Vai trò, ý nghĩa của việc đọc sách đối với học sinh.
- Mở bài:
Đọc một quyển sách là đi một chặng đường. Ta càng đọc nhiều, ta càng hiểu biết nhiều. Ta càng hiểu biết nhiều ta càng thành công và hạnh phúc. Tất cả những gì con người đã làm, đã nghĩ luôn được bảo tồn một cách kỳ diệu trên những trang sách. Có thể nói, sách là nguồn của cải quý báu của thế giới và là di sản xứng đáng của các thế hệ và các quốc gia. Việc đọc sách có vai trò, ý nghĩa rấ quan trọng đối với mỗi học sinh.
- Thân bài:
Chúng ta không còn phải nghi ngờ và băn khoăn gì nữa về tác dụng và vai trò to lớn của sách đối với đời sống con người. Đã từ rất xưa, những nhà hiền triết, những nhà khoa học, tất cả họ đều có chung nhận định: sách là kết tinh của trí tuệ, là tri thức, là nguồn sống, là sức sống; hay nói quá đi một chút: sách là sự lựa chọn, tồn tại hay không tồn tại của con người.
Chúng ta thử hình dung, cuộc sống này sẽ như thế nào nếu không có sách? Chắc chắn đó sẽ là sự tối tăm mù mịt của đầu óc con người, hoặc sẽ là sự tẻ nhạt, chán ngắt, vì thế hệ trước chẳng có gì lưu lại cho thế hệ sau. Và lúc ấy, con đường truyền miệng làm sao thỏa mãn được hết nhu cầu hiểu biết của con người.
Ngay từ những ngày vào lớp một, học sinh đã bắt đầu làm quen với sách. Và suốt trên con đường học vấn, sách luôn luôn mang đến cho chúng ta những điều hữu ích. Sách là một người bạn chân thành, khiêm tốn, đáng tin cậy luôn đồng hành cùng ta trên những nẻo đường đời.
Sách cung cấp tri thức cho chúng ta. Sách mở ra trước mắt chúng ta những chân trời mới. Và tất nhiên, nguồn tri thức ấy là vô tận và miễn phí. Sách khai sáng đầu óc chúng ta, giúp chúng ta thấu hiểu vũ trụ và thấu hiểu chính mình. Sách là bạn trung thực, khiêm nhường, không bao giờ phản bội chúng ta.
Sách là người thầy dạy cho chúng ta những bài học về phải – trái, đúng – sai, thiện – ác, những bài học đạo đức, giá trị sống, nhân sinh quan, bằng những câu chuyện cổ tích, những câu chuyện ngụ ngôn hàm súc mà giàu ý nghĩa. Sách còn rèn cho chúng ta những kĩ năng sống, giúp chúng ta thích ứng với cuộc sống. Sách cung cấp tri thức khoa học về tự nhiên, về khoa học xã hội, giúp chúng ta cải tạo tự nhiên, cải tạo xã hội và phục vụ lại cho chính cuộc sống của chúng ta. Sách giúp chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn, chất lượng hơn, và hạnh phúc hơn.
Với những lợi ích của sách, học sinh cần ứng xử với sách một cách đúng đắn. Ứng xử với sách, tất nhiên chúng ta phải biết yêu quý sách, trân trọng, giữ gìn sách và đọc sách với thái độ cầu thị.
Muốn đọc sách một cách đúng đắn và tiếp nhận hết lợi ích của sách, trước tiên, chúng ta cần phải học và đọc kĩ sách giáo khoa trong chương trình học tập. Sách giáo khoa là bộ sách chứa đựng kiến thức cơ bản nhất, cần thiết nhất cho sự phát triển của mỗi con người trong các lĩnh vực: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, lịch sử, nhân văn, đạo đức, kĩ năng sống, giá trị sống, nhân sinh quan,… Kiến thức căn bản ấy là nền tảng để người học phát triển lên cao hơn.
Nhưng học sinh muốn mình được giỏi, thì tất nhiên phải đọc thêm các loại sách khác. Kiến thức là vô tận, trong khi đó năng lực của con người thì có giới hạn. Bởi thế, chúng ta phải biết chọn sách mà đọc. Lựa chọn sách phù hợp với mục đích đọc sách của mình, phù hợp với khả năng tiếp nhận, lứa tuổi, cá tính, sở thích, văn hóa,…. của bản thân. Khi kiến thức nền tảng đã đủ lớn, chúng ta hãy đọc những quyển sách chuyên sâu ở các lĩnh vực mình cần hiểu rõ.
Cách đọc tốt nhất, mang lại hiệu quả nhiều nhất, tất nhiên phải đọc với tâm thế từ tốn, chậm rãi, để cho tâm mình thật tĩnh rồi mới đọc. Đọc như thế chúng ta mới có thời gian cảm nhận và thẩm thấu hết những giá trị mà sách, báo muốn chuyển tải đến chúng ta. Đọc sách mà nóng vội thì chẳng bằng không đọc. Thà rằng đọc một quyển mà đọc kỹ lưỡng còn hơn đọc trăm quyển mà qua loa, sơ sài. Cách đọc như thế chỉ làm ta ảo tưởng về hiểu biết của bản thân mà thôi.
Đọc phải hiểu được ý, hiểu nội dung của từng câu, từng đoạn, phải nắm được chủ đề của văn bản. Tuy nhiên, với những tác phẩm dài hơi, để tiết kiệm thời gian, chúng ta nên đọc nhanh và chỉ cần nắm được ý chính của từng đoạn, từng phần và chủ đề là được.
Tuy nhiên, tốc độ đọc cần phù học với năng lực thấu hiểu. Đừng vì chăm chú đọc chậm mà bỏ qua cơ hội được đọc những quyển sách hữu ích khác.
Đọc sách nhưng đừng quá tin vào sách. Cần đọc và ngẫm nghĩ, lựa chọn cái tốt, thanh lọc cái xấu. Ai đọc sách mà không biết được nhiều hơn những điều viết trong sách, người đó mới sử dụng sách có một nửa. Sách làm trí tuệ con người sâu sắc hơn và sáng sủa hơn.
- Kết bài:
Những gì chúng ta đã biết chỉ là giọt nước, những gì chúng ta chưa biết là đại dương mênh mông. Bởi thế, không gì tốt hơn việc đọc và hấp thu càng ngày càng nhiều tri thức bằng việc đọc sách. Cuộc đời ta thay đổi theo hai cách: Qua những người ta gặp và qua những cuốn sách ta đọc. Đọc sách có thể không giàu, nhưng không đọc, chắc chắn bạn không thể trở nên giàu có được.
Tham khảo:
Sách là sản phẩm sáng tạo bằng trí tuệ và tâm hồn của con người, là kho tàng tri thức của nhân loại. Đọc sách không chỉ nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy giáo dục mà còn rèn luyện nhân cách con người.
Đọc sách giúp ta mở rộng tri thức, hiểu biết trên mọi lĩnh vực. M.Gorki với câu nói nổi tiếng:“Sách mở rộng trước mắt tôi những chân trời mới” và chính cuộc đời ông là một minh chứng. Từ một cậu bé mồ côi, thất học, M.Gorki đã vươn lên trở thành nhà văn bậc thầy của giai cấp vô sản, con người được nhân dân thế giới kính trọng vì một vốn hiểu biết văn hóa vừa rộng lớn vừa sâu sắc. Nhờ đâu? Nhờ một nghị lực sống phi thường đã tìm gặp được một thứ tài sản phi thường. Đó là sách.
Bên cạnh việc đọc sách để tiếp thu tri thức, việc đọc sách đôi khi còn rèn luyện cho ta những kĩ năng, tình cảm và thói quen hữu ích mà đôi khi ta không nhận ra. Đọc sách thể dục thể thao, chúng ta biết rèn luyện sức khỏe dẻo dai bền bỉ hơn. Đọc sách vật lý chúng ta hiểu biết về quy luật vận động của thế giới tự nhiên hơn, từ đó ứng dụng vào cuộc sống. Đọc sách văn học để hình thành cảm xúc, thái độ hợp lý trước mọi cảnh ngộ, cuộc đời; xây dựng đời sống hài hòa, nhân văn, có chiều sâu… “Một cuốn sách tốt mở ra thì gợi niềm hy vọng, khép lại thì đem lại điều hữu ích” (M. An – cốt).
Đọc sách không những để nâng cao tri thức mà còn nâng cao nhân cách. Đọc sách, học và làm theo những điều hay trong sách để hình thành lối sống đẹp cho bản thân. Với ý nghĩa này, các loại sách văn hóa học, văn chương, lịch sử, … không chỉ là những loại sách thuần chuyên môn mà đã trở thành sách chung cho mọi người, cho xã hội. Đọc sách được mở rộng hơn những phạm vi tưởng chừng không có gì liên quan đến chuyên môn nhưng thực ra nó có nhiều tác động đến công việc và cuộc sống của ta sau này.
Sách có vai trò, tầm quan trọng rất lớn trong đời sống xã hội, từ đó mỗi người nên hình thành cho mình thói quen đọc sách, chọn sách, tạo nền tảng cho việc tự học bởi “Đọc sách là cách học tốt nhất”. Mỗi cá nhân tự học sẽ tạo nên một xã hội tự học, từ đó hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. Đọc sách là nuôi dưỡng trí tuệ – “Mỗi ngày đọc vài trang sách, khi về già bạn đã có trong mình một thư viện khổng lồ”.
Tham khảo:
- Mở bài:
Đọc sách không chỉ là thư giãn mà nó còn mang tới cho ta nhiều điều bổ ích. Có lẽ bởi vậy mà Rene Descartes từng nói: “Đọc sách hay cũng giống như trò chuyện với các bộ óc tuyệt vời nhất của những thế kỷ đã trôi qua”.
- Thân bài:
Sách là nơi con người lưu trữ lại toàn bộ những tri thức, những tinh hoa trí tuệ của con người về tất cả các mặt của con người từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nó như một người bạn, một vật phẩm vô giá của nhân loại. Ngày nay, số lượng sách ngày càng nhiều với đủ các thể loại khác nhau giúp ích cho con người nhiều mặt trong cuộc sống. Và việc đọc sách dần trở thành một nét đẹp văn hóa vô cùng nhân văn.
Đọc sách không chỉ là cách con người đốt thời gian của mình mà nó còn mang lại rất nhiều những ý nghĩa vô cùng giá trị. Sách chính là kho tàng kiến thức của cả nhân loại, chính vì thế, đọc sách chính là cách con người hấp thu những tinh hoa văn hóa, những kiến thức xã hội vô cùng quý báu. Nó giúp bạn học hỏi được những kinh nghiệm từ những người đi trước rồi áp dụng nó vào cuộc sống thực tiễn một cách nhuần nhuyễn. Không ít người đã được khai sáng nhờ đọc những cuốn sách hay. Một điển hình cho việc không ngừng đọc, không ngừng học hỏi không ai khác chính là vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh của chúng ta. Người đi qua nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người nhưng đi đâu Người cũng tìm tòi, cũng luôn mang theo mình những cuốn sách để không ngừng trau dồi cho mình những kiến thức. Để rồi khi đọc xong, khi trải nghiệm thực tế, Người mới thấu hiểu được nỗi thống khổ của những người dân bị áp bức, Người mới tìm ra con đường dẫn tới thắng lợi của các dân tộc bị áp bức chính là cách mạng xã hội chủ nghĩa…
Không chỉ cung cấp cho con người những tri thức, những kinh nghiệm sống mà đọc sách còn là cách giúp con người thư giãn, thanh lọc và bồi bổ tâm hồn mình. Có không ít những cuốn sách giúp con người giải tỏa được tâm lý u ám, hướng họ tới những điều lương thiện, trong sáng và tốt đẹp hơn. Chắc hẳn, chúng ta đã quá quen với tựa đề “Hạt giống tâm hồn” – cuốn sách nổi tiếng được nhiều người lựa chọn đọc để soi mình vào đó, thanh lọc mình và học hỏi ở đó những điều tốt đẹp và bình dị nhất. Hay như những bạn nhỏ đọc những cuốn sách tuổi thơ đầy ngộ nghĩnh, nó không chỉ giúp các em phát triển trí não mà còn nuôi dưỡng tâm hồn trong sáng, thiện lương của các em.
Bên cạnh đó, sách cũng được coi là một người bạn dễ đồng cảm và sẻ chia với con người. Rất nhiều người chọn sách theo tâm trạng, và khi đọc chúng, họ cảm thấy mình được chia sẻ rất nhiều. Nếu bạn vui và bạn chọn đọc 1 cuốn sách vui, bạn sẽ thấy niềm vui ấy được nhân lên rất nhiều. Nếu bạn buồn và bạn chọn một cuốn sách hợp tâm trạng, bạn sẽ thấy nỗi buồn của mình được san sẻ, bạn sẽ thấm thía những điều mình đã trải qua.
Đọc sách có rất nhiều mặt lợi ích nhưng ngược lại, không đọc sách cũng có không ít những tác hại. Thật vậy, không đọc sách giống như bạn đang bó hẹp lại kiến thức của chính mình, từ làm giảm tầm nhìn của mình với cuộc sống đang ngày một phát triển như ngày nay. Tâm hồn bạn cũng theo đó mà cằn cỗi, khô cạn vì chẳng được chăm sóc, bồi đắp… Bạn sẽ giống như những con ếch mãi chỉ biết vùng sáng nhỏ bé trong cái giếng của chính mình.
Đọc sách là một điều vô cùng bổ ích nhưng rất nhiều ngườ vẫn chưa biết cách đọc sách cũng như chọn lựa sách sao cho đúng. Họ thường đọc bừa bãi, đọc lướt để rồi những thứ đã đọc trôi đi nhanh chóng mà không đọng lại chút gì. Hãy biết cách chọn lựa cho mình những cuốn sách phù hợp với bản thân, phù hợp với lứa tuổi và nghề nghiệp của mình. Hãy dành một khoảng thời gian thật tập trung để đọc, để nghiền ngẫm những thứ mà sách dạy. Sau đó, hãy biết cách áp dụng những thứ được học từ sách vào cuộc sống. Có như vậy, giá trị của việc đọc sách mới thực sự phát huy hết tác dụng.
- Kết bài:
Sách vừa là người bạn, vừa là người thầy của con người. Việc đọc sách đối với mỗi người là vô cùng quan trọng. Bởi sách là nguồn tri thức quý giá mà nhân loại đã trao tặng cho bạn. Bạn nên có thói quen đọc sách và chọn sách là bạn đồng hành trên con đường hướng đến thành công của bạn. Bạn hãy trân trọng từng quyển sách và hãy cố gắng tiếp thu và thực hành những kiến thức trong sách. Hãy rèn cho mình một thói quen đọc sách, một văn hóa đọc thực sự văn minh và biết cách chân quý những giá trị mà sách mang lại.
Những câu nói hay về sách.
– “Vào khoảnh khắc mà chúng ta quyết thuyết phục đứa trẻ, bất cứ đứa trẻ nào, bước qua bậc thềm ấy, bậc thềm màu nhiệm dẫn vào thư viện, ta thay đổi cuộc sống của nó mãi mãi, theo cách tốt đẹp hơn.” – Barack Obama
– Có sách, các thế kỉ và dân tộc xích lại gần nhau. Gặp được một quyển sách hay nên mua liền dù đọc được hay không đọc được, vì sớm muộn gì cũng cần đến nó. – W.Churchill
– Một cuốn sách hay cho ta một điều tốt, một người bạn tốt cho ta một điều hay. – Gustavơ Lebon
– Chính từ sách mà những người khôn ngoan tìm được sự an ủi khỏi những rắc rối của cuộc đời.Nếu bạn chỉ đọc những cuốn sách mà tất cả mọi người đều đọc, bạn chỉ có thể nghĩ tới điều tất cả mọi người đều nghĩ tới. – Haruki Murakami
– Việc đọc rất quan trọng. Nếu bạn biết cách đọc, cả thế giới sẽ mở ra cho bạn – Barack Obama
– “Chúng ta là ai, mỗi người trong chúng ta là ai nếu không phải tổ hợp của kinh nghiệm, thông tin, những cuốn sách chúng ta đã đọc, những điều chúng ta đã tưởng tượng ra?” – Italo Calvino
– “Một cuốn sách thực sự hay nên đọc trong tuổi trẻ, rồi đọc lại khi đã trưởng thành, và một nửa lúc tuổi già, giống như một tòa nhà đẹp nên được chiêm ngưỡng trong ánh bình minh, nắng trưa và ánh trăng.” – Robertson Davies
– “Cuốn sách tốt nhất cho bạn là cuốn sách nói nhiều nhất với bạn vào lúc bạn đọc nó. Tôi không nói tới cuốn sách cho bạn nhiều bài học nhất mà là cuốn sách nuôi dưỡng tâm hồn bạn. Và điều đó phụ thuộc vào tuổi tác, trải nghiệm, nhu cầu về tâm lý và tinh thần.” – Robertson Davies
– “Tôi đọc lòi cả mắt và vẫn không đọc được tới một nửa… người ta càng đọc nhiều, người ta càng thấy còn nhiều điều cần phải đọc.” – John Adams
– “Khi bạn không làm được điều bạn muốn làm, có lẽ bạn cũng cảm thấy tự do bị tước đoạt.” (trích “Tôi Là Bêtô” – Nguyễn Nhật Ánh)
– “Hai bàn tay của ta giống như những người bạn thân, luôn chia sẻ với ta mọi vui buồn trong cuộc sống. Bạn cứ ngẫm mà xem, có phải khi bạn mừng rỡ hay phấn khích, hai bàn tay hăng hái vỗ vào nhau để nhân đôi niềm vui trong lòng bạn. Khi bạn khóc, hai bàn tay lại thay phiên nhau kiên trì lau khô những giọt lệ lăn tròn trên gò má bạn. Hai bàn tay lúc đó giống như những chú chim vàng anh trong cổ tích, cần mẫn tha từng hạt cườm long lanh trên mặt bạn đem gởi vào nắng, vào gió, vào mưa để một chốc sau sự tươi tỉnh lại nhuộm hồng gương mặt mới đây còn tái xanh của bạn.” (trích “Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh” – Nguyễn Nhật Ánh)
– “Có những vẻ đẹp bạn không nhận ra cho đến khi đã đánh mất nó, không phải như người yêu đã chia tay, không phải như nụ hoa đã tàn héo, mà như một phần cuộc đời bạn, không gì thay thế nổi.” (trích “Hãy Tìm Tôi Giữa Cánh Đồng” – Đặng Nguyễn Đông Vy)
– “Trải qua bấy nhiêu chuyện, ta mới phát hiện chết thực ra rất dễ dàng, sống mới là khó khăn. Có thể sống đến cuối cùng mới là khó nhất.” (trích Từng thề ước – Đồng Hoa)
– “Hãy cứ nhớ rằng độc thân là một đặc ân, cho nên phải tận hưởng lâu nhất có thể, bạn nhé.” (trích “Buồn Làm Sao Buông” – Anh Khang)
– Món quà tuyệt vời nhất chính là niềm đam mê với việc đọc sách. Nó rẻ, nó an ủi, nó làm sao lãng, nó kích thích, nó mang đến cho bạn những tri thức về thế giới và trải nghiệm về những lĩnh vực khác nhau. Nó chính là sự khai sáng tinh thần. (Elizabeth Hardwick)
– Cuốn sách tốt nhất cho bạn là cuốn sách nói nhiều nhất với bạn vào lúc bạn đọc nó. Tôi không nói tới cuốn sách cho bạn nhiều bài học nhất mà là cuốn sách nuôi dưỡng tâm hồn bạn. Và điều đó phụ thuộc vào tuổi tác, trải nghiệm, nhu cầu về tâm lý và tinh thần. (Robertson Davies)