chân thực tác giả đã làm nổi bật được hình tượng nhân vật Tràng – một đại diện tiêu biểu cho số phận của người nông dân trong nạn đói lịch sử kinh hoàng 1945. Đó là giá trị hiện thực của tác phẩm. Tuy nhiên, trong Tràng còn có chất tốt đẹp và sức sống kì diệu, ngay trên bờ vực của cái chết, Tràng vẫn hướng về sự sống, khát khao tổ ấm gia đình và thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Đó chính là giá trị nhân đạo của tác phẩm.

  • Kết bài:

“Vợ nhặt” là bài ca về tình người ở những người nghèo khổ đã “biết sống” như con người ngay giữa thời túng đói quay quắt. Qua hình ảnh nhân vật Tràng, Kim Lân muốn khẳng định: trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, ngay cả khi cái chết liền kề, những người dân lao động nghèo khổ, lương thiện vẫn yêu thương, đùm bọc lấy nhau, vẫn khát khao mái ấm hạnh phúc gia đình và hy vọng vào một cuộc sống mới tốt đẹp hơn.


Tham khảo:

Hình ảnh nhân vật Tràng trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân.

  • Mở bài:

Kim Lân là cây bút chuyên viết truyện ngắn. Ông thường viết về nông thôn và người nông dân. Dù viết về phong tục hay con người, trong tác phẩm của Kim Lân ta vẫn thấy thấp thoáng cuộc sống và con người của làng quê Việt Nam nghèo khổ mà vẫn yêu đời, thật thà, chất phác mà hóm hỉnh. “Vợ nhặt” là truyện ngắn xuất sắt nhất của Kim Lân. Nổi bậc trong tác phẩm là hình ảnh nhân vật Tràng, một chàng trai ngờ nghệch nhưng bất ngờ lấy được vợ giữa mùa đói khát khủng khiếp.

  • Thân bài:

Tràng là một người nông dân nghèo, làm nghề “kéo xe bò thuê cho liên đoàn tỉnh”, sống với mẹ già trong một căn nhà “vắng teo đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi cỏ dại” với “tấm phên rách” ở xóm ngụ cư. Anh có ngoại hình xấu xí, chừng ấy tuổi đầu mà vẫn ế vợ.

Bên ngoài cái vẻ xấu xí, ngờ nghệch ấy, Tràng là người tốt bụng, cởi mở. Câu chuyện lấy vợ của Tràng cứ như một giấc mơ. Giữa cảnh tối sầm vì đói khát, sau lần tầm phơ tầm phào “hò một câu cho đỡ mệt”, thấy người đàn bà xin ăn, anh sẵn sàng đãi chị ta – người đàn bà xa lạ bốn bát bánh đúc. Sau một câu nói đùa “có về với tờ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về”, người đàn bà theo Tràng về làm vợ. Trước cái đói quay quắt đang diễn ra, cái sống và cái chết mong manh liền kề, với hoàn cảnh của Tràng nuôi mình và nuôi mẹ còn không xong, nay “còn tước cái của nợ đời về”, Tràng cũng đã chọn, nghĩ “thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không lại còn đèo bòng” nhưng cái tặc lưỡi “chậc kệ” thể hiện thái độ sẵn sàng chấp nhận cưu mang thêm một người nghèo khổ không so đo tính toàn của Tràng, Tấm lòng hào hiệp, giàu tình người của Tràng thật đáng quý.

Không những thế, hôm ấy Tràng còn “bỏ tiền ra mua cho thị cái thúng con đựng vài thứ lặt vặt và ra hàng cơm đánh một bữa thật no nê” thể hiện sự trân trọng, thương yêu của Tràng đối với người vợ nhặt.

Ở Tràng luôn có một khát khao hạnh phúc vô cùng mãnh liệt. Khi nhặt vợ, lúc đầu, khi có ý định đưa người đàn bà xa lạ về nhà, Tràng phân vân, do dự “Thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng”. Nhưng sau đó anh lại tặc lưỡi “chậc kệ!”, rồi đưa người “vợ nhặt” về nhà. Trong cảnh cùng quẫn đói khổ, cái chết đang rình rập quyết định và hành động của Tràng không chỉ thể hiện lòng thương người mà còn thể hiện niềm khát khao hạnh phúc gia đình của người nông dân nghèo khổ này.

Trên đường đưa vợ về nhà, Tràng cảm nhận được niềm vui sướng hạnh phúc khi có vợ “Mặt hắn có một vè gì phớn phở khác thường. Hắn tủm tỉm cười nụ một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh”. Trước con mắt ngạc nhiên, tò mò, bàn tán của người dân xóm ngụ cư, người đàn bà càng thêm ngượng nghịu, còn Tràng “lại lấy vậy làm thích ý lắm, cái mặt cứ vênh vênh tự đắc với mình”. Kim Lân đã diễn tả vừa cụ thể, vừa sinh động niềm khao khát tổ ấm gia đình của những con người nghèo khổ. Niềm khát khao hạnh phúc đã giúp họ vượt lên tất cả, bất chấp cái đói và cái chết đang cận kề.

Khi về đến nhà, niềm hạnh phúc của Tràng khi có vợ, được Kim Lân diễn tả rất thực và sinh động qua nỗi chờ đợi mẹ về. Không biết bà cụ có hay về trễ hay không nhưng hôm nay với Tràng thì quá trễ “Sao hôm nay và lão về muộn thế không biết”. Bởi có lẽ anh đang sung sướng và muốn giải bày niềm vui với mẹ, anh đang hạnh phúc và muốn mẹ chung cùng hành phúc với anh. Tràng đứng ngồi không yên, lòng anh ngập tràn hạnh phúc. “Anh loanh quanh chạy ra ngõ đứng ngóng làm tôi đợi nóng cả ruột”.

Sáng hôm sau, buổi sáng đầu tiên có vợ, Tràng vẫn ngỡ ngàng, chưa tin mình có vợ, cảm thấy “trong người êm ái lửng lờ như vừa ở trong giấc mơ đi ra”. Một cảm giác mới lạ chưa từng thấy tràn ngập tâm hồn Tràng. Tràng thực sự thấy cuộc đời mình từ đây đã thay đổi hẳn. Anh nhận thấy sự thay đổi trong ngôi nhà của mình “nhà cửa, sân vườn được quét tước, thu dọn sạch sẽ, gọn gàng”. Tràng nhận thấy sự thay đổi của bản thân “thương yêu và gắn bó với cái nhà” của mình lạ lùng. Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập tâm hồn, Tràng cảm thấy mình “nên người” thấy “có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này”. Niềm hạnh phúc khi có vợ đã khiến Tràng có ý thức trách nhiệm với gia đình.

Tràng cũng cảm nhận sự thay đổi của những người thân. Người vợ nhặt mới hôm qua còn “chao chát chỏng lỏn” nhưng hôm nay “rõ ràng là người đàn bà hiền hậu đúng mực”. Còn mẹ Tràng “nhẹ nhõm tươi tỉnh khác thường”, cái “vẻ mặt bủng beo u ám” đã “rạng rỡ hẳn lên”.

Trong bữa ăn ngày đói “chỉ có một lùm rau chuối thái rối và một đĩa muối với cháo, nhưng cả nhà đều ăn rất ngon lành”, thậm chí ăn móm “chè khoán” nấu bằng cám thay cơm thế nhưng họ vẫn vui vẻ. Tình vợ chồng, tình mẹ con – đó là những động lực làm tăng sức mạnh vượt qua bế tắc, Họ đã tìm được niềm vui trong sự cưu mang, nương tựa nhau, quan tâm chăm sóc nhau.

Cuối tác phẩm, “trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và là cờ đỏ bay phấp phới” hé mở một tương lai tươi sáng, niềm tin vào cảnh mạng. Qua chi tiết này, Kim Lân cho thấy giữa cái chết vẫn có một mầm sống mạnh mẽ tươi xanh. Khát vọng tình yêu, khát vọng hạnh phúc luôn tồn tại trong tâm hồn những con người nghèo khổ. Đó chình là giá trị nhân văn cao đẹp của tác phẩm.

  • Kết bài:

Sự am hiểu về tâm lí của người nông dân đã giúp nhà văn xây dựng được nhân vật Tràng thật chân thực, sinh động. Qua hình ảnh nhân vật Tràng, nhà văn đã cho người đọc thấy được cảnh ngộ trớ trêu của con người trong nạn đói, nhưng ở họ vẫn thể hiện vẻ đẹp giàu tình người và niềm khát khao hạnh phúc đời thường cháy bỏng. Điều đó đã làm nên sức sống diệu của người nông dân trong nạn đói năm 1945.

Phân tích truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang