Biểu cảm về cây tre Việt Nam
Hướng dẫn làm bài:
- Mở bài:
Giới thiệu loại cây em yêu đó chính là cây tre biểu tượng cho đất nước và con người Việt Nam
- Thân bài:
1. Miêu tả và cảm nghĩ về đặc điểm của cây tre:
– Rễ tre cần mẫn vươn sâu bám chặt vào lòng đất.
– Thân vươn cao, cứng cõi.
– Lá nhỏ, nhọn, xào xạc, vi vút trong gió.
– Măng tre lớn nhanh như thổi.
2. Miêu tả và cảm nghĩ về sức sống mãnh liệt của cây tre:
– Cây tre khẳng khiu nhưng có sức sống mãnh liệt.
– Từ biển cả đến nơi rừng núi, từ đồng bằng ẩm ướt đến đồi cao khô cằn, nơi nào tre cũng xanh tươi.
– Tre siêng năng, cần mẫn, hiền lành, đoàn kết gắn bó là biểu tượng của sức sống mãnh liệt của con người từ bao đời nay.
3. Cảm nghĩ về vai trò, ý nghĩa của cây tre trong đời sống con người:
– Hình bóng cây tre có mặt khắp nơi trên mọi miền đất của tổ quốc
– Tre là loài cây đã đi sâu vào tiềm thức của tôi từ thời ấu thơ
– Nơi sỏi đá khô cằn, nơi đất vôi bạc màu nghèo sinh dưỡng, tre vẫn không ngại vươn mình lên đón mặt trời.
– Tre đã trở thành người bạn thân thiết, trở thành một phần của cuộc sống con người
Cây đa, quán nước, đình làng và lũy tre xanh là niềm thổn thức của bao trái tim xa quê
– Thời bom đạn: “Tre xung phong vào xe tăng đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín…”
– Trở về đời thường, tre hòa mình vào cuộc sống, cùng con người dựng xây hạnh phúc….
– Những buổi trưa hè lộng gió, tiếng võng tre kẽo cà kẽo kẹt, tiếng sáo diều du dương bay bổng, ôm ấp cả làng quê êm ả thanh bình.
- Kết bài:
Hình tượng cây tre luôn mang một ý nghĩa lớn lao, đặc biệt trong trái tim con người Việt. Tre là quê hương ruột thịt…
Tham khảo:
- Mở bài:
“Tre xanh, xanh từ bao giờ.
Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh”.
Đi khắp làng quê Việt Nam, ở đâu ta cũng bắt gặp hình ảnh lũy tre xanh. Tre xanh rợp mắt con đường dẫn vào làng. Tre xanh phủ bóng lên mái nhà cổ kính. Tre xanh đồng, xanh bãi. Từ lâu, cây tre đã trở thành biểu tượng cho đất nước và con người Việt Nam giản dị, thân thiện và thuần hậu.
- Thân bài:
Có thể nói, cây tre đã gắn bó với người nông dân Việt Nam từ thuở hoang sơ của lịch sử. Từ trong rừng sâu, tre về ở với con người, cùng con người trải qua biết bao gian nan, vất vả. Con người cũng dành cho cây tre những tình cao chân thành và cao quý nhất.
Cây tre dáng thẳng, thân vươn vút lên trời cao. Rễ tre cần mẫn vươn sâu bám chặt vào lòng đất, giữ chặt cho bụi tre. Lá tre nhỏ, nhọn, xào xạc, vi vút trong gió. Măng tre lớn nhanh như thổi. Có thể nói, trong các loài cây, không có cây nào lớn nhanh như cây tre. Chỉ sau một đêm, mang tre có thể cao lên đến 1 mét.
Cây tre thường mọc thành từng cụm, từng bụi, hoặc kết thành từng lũy vững chãi. Từ một búp mang non ban đầu, chỉ sau một năm đã có một bụi tre với ba thế hệ. Cứ thế, năm này qua năm khác, cây này già đi, cây khác vươn lên thay thế. Cây tre khi chết đi, bụi gốc vẫn còn đó, tiếp tục trở thành chỗ dựa vững chắc cho cây non. những cành gai tua tủa đan cài lấy nhau khiến cho bụi tre bền chặt, không bị gãy đổ trước gió bão.
Cây tre khẳng khiu nhưng có sức sống mãnh liệt. Chỉ cần được bám vào đất là tre có thể phát triển. Mùa nắng khô cháy, tre vẫn xanh tươi. Mùa mưa nước ngập, tre lại cành xanh thắm. Nhờ sức chịu đựng bền bỉ ấy, tre có thể sinh tồn từ nơi đầm lầy ngập nước đến miền núi cao khô hạn. Từ biển cả đến nơi rừng núi, từ đồng bằng ẩm ướt đến đồi cao khô cằn, nơi nào tre cũng xanh tươi. Nơi sỏi đá khô cằn, nơi đất vôi bạc màu nghèo sinh dưỡng, tre vẫn không ngại vươn mình lên đón mặt trời. Tre siêng năng, cần mẫn, hiền lành, đoàn kết gắn bó là biểu tượng của sức sống mãnh liệt của con người từ bao đời nay.
Tre mộc mạc, nhũn nhặn; nhưng lại nhẫn nại vô cùng, không chê đất cằn, không sợ sương gió, lúc nào cũng ngay thẳng, can đảm, không chịu đứng khuất trong bóng râm mà giầu lòng vị tha, bao dung, đùm bọc, vừa thanh cao vừa giản dị và bất khuất. Tre “ăn ở với người, đời đời, kiếp kiếp”, “sống có nhau, chết có nhau chung thủy”. Tre “mộc mạc”, “nhũn nhặn” mà nhẫn nại không chê đất cằn, sá gì sương gió. Tre “ngay thẳng, thủy chung, can đảm”, giàu lòng vị tha, bao dung, đùm bọc. Tre “thanh cao, giản dị, chí khí như người”. “Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm”.
Tre là loài cây đã đi sâu vào tiềm thức của tôi từ thời ấu thơ. Chiếc nôi tre ru giấc ngủ tuổi thơ. Tre đã trở thành người bạn thân thiết, trở thành một phần của cuộc sống con người. Cây đa, quán nước, đình làng và lũy tre xanh là niềm thổn thức của bao trái tim xa quê. Những buổi trưa hè lộng gió, tiếng võng tre kẽo cà kẽo kẹt, tiếng sáo diều du dương bay bổng, ôm ấp cả làng quê êm ả thanh bình.
Khi đất nước có chiến tranh, cây tre cũng góp mình chống giặc. Câu chuyện Thánh Gióng nhổ bụi tre ngà làm vũ khí đánh giặc đến nay còn kể mãi. Lũy tre, chông tre cản bước quân thù. Trở về đời thường, tre hòa mình vào cuộc sống, cùng con người dựng xây hạnh phúc….
Tre sống đoàn kết, thủy chung, thanh cao, bất khuất như con người Việt Nam từ bao đời nay kiên trung với mảnh đất này. Giống như tre đứng trước cuồng phong vẫn nhẫn nại chịu oằn mình, ngả rạp, để khi gió yên trời lặng lại vươn mình đứng thẳng thành lũy, thành rừng; tre già măng lại mọc, tiếp tục sinh sôi, con người Việt Nam chưa bao giờ chịu khuất phục, lìu bước trước bom đạn của kẻ thù. Cuộc sống bị tàn phá rồi lại xanh tươi bởi tình yêu cuộc sống, sức mạnh đấu tranh của con người Việt nam là chưa bao giờ vơi cạn.
- Kết bài:
Ngày nay, khi sắt thép đã thay tre nứa, cây tre vẫn gắn bó với con người, không bao giờ rời xa. Bóng tre vẫn rợp mát con đường làng; đũa tre vẫn xuất hiện trong bếp nhà; nông tre vẫn giúp người nong dân phơi nông sản. Cuộc sống càng hiện đại, con người càng nhận ra những phẩm chất ưu tú của cây tre và càng thêm quý trọng loài cây này hơn.
- Biểu cảm về cây hoa phượng
- Biểu cảm về vẻ đẹp cây hoa mai
- Thuyết minh về hình ảnh cây tre trong đời sống con người Việt Nam