Trong lời đề tựa tập “Lửa thiêng”, Xuân Diệu đã nhận xét phong cách thơ Huy Cận: “Cái buồn của thơ Huy Cận là cái thương vô hạn hoá thành cái tủi vô cùng, ‘ấy là thứ hận sầu dài dặc lâu bền nó gieo trong lòng bọn thi sĩ’. Nỗi buồn đó vốn là nỗi buồn chung của con người, bọn thi sĩ chúng tôi nhẹ lòng nhẹ dạ, nên lĩnh mang dùm tất cả cho nhân gian!”
Lời nhận xét trên gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về đặc trưng của thơ ca và sứ mệnh nghệ thuật của thi sĩ? Bằng hiểu biết về “Tràng giang” của Huy Cận, hãy làm rõ suy nghĩ của anh (chị).
Bài làm:
“Một chiếc linh hồn nhỏ
Mang mang thiên cổ sầu”
Nói về Huy Cận, người ta nghĩ ngay đến những đám mây lãng du phiêu dạt theo cơn gió, đến nỗi hắt hiu sầu thương giữa cõi đời vội vã. Người ta ví nhà thơ ấy và những áng thơ của ông như cơn gió thì thầm nỗi nhớ thương đến đau đáu không nguôi cho đời và cả tiếng thê thiết ngàn đời vì cõi nhân gian Huy Cận là vậy, giữa những thinh không của ngôn từ là điệu buồn miên man như choán ngợp cả linh hồn. Mà như Xuân Diệu từng viết trong lời đề tựa của “Lửa thiêng: “Cái buồn của thơ Huy Cận là cái thương vô hạn hoá thành cái tủi vô cùng, ‘ấy là thứ hận sầu dài dặc lâu bền nó gieo trong lòng bọn thi sĩ’. Nỗi buồn đó vốn là nỗi buồn chung của con người, bọn thi sĩ chúng tôi nhẹ lòng nhẹ dạ, nên lĩnh mang dùm tất cả cho nhân gian!”. Và phải chăng chẳng riêng gì Huy Cận mà hết thảy những nhà thi sĩ đều muốn gột rửa thời đại bằng giọt nước mắt của thi ca?
Đỗ Lai Thuý từng viết: “Thơ ca là diễn ngôn chênh vênh giữa đời thực. Đó là cái đẹp của nó, là bi kịch của nó và là vận may kì diệu của nó.” Giữa cái chênh vênh ấy, thơ ca mang lấy mọi giai điệu của xúc cảm, từ cái thẩn thơ ngơ ngác đến dạt dào say mê. Và thơ ca, còn thấm đẫm nỗi buồn, chất cha trăm ngàn lời xót xa. “Cái thương vô hạn hoá thành cái tủi vô cùng” chính là ở dấy. Đó là bầu tâm sự của nhân thế mà thi sĩ đeo đẳng không thôi. Là cái buồn thương cho chốn phong trần đầy chông gai và bất tận. Là đớn đau cho thân thể nhỏ bé, trôi nổi giữa dòng chảy thời gian. Tất cả quyện vào nhau để rồi hoá thành “Tiếng nức nở gởi gió đường quạnh quẽ”. Nỗi buồn nhân thế ám ảnh thi nhân ấy trộn vào nhau bật thành từng hồi vang vọng trong đất trời thi ca để rồi mãi đọng lại từng giọt một, những âm vang, những dai dẳng,…
“Lời tuyệt vọng là lời đẹp nhất, tiếng nấc kia là tuyệt bút muôn đời”. Thơ ca một đời phiêu lãng, một đời kiếm tìm, há chẳng phải đều vì một chữ “Mỹ” hay chăng? Có đời nào đâu, thi ca tách mình khỏi cái đẹp mà cái đẹp ấy thì vốn đã phát khởi từ đau thương, buồn tủi. Thơ ca, nó vốn dĩ cất lên từ đáy lòng tràn trề những rung động. Có nào đâu, thơ ca tách liền sinh mệnh mình với cõi lòng nhân thế? Bản chất vốn đã thế, thi ca nặng nợ với thế gian, mang lấy bao nhiêu nỗi niềm để hoà vào trong câu từ. Thơ ca muốn đi từ trái tim đến linh hồn, muốn kiếm tìm cái tầng sâu thẳm nhất của thế nhân. Thơ ca nói về nỗi buồn mang trong nó cái chùng lòng và những tiếng nghẹn ngào cũng bởi vì khát khao nói cho nỗi lòng người đời.
Trước thực tại bao nhiêu là đau thương, trước gió sương trùng điệp khốn khổ, thơ ca muốn làm một người bạn với đời người, để thấu hiểu, để yêu thương. Thơ ca, bật ra từ những cơn mơ tỉnh của người thi sĩ, từ cõi lòng tinh tế đến nhạy cảm mong manh của thi nhân để rồi nhìn thấu nỗi đau thực tại, để rồi phải một đời trăn trở, một đời bâng khuâng. Ngôn từ thi ca vì lẽ ấy chẳng phải chỉ chứa đựng buồn sầu ảo não mà còn là xót xa, đồng điệu đến tha thiết với cuộc đời và cả người đời nữa. Chẳng ai hơn được thơ, hiểu người đến tường tận:
“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng”
Đời người vốn dĩ như một chiếc lá đơn côi trôi dạt theo tháng năm để rồi cũng khuất dạng giữa những con sóng lớn. Có nào riêng ai đâu, sợ nỗi cô độc, lẻ loi. Cái nỗi ám ảnh ấy, đeo đẳng bao kiếp người, sao mà ta bé nhỏ thế, sao mà ta lạc lõng thế? Cái nỗi niềm ấy sự cô tủi, trăn trở ấy đã bật thành nỗi “buồn điệp điệp” chồng chất đến hằng hà khi ta đứng giữa đất trời, đắm mình trong sự bất tận và vô hạn của trời đất và núi sống. Trong “Thất lạc cõi người”, Dazai Osamu từng viết: “Đời là dòng sông, ta như con thuyền nhỏ trôi dạt về đâu xa mấy xa”. Ở đây ngay khi đọc câu thơ thứ hai trong “Tràng giang” của Huy Cận, ta lại càng thấm thía hơn bao giờ nỗi đơn côi của bao đời người. Như một con thuyền nhỏ giữa mênh mang là sông, là núi, ta bé nhỏ, ta lọt thỏm trong sự bao la của vũ trụ và cả sự cô liêu của chính mình, và ta hòa vào trùng điệp những xa xoi ấy để rồi nhận ra bản thân đang đeo nặng trên đôi vai gầy mòn, nhỏ bé này bao nỗi sầu muộn chồng chất trôi theo dòng nước đến muộn nơi.
Ở đây, Huy Cận đứng ở góc độ chủ quan để bày tỏ nỗi lòng mình thế, nhưng ấy cũng lại là nỗi niềm của đời người, của chung tất cả. Nỗi lo sợ đến hoang mang ấy, có ai mà không mang lấy, ấy thế mà hoà vào trong “Tràng giang” cùng thả mình theo điệu ngân nga của con sông bất tận ấy, nhà thi sĩ đã khiến bạn đọc phải xuyến xao, phải bồi hồi vì cảm nhận được nỗi lòng chung, thấy như “cùng một lứa bên trời lận đận” và mình đã được thấu hiểu, được sẻ chia. Cái tình ý trong thơ chính là thế, lan toả đến mọi ngõ ngách linh hồn và rồi sưởi ấm những trái tim cô liêu, để rồi từng “chiếc linh hồn” nhỏ ấy chẳng cần kêu lên nữa, rằng: “Sầu chi lắm, trời ơi! Chiều tận thế”
Trước, Nguyễn Công Trứ từng viết: “Trót nợ cùng thơ phải chuốt lời”. Việc cầm bút ấy nào có dễ đâu, muốn tạo ra những áng thi ca “luỵ phần dư” ấy, cần hơn cả là cái tài và cái tầm của người thi sĩ. Muốn viết được những bài thơ sắc sảo, rung động, sự trau chuốt về ngôn từ là không thể thiếu. Bởi vốn dĩ, thi cả ca cần phải hàm súc, gãy gọng, không thể thừa hay thiếu, mỗi chữ đặt vào đều phải khớp nhau. Nhà thơ muốn tạo ra những khoảng lặng ngôn từ để người đọc thả hồn vào đó cần lắm sự điêu luyện. Không chỉ vậy, người nghệ nhân ngôn từ còn phải miệt mài lao động nghệ thuật, phải học cái tài của cố nhân để rèn cho mình cái chất độc đáo, ví như Huy Cận viết:
“Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”
Vốn lấy tứ trong “Hoàng Hạc Lâu” của Thôi Hiệu rằng:
“Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”
Ở đây, Huy cận đã thay đổi ý vị đi hẳn. Cần chi hoàng hôn để nhớ nhà khi nỗi nhớ ấy vốn dĩ tồn tại trong tâm thức? Cần gì là chốn xa xôi, khung cảnh hữu tình để mường tượng rồi thương nhớ khi đứng ngay đây, ta thấy cũng thật xa xôi? Sự chọn lọc ngôn từ và thay đổi thành lối tư duy hiện đại của Huy Cận đã khiến hai câu chốt hạ của “Tràng Giang” càng thêm vang vọng, nó cất thành từng tiếng một vọng vào tâm thức người đọc.
Thế nhưng, vậy là chưa đủ, nếu chỉ có ngôn từ hoa mỹ thì thi ca không thể trọn vẹn. Hơn cả hoá phép ngôn từ, thi nhân còn cần phải chọn lọc tình ý. Đó là nỗi niềm chung, xúc cảm siêu thăng và vụt lên như một ngôi sao sáng. Chính lẽ ấy, nhà thơ phải tinh tế trước bão tố cuộc đời để cảm nhận được những vết nứt xuyên qua thời đại mình. Và hơn cả, nhà thơ phải yêu thương cuộc đời, phải cùng sống, cùng hoà vào niềm hoan hỉ, phải cùng khóc, cùng chìm trong đau thương để thấu hiểu, để cảm thông và san sẻ.
Thế nhưng, trong đau đớn hay tuyệt vọng, nhà thơ vẫn không thể nào quên rằng lời thơ của mình phải mở ra ý nghĩa sống, phải thắp lên niềm tin và hy vọng. Và nhà thơ phải lấy nước mắt của mình để đột rửa đau thương thế gian. Và phải viết để cứu rỗi chính mình, chính cuộc đời đớn đau này. Đừng quên, trong “Tràng giang” tuy ví mình như “con thuyền nhỏ” song cái tôi bé nhỏ ấy vẫn chẳng bị con nước kia nhấn chìm. Hay như: “Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa”. Tuy bé nhỏ giữa bao la vùng trời nhưng cánh chim đó há chẳng phải vẫn đang gánh gồng trên mình cả vũ trụ vô tận hay chăng?
Nhà thơ vốn sinh ra với sự tinh tế với trái tim chẳng khi nào thôi não nề, đớn đau vì đời. Thế nên họ gánh trên vai mình bao nỗi niềm mà thế gian chẳng cất nỗi nên câu. Nhà thơ mượn thi ca để tỏ bày, để nói rõ lòng mình, đem vào đó nỗi sầu vạn cổ của nhân thế, để rồi tất cả ngôn từ hoà vào nhau, ngân vang thành giai điệu cuộc sống và vẽ nên bức tranh cuộc đời sắc nét, tròn vẹn.
“Gió về, lòng rộng không che
Hơi may hiu hắt bốn bề tâm tư”
Giữa trùng điệp khói sương trong đời biết bao hiu hắt, quạnh quẽ lẫn đơn côi. Thế mà thi ca như chẳng bao giờ quên nghĩ ngợi, lúc nào cũng ôm cả vào mình, hằng cất tiếng vì cuộc đời còn lắm những những nỗi xốn xang, u sầu. Để rồi, qua đó như khẳng định tình yêu thương của thi ca cho chính cuộc sống này.
- Cảm nhận 2 khổ thơ đầu bài thơ “Tràng giang” (Huy Cận)
- Chứng minh: Tràng giang đã tiếp nối mạch thi cảm truyền thống với sự cách tân đích thực”
- So sánh bút pháp “thi trung hữu hoạ” trong bài thơ Tây Tiến (Quang Dũng) và Tràng giang (Huy Cận)