soan-bai-tay-tien-quang-dung

Soạn bài: “Tây Tiến” (Quang Dũng)

TÂY TIẾN
– Quang Dũng –

I. TÌM HIỂU CHUNG:

1. Tác giả: Quang Dũng

– Quang Dũng (1921 – 1988) là một nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Pháp, một nghệ sĩ đa tài, là nhà thơ của “xứ Đoài mây trắng”.
– Thành công khi viết về người lính.
– Hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn, hào hoa.

2. Tác phẩm:

– “Tây Tiến” là đơn vị quân đội được thành lập đầu năm 1947 có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào bảo vệ biên giới Việt – Lào và đánh tiêu hao lực lượng địch ở Thượng Lào và miền Tây Bắc bộ VN. Địa bàn hoạt động khá rộng (Châu Mai, Châu Mộc – Sầm Nứa – Thanh Hóa). Lính Tây Tiến phần đông là sinh viện, học sinh Hà Nội, Quang Dũng là đại đội trưởng.

– Cuối năm 1948, Quang Dũng chuyển sang đơn vị khác, bồi hồi nhớ lại đồng đội, Quang Dũng sáng tác bài thơ tại Phù Lưu Chanh. Ban đầu có tên “Nhớ Tây Tiến”, sau đổi thành “Tây Tiến”.

II. Đọc – hiểu văn bản:

1.  Bức tranh thiên nhiên Tây Bắc và hình ảnh người lính trên chặng đường hành quân.

* Khơi nguồn cảm xúc từ dòng sông Mã, trong cảm xúc “nhớ chơi vơi” về một thời Tây Tiến, kỉ niệm chợt ùa về…

– Bức tranh thiên nhiên núi rừng miền tây hùng vĩ, dữ dội, khắc nghiệt đầy bí hiểm: địa danh xa lạ gợi những vùng đất xa xôi, bí ẩn; Khí hậu khắc nghiệt cùng sương giăng mây phủ; địa hình hiểm trở với dốc núi, cồn mây trùng điệp; rừng thiêng nước độc với tiếng thác gầm thét, cọp trêu ngươi…

– Bức tranh thiên nhiên Tây Bắc thơ mộng, trữ tình (cảnh sương lấp, hoa về; cảnh đêm liên hoan rực rỡ, lung linh và ấm áp tình người; cảnh thiên nhiên sông nước miền tây một chiều sương giăng hư ảo..)

– Hình ảnh người lính trên chặng đường hành quân: gian khổ, hi sinh mà vẫn ngang tàng, tâm hồn vẫn trẻ trung, lãng mạn (phải đối mặt với gian lao, thử thách, chấp nhận hi sinh; vẫn tinh nghịch trẻ trung; vẫn rung động trước cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng)

* Với cách dùng từ độc đáo (từ láy, từ cảm thán, từ địa danh..), phép điệp từ, phép đối, nghệ thuật nhân hóa, liệt kê, nhịp điệu dồn dập, sử dụng thanh điệu mới lạ…, tác giả đã phác họa bức tranh thiên nhiên và người lính Tây Tiến thật sống động.

2. Bức chân dung oài hùng, lẫm liệt của những người lính Tây Tiến.

* Trong nỗi “nhớ chơi vơi” về một thời gian khổ mà hào hùng, hình ảnh người lính Tây Tiến hiện lên thật đẹp.

– Vẻ đẹp lẫm liệt, kiêu hùng:

+ Ngoại hình bi thương nhưng không bi lụy (không mọc tóc, quân xanh màu lá)

+ Tinh thần hiên ngang bất khuất: tư thế oai phong lẫm liệt, ý chí chiến đấu kiên cường, khát vọng giết giặc cao cả (dữ oai hùm, mắt trừng…)

+ Tinh thần quyết tử cho tổ quốc quyết sinh là tinh thần của con người thời đại: người lính sẵn sàng làm mồ viễn xứ, chẳng tiếc đời xanh, về đất… (Lưu ý thái độ của tác giả khi nói về cái chết – tư thế sẵn sàng, chết là hóa thân, là về cùng và mãi trường tồn với quê hương đất nước…)

– Vẻ đẹp hào hoa, lãng mạn: tâm hồn người lính trẻ luôn rộng mở, những trí thức trẻ Hà Nội vẫn lạc quan, yêu đời, luôn mơ mộng (gửi mộng qua biên giới, đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm…)

⇒ Vẻ đẹp lẫm liệt, kiêu hùng của người lính đã lấn át cái bi thương mà chiến tranh khắc nghiệt mang lại. Vẻ đẹp hào hoa, lãng mạn đã nâng bổng tâm hồn người lính vượt lên những thử thách nghiệt ngã, cả cái chết. Tất cả làm nên một vẻ đẹp bi tráng của người lính chống Pháp một thời.

* Với một khung ngôn từ đặc sắc, nhiều từ Hán Việt được sử dụng, âm hưởng đoạn thơ trầm hùng…Quang Dũng đã phác họa chân dung người lính Tây Tiến với vẻ đẹp hào hùng, hào hoa trong niềm tự hào và nỗi nhớ da diết, bâng khuâng.

3. Nghệ thuật.

– Cảm hứng và bút pháp lãng mạn.
– Cách sử dụng ngôn từ đặc sắc: Các từ chỉ địa danh, từ tượng hình, từ Hán Việt,…
– Kết hợp chất nhạc và chất họa.

4. Ý nghĩa văn bản:

– Bài thơ đã khắc họa thành công hình tượng người lính Tây Tiến trên nền cảnh núi rừng miền Tây hùng vĩ, dữ dội, Hình tượng người lính Tây Tiến mang vẻ đẹp lãng mạn, đậm chất bi tráng sẽ luôn đồng hành trong trái tim và trí óc mỗi chúng ta.

III. BÀI TẬP VẬN DỤNG.

1/ Trình bày ngắn gọn về nội dung và nghệ thuật của bài thơ.

2/ Cảm nhận của anh/chị về thiên nhiên Tây Bắc qua đoạn thơ đầu bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng.

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi.
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi,
Mường Lát hoa về trong đêm hơi.

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm,
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời.
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống,
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.

Anh bạn dãi dầu không bước nữa,
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét,
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.

Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói,
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.

(“Tây Tiến” – Quang Dũng)

2/ Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau:

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa,
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

(“Tây Tiến” – Quang Dũng)

3/ Cảm nhận về vẻ đẹp bi tráng của hình tượng người lính Tây Tiến đoạn thơ sau:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu, anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

(“Tây Tiến”– Quang Dũng)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang