Phân tích diễn biến tâm trạng và hành đọng của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài (“Vợ chồng A Phủ”, Tô Hoài). Từ đó, liên hệ với diễn biến tâm trạng nhân vật Chí Phèo (“Chí Phèo”, Nam Cao) buổi sáng sau khi gặp thị Nở để cho thấy khát vọng sống của từng nhân vật.
- Mở bài:
Sau chuyến đi thực tế lên miền Tây Bắc năm 1952, Tô Hoài cho ra đời tập “Truyện tây Bắc”. Tập truyện gồm 3 truyện ngắn: Vợ chồng A Phủ, Mường Giơn và Cứu đất cứu mường. Trong đó, “Vợ chồng A Phủ” là tác phẩm nổi bậc hơn cả. Qua cuộc đời và số phận của Mị và A Phủ, truyện phản ánh số phận nô lệ và sức sống tiềm tàng, khát vọng tự do của những dân lao động nghèo miền núi dưới sự áp bức của bọn phong kiến chúa đất và bọn thực dân. Từ đó, nhà văn đã thức tỉnh họ, đưa họ đến với cách mạng và cho họ một cuộc sống mới. Đặc biệt, qua tâm trạng và hành động của Mị trong đêm tình mùa xuân, nhà văn tinh tế phát hiện ra nguồn sống dạt dào tiềm ẩn bên trong con người.
- Thân bài:
Trong làng văn của Việt Nam, Tô Hoài đứng vào bậc “trưởng lão”, cả về tuổi đời, tuổi văn và cả gia tài đồ sộ mà ông đã cống hiến cho văn học nước nhà. Ông là cây bút hàng đầu về hồi kí, sáng tác về loài vật và đặc biệt nhất là thể loại truyện ngắn. Một trong những đề tài ưa thích của ông là cuộc sống và phong tục của người dân miền núi Tây Bắc. Hình như, ngòi bút của Tô Hoài bao giờ cũng thấm đẫm thứ mực chắt ra từ sự giao hòa đến thân thương những gì thân thuộc với tâm hồn ông .
Viết về người miền núi, nhất là trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ, ông đã chạm đến ở một tầng bậc thẳm sâu của những nỗi đau và niềm khát khao sâu kín của người lao động nghèo – những người đã cùng ông trải qua những năm cơ khổ chống Pháp. Bởi thế, mỗi trang viết của Tô Hoài là một cuộc dò tìm bằng trái tim để chạm đến những góc nhỏ, những ẩn khuất lớn, những khát vọng tiềm tàng trong con người. Đoan trích “Vợ chồng A Phủ” là phần đầu của tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”, đồng thời cũng là phần hay nhất trong truyện ngắn này. Cuộc sống của người lao động miền núi với những sức sống tột bậc và đau khổ tột cùng đã chạm khắc trên từng biến động của số phận nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân.
Nỗi khổ của Mị là nỗi khổ của một người phụ nữ tràn đầy khát vọng sống nhưng lại bị đẩy đưa vào những tấn bi kịch của con dâu gạt nợ, quẩn quanh trong kiếp sống “không bằng con trâu con ngựa”. Cuộc sống ấy không chỉ lấy đi hai điều trong căn tính của con người là cảm nhận thời gian và cảm nhận nỗi đau mà còn lấy đi một khát khao khác đó là khát khao được giao cảm “Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. “Cái xó cửa ấy đó là căn buồng, một căn buồng “kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay nắng”.
Như thế, từ việc tách biệt Mị khỏi thế giới của những cảm nhận về thế giới xung quanh, chính giai cấp thống trị đã tàn nhẫn chặn con đường trở về cái tôi cá nhân của mình bằng những sự kín mít, tù đọng. Mị trở thành những xác vô tri trôi vào hố đen vô tận.
Tô Hoài có lẽ đã lẳng lặng dõi theo từng bước bi kịch của Mị. Và liệu tác giả đã nhỏ bao nhiêu giọt nước mắt xót thương cay đắng cho Mị? Nào ai biết được. Chỉ biết rằng trong những năm tháng “ở lâu trong cái khổ“, trong những năm tháng vất vưởng trong không gian và vô thức với nỗi đau, Mị đã chợt nghe tiếng sáo vọng về. Tiếng sáo ấy ngân vang tha thiết và bồi hồi :
“Mày có con trai con gái rồi
Mày đi làm nương
Ta không có con trai con gái
Ta đi tìm người yêu”
Tiếng sáo đêm tình mùa xuân xuất hiện như một biến cố trong cuộc đời miên man vô tận của Mị khi trót mang thân phận con dâu gạt nợ. Tô Hoài xây dựng chi tiết tiếng sáo trong sự đan xen với những chuyển biến nội tâm nhân vật, từ đó làm nổi bật mối quan hệ giữa tâm lí con người – tiếng sáo trong thực tại – kí ức tươi đẹp – đồng thời làm bật lên ý nghĩa biểu tượng của tiếng sáo. Tiếng sáo là một phần không thể thiếu để tạo nên không khí của những đêm hội xuân ở Hồng Ngài.
Trong khung cảnh rộn ràng của ngày Tết, với những đứa trẻ “chơi quay, cười ầm trên sân chơi trước nhà”, những người phụ nữ thì chuẩn bị váy hoa “xòe như con bướm sặc sỡ” để đi chơi Tết. Tiếng sáo vang lên như báo hiệu cuộc vui đầu năm bắt đầu: “Ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi” .
Tô Hoài miêu tả tiếng sáo như thể có dáng hình, từ láy “lấp ló” khắc họa tiếng sáo như chợt đến chợt đi, khi vang khi vọng, một mặt như muốn mời gọi những tâm hồn đương xuân. Mặt khác, cũng là tiếng sáo ở xa xăm, mơ hồ, chưa rõ trong đêm tình mùa xuân. Thế mà tiếng sáo ấy vẫn có thể “vọng lại” với Mị, khiến cô “thiết tha bổi hổi”. “Thiết tha” và “bổi hổi” là hai cảm giác mang hai mảnh tâm tư khác nhau. “Thiết tha” là rung động là da diết. “Bồi hồi” lại như thúc giục, như rộn rã tâm hồn con người.
Tiếng sáo đêm tình mùa xuân gọi dậy trong tâm hồn Mị cái tha thiết của kí ức và vực dậy niềm vui sống tưởng chừng đã hóa tro tàn theo tháng năm. Tâm hồn Mị đã phản ứng một cách vô thức với tiếng sáo, tự nhiên như mặt trời tỏa sáng khi ngọn gió đến xua tan mây mù. Như một lời hồi đáp từ lý trí, nghe tiếng sáo, Mị lại “nhẩm theo bài hát của người đang thổi”. Như một lời hồi đáp từ trái tim, Mị bắt đầu hòa mình vào tiếng sáo .
Cùng với hơi rượu, tiếng sáo dẫn đường cho tâm hồn Mị trở lại, sống lại những cảm giác ngày xưa, những đêm tình mùa xuân rừng núi. “Tiếng sáo văng vẳng” có thể thật sự là tiếng sáo gọi bạn của hiện tại, cũng có thể là tiếng sáo của mùa xuân năm xưa nay vọng về từ kí ức. Phải chăng, tiếng sáo của thực tại và tiếng sáo của hồi ức là một sự hòa hợp của tâm thức? Tiếng sáo từ những làng “Mèo đỏ” cứ thể lấp lánh trong tâm hồn Mị. Nó neo neo theo những hồi chớp nhoáng của tiềm thức, những lay động quá khứ ngọt ngào trong Mị.
Tiếng sáo gợi cho Mị nhớ về những giá trị của chính mình. Đã từng có một thời Mị rạo rực sức sống dạt dào sức trẻ. Khi đó, “Mị thổi sáo giỏi”, Mị “uống rượu trên bếp và thổi sáo”, có biết bao người “thổi sáo đi theo Mị” suốt ngày đêm. Một vùng kí ức tươi đẹp mà Mị từng có nhưng lại trót mất đi. Mọi thứ như một cuộn băng được tua lại bỗng rè mờ vài đoạn. Lần này, “Mị lén lấy hũ rượu và cứ uống ực từng bát”. Trong những thoáng nghĩ về hiện tại, Mị uống như nuốt hết cay đắng, uất hận vào mình.
Trong những thoáng nghĩ về những tháng ngày sau này, cứ quẩn quanh trong “chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay”, ”trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng”, trong cuộc sống vợ chồng mà cả hai chẳng có lòng với nhau, Mị lại uống như bỏ hờn, bỏ ấm ức, nén chua xót vào lòng. Trong những thoáng nghĩ về quá khứ, Mị lại uống, uống thêm bát nước để đủ dũng khí phản kháng và nổi loạn. Trong những khe hở giữa quá khứ – hiện tại – tương lai ấy, sự khát sống của Mị từng bước hòa vào cơn say để trỗi dậy. Mị mơ tưởng. Và Mị “phơi phới trở lại”. “Mị còn trẻ lắm”, “Mị muốn đi chơi” cứ thế hối thúc, cứ thế vội vã dấy lên trong tâm hồn Mị.
Và rồi Mị nhận thức được những bất công mà mình cam chịu: “bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày Tết”. Và rồi Mị “ứa nước mắt”. Mị cảm nhận nỗi đau đớn của thực tại, của những “con người không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau”. Mị muốn chết để thoát khỏi những cay đắng hiện hình. Ngay khi vừa chạm gót vào hiện tại, những tháng ngày cam chịu từng vững chắc lâu nay bỗng sụp đổ và biến tan thành cát bụi. Mị đã từng nghĩ rằng “cứ chỉ ngồi trông cái lỗ vuông ấy mà trông ra đến bao giờ chết thì thôi”. Nhưng giờ đây trong hơi rượu, trong tiếng sao văng vẳng, chỉ còn lại một sự đổ vỡ cảm xúc. Mị thật muốn chết. Mị muốn chết đi để không còn phải tiếp tục chịu đựng một cuộc sống thiếu vắng tình yêu, thiếu vắng hy vọng và ước mơ. Những cảm thức về cái chết cứ thế được lên men từ dư vị của tình yêu cuộc sống thiết tha trong Mị.
Phải chăng, vì Mị nhận ra cái chết chính là sự phản kháng mạnh mẽ nhất cho mọi sự hữu hình vô nghĩa đang tồn tại? Có lẽ là thế. Từng tầng cảm xúc cứ vậy mà dần men theo tiếng sáo bủa vây tâm hồn Mị. Tiếng sáo từng hồi vang lên, hoàn thành những mảnh ghép về một cuộc đời đẹp đẽ rộn ràng bên ngoài, một thế giới rộng lớn hơn. Thế giới ấy đối lập với cái buồng tối chật hẹp. Thế giới ấy không có những kí ức đau thương. Thế giới ấy Mị sẽ không còn đau buồn và tủi nhục, lo lắng và sợ hãi vì thế lực thần quyền và cường quyền nữa. Cứ như vậy, tiếng sao dẫn lối khát vọng thôi thúc Mị niềm khát khao sống, tình yêu và hạnh phúc.
Nhưng “tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường”, những đêm tình mùa xuân cháy bỏng cứ xốn xang trong tâm hồn mị:
“Anh ném pao em không bắt
Em không yêu quả pao rơi rồi”
Là tình ai không tan, là hồn ai oán trách. Tất cả chỉ còn lại những âm thanh da diết trong tâm hồn Mị. Nó hối thúc Mị phải thắp sáng cho số phận cuộc đời mình thay vì chấp nhận sống mãi trong cái buồng tối “kín mít”. “Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng”. Để rồi, ánh sáng từ đèn kia cũng như ánh sáng từ một vùng mây tươi đẹp nào đó sẽ lại soi sáng cho cuộc đời Mị. Nó thôi thúc Mị phải làm mới bản thân: “Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách”.
Người ta nói rằng người phụ nữ thường chăm chút ngoại hình là khi trong họ tồn tại những khát khao được yêu thương, được tự do, được hạnh phúc. Mị trong tiếng sáo dần được dẫn lối đến những cuộc chơi. Và những ý thức rằng “Mị vẫn còn trẻ” và đêm hội mùa xuân là chút niềm vui Mị vừa góp nhặt được. Mị hạnh phúc và dần khát khao được đổi mới mình. Rõ ràng lúc này tiếng sáo dù chẳng còn xuất hiện trong hiện tại nữa. Tiếng sáo ấy chẳng thể “văng vẳng đầu làng”, khuất bóng ngoài đầu núi bởi “người về, người đi chơi vãn cả”, nhưng đối với Mị, khoảnh khắc này mới là lúc Tết về trong Mị, trong tâm tưởng, trong sự hồi sinh của những khát vọng sống.
Rõ ràng, tiếng sáo đêm tình mùa xuân vẫn luôn ở đó, rập rờn từng nhịp trong Mị. Bất chợt ta nhớ đến hơi cháo hành lan tỏa trong tâm trí Chí Phèo (Chí Phèo – Nam Cao). Hơi cháo ấy quặn thắt những nỗi đau trong Chí – nỗi đau về sự ruồng bỏ của Thị Nở, của cuộc đời và những khát vọng lương thiện trỗi dậy là vội tan. Trong cuộc sống, đôi khi sẽ có những giọng nói, những âm thanh, những mùi hương khiến ta khắc khoải về một điều gì đó, một ai đó. Khi chúng trở về, con người sẽ dễ dàng vỡ òa trong chúng, con người sẽ ngừng bị chúng thôi thúc để phản kháng với hiện thực, với những bất công mà mình đang phải chịu đựng.
Chí Phèo từ hơi cháo hành đã khóc nức nở trong niềm tiếc nuối da diết những tháng ngày hạnh phúc hiếm hoi trong đời bên Thị Nở. Hắn đã không thể ngăn những bước chân của mình đến nhà Bá Kiến để đòi nợ máu, để đòi được lương thiện, để đòi sự công bằng từ những bi kịch hắn phải gánh chịu trong cả đời mình. Mị trong sự rập rờn của tiếng sáo, tâm hồn đã hòa vào tiếng sáo, vào khát vọng sống. Cũng trong tiếng sáo ấy, Mị lại được hành động như một con người tự do lần nữa.
Nhưng có lẽ ấn tượng nhất trong những nhịp điệu du dương của tiếng sáo đó chính là hành động “với tay lấy cái váy hoa vắt ở trong vách”. Cái váy hoa vắt trong chiếc vách ấy có lẽ đã từng ẩm bụi. Hoặc có khi chúng đã bạc màu sờn vai theo thời gian. Bởi lẽ “biết bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi” ngày Tết, “những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên mòm đá xòe như cái bướm sặc sỡ.” Còn Mị “suốt năm suốt đời như thế”. “Tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay, xe đay, đến mùa thì đi nương bẻ bắp…”. Chiếc váy hoa của mình cũng vì thế mà thu mình trong bóng tối, trong bụi của những khổ đau cơ cực của Mị trong một khoảng thời gian dài. Bởi thế khi Mị “với tay”, khi Mị nhận ra Mị vẫn được đi chơi, vẫn có thể khoát lên chiếc váy hoa như bao người phụ nữ bình thường khác.
Sẽ không ít người mừng cho Mị. Mừng rằng cô Mị khi xưa đã dần được sống dậy trong hình hài của cô Mị hôm nay, trong chính căn buồng chật hẹp và u tối. Câu văn của Tô Hoài ngắn thôi mà dồn dập như một tiếng gọi đầy thôi thúc từ bên trong tâm hồn Mị, như những nhịp đập mạnh mẽ của một người phụ nữ đang trở về mùa xuân của chính mình. Sức sống vì vậy theo cơn gió xuân, theo tiếng sáo đêm tình mùa xuân rộn rịp, theo lòng hồi xuân mãnh liệt dâng trào trong Mị. Sức sống ấy theo lời văn, câu chữ của Tô Hoài len lỏi vào tâm hồn người đọc để tìm kiếm sự đồng cảm, sự ngưỡng mộ dành cho Mị.
Tiếc thay, sự đời chẳng bao giờ như người ta nghĩ. A Sử lại xuất hiện như một hung thần, cắt đứt nguồn sông đang vẫy vùng trong tâm hồn ham sống của Mị. “A Sử bước lại, nắm Mị, lấy thắt lưng trói hai tay Mị”. Mị muốn đi chơi, A Sử lại “trói đứng Mị vào cột nhà”. Mị quấn lại tóc, ”A Sử quấn tóc lên cột, làm cho Mị không cúi không nghiêng đầu được nữa”. Mị thắp sáng đèn, “A Sử tắt đèn, đi ra, khép cửa buồng lại”. Bóng tối và sự yên tĩnh đáng sợ lại bao trùm lên không gian. Từng hành động của A Sử là một chuỗi dài của sự tàn độc, lạnh lùng ngăn trở, dập tắt từng khát vọng sống vừa được nhen nhóm của Mị. Từng chút, từng chút một hết sức tàn nhẫn.
Cái sợi dây oan nghiệt, cái sợi dây đay mà Mị từng “quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa” lại quay ngược trở lại đối đầu với Mị, với khát khao của Mị. Nhưng Mị không phản ứng. Như thể, sợi dây kia tựa như bọn thống trị miền núi, như thế lực của thống lí Pá Tra, như sự lạnh lùng không còn lương tri của A Sử dù tàn độc đến đâu cũng chỉ có thể trói được thể xác Mị chứ không thể trói được tâm hồn Mị, khát vọng sống chính đáng của Mị. “Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị theo những cuộc chơi, những đám chơi: Em không yêu, quả pao rơi rồi. Em yêu người nào, em bắt pao nào…”.
Tiếng sáo gọi bạn tình trong đêm tình mùa xuân của hiện tại vẫn tiếp tục trong tâm hồn Mị để tạo cho Mị sức mạnh. Mị “vùng bước đi” như kẻ mộng du, quên đi cảnh ngộ là mình đang trói, vẫn thả hồn theo những cuộc chơi đang diễn ra bên ngoài. Tiếng sáo ấy là một liều thuốc xoa dịu những vết thương tinh thần và thể xác của Mị. Nhưng sợi dây trói oan nghiệt lại lần nữa kéo Mị về thực tại, lại lần nữa vô tình, lạnh lùng dập tắt tiếng sáo và mùa xuân của Mị. Tiếng sáo lại hiện về trong nỗi buồn thương rồi tan dần trong kí ức Mị. Bấy giờ Mị “chỉ còn tiếng chân ngựa đạp vào vách. Ngựa vẫn đứng yên,gãi chân, nhai cỏ”.
Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa. Tất cả những khát vọng sống lại chìm vào đêm dài. Lặng im và buồn thương. Tô Hoài đã rất tinh tế khi xen kẽ hai âm thanh trái ngược nhau “tiếng sáo gọi bạn tình” và “tiếng chân ngựa đạp vào vách” cạnh nhau. Một bên lặp lại da diết như một khúc hát đẹp đẽ tôn vinh sự sống bất diệt của con người. Một bên lại xót thương trong sự chà đạp tận cùng lên cuộc sống Mị. Tất cả đều len lỏi vào từng ngóc ngách tâm hồn Mị để dằn xé nội tâm Mị, để đặt Mị vào tình huống đầy bi kịch giữa hiện thực phũ phàng và khát vọng mãnh liệt, giữa sự chấp nhận kiếp sống trâu ngựa và ý thức phản kháng. Bất lực Mị khóc.
Thế nhưng, sức sống tiềm tàng đã trỗi dậy. Một nguồn sống dạt dào lúc âm ỉ, lức cuộn trào. “Mị nín khóc. Mị lại bồi hồi“. Cả đêm Mị sống trong tâm trạng “lúc mê lúc tỉnh” như thế trong hơi rượu tỏa, trong tiếng sáo, trong tiếng chó sủa xa xa. Khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc vẫn tồn tại âm ỉ như một đám than hồng không bao giờ bị dập tắt và sẽ bùng lên mạnh mẽ từ dưới lớp tro buồn trong một khoảnh khắc nào đó mà chính Mị, chính bản thân chúng ta cũng không thể biết được.
Ở nhân vật Chí Phèo, sau cái đêm định mệnh ăn nằm cùng Thị Nở, Chí đổi khác hoàn toàn. “Khi Chí Phèo thức dậy thì trời sáng đã lâu. Mặt trời đã chắc đã lên cao , và nắng ngoài kia chắc rực rỡ.” Nam Cao cũng như Tô Hoài đã từng lặng lẽ theo gót Chí Phèo trên bước đường say – tỉnh, trầm mình trong bầu cảm xúc khổ đau của một nhân cách đang quằn quại sống dậy nhưng bị cuộc đời lìa bỏ. Ở nơi đau khổ tận cùng ấy, cũng chính Nam Cao đã hồi sinh khát khao lương thiện của Chí từ mối tình với Thị Nở. Phương thuốc tình thương như ngụm nước mưa trong trẻo, ngọt lành, mộc mạc vậy thôi nhưng đủ xoa dịu những vết gạch xước trong tâm hồn Chí… và từ một thằng lưu manh say khướt Chí Phèo lắng nghe hồi ức, lắng nghe cuộc đời: “Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá! Có tiếng cười nói của những người đi chợ. Anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá. Những tiếng quen thuộc ấy hôm nào chẳng có. Nhưng hôm nay hắn mới nghe thấy”. Một thoáng chốc nao nao những kỉ niệm dần thức tỉnh: “hình như một thời, hắn từng ao ước một gia đình nhỏ”. Đoạn văn về tình thương của Thị Nở cứ thế ngắn thôi, mà có tới ba lần nỗi buồn ùa về. Nỗi buồn về cuộc đời, nỗi buồn về những hồi ức cũ kĩ mang theo “lòng mơ hồ buồn”, “hắn lại nao nao buồn”, “buồn thay cho cuộc đời” tạo nên những khoảng lặng trong cuộc đời xô bồ của Chí.
Dường như Chí hồi tỉnh và trưởng thành trong nỗi buồn ấy? Dường như hắn đã được giải thoát khỏi lớp mặt nạ của một con quỷ dữ điên loạn trong những cơn say để được phép sợ, được phép sợ “tuổi già, đói rét, ốm đau và cô độc”. Lời văn không nói, chao đảo trong những dòng độc thoại nội tâm của những nỗi niềm kín khuất, hơi văn buồn, chầm chậm lắng xuống như cúi đầu lặng lẽ nhìn về cuộc đời mình của Chí. Thật bình yên đến lạ. Cũng có lúc dòng sông gầm gào sục sôi cuộc đời Chí lại bặt lại, êm đềm xuôi chảy như thế. Và từ trang văn ấy Chí Phèo sống dậy, hồn hậu trong trẻo và ấm lòng.
Bằng cách chắp ghép những tâm trạng từ phía cách nhân vật trong cả hai tác phẩm ta như bị cuốn vào một chuyến phiêu lưu không gian và thời gian, một chiếu phiêu lưu để ta tìm về những bản ngã và những khát vọng thực sự của con người: khát vọng tự do, khát vọng được sống một cuộc đời lương thiện và hạnh phúc bằng những giá trị tốt đẹp của chính mình. Tô Hoài và Nam Cao đã gặp nhau khi khai thác cùng một nỗi thống khổ của những con người bị chà đạp, bị dồn đẩy đến bước đường cùng trong xã hội đầy rẫy những điều phi nhân. Đó là một Chí Phèo đã từng được sống lương thiện nhưng lại thay hình đổi dạng chỉ vì sự ghen tuông vô cớ của Bá Kiến , chỉ vì những khinh miệt của người đời. Đó là một Mị đã từng “uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo”, đã từng mạnh mẽ và quyết đoán “con nay đã biết cuốc nương làm ngô, con phải làm nương ngô giả nợ thay cho bố. Bố đừng bán con cho nhà giàu”. Cuối cùng, Mị cũng chẳng thể chối bỏ thân phận khốn cùng của người con dâu gạt nợ.
Thế nhưng, cả Tô Hoài và Nam Cao đều bằng tấm lòng của mình cho họ một cơ hội, chiếu cho cuộc đời họ một tia sáng , một tia sáng để họ lần theo đó mà định vị lại chính mình, khát vọng đã từng quên đi vì những cay đắng hiện thực.Cả hai nhà văn đều không hối hả vội vàng để nhân vật nhận thức nỗi đau và khát vọng tương lai. Họ tạo ra những tầng khúc tâm trạng, tạo những dòng cảm nghĩ liền mạch nối tiếp nhau. Tâm lí nhân vật vì vậy trong giai đoạn này sẽ là tiền đề cho diễn biến của giai đoạn khác. Cách thức này còn gọi là phép biện chứng tâm hồn. Cách thức ấy khiến người đọc dễ dàng cảm nhận và đồng cảm với những câu chuyện, những cuộc đời trong cả hai tác phẩm.
Như vậy từ việc tạo nên những lần nhận thức từ những thanh âm như tiếng sáo hay những tiếng sinh hoạt thường nhật, cả hai nhà văn không chỉ giúp nhân vật của mình tháo lớp mặt nạ của nỗi đau để đau đớn nhận ra sự trần trụi của nó. Mà hơn hết từ sự nhận thức bi kịch, họ lại biết ước mơ, lại có niềm tin về một tương lai tươi sáng hơn, dù mơ hồ hay cụ thể. Tuy nhiên, trong sự hội tụ trong tiếng hát vô biên cho những nỗi đau của những người dân chịu những tầng áp bức của các thế lực thống trị ở cả hai tác phẩm, vô hình trung vẫn là hai bản thể sáng tạo. Vì vậy chúng sẽ khác nhau.
Nói về việc sáng tác “Truyện Tây Bắc”, Tô Hoài cho biết “ngoài tài liệu và trên cả sáng tạo”, ông đã đưa vào trong tác phẩm của mình “những ý thơ: “Ở mỗi nhân vật và trùm lên tất cả miền Tây, tôi đã đưa vào một không khí vời vợi, làm cho đất nước và con người bay bổng lên hơn, rời bỏ được cái ám ảnh tủn mủn, lặt vặt thường làm co quắp nhân vật, nhỏ bé vấn đề và khung cảnh đi”. Cho nên Tô Hoài khác Nam Cao chính là chất thơ đậm phong vị Tây Bắc man mác cả thiên truyện, trong tiếng sáo, trong những diễn biến tâm hồn của Mị, trong nỗi khát khao về một tương lai tốt đẹp chỉ trong một đêm mùa xuân.
Chất thơ ấy sống trong phong tục tập quán của con người, trong niềm vui sau những mùa gặt , trong đêm hội mùa xuân trên Hồng Ngài rộn rã vui tươi với những chiếc váy hoa sặc sỡ, với “đám trẻ đợi Tết, chơi quay, cười ầm trên sân chơi trước nhà”. Tất cả đều tạo nên một bầu không khí văn hóa dân tộc của vùng Tây Bắc – một vùng đã từng để lại những niềm thương nỗi nhớ trong tác giả. Tuy nhiên Nam Cao không vậy. Tất cả những niềm vui, nỗi buồn của Chí Phèo lại quẩn quanh trong túp lều của Chí – một túp lều ngự trị tại một thế giới tách biệt của xã hội làng Vũ Đại. Túp lều ấy như phản ánh cả cuộc đời Chí – cuộc đời cô độc, dị biệt và đầy rẻ rúng.
Sự khác nhau về không gian nghệ thuật gọi mở cho nhân vật những con đường trở về khát vọng khác nhau.Nếu Mị nhận ra chính mình trong những cuộc xung đột, trong những mâu thuẫn giữa hiện tại và quá khứ bởi lẽ khát vọng sống của Mị chỉ đang bị nhạt nhòa trong hiện thực cay đắng chứ chưa hề mất đi thì Chí Phèo không vậy. Hắn lại lần về ý thức từ những cơn nhớ cơn quên, từ sự tranh đấu giữa phần con và phần người.
Nếu Mị từ sau đêm tình mùa xuân năm ấy lại có những sự chuyển biến mạnh mẽ trong hành động, trong những nhận thức về cuộc sống để Mị dũng cảm hơn để tìm ra lối thoát cho mình trong đêm mùa đông cùng với A Phủ thì Chí Phèo lại đau khổ hơn. Hắn đau khổ trong sự tuyệt vọng vì cánh cửa lương thiện khép lại, trong cái chết mà hắn buộc phải nhận để trả nợ máu và để chết như một con người. Kết thúc ấy là một sự tôn trọng cần thiết của nhà văn dành cho hiện thực xã hội bấy giờ, cũng là một tiếng kêu cứu lấy con người đang khắc khoải thổn thức trong trái tim Nam Cao. Kết thúc đó cũng vì thế mà trở thành một lời hồi đáp cho một thời kỳ văn học vẫn còn bế tắc trong việc tìm ra cho nhân vật một lối thoát. Đó là trào lưu hiện thực phê phán. Nhưng Tô Hoài lại theo khuynh hướng văn học xã hội chủ nghĩa.
Thời kỳ ấy, trào lưu ấy cho phép Tô Hoài nhìn nhân vật trong những mâu thuẫn của lịch sử. Nhưng họ cũng nhìn thấy ở những nhân vật của mình một sự chủ động để tìm kiếm và bảo vệ hạnh phúc của chính mình. Vì vậy từ một biến cố, trong một chặng tâm lý nhất định, Tô Hoài đã để cho nhân vật tỉm ra một con đường giải phóng chính mình. Như vậy, dù giống nhau ở tinh thần, khác nhau bởi cách thức thì cả hai tác phẩm đều gọi dậy trong ta một chút gì đó rất nhân bản mà người ta gọi đó là những khát vọng con người, khát vọng tự do, khát vọng hướng đến tương lai tươi sáng. Dù chúng chỉ xuất hiện trong một khoảnh khắc hay cả cuộc đời, tất cả đều đáng được trân trọng và ca ngợi.
- Kết bài:
Nói về việc sáng tác “Truyện Tây Bắc”, Tô Hoài cho biết những ước vọng và những nỗ lực tạo nên những lời văn của mình: “ở mỗi nhân vật và trùm len tất cả miền Tây, tôi đã đưa vào một không khí vời vợi làm cho đất nước và con người bay bổng lên hơn, rời bỏ được cái ám ảnh tủn mủn, lặt vặt thường làm co quắp nhân vật và làm nhỏ bé vấn đề khung cảnh đi”. Và quả thật, qua miêu tả diễn biến tâm trạng và hành của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân, tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” lan tỏa chất thơ của khát vọng sống chân chính của con người. Để từ đó, “Vợ Chồng A Phủ” cùng Chí Phèo đã trở thành những khúc hát của khát vọng để trở thành một lời nhắc nhở về một thời đã qua, là một lời thôi thúc con người vươn đến tương lai tươi sáng và tốt đẹp hơn.
Xem thêm:
Tham khảo:
Phân tích diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài (“Vợ chồng A Phủ”, Tô Hoài)
- Mở bài:
Đề tài Tây Bắc in đậm trong sự nghiệp văn chương của Tô Hoài: “Truyện Tây Bắc”, “Miền Tây”,”Họ Giàng ở Phìn Sa”… Truyện “Vợ chồng A Phủ” mang ý nghĩa như một “chiến công” của nhà văn Hà Nội này khi theo bộ đội vào giải phóng Tây Bắc (1952). Truyện kể về cuộc đời của Mị và A Phủ ở Hồng Ngài trong nhà thống lí Pá Tra và khi làm chiến sĩ du kích ở căn cứ Phiềng Sa. Qua đó, tác giả nói lên nỗi thống khổ sự vùng dậy của người Mèo ở Tây Bắc, một lòng quyết tâm tham gia kháng chiến để giành lấy tự do, tình yêu và hạnh phúc.
- Thân bài:
Nhân vật Mị là một sáng tạo đặc sắc của Tô Hoài. Đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài là tình tiết cảm động nhất, hay nhất của truyện đã thể hiện khát vọng sống, khao khát tình yêu của người con dâu gạt nợ.
Mị mồ côi mẹ, ở với cha già. Mị xinh đẹp, tuổi xuân phơi phới. Vì món nợ truyền kiếp. Mị trở thành con dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra. Tuổi xuân của Mị bị thằng A Sử, con trai thống lí tước đoạt, giày xéo. Mị khổ như con trâu con ngựa. Mị toan ăn lá ngón tự tử, nhưng thương cha già, Mị chết không đành lòng. Sống trong đau khố, Mị gần như vô cảm vô hồn “càng không nói, lùi lủi như con rùa nuôi trong xó cửa”.
Xuân qua rồi xuân lại trở lại. Đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài lại đến. Cả một không gian tưng bừng. Lúa ngô ở các nương đã thu hoạch xong. Gió và rét dữ dội. Cảnh sắc làng Mèo càng đẹp. Màu “vàng ửng” của cỏ gianh. Màu trắng, màu đỏ au, đỏ thậm, màu tím man mát của hoa thuốc phiện vừa nở. Màu “sặc sỡ” của những chiếc váy hoa phơi trên mỏm đá xòe như con bướm. Tiếng “cười ầm” của đám trẻ con chơi quay. Tiếng sáo thổi rủ bạn đi chơi. Tiếng chó sủa xa xa… Trước cảnh tưng bừng ấy, cứ tưởng Mị “Riêng mình nào biết có xuân là gì?”. Nhưng thật bất ngờ. Những đêm tình mùa xuân ỡ Hồng Ngài đã hồi sinh và hồi xuân tâm hồn Mị. Tâm trạng và hành động Mị được Tô Hoài thể hiện một cách tinh tế, xúc động.
Trong lúc trai gái và lũ trẻ con tụ tập đánh pao, đánh quay, thổi sáo, thổi khèn và nhảy trên sân chơi thì Mị “tha thiết bồi hồi” khi nghe tiếng sáo từ đầu núi “vọng lại”. Mị “nhẩm thầm” bài hát của người đang thổi sáo: “… Ta không có con trai con gái – Ta đi tìm người yêu…”. Sau bao mùa xuân câm lặng, có lẽ đây là lần đầu tiên người con dâu gạt nợ khẽ thầm hát?
Tiếng sáo đã gợi thương gợi nhớ và thức tỉnh. Mị lén lấy hũ rượu, “uống ừng ực từng bát”. Uống rượu như nuốt hận. Hay uống cho vơi đi nỗi đau khổ? Say rượu “lịm mặt”, tâm trạng Mị diễn biến. Mị hồi tưởng “sống về ngày trước”. Tiếng sáo gọi bạn tình “văng vẳng” trong tai Mị. Bao kỉ niệm đẹp thời con gái sống dậy trong lòng Mị. Mị thổi sáo giỏi… Có biết bao nhiêu người mê, ngày đem đã thổi sáo đi theo Mị. Hồi tưởng lại mùa xuân đẹp thời con gái, điều đó cho thấy Mị đã được thức tỉnh. Khát vọng sống như ngọn lửa đã bừng sáng tâm hồn Mị.
Mị “từ từ bước vào buồng” với tâm trạng “thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước”. Mị được thức tỉnh, tự ý thức là mình “trẻ lắm”, “vẫn còn trẻ”. Mị khao khát “Mị muốn đi chơi”. Khát vọng sống như ngọn lửa bừng cháy bao nhiêu Mị lại phẫn uất bấy nhiêu! Phẫn uất và đau khổ cho thân phận và số phận trớ trêu đầy bi kịch. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày Tết. A Sử với Mị “không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau!”. Không thể cam chịu mãi kiếp con dâu gạt nợ. Mị muốn ăn lá ngón cho chết ngay! Uất ức, nước mắt Mị ứa ra, khi tiếng sáo gọi bạn yêu “vẫn lửng lờ bay ngoài đường”. Tâm hồn Mị diễn biến phức tạp trong quá trình thức tỉnh, nổi loạn. Mị đang sống trong nghịch lí giữa thân phận con dâu gạt nợ và niềm phơi phới muốn đi chơi Tết. Liệu Mị có dám phá tung và cắt đứt sợi dây oan nghiệt đang thít chặt lấy số phận, thân phận mình để đến với những cuộc chơi cùng với tiếng sáo gọi bạn yêu?
Mị vào buồng lần này không phải để nhìn qua “cái lỗ vuông” để nghĩ đến cái chết, mà Mị đã hành động một cách mạnh mẽ, ngang nhiên trước mặt A Sử khi hắn xuất hiện bất ngừ trong buồng. A Sử thay áo mới, khoác thêm hai vòng bạc… để đi chơi rình bắt gái đem về làm vợ. Mị cũng chuẩn bị đi chơi Tết. Như thách thức. Mị đã hành động. Xắn thêm miếng mỡ bỏ vào đĩa đèn cho sáng. Quấn lại tóc. Với tay lấy cái váy hoa. Rút thêm cái áo. A Sử nhìn Mị, Mị “cũng không nói” hay không thèm nói? Hàng loạt hành động “nổi loạn” của Mị diễn ra liên tiếp khi tiếng sáo đang “rập rờn” trong đầu Mị. Tiếng sáo gọi bạn tình như đem đến cho Mị một sức mạnh mới, khơi gợi lòng khao khát yêu đương và hạnh phúc. Khi Mị với tay lấy váy hoa… là Mị thực sự được thức tỉnh, được sống lại thời con gái với bao ước mơ đẹp.
Sự phản kháng Sự phản kháng của Mị phải trả giá nặng nề. Chỉ sau một câu hỏi: “Mày muốn đi chơi à? Thằng A Sử độc ác đã trói Mị vào cột nhà bằng một thúng sợi đay. Hai tay Mị bị trói bằng dây thắt lưng, tóc Mị quấn lên cột, Mị “không cúi, không nghiêng được đầu nữa”. Thể hiện diễn biến tâm trạng và hành động Mị trong cảnh Mị bị trói trong đêm tình mùa xuân, ngòi bút nghệ thuật của Tô Hoài như đã “nhập hồn” vào nhân vật. Trong bóng tối, Mị “đứng im lặng”. Hơi rượu còn như nâng đỡ tâm hồn Mị. Quên đau khổ, đau đớn thực tại, Mị “vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị theo cuộc chơi,những đám chơi”. Mị vùng bước đi, lòng “bồi hồi” theo tiếng sáo: “Em không yêu, quả pao rơi rồi – Em yêu người em bắt pao nào…”. Mị lại trở lại thực tại đau đớn, khổ nhục “tay chân đầu không cựa được”. Mị thức “thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa” khi nghe tiếng ngựa “gai chân”, nhai cỏ, tiếng chó sủa xa xa. Mị nghĩ đến những cảnh tình tự của bao cặp tình nhân giờ này đã “dỡ vách ra rừng chơi”. Mị nín khóc, Mị lại bồi hồi trong trạng thái lúc mẽ lúc tỉnh. Dây trói thít lại, đau nhức. Hơi rượu tỏa, Mị “nồng nàn tha thiết nhớ”.
Bị trói đứng suốt đêm, Mị “bàng hoàng tỉnh” lúc trời sáng. Chỉ nghe tiếng lửa réo – Không một tiếng động – Mị nghĩ đến các vợ chú, thương những người đàn bà “khốn khổ sa vào nhà quan”; thương người đàn bà nọ bị chồng trói chết trong nhà thống lí. Mị vừa thương mình, vừa thương người, thương cho thân phận những người dàn bà ở Hồng Ngài “một đời con người chỉ biết đi theo con ngựa của chồng”. Mị sợ hãi “cựa quậy” xem mình còn sống hay chết. Dây trói xiết lại “đau dứt từng mảnh thịt”.
Nhờ một sự tình cờ mà Mị thoát chết trong đêm hãi hùng đó. Đoạn văn đêm tình mùa xuân có 3 cảnh. Cảnh Mị ngồi nhẩm thầm tiếng sáo và lén uống rượu ừng ực từng bát. Cảnh Mị chuẩn bị váy áo đi chơi. Cảnh Mị bị A Sử trói đứng suốt đêm trong buồng. Cảnh nào, chi tiết nào cũng sinh động, điển hình cho bi kịch của Mị, của người con dâu gạt nợ. Đoạn văn đêm tình mùa xuân thể hiện ngòi bút kể chuyện cảm động, phân tích diễn biến tâm trạng và hành động nhân vật một cách tinh tế, sâu sắc. Tiếng sáo gọi bạn tình được Tô Hoài nhắc đi nhắc lại 13 lần đầy ám ảnh, như thức tỉnh, như lay gọi, như vổ về niềm khao khát đi chơi Tết, khao khát được sống trong tình yêu và mùa xuân của người con dâu gạt nợ.
- Kết bài:
Sự “nổi loạn” của Mị cho thấy sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị mà máu và sự dã man không thể nào vùi dập được! Đem tình mùa xuân thấm đẫm tính nhân vãn, Nó đã góp phần tô đậm tính cách nhân vật Mị. Nó đã thổ hiện một cách xúc động giá trị hiện thực và tinh thần nhân đạo của truyện “Vợ chồng A Phủ”.
Xem thêm: