Đọc-hiểu (3,0 điểm): Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu
TỰ SỰ
Dù đục, dù trong con sông vẫn chảy
Dù cao, dù thấp cây lá vẫn xanh
Dù người phàm tục hay kẻ tu hành
Đều phải sống từ những điều rất nhỏ.
Ta hay chê bằng cuộc đời méo mó
Sao ta không tròn ngay tự trong tâm?
Đất ấp ôm cho muôn hạt nảy mầm
Những chồi non tự vươn lên tìm ánh sáng.
Nếu tất cả đường đời đều trơn láng
Chắc gì ta đã nhận ra ta
Ai trong đời cũng có thể tiến xa
Nếu có khả năng tự mình đứng dậy.
Hạnh phúc cũng như bầu trời này vậy
Đâu chỉ dành cho một riêng ai.
(Lưu Quang Vũ)
Câu 1. Xác định 2 phương thức biểu đạt chủ yếu được sử dụng trong văn bản trên. (0,5 điểm)
Câu 2. Anh/chị hiểu thế nào về ý nghĩa hai câu thơ sau: Đất ấp ôm cho muôn hạt nảy mầm/ Những chồi non tự vươn lên tìm ánh sáng”. (1,0 điểm)
Câu 3. Theo anh/chị, vì sao tác giả nói rằng:” Nếu tất cả đường đời đều trơn láng/ Chắc gì ta đã nhận ra ta” (1,0 điểm)
Câu 4. Thông điệp nào của văn bản trên có ý nghĩa nhất đối với anh/chị? Vì sao? (0,5 điểm)
Làm văn (7,0 điểm):
Trong bài Cảm nghĩ về chuyện “Vợ chồng A Phủ”, Tô Hoài viết: “Nhưng điều kì diệu là dẫu trong cùng cực đến thế mọi thế lực của tội ác cũng không giết được sức sống con người. Lay lắt, đói khổ, nhục nhã, Mị vẫn sống, âm thầm, tiềm tàng mãnh liệt”.
- Đáp án:
I. Đọc-hiểu văn bản:
1. Biểu cảm, nghị luận
2. Đất- nguồn dinh dưỡng cho hạt nảy mầm nhưng đất không dành riêng cho hạt mầm nào, muốn vươn lên mặt đất, mỗi hạt mầm phải tự vận động.
Cuộc sống không dành riêng một ai mà cho tất cả chúng ta. Hạnh phúc ở quanh ta nhưng không tự nhiên đến. Nếu muốn có cuộc sống tốt đẹp tự mỗi người phải có suy nghĩ và hành động tích cực, phải nỗ lực vươn lên như “Những chồi non tự vươn lên tìm ánh sáng”.
3. Cảm nhận:
– Đường đời đều trơn láng: cuộc sống quá bằng phẳng, không trở ngại, khó khăn.
– Con người không được đặt vào hoàn cảnh thách thức, nỗ lực hết mình sẽ không có cơ hội để thể hiện, khám phá và khẳng định mình; …Con người có trải qua thử thách mới hiểu rõ chính mình và trưởng thành hơn.
4. Có thể chọn một trong các thông điệp sau và trình bày suy nghĩ thấm thía bản thân về thông điệp ấy:
– Dù là ai, làm gì, có địa vị xã hội thế nào cũng phải sống từ những điều rất nhỏ; biết nâng niu, trân trọng những cái nhỏ bé trong cuộc sống mới có được hạnh phúc lớn lao.
– Muốn có được hạnh phúc phải tự mình nỗ lực vươn lên
– Con người có trải qua thử thách mới hiểu rõ chính mình và trưởng thành hơn.
– Cuộc sống không phải lúc nào cũng như mong muốn, biết đòi hỏi nhưng cũng phải biết chấp nhận, biết nhìn đời bằng con mắt lạc quan, biết cho đi thì mới được nhận lại.
II. Tập làm văn:
Trong bài Cảm nghĩ về chuyện “Vợ chồng A Phủ”, Tô Hoài viết: “Nhưng điều kì diệu là dẫu trong cùng cực đến thế mọi thế lực của tội ác cũng không giết được sức sống con người. Lay lắt, đói khổ, nhục nhã, Mị vẫn sống, âm thầm, tiềm tàng mãnh liệt”
Bằng những hiểu biết về hình tượng nhân vật Mị trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài, anh/chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận
Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Nhận định: “Nhưng điều kì diệu là dẫu trong cùng cực đến thế, mọi thế lực của tội ác cũng không giết được sức sống con người. Lay lắt, đói khổ, nhục nhã, Mị vẫn sống, âm thầm, tiềm tàng mãnh liệt.”
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
Mở bài: Giới thiệu Tô Hoài, truyện Vợ chồng A Phủ, ý kiến
Thân bài
* Giải thích ý kiến:
– Nêu rõ cuộc sống cực nhục của người dân nghèo miền núi
– Đề cao bản chất tốt đẹp và khẳng định sức sống bất diệt của con người.
* Phân tích, chứng minh
– Mị là con người tốt đẹp bị đày đọa:
+ xinh đẹp, yêu đời, khát khao tự do; giàu đức hi sinh (chịu sống khổ nhục vì cha)
+ khi làm dâu: công việc triền miên, bị đánh đập, khổ nhục hơn cả súc vật; dần tê liệt ý thức, cảm xúc, sống như chết.
– Sức sống tiềm tàng:
+ Xuân về: quan tâm, ý thức về cuộc sống (lắng nghe, nhẩm thầm bài hát)
+ Trong đêm tình mùa xuân:
. Ý thức về số phận (uống rượu, nghĩ: có lá ngón…ăn cho chết)
. Sống lại những cảm xúc tinh thần (thấy phơi phới, vui sướng… )
. Tâm hồn được đánh thức (vẳng nghe tiếng sáo gọi bạn, sống với kỉ niệm đẹp ngày trước,…)
. Có ý thức phản kháng, khát vọng tự do (chuẩn bị đi chơi)
+ Trong đêm cắt dây trói cho A Phủ:
. Lúc đầu thấy A Phủ bị trói, Mị vẫn thản nhiên.
. Đêm ấy, hình ảnh dòng nước mắt của A Phủ đã đánh thức tâm hồn Mị (đồng cảm, xót thương, căm giận, ý nghĩ cứu A Phủ, chiến thắng nỗi sợ hãi)
. Hành động dũng cảm, quyết liệt, khát vọng sống trỗi dậy (Cắt dây trói cho A Phủ đứng lặng trong bóng tối- vụt chạy theo A Phủ).
– Nghệ thuật phân tích tâm lí nhân vật tinh tế
Kết bài:
Đánh giá:
– Với bút pháp hiện thực sắc sảo, nghệ thuật phân tích tâm lí nhân vật tinh tế, Tô Hoài đã xây dựng thành công nhân vật Mị.
– Mị: tiêu biểu cho kiếp sống khốn khổ của người dân miền núi dưới ách thống trị của các thế lực phong kiến và thực dân; điển hình cho sức sống tiềm tàng, sức vươn lên mạnh mẽ của con người từ trong hoàn cảnh tăm tối, hướng tới ánh sáng của nhân phẩm và tự do.