Đọc hiểu chủ đề: Vai trò của thơ ca.
Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu:
Tôi đã được gì? Tôi đã được trở thành người có ích. Nhưng không phải chỉ đơn thuần là một người dân có ích. Tôi đã cùng các thi sĩ tiền chiến khác, và hàng bao thi sĩ trẻ xuất hiện về sau, là một người cầm bút có ích, làm thơ có ích. Tôi yêu Baudelaire từ bé, yêu tác giả Ác hoa (Fleurs du mal), từ tuổi hoa niên cho đến bây giờ, nhưng mãi sau khi vào Đảng tôi mới hiểu ông. Baudelaire viết, và câu này Aragon trích lại trong khi đề tựa cho Eluard:
“Vĩ đại thay là sứ mệnh thi ca. Trong ngục tối, thơ trở thành quật khởi, bên cửa sổ bệnh viện, thơ là khao khát và hi vọng lành bệnh. Thơ không phải chỉ nhìn nhận mà còn tu sửa. Ở mọi nơi, thơ phủ nhận bất công. Hỡi nhà thơ thiên sứ, hãy cất lời ca và đi tới tương lai. Lời ca của người là phản ánh niềm tin và hi vọng của nhân dân”.
Tôi tưởng tôi đánh mất Baudelaire với cách mạng rồi không ngờ tôi lại được lại ông như thế đó. Được lại Verlaine vì ông là trưởng ban kiểm duyệt của Ba Lê Công xã, sau này tôi mới hay. Được Rimbaud, ông không chỉ là kẻ lái “Con thuyền say”, ông là một chiến sĩ công xã đấy. Được lại Nguyễn Du, vì khi Đảng kỉ niệm hai trăm năm ngày mất của ông, tôi mới đánh giá hết giá trị nhân đạo của “Truyện Kiều”. So với “Bất tri tam bách dư niên hậu” thì nhanh được một trăm năm trời đấy.
(Trích Mất nỗi đau riêng và được cái vui chung – Tập tiểu luận Từ gác Khuê văn đến quán Trung tân, Chế Lan Viên, tr 34-35, NXB Tác phẩm mới, 1981)
Câu 1. Ghi lại tên tác giả của Ác hoa và tác giả của Truyện Kiều.
Câu 2. Theo người viết, nhân vật xưng tôi đã được gì, khi gắn bó với Đảng, với cách mạng và nhân dân?
Câu 3. Các cụm từ, câu văn: “bên cửa sổ bệnh viện, thơ là khao khát và hi vọng lành bệnh”; “thơ phủ nhận bất công”, thể hiện sứ mệnh nào của thơ ca?
Câu 4. Nếu chọn “Trong ngục tối, thơ trở thành quật khởi” vào vận dụng, anh/chị sẽ liên hệ mở rộng cho “Có những phút ngã lòng/Tôi vịn vào câu thơ mà đứng dậy” (Phùng Quán) hay “Sắc đẹp câu thơ cũng phải đấu tranh cho chân lí” (Chế Lan Viên)? Vì sao?
GỢI Ý TRẢ LỜI.
Câu 1. Ghi lại tên tác giả của Ác hoa và tác giả của Truyện Kiều:
– Baudelaire là tác giả của Ác hoa.
– Nguyễn Du là tác giả của Truyện Kiều.
Câu 2. Theo người viết, nhân vật xưng tôi đã được gì, khi gắn bó với Đảng, với cách mạng và nhân dân?
– là một người dân có ích/là một người cầm bút có ích/làm thơ có ích – thấy được Baudelaire, Verlaine Rimbaud cũng là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa/gắn bó với sứ mệnh cách mạng/ máu thịt với nhân dân.
– đánh giá hết giá trị nhân đạo của “Truyện Kiều”.
Câu 3. Các cụm từ, câu văn: “bên cửa sổ bệnh viện, thơ là khao khát và hi vọng lành bệnh”; “thơ phủ nhận bất công”, thể hiện sứ mệnh nào của thơ ca?
– “bên cửa sổ bệnh viện, thơ là khao khát”: điểm tựa tinh thần/đem đến niềm lạc quan, hi vọng, … cho con người.
– “thơ phủ nhận bất công”: nhận rõ và đấu tranh chống lại bất công, cái xấu, cái ác/bảo vệ con người trước những bất công, cái xấu, cái ác/bảo vệ công lí, lẽ phải, những giá trị nhân văn …
Câu 4. Nếu chọn “Trong ngục tối, thơ trở thành quật khởi” vào vận dụng, anh/chị sẽ liên hệ mở rộng cho “Có những phút ngã lòng/Tôi vịn vào câu thơ mà đứng dậy” (Phùng Quán), hay “Sắc đẹp câu thơ cũng phải đấu tranh cho chân lí” (Chế Lan Viên)? Vì sao?
– Chọn rõ câu: “Sắc đẹp câu thơ cũng phải đấu tranh cho chân lí” (Chế Lan Viên)?
– Lí giải:
+ Nội dung câu vận dụng: sức mạnh chiến đấu của thơ ca/khai mở tư tưởng, khai sáng chân lí/vũ khí tinh thần để đến chân – thiện – mĩ…
+ Câu Phùng Quán không chọn vì bàn đến vai trò điểm tựa tinh thần của thơ ca; câu của Chế Lan Viên bàn đến sứ mệnh đấu tranh cho chân lí của thơ ca phù hợp với nội dung của câu văn cần vận dụng.
+ Chấp nhận cách diễn đạt khác nhưng phải đảm bảo yêu cầu nội dung nêu trên.