tai-lieu-on-tap-ngu-van-12-dot-pha-ky-thi-tot-nghiep-pho-thong

Tài liệu ôn tập Ngữ văn 12 đột phá kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông.

Tài liệu ôn tập Ngữ văn 12 đột phá kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông.

PHẦN A. RÈN LUYỆN KĨ NĂNG ĐỌC HIỂU VĂN BẢN.

I. Phong cách chức năng ngôn ngữ:

1. Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt.

– Sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp hàng ngày, mang tính tự nhiên, thoải mái và sinh động, ít trau chuốt…Trao đổi thông tin, tư tưởng, tình cảm trong giao tiếp với tư cách cá nhân

– Gồm các dạng chuyện trò/ nhật kí/ thư từ…

2. Phong cách ngôn ngữ khoa học.

– Dùng trong những văn bản thuộc lĩnh vực nghiên cứu, học tập và phổ biến khoa học, đặc trưng cho các mục đích diễn đạt chuyên môn sâu

3. Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.

– Dùng chủ yếu trong tác phẩm văn chương, không chỉ có chức năng thông tin mà còn thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ của con người; từ ngữ trau chuốt, tinh luyện…

4. Phong cách ngôn ngữ chính luận.

– Dùng trong lĩnh vực chính trị – xã hội, ; người giao tiếp thường bày tỏ chính kiến, bộc lộ công khai quan điểm tư tưởng, tình cảm của mình với những vấn đề thời sự nóng hổi của xã hội

5. Phong cách ngôn ngữ hành chính.

– Dùng trong các văn bản thuộc lĩnh vực giao tiếp điều hành và quản lí xã hội ( giao tiếp giữa Nhà nước với nhân dân, Nhân dân với các cơ quan Nhà nước, giữa cơ quan với cơ quan…)

6. Phong cách ngôn ngữ báo chí.

– Kiểu diễn đạt dùng trong các loại văn bản thuộc lĩnh vực truyền thông của xã hội về tất cả các vấn đề thời sự (thông tấn = thu thập và biên tập tin tức để cung cấp cho các nơi)

II. Phương thức biểu đạt của văn bản.

1. Tự sự (kể chuyện, tường thuật).

– Khái niệm: Tự sự là kể lại, thuật lại sự việc, là phương thức trình bày 1 chuỗi các sự việc, sự việc này đẫn đến sự việc kia, cuối cùng kết thúc thể hiện 1 ý nghĩa.

– Đặc trưng:

+ Có cốt truyện.

+ Có nhân vật tự sự, sự việc.

+ Rõ tư tưởng, chủ đề.

+ Có ngôi kể thích hợp.

2. Miêu tả.

– Miêu tả là làm cho người đọc, người nghe, người xem có thể thấy sự vật, hiện tượng, con người (Đặc biệt là thế giới nội tâm) như đang hiện ra trước mắt qua ngôn ngữ miêu tả.

3. Biểu cảm.

– Là bộc lộ tình cảm, cảm xúc của mình về thế giới xung quanh.

4. Nghị luận.

– Là phương thức chủ yếu được dùng để bàn bạc phải, trái, đúng sai nhằm bộc lộ rõ chủ kiến, thái độ của người nói, người viết.

5. Thuyết minh.

– Được sử dụng khi cần cung cấp, giới thiệu, giảng giải những tri thức về 1 sự vật, hiện tượng nào đó cho người đọc, người nghe.

III. Phương thức trần thuật.

– Trần thuật từ ngôi thứ nhất do nhân vật tự kể chuyện (Lời trực tiếp)

– Trần thuật từ ngôi thứ 3 của người kể chuyện tự giấu mình.

– Trần thuật từ ngôi thứ 3 của người kể chuyện tự giấu minh, nhưng điểm nhìn và lời kể lại theo giọnh điệu của nhân vật trong tác phẩm (Lời nửa trực tiếp)

IV. Biện pháp nghệ thuật trong văn bản.

1. So sánh.

2. Ẩn dụ.

3. Hoán dụ.

4. Nhân hóa.

5. Điệp từ/ngữ/cấu trúc.

6. Nói giảm, nói tránh.

7. Đảo ngữ.

8. Đối.

9. Liệt kê.

10. Câu hỏi tu từ

V. Các thao tác lập luận.

1. Giải thích.

– Giải thích là vận dụng tri thức để hiểu vấn đề nghị luận một cách rõ ràng và giúp người khác hiểu đúng ý của mình.

2. Chứng minh.

– Chứng minh là đưa ra những cứ liệu – dẫn chứng xác đáng để làm sáng tỏ một lí lẽ một ý kiến để thuyết phục người đọc người nghe tin tưởng vào vấn đề. ( Đưa lí lẽ trước – Chọn dẫn chứng và đưa dẫn chứng. Cần thiết phải phân tích dẫn chứng để lập luận CM thuyết phục hơn. Đôi khi thuyết minh trước rồi trích dẫn chứng sau.)

3. Phân tích.

– Phân tích là chia tách đối tượng, sự vật hiện tượng thành nhiều bộ phận, yếu tố nhỏ để đi sâu xem xét kĩ lưỡng nội dung và mối liên hệ bên trong của đối tượng.

4. Bình luận.

– Bình luận là bàn bạc đánh giá vấn đề, sự việc, hiện tượng… đúng hay sai, hay / dở; tốt / xấu, lợi / hại…; để nhận thức đối tượng, cách ứng xử phù hợp và có phương châm hành động đúng.

5. So sánh.

– So sánh là một thao tác lập luận nhằm đối chiếu hai hay nhiều sự vật, đối tượng hoặc là các mặt của một sự vật để chỉ ra những nét giống nhau hay khác nhau, từ đó thấy được giá trị của từng sự vật hoặc một sự vật mà mình quan tâm.

Hai sự vật cùng loại có nhiều điểm giống nhau thì gọi là so sánh tương đồng, có nhiều điểm đối chọi nhau thì gọi là so sánh tương phản.

6. Bác bỏ.

– Bác bỏ là chỉ ra ý kiến sai trái của vấn đề trên cơ sở đó đưa ra nhận định đúng đắn và bảo vệ ý kiến lập trường đúng đắn của mình.

VI. Các hình thức lập luận của đọan văn:

– Diễn dịch.

– Song hành.

– Qui nạp.

– Tổng – phân – hợp.

– Tam đoạn luận.

VII. Các thể thơ:

–  Lục bát.

–  Song thất lục bát.

– Thất ngôn; Thơ tự do.

–  Thơ 5 chữ.

– Thơ 8 chữ.


 PHẦN B: RÈN LUYỆN KĨ NĂNG LÀM VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI.

I. DẠNG BÀI NGHỊ LUẬN VỀ MỘT TƯ TƯỞNG ĐẠO LÍ.

1. Nội dung:

– Vấn đề nhận thức: lí tưởng, mục đích sống, nghề nghiệp, ước mơ…

– Vấn đề về đạo đức, tâm hồn, tính cách: lòng yêu nước, lòng nhân ái, vị tha, bao dung, độ lượng; tính trung thực, dũng cảm, chăm chỉ, cần cù, thái độ hòa nhã, khiêm tốn; thói ích kỉ, ba hoa, vụ lợi…

– Vấn đề về các quan hệ gia đình: tình mẫu tử, tình phụ tử, tình anh em…

– Vấn đề về các quan hệ xã hội: tình đồng bào, tình thầy trò, tình bạn…

– Vấn đề về cách ứng xử, đối nhân xử thế của con người trong cuộc sống.

2. Hình thức:

– Dạng ngắn: Một câu ca dao, tục ngữ, danh ngôn, châm ngôn, câu thơ…

– Dang dài: Một bài thơ/truyện ngắn mang ý nghĩa triết lí…

3. Cách làm bài.

  • Mở bài:

– Dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận

–  Nêu vấn đề cần nghị luận( trích dẫn)

  • Thân bài:

1. Bước 1: Giải thích tư tưởng, đạo lí cần bàn luận (…).

Tùy theo yêu cầu đề bài có thể có những cách giải thích khác nhau:

– Giải thích khái niệm, trên cơ sở đó giải thích ý nghĩa, nội dung vấn đề.

Giải thích nghĩa đen của từ ngữ, rồi suy luận ra nghĩa bóng, trên cơ sở đó giải thích ý nghĩa, nội dung vấn đề.

– Giải thích mệnh đề, hình ảnh trong câu nói, trên cơ sở đó xác định nội dung, ý nghĩa của vấn đề mà câu nói đề cập.

* Lưu ý: Tránh sa vào cắt nghĩa từ ngữ ( theo nghĩa từ vựng).

2. Bước 2:  Phân tích và chứng minh những mặt đúng của tư tưởng, đạo lí cần bàn luận (…)

Bản chất của thao tác này là giảng giải nghĩa lí của vấn đề được đặt ra để làm sáng tỏ tới cùng bản chất của vấn đề. Phần này thực chất là trả lời câu hỏi: Tại sao? (Vì sao?)Vấn đề được biểu hiện như thế nào? Có thể lấy những dẫn chứng nào làm sáng tỏ?

3. Bước 3: Bình luận, đánh giá (bàn bạc, mở rộng, đề xuất ý kiến…):

– Đánh giá vấn đề: Nêu ý nghĩa của vấn đề,  mức độ đúng – sai, đóng góp – hạn chế của vấn đề.

– Phê phán, bác bỏ những biểu hiện sai lệch có liên quan đến vấn đề đang bàn luận (…)

– Mở rộng vấn đề

4. Bước 4: Rút bài học nhận thức và hành động.

– Nhận thức: Từ sự đánh giá trên, rút ra bài học kinh nghiệm trong cuộc sống cũng như trong học tập, trong nhận thức cũng như trong tư tưởng, tình cảm, …( Thực chất trả lời câu hỏi: từ vấn đề bàn luận, hiểu ra điều gì? Nhận ra vấn đề gì có ý nghĩa đối với tâm hồn, lối sống bản thân?…)

– Hành động: Đề xuất phương châm đúng đắn, phương hướng hành động cụ thể (Thực chất trả lời câu hỏi: Phải làm gì? …)

  • Kết bài:

– Khẳng định chung về tư tưởng, đạo lí đã bàn luận ở thân bài (…)

– Lời nhắn gửi đến mọi người (…)

Tham khảo:

II. DẠNG BÀI VỀ MỘT HIỆN TƯỢNG ĐỜI SỐNG.

* Hướng dẫn làm bài:

Bước 1: Tìm hiểu đề 

Xác định ba yêu cầu:

+ Yêu cầu về nội dung: Hiện tượng cần bàn luận là hiện tượng nào (hiện tượng tốt đẹp, tích cực trong đời sống hay hiện tượng mang tính chất tiêu cực, đang bị xã hội lên án, phê phán.) ? Có bao nhiêu ý cần triển khai trong bài viết ?Mối quan hệ giữa các ý như thế nào?

+  Yêu cầu về phương pháp : Các thao tác nghị luận chính cần sử dụng ? (giải thích, chứng minh, bình luận…)

+ Yêu cầu về phạm vi dẫn chứng: trong văn học, trong đời sống thực tiễn (chủ yếu là đời sống thực tiễn).

Bước 2: Lập dàn ý

  • Mở bài:

– Dẫn dắt từ chủ đề đã nêu lên trong đề bài.

– Dẫn vào hiện tượng đời sống cần nghị luận.

– Nhận xét chung về vấn đề nghị luận.

  • Thân bài:

1. Giải thích bản chất của hiện tượng: mô tả được hiện tượng.

2. Nêu thực trạng và nguyên nhân (khách quan – chủ quan ) của hiện tượng bằng các thao tác phân tích, chứng minh

3 Nêu tác dụng, tác động của hiện tượng đói với cuộc sống (nếu là hiện tượng tích cực; tác hại – hậu quả (nếu là hiện tượng tiêu cực)

4. Giải pháp phát huy (nếu là hiện tượng tích cực); biện pháp khắc phục (nếu hiện tượng tiêu cực)

  • Kết bài:

– Bày tỏ ý kiến của bản thân về hiện tượng xã hội vừa nghị luận

– Rút ra bài học về nhận thức, hành động cho bản thân

Tham khảo:

PHẦN C. CÁCH VIẾT MỘT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI.

(Khoảng 200 chữ – Dựa theo phần đọc – hiểu)

I. Đoạn văn nghị luận:

1. Về nội dung:

Đoạn văn là một phần của văn bản, nó diễn đạt ý hoàn chỉnh ở một mức độ nào đó logic ngữ nghĩa, có thể nắm bắt được một cách tương đối dễ dàng.Tuy nhiên, đoạn văn Nghị luận xã hội 200 chữ cần bám sát yêu cầu của đề và dựa trên nội dung/ thông điệp ở phần đọc hiểu.

2. Về hình thức:

– Đoạn văn luôn luôn hoàn chỉnh. Sự hoàn chỉnh đó thể hiện ở những điểm sau:

+ Một đoạn văn được bắt đầu từ chữ cái viết hoa lùi đầu dòng đến chỗ chấm xuống dòng.

– Cấu trúc một đoạn văn:

+ Đoạn văn thường có từ ngữ chủ đề và câu chủ đề:

  • Từ ngữ chủ đề : là các từ ngữ được lặp lại nhiều lần nhằm duy trì đối tượng được biểu đạt.
  • Câu chủ đề: là câu nêu lên ý chính của toàn đoạn, mang nội dung khái quát, ý nghĩa ngắn gọn.Thường đứng ở đầu hoặc cuối đoạn văn.

+ Các câu trong đoạn:

* Có nhiệm vụ triển khai và làm rõ chủ đề của đoạn

* Trình bày theo các phép diễn dịch, quy nạp, song hành…

3. Cách viết đoạn văn 200 chữ:

  • Mở đoạn: (Từ 2-4 dòng)

– Mở bài trực tiếp vào vấn đề cần nghị luận.

  • Thân đoạn: (Trọng tâm: 12-16 dòng)

– Vấn đề cần nghị luận là gì? (Thao tác giải thích)

– Vấn đề nghị luận: Đúng hay sai? Vì sao? (Thao tác phân tích, dùng lí lẽ để thuyết phục)

– Biểu hiện của vấn đề đó trong thực tế cuộc sống như thế nào? (Thao tác chứng minh, dùng dẫn chứng để thuyết phục)

– Bàn luận mở rộng:

+ Lật lại vấn đề (phản đề).

+ Bổ sung, mở rộng thêm vấn đề.

+ Liên hệ đến các vấn đề liên quan.

– Bài học nhận thức và hành động.

  • Kết đoạn:

– Khẳng định ý nghĩa của vấn đề (2-4 dòng)

Ví dụ:

“Leo lên đỉnh núi không phải để cắm cờ mà là để vượt qua thách thức, tận hưởng bầu không khí và ngắm nhìn quang cảnh rộng lớn xung quanh.Leo lên đỉnh cao là để các em có thể nhìn ngắm thế giới chứ không phải để thế giới nhận ra các em.Hãy đến Paris để tận hưởng cảm giác đắm chìm trong Paris chứ không phải lướt qua đó để ghi Paris vào danh sách các địa điểm các em đã đi qua và tự hào mình là con người từng trải. Tập luyện những suy nghĩ độc lập, sáng tạo và táo bạo không phải để mang lại sự thỏa mãn cho bản thân mà là để đem lại lợi ích cho 6,8 tỷ người trên trái đất của chúng ta. Rồi các em sẽ phát hiện ra sự thật vĩ đại và thú vị mà những kinh nghiệm trong cuộc sống mang lại, đó là lòng vị tha mới chính là điều tốt đẹp nhất mà các em có thể làm cho bản thân mình. Niềm vui lớn nhất trong cuộc đời thực ra lại đến vào lúc các em nhận ra các em chẳng có gì đặc biệt cả.Bởi tất cả mọi người đều như thế.” (Trích Bài phát biểu tại buổi lễ tốt nghiệp trường trung học Wellesley của thầy Hiệu trưởng David McCullough)

Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu: “Leo lên đỉnh cao là để các em có thể nhìn ngắm thế giới chứ không phải để thế giới nhận ra các em.”

Hướng dẫn làm bài:

Mở đoạn:

– Câu mở đoạn có thể dùng 1-3 câu để mở đoạn (giống như phần mở bài vậy). Phần này phải có cái nhìn tổng quát, khái quát được nội dung mà đề thi yêu cầu.Phải hiểu được đề thi bàn về vấn đề gì?

– Nên viết theo hướng: nêu nội dung khái quát rồi dẫn câu nói vào (hoặc không dẫn nguyên câu thì trích vào cụm từ khóa). Ví dụ theo đề trên ta có thể viết như sau: Thành công luôn là khao khát của mỗi con người trên hành trình chinh phục những ước mơ và khát vọng – nhưng khi lên đến đỉnh của thành công, điều quan trọng nhất vẫn là để “ngắm nhìn thế giới” chứ không phải là để cho ai đó nhận ra mình.

Thân đoạn:

– Phải giải thích các cụm từ khóa, giải thích cả câu (cần ngắn gọn, đơn giản)

– Bàn luận:

+ Đặt ra các câu hỏi:vì sao? tại sao? Sau đó bình luận, chứng minh từng ý lớn, ý nhỏ.

+ Đưa ra dẫn chứng phù hợp, ngắn gọn, chính xác (tuyệt đối không kể chuyện rông dài, tán gẫu, sáo rỗng)

+ Đưa ra phản đề,mở rộng vấn đề: đồng tình, không đồng tình.

+ Rút ra bài học nhận thức và hành động

Kết đoạn:

– Viết kết đoạn thường kết lại bằng một danh ngôn hay câu nói nổi tiếng (Nếu được vậy, bài làm sẽ được giám khảo chú ý hơn khi chấm điểm)

Ví dụ:

Đoạn văn bàn luận về Khoan dung:

Có người đã nói rằng: Hòa bình là mục đích, khoan dung là phương pháp. Khoan dung không đơn giản chỉ là bỏ qua những lỗi lầm sai sót của người khác. Khoan dung còn là cởi mở và sẵn sàng tiếp nhận vẻ đẹp của sự khác biệt. Khoan dung là tôn trọng lẫn nhau thông qua sự hiểu biết, thông cảm lẫn nhau. Người khoan dung sẽ ý thức được tính đặc thù và sự đa dạng của con người trong khi loại bỏ những dấu hiệu chia rẽ và tháo gỡ mọi căng thẳng do thiếu hiểu biết gây ra. Không ai sinh ra là đã hoàn hảo.Bởi vậy, trong cuộc sống, ta đôi khi bắt gặp những người mắc sai lầm với mình và mong muốn được sửa chữa những sai sót. Khoan dung còn là cách thể hiện sự cưu mang, giúp đỡ của bản thân với những người lầm đường lạc lối, giúp cho họ được trở về hòa nhập với cuộc sống hơn. Ta đã bắt gặp sự bao dung của Vũ Nương với Trương Sinh, người đã đẩy nàng vào cái chết oan nghiệt nhưng cuối cùng nàng vẫn tha thứ cho lỗi lầm của Trương Sinh, Nguyễn Trãi chấp nhận giảng hòa, khoan hồng cho giặc Minh tàn bạo để giữ gìn bình yên cho đất nước không khắc sâu hận thù giữa hai dân tộc. Tuy nhiên, lòng khoan dung không có nghĩa là bao che dung túng cho những việc làm cố tình gây tổn hại đến những chuẩn mực đạo đức của con người. Khoan dung với chính mình là tự làm cho bản thân cảm thấy nhẹ nhõm, thoải mái hơn để có thể đưa ra quyết định, mục tiêu đúng đắn hơn. Vì thế cần đề cao những ứng xử độ lượng, biết nhường nhịn thậm chí là hi sinh cho người khác, cao hơn nữa là tha thứ cảm thông.

PHẦN IV: MỘT SỐ DẠNG ĐỀ NGHỊ LUẬN VĂN HỌC

I. NGHỊ LUẬN VỀ ĐOẠN TRÍCH, TÁC PHẨM VĂN XUÔI.

1. Dạng 1: Nghị luận về một nhân vật, một hình tượng trong một tác phẩm, đoạn trích văn xuôi.

Dàn bài 1:

  • Mở bài:

– Dẫn dắt vấn đề.

– Giới thiệu và nhận định chung về nhân vật, hình tượng cần phân tích.

  • Thân bài:

– Khái quát về tác phẩm, tác phẩm, đoạn trích: Giới thiệu hoàn cảnh ra đời tác phẩm, xuất xứ tác phẩm, tóm tắt cốt truyện, nêu vị trí đoạn trích (nếu có).

– Làm rõ nhân vật, hình tượng theo yêu cầu của đề bài:

+ Nếu phân tích một nhân vật, hình tượng: lần lượt làm rõ các biểu hiện tính cách, phẩm chất nhân vật (chú ý các sự kiện chính, các biến cố, tâm trạng, thái độ nhân vật…), đặc điểm của hình tượng ( nêu từng đặc điểm, đưa dẫn chứng tiêu biểu, phân tích dẫn chứng làm rõ các đặc điểm đã nêu)

+ Nếu phân tích một nhóm nhân vật: lần lượt làm rõ đặc điểm chung và riêng của nhóm nhân vật hoặc phân tích từng nhân vật( nêu từng đặc điểm, đưa dẫn chứng tiêu biểu, phân tích dẫn chứng làm rõ các đặc điểm đã nêu).

– Nhận xét về nghệ thuật xây dựng nhân vật, hình tượng.

– Giải quyết yêu cầu phụ (nếu có).

  • Kết bài:

– Dùng từ chuyển đoạn thông báo sự kết thúc của việc trình bày vấn đề (tóm lại, nhìn chung…). Chú ý: Đề ra nghị luận vấn đề gì thì phải kết bài vấn đề đó.

– Đánh giá khái quát về những khía cạnh nổi bật nhất của nhân vật, hình tượng.

– Gợi liên tưởng rộng hơn, sâu sắc hơn (thường nêu ý nghĩa của hình tượng, nhân vật với đời sống, với văn học hay tác động đến tư tưởng, tình cảm của người đọc). Có thể nêu cảm nghĩ về tác giả, tác phẩm.

Dàn bài 2:

  • Mở bài:

– Giới thiệu xuất xứ của nhân vật cần phân tích ( nhân vật trong tác phẩm nào? Của ai? Sáng tác trong hoàn cảnh nào?).

– Nêu khái quát đặc điểm của nhân vật cần nghị luận.

  • Thân bài:

– Bước 1: Nêu giới thiệu khái quát về nhân vật.

– Bước 2: Triển khai phân tích (hay cảm nhận ) các đặc điểm của nhân vật theo yêu cầu của đề ( Lai lịch, ngoại hình, tính cách, số phận, phẩm chất….)

LƯU Ý:

+ Tùy vào từng đặc điểm của nhân vật có trong tác phẩm để phân tích, cảm nhận.

+ Mỗi một đặc điểm của nhân vật được phân tích (hay cảm nhận), được viết  thành một hay nhiều đoạn văn. Các đoạn văn có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau ( diễn dịch, quy nạp hoặc tổng phân hợp….) và được liên kết với nhau bằng các câu từ chuyển ý.

+ Khi phân tích, cần chọn lọc dẫn chứng tiêu biểu để chứng minh làm rõ từng đặc điểm của nhân vật .

– Bước 3: Đánh giá chung.

+ Nghệ thuật xây dựng và miêu tả nhân vật của nhà văn.

+ Vai trò của nhân vật trong việc thể hiện tư tưởng, chủ đề của tác phẩm và quan điểm nghệ thuật của nhà văn.

  •  Kết bài:

– Tính điển hình của nhân vật đã phân tích.

– Nhận xét, đánh giá chung những thành công và hạn chế (nếu có) về xây dựng nhân vật.

2. Dạng 2: Nghị luận về giá trị nội dung tác phẩm, đoạn trích văn xuôi.

Dàn bài 1:

  • Mở bài:

– Dẫn dắt vấn đề

– Giới thiệu luận đề cần giải quyết (cần bám sát đề bài để giới thiệu luận đề cho rõ ràng, chính xác. Luận đề cần dẫn lại nguyên văn yêu cầu của đề).

  • Thân bài:

– Khái quát về tác phẩm, đoạn trích: Giới thiệu hoàn cảnh ra đời tác phẩm, xuất xứ tác phẩm, tóm tắt cốt truyện, nêu vị trí đoạn trích (nếu có)

– Làm rõ vấn đề theo yêu cầu của đề bài:

+ Nếu phân tích nội dung tác phẩm: lần lượt làm rõ nội dung cần phân tích (nêu từng nội dung, đưa dẫn chứng tiêu biểu, phân tích dẫn chứng làm rõ ý nghĩa của nội dung)

+ Nếu phân tích giá trị tác phẩm:

– Nếu phân tích giá trị nhân đạo của tác phẩm:

+ Giải thích khái niệm nhân đạo.

+ Phân tích các biểu hiện của giá trị nhân đạo.

+ Đánh giá về giá trị nhân đạo.

– Nếu phân tích giá trị hiện thực của tác phẩm:

+ Giải thích khái niệm hiện thực

+ Phân tích các biểu hiện của giá trị hiện thực

+ Đánh giá về giá trị hiện thực (nêu từng luận điểm, đưa dẫn chứng tiêu biểu, phân tích dẫn chứng làm rõ luận điểm đã nêu).

– Nhận xét về nghệ thuật thể hiện về nội dung hay giá trị tác phẩm.

– Giải quyết yêu cầu phụ (nếu có).

  • Kết bài:

– Đánh giá khái quát về những khía cạnh nổi bật nhất nội dung hay giá trị tác phẩm.

– Gợi liên tưởng rộng hơn, sâu sắc hơn (thường nêu ý nghĩa nội dung, giá trị nội dung với đời sống, với văn học hay tác động đến tư tưởng, tình cảm của người đọc). Có thể nêu cảm nghĩ về tác giả, tác phẩm.

Dàn bài 2:

  •  Mở bài:

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm cần phân tích

– Nêu khái quát nội dung vấn đề cần nghị luận

  • Thân bài:

– Bước 1: Nêu khái quát nội dung vấn đề cần nghị luận

Bước 2: Lần lượt phân tích, chứng minh, bình luận những biểu hiện cụ thể về giá trị nội dung hay giá trị nghệ thuật của tác phẩm mà đề yêu cầu nghị luận.

(Mỗi luận điểm được trình bày bằng một đoạn văn bằng cách diễn dịch hoặc quy nạp và được liên kết bằng các câu từ chuyển ý)

  • Kết bài:

– Tóm lược và khẳng định nội dung đã phân tích.

– Đánh giá chung những thành công và hạn chế về nội dung và nghệ thuật tác phẩm

3. Dạng 3: Nghị luận về giá trị nghệ thuật trong tác phẩm, đoạn trích văn xuôi.

  • Mở bài:

– Dẫn dắt vấn đề.

– Giới thiệu nhiệm vụ nghị luận.

  • Thân bài:

– Khái quát về tác phẩm,đoạn trích : Giới thiệu hoàn cảnh ra đời tác phẩm, xuất xứ tác phẩm, tóm tắt cốt truyện, nêu vị trí đoạn trích (nếu có).

– Làm rõ vấn đề theo yêu cầu của đề bài.

+ Nếu đề nghị luận là tình huống truyện: Tình huống truyện giữ vai trò là hạt nhân của cấu trúc thể loại. Nó là cái hoàn cảnh riêng được tạo nên bởi một sự kiện đặc biệt, khiến tại đó cuộc sống hiện lên đậm đặc nhất, ý đồ tư tưởng của tác giả cũng bộc lộ đậm nét nhất.

– Phân tích các phương diện cụ thể của tình huống và ý nghĩa của tình huống đó.

+ Tình huống 1….ý nghĩa và tác dụng đối với tác phẩm.

+ Tình huống 2…ý nghĩa và tác dụng đối với tác phẩm.

(lần lượt làm rõ đặc điểm của từng tình huống bằng cách nêu từng tình huống, đưa dẫn chứng tiêu biểu, phân tích dẫn chứng làm rõ các tình huống đã nêu).

……

– Bình luận về giá trị của tình huống.

  • Kết bài:

– Đánh giá khái quát về những khía cạnh nổi bật nhất nội dung hay giá trị tác phẩm.

– Gợi liên tưởng rộng hơn, sâu sắc hơn (thường nêu ý nghĩa nội dung, giá trị nội dung với đời sống, với văn học hay tác động đến tư tưởng, tình cảm của người đọc). Có thể nêu cảm nghĩ về tác giả, tác phẩm.

II. NGHỊ LUẬN VỀ ĐOẠN THƠ, TÁC PHẨM THƠ.

1. Phân tích toàn bộ bài thơ.
2. Phân tích một đoạn thơ.
3. Phân tích một khía cạnh trong đoạn thơ, bài thơ.
4. Phân tích một hình ảnh, chi tiết trong bài thơ.
5. So sánh giữa hai bài thơ, hai đoạn thơ.

* Dàn ý chung

  • Mở bài:

– Dẫn dắt vấn đề.

– Giới thiệu vấn đề cần nghị luận.

  • Thân bài:

1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

– Khái quát về phong cách tác giả, hoàn cảnh sáng tác, nội dung chính, … của bài thơ

– Nêu vị trí đoạn thơ, thể thơ, chú ý  âm điệu, giọng điệu…

2. Triển khai các luận điểm trên phương diện nội dung và nghệ thuật.

– Có thể bổ ngang : phân tích từng khổ, từng dòng…

–  Có thể bổ dọc bài thơ: Phân tích theo hình tượng, theo nội dung xuyên suốt bài thơ. Đưa các nội dung chính của bài thơ, đoạn thơ thành các luận điểm lớn, nếu đề yêu cầu cảm nhận đoạn thơ, câu thơ, thì chia nhỏ các nội dung có trong đoạn, trong câu, biến chúng thành các luận điểm lớn để đi sâu cảm nhận.

* Chú ý những hình ảnh biểu tượng, những lối nói ví von so sánh, những biện pháp nghệ thuật tiêu biểu. Cần bám sát từ ngữ, âm thanh, vần, nhịp điệu, cấu tứ,… của bài thơ để phân tích .Khi phân tích thì thao tác giảng giải, cắt nghĩa là quan trọng nhất, nhằm giúp cho người đọc hiểu được ý nghĩa của các hình ảnh biểu tượng, ý nghĩa của từ ngữ, câu thơ, đoạn thơ.

* Trong quá trình phân tích, luôn luôn hướng đến sự tổng hợp, khái quát ở từng cấp độ sao cho thích hợp để rồi tiến tới những khái quát lớn của toàn bài. Phân tích phải đi kèm với đánh giá và bình luận, tránh diễn nôm bài thơ. Mỗi đoạn văn nên viết theo cách diễn dịch hoặc quy nạp, nhớ trình bày rõ câu chốt, câu diễn giải, câu dẫn chứng, câu khái quát nội dung đoạn, câu chuyển đoạn linh hoạt.

3. Đánh giá vấn đề.

III. Kết bài

– Khái quát luận đề.

– Nêu cảm nghĩ, nhận xét về vấn đề, đóng góp của thi phẩm , tác giả đối với giai đoạn văn học và nền văn học.

– Gợi mở, liên tưởng … cho người đọc.

III.DẠNG ĐỀ SO SÁNH (2 đoạn thơ hoặc 2 đoạn văn xuôi ở hai tác phẩm khác nhau)

  • Mở bài:

– Dẫn dắt (mở bài trực tiếp không cần bước này)

– Giới thiệu vấn đề cần nghị luận.

  • Thân bài:

1. Làm rõ đối tượng thứ nhất (bước này vận dụng kết hợp nhiều thao tác lập luận nhưng chủ yếu là thao tác lập luận phân tích)

– Nếu là thơ: giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích… và tiến hành nghị luận về đoạn thơ thứ nhất (tập trung nét đặc sắc về nghệ thuật và nội dung)

– Nếu là văn xuôi: giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích… và tiến hành nghị luận về đoạn trích văn xuôi thứ nhất ( tập trung nét đặc sắc về nghệ thuật và nội dung)

2. Làm rõ đối tượng thứ 2 (bước này vận kết hợp nhiều thao tác lập luận nhưng chủ yếu là thao tác lập luận phân tích)

– Nếu là thơ: giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích… và tiến hành nghị luận về đoạn thơ thứ hai (tập trung nét đặc sắc về nghệ thuật và nội dung)

– Nếu là văn xuôi: giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích… và tiến hành nghị luận về đoạn trích văn xuôi thứ hai (tập trung nét đặc sắc về nghệ thuật và nội dung).

3. So sánh: nét tương đồng và khác biệt giữa hai đoạn thơ hoặc hai đoạn văn xuôi trên cả hai bình diện nội dung và hình thức nghệ thuật (bước này vận dụng kết hợp nhiều thao tác lập luận nhưng chủ yếu là thao tác lập luận phân tích và thao tác lập luận so sánh).

4. Lý giải sự khác biệt: thực hiện thao tác này cần dựa vào các bình diện: bối cảnh xã hội, văn hóa mà từng đối tượng tồn tại; phong cách nhà văn; đặc trưng thi pháp của thời kì văn học…( bước này vận nhiều thao tác lập luận nhưng chủ yếu là thao tác lập luận phân tích).

  • Kết bài:

– Khái quát những nét giống nhau và khác nhau tiêu biểu

– Có thể nêu những cảm nghĩ của bản thân.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang