Giải thích nhận định: Thơ là hiện thực, thơ là cuộc đời và thơ còn là thơ nữa.
– Thơ ca chú trọng đến cái đẹp, phần thi vị của tâm hồn con người và cuộc sống khách quan. Vẻ đẹp và tính chất gợi cảm, truyền cảm của thơ có được còn do ngôn ngữ thơ cô đọng, hàm súc, giàu hình ảnh và nhạc điệu. Bàn về đặc điểm này, nhà thơ Sóng Hồng viết: “Thơ là một hình thái nghệ thuật cao quý, tinh vi. Người làm thơ phải có tình cảm mãnh liệt thể hiện sự nồng cháy trong lòng. Nhưng thơ là có tình cảm, lí trí kết hợp một cách nhuần nhuyễn và có nghệ thuật. Tình cảm và lí trí ấy được diễn đạt bằng những hình tượng đẹp đẽ qua những lời thơ trong sáng vang lên nhạc điệu khác thường “.
Thế nhưng, Xuân Diệu Cho rằng thư ca không nằm ngoài cuộc sống. Thơ ca trước hết phải phản ánh hiện thực cuộc sống, sau đó mới là nghệ thuật: “Thơ là hiện thực, thơ là cuộc đời và thơ còn là thơ nữa”.
– “Thơ là hiện thực, thơ là cuộc đời”: Thơ ca phải bắt nguồn từ hiện thực đời sống, từ những vui buồn, đau khổ, hạnh phúc của cuộc đời, của số phận cá nhân con người. Thơ ca phải hướng tới cuộc đời, con người chứ không phải là cái gì đứng tách riêng biệt khỏi đời sống.
– “Thơ là hiện thực, là cuộc đời” là nói đến nội dung trong thơ, thông điệp, bài học mà thi sĩ gửi gắm. Nội dung cốt lõi trong tác phẩm thi ca là phản ánh đời sống thực tại, cuộc sống và ẩn sâu hơn nữa là nội tâm, ý nghĩa, tình cảm của con người. Con người là đối tượng trung tâm được thể hiện rõ nét trong thơ. Đã là tác phẩm nghệ thuật thì không thể thoát ly đời sống hay sao chép thực tại một cách nguyên si. Thay vào đó, thơ- dưới vai trò là tác phẩm văn học không thể tách rời đời sống hình thức và nội tâm con người mà phải gắn liền với con người dưới cái nhìn chủ quan và qua quá trình sáng tạo của người cầm bút.
– “Thơ còn là thơ nữa”: Nếu chỉ là sự phản ánh đời sống một cách đơn thuần thì thơ không phải là thơ. Thơ phải mang những đặc trưng riêng về nội dung lẫn hình thức. Về nội dung, thơ là sự thổ lộ tình cảm mãnh liệt đã được ý thức; tình cảm trong thơ phải là tình cảm cao đẹp, nhân văn; chất thơ của thơ… Về hình thức, ngôn ngữ thơ có nhịp điệu; được cấu tạo đặc biệt, biểu hiện bằng biểu tượng; ngôn từ lạ hoá, giàu nhạc tính… Ngoài việc phản ánh thế giới thực tại của con người, thơ còn phải mang một giá trị nghệ thuật riêng, độc đáo, làm tròn nhiệm vụ, chức năng của thơ đối với đời sống con người. Điều đó có nghĩa tác giả đnag nói đến cái hình thức, cái bản chất lãng mạn, tình tứ của thi ca.
– “Thơ là hiện thực, thơ là cuộc đời, thơ còn là thơ nữa” mang ý nghĩa sâu sắc về chức năng và nhiệm vụ của thơ; hay nói cách khác, bản chất của thơ là khuynh hướng hiện thực đời sống và chất nghệ thuật trữ tình. Một tác phẩm thơ hay, giàu sức gợi phải bắt nguồn từ cuộc sống nhưng được nghệ thuật hóa về hai mặt nội dung – hình thức.
– “Thơ là hiện thực, thơ là cuộc đời” bởi thơ nếu không gắn liền với đời sống thực tại và nội tâm con người thì thơ sẽ trở nên vô giá trị, chỉ là thứ văn chương hão huyền, thực dụng, vô cảm. Thơ chỉ được viết ra khi người thi sĩ mang trong mình những cảm hứng, những rung động trước cuộc đời để đưa vào tác phẩm của mình. Một bài thơ có giá trị đích thực và sống mãi trong lòng độc giả khi từng câu chữ trong lời thơ, ý thơ mang vẻ đẹp “chân – thiện – mĩ” hướng tới cái đẹp, cái hay của con người; hay đơn giản là bộc lộ được tâm tư, tình cảm của con người về cuộc sống, thế sự.
– Hơn thế nữa, thơ sẽ phát huy được hết chức năng nghệ thuật nếu “thơ còn là thơ nữa”. Chứng tỏ, hình thức, bản chất của thơ ca nếu mang giá trị nghệ thuật và đạt đến giá trị biểu đạt cao chắc chắn sẽ làm nên một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, giá trị. Đóng vai trò quan trọng trong chất trữ tình của thơ chính là sự kết hợp giữa các hình ảnh thơ, ngôn từ, biện pháp tu từ, thể loại thơ,…
– Hình ảnh thơ sâu sắc, lời thơ gợi hình, gợi cảm, ngôn từ bình dị mà độc đáo cùng với cách khéo léo, tinh tế trong việc sử dụng các biện pháp nghệ thuật để làm nổi bật lên chất thơ; tất cả chúng hòa quyện hài hoà trong thể loại thơ phù hợp, ý thơ súc tích thì sẽ lột tả hết được thông điệp mà tác giả gửi gắm. Hình thức thơ đẹp, hoàn chỉnh cùng với đó là nội dung hấp dẫn, lôi cuốn sẽ tạo nên một chỉnh thể văn chương thống nhất, vẹn toàn.
→ Đây là nhận định đúng, có ý nghĩa như một tiêu chí để xác định một tác phẩm thơ đích thực. Một tác phẩm thơ có giá trị phải là một tác phẩm bắt nguồn từ cuộc sống, hướng đến cuộc sống nhưng đã được nghệ thuật hoá về nội dung lẫn hình thức. Như T.Aimatop đã từng nói: “Nghệ thuật phải khơi gợi được niềm vui sống, lòng yêu đời”
Suy nghĩ: Thơ là hiện thực, thơ là cuộc đời, thơ còn là thơ nữa (Xuân Diệu)
bài phân tích này hay quá