»» Nội dung bài viết:
Đọc sách là sinh hoạt và nhu cầu trí tuệ thường trực của con người có cuộc sống trí tuệ (Nguyên Ngọc).
- Mở bài:
Thomas Carlyle từng nói: “Tất cả những gì con người làm, nghĩ hoặc trở thành được bảo tồn một cách kỳ diệu trên những trang sách”. Qua những trang sách ấy, con người từng bước tiếp thu tri thức của nhân loại, đem tri thức tạo dựng cuộc sống tốt đẹp cho mình và cộng đồng, từ đó tạo nên nhiều tri thức mới. Những điều đó sẽ lại được ghi vào sách. Sách là nguồn của cải quý báu của thế giới và là di sản xứng đáng của các thế hệ và các quốc gia. Không đọc sách là đánh mất cơ hội để tiến bộ và thành công. Bàn về vấn đề này, nhà văn Nguyên Ngọc cũng từng nói:“Đọc sách là sinh hoạt và nhu cầu trí tuệ thường trực của con người có cuộc sống trí tuệ”
- Thân bài:
1. Giải thích ý kiến.
– “Đọc sách” là tiếp thu những tri thức của nhân loại được ghi vào những trang sách.
– “Nhu cầu trí tuệ thường trực” là nhu cầu thường xuyên, cần thiết để mở rộng tri thức và tầm hiểu biết…
– “Cuộc sống trí tuệ” là cuộc sống được xây dựng bằng trí tuệ và sức lao động của con người. Hay nói rõ hơn là cuộc sống văn minh.
→ Ý nghĩa: Đọc sách để nuôi dưỡng trí tuệ và xây dựng cuộc sống.
2. Bàn luận những tác dụng to lớn của việc đọc sách.
– Văn hóa đọc gắn liền với chữ viết, qua quá trình đọc con người sẽ suy nghĩ, phân tích, tổng hợp, tư duy, biến tri thức thành của mình và trở thành vốn kiến thức để vận dụng vào cuộc sống.
– Đọc sách giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết về đời sống, xã hội, con người và nhận thức thức chính mình. Sách mở rộng ra trước mắt ta những chân trời mới.
– Việc đọc sách tác động mạnh mẽ tới tư tưởng, tình cảm và thái độ, góp phần hoàn thiện nhân cách và làm giàu đời sống tinh thần của con người. “Mỗi cuốn sách nhỏ là một bậc thang đưa ta tách khỏi phần con để đến với thế giới Người”…….
3. Phê phán, bàn luận mở rộng.
– Phê phán thực trạng xuống cấp của văn hóa đọc trong thời đại ngày nay đặc biệt là đối với giới trẻ: Văn hóa đọc dần mai một không chỉ gây tổn thất cho việc truyền bá tri thức mà còn làm mất dần đi một nét đẹp có tính biểu hiện cao của văn hóa.
– Không ai có thể phủ nhận được vai trò của sách trong đời sống của con người. Tuy nhiên, một số người không biết quý trọng sách, không chịu đọc sách, thậm chí là hủy hoại sách. Những người như thế thật đáng lên án.
4. Rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân.
– Khẳng định tính đúng đắn của ý kiến, rút ra bài học nhận thức, hành động: Những việc làm thiết thực của cá nhân và cộng đồng trong việc nâng cao, phổ biến văn hóa đọc.
– Cần có phương pháp đọc để có thể hiểu được thông điệp mà tác giả muốn truyền tải qua cuốn sách.
– Dành ra thời gian mỗi ngày để đọc sách, vừa giúp chúng ta nâng cao hiểu biết và giúp thư giãn sau một ngày học tập và làm việc căng thẳng.
- Kết bài:
Học vấn không chỉ là việc đọc sách nhưng đọc sách vẫn là con đường quan trọng nhất của học vấn. Đọc một quyển sách là đi một chặng đường. Cần phải yêu mến và tin vào sách. Cần rèn luyện cho mình thói quen thực hành và kỹ năng dùng sách để làm việc.