»» Nội dung bài viết:
Biện pháp nhân hóa.
I. Nhân hóa là gì?
– Nhân hoá là gọi hoặc tả con vật, cây cối, đồ vật,… bằng những từ ngữ vốn được dùng để gọi hoặc tả con người; làm cho thế giới loài vật, cây cối, đồ vật,… trở nên gần gũi với con người, biểu thị được những suy nghĩ, tình cảm của con người.
– Nhân hóa khiến sự vật trở nên sống động, gần với đời sống con người. Cách diễn đạt nhân hóa đem lại cho lời thơ, văn có tính biểu cảm cao.
II. Dấu hiệu nhân biết.
Các từ chỉ hoạt động, tên gọi của con người: ngửi, chơi, bà, anh, chị,…
Ví dụ:
– Ông trời mặc áo giáp đen ra trận
– Bác xe biết ngửi thấy mùi đất mới.
III. Các hình thức nhân hóa trong tiếng Việt.
Có 4 cách nhân hóa:
+ Gọi sự vật bằng những từ vốn để gọi người.
+ Tả sự vật bằng từ tả người.
+ Nói với sự vật thân mật như người.
+ Coi sự vật là người (đóng vai nhân vật định nói tới).
1. Gọi các sự vật bằng những từ ngữ để gọi con người.
– Những từ chỉ hoạt động, tính chất của con người được dùng để chỉ hoạt động, tính chất của đối tượng không phải là người.
– Các sự vật ( đồ vật, con vật, cây cối,…) không chỉ được gọi một cách thông thường mà được gọi giống như con người.
– Đây là cách nhân hóa đơn giản nhất nên các em dễ nhận biết và dễ áp dụng vào văn nói và viết. Dấu hiệu để nhận ra cách nhân hóa này là sử dụng các từ ngữ xưng hô trong các mối quan hệ hàng ngày: Cậu, mợ, thím, bác, chú, anh, chị…..
Ví dụ:
– Bác gà trống trông thật oai vệ.
– Anh Đóm chuyên cần/ Lên đèn đi gác.
– Chị mây vừa kéo đến/ Trăng sao trốn cả rồi.
2. Miêu tả sự vật bằng những từ ngữ miêu tả con người.
– Đối với miêu tả sự vật, có thể tả dưới nhiều dạng như hành động, tâm trạng, ngoại hình, tính cách….
– Cách nhân hóa này ở mức độ cao hơn. Để làm tốt bài tập này đòi hỏi các em phải nắm chắc kiến thức về từ chỉ hoạt động, từ chỉ đặc điểm của người.
Ví dụ:
– Chú ếch con đang ngồi học bài bên bờ sông.
– Mặt trời gác núi/ Bóng tối lan dần,
3. Xưng hô với sự vật thân mật như con người.
– Sự vật không còn là vật vô tri vô giác mà trở nên gần gũi thông qua cách đối đáp, trò chuyện của con người.
– Đây là cách nhân hóa mà bản thân người nói, người viết phải cảm nhận và biết cách thể hiện tình cảm, cảm xúc đối với sự vật.
Ví dụ:
– Chị gió ơi! Chị gió ơi!
– Đất nóng nòng chờ đợi. Xuống đi nào, mưa ơi!
– Trâu ơi, ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta.
4. Coi sự vật là người (Đóng vai nhân vật định nói tới).
– Đây là cách nhân hóa ở mức độ cao. Loại bài tập này học sinh cần hiểu được các sự vật được nói tới như một người bạn, một con người thực sự. Dấu hiệu để nhận biết cách nhân hóa này chính là sử dụng các từ ngữ xưng hô: Tôi, tớ, cậu….
Ví dụ:
– Tớ là chiếc xe lu/ Người tớ to lù lù
– Mình đỏ như lửa/ Bụng chứa nước đầy/ Tôi chạy như bay/ Hét vang đường phố (Xe chữa cháy)
VI. Các bước để sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa.
Bước 1: Xác định sự vật ( con vật, đồ vật, cây cối,…) được nhân hóa.
– Việc nhận biết, xác định sự vật được sử dụng biệp pháp nhân hóa là gì? Con vật ( gà, vịt, cá,..), đồ vật ( bàn, ghế, tủ,…), hiện tượng tự nhiên ( mưa, nắng,…)…
Ví dụ:
Trong câu: “ Bác chim đang đậu trên ngọc cây hót véo von”
→ Sự vật được nhân hoá trong câu là “bác chim”. Dùng từ ngữ của con người “bác” để gọi loài chim.
Bước 2: Sử dụng các hình thức nhân hóa ( gọi, miêu tả, xưng hô) gán cho sự vật được lựa chọn để nhân hóa.
– Các sự vật được nhân hóa được lựa chọn các hình thức nhân hóa phù hợp.
Ví dụ:
Trong câu: “Ông mặt trời đang ban phát ánh nắng vàng cho cây cối và con người trên thế giới”.
+ Sử dụng từ ngữ xưng hô “ông” để gọi Mặt trời.
+ Dùng từ ngữ chỉ tính chất, hoạt động của con người “ban phát” dùng cho sự vật được nhân hoá.
Bước 3: Tiến hành thực hiện với nội dung của câu.
Ví dụ:
Điền từ ngữ có sử dụng nhân hoá để hoàn chỉnh câu giới thiệu sau:
Mỗi loài chim đều có đặc điểm riêng: chim chích choè ………., chào mào…………., vẹt…………., cu gáy ……………….
+ Trong trường hợp này, chúng ta nên sử dụng từ ngữ nhân hoá miêu tả hoạt động, tính chất giống như con người.
→ Mỗi loài chim đều có đặc điểm riêng: chim chích choè biết múa, chào mào biết hát, vẹt biết nói, cu gáy biết chơi nhạc cụ.
Xem thêm: