Bút pháp lãng mạn trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam.

but-phap-lang-man-trong-hai-dua-tre-cua-thach-lam

 Bút pháp lãng mạn trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam.

  • Mở bài:

Thạch Lam là một cây bút tiêu biểu của nền văn học Việt Nam thế kỷ XX. Ông cũng là một trong những thành viên sôi nổi, có nhiều đóng góp quan trọng của Nhóm Tự lực văn đoàn. Khác với các nhà văn khác, ngòi bút của Thạch Lam có khuynh hướng đi gần với cuộc sống của những người dân bình thường nghèo khổ. Hai đứa trẻ là truyện ngắn xuất sắc của ông. Tác phẩm mang đậm bút pháp lãng mạn rất đặc trưng của nhà văn Thạch Lam.

  • Thân bài:

1. Bút pháp lãng mạn thể hiện qua việc xây dựng hình ảnh nhân vật Liên.

– Nhân vật Liên được tác giả đặt ở vị trí trung tâm của truyện. Tính cách tâm hồn cô bé được tái hiện qua ánh mắt quan sát và những suy nghĩ cảm xúc khi đối diện với cuộc sống nơi phố huyện nghèo. Bằng tài nghệ khám phá thế giới nội tâm phong phú tinh tế, Thạch Lam đã tái hiện một cách chân thực sống động những vẻ đẹp tiềm ẩn trong nhân vật Liên…

a. Liên có tâm hồn nhạy cảm tinh tế nhân hậu của một đứa trẻ biết yêu thương.

* Liên là cô bé có tình yêu thiên nhiên tha thiết. Trái tim cô bé vô cùng nhạy cảm, rung động tinh tế trước cái đẹp của thiên nhiên.

– Tâm hồn trẻ thơ trong sáng ấy đã rộng mở để đón nhận những biến động tinh tế mơ hồ của cảnh vật. Liên càng biết được sự đổi thay của đất trời lúc ngày tàn:

+ Em lắng nghe từng tiếng động, báo hiệu một ngày sắp hết: từ tiếng trống thu không; tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng; đến cả tiếng muỗi vo ve. Như thể em đang đón nhận cả cái không khí im vắng tĩnh lặng của buổi chiều quê.

+ Cái nhìn của Liên bao quát cả khung trời phía tây đang rực rỡ trong ánh hoàng hôn. Bầu trời hồng rực rỡ như lửa cháy với những đám mây “ánh lên như hòn than sắp tàn“. Trên nền trời nổi bật đường viền sẫm màu của những rặng tre… Khoảnh khắc ngày tàn khơi lên trong cô bé một nỗi buồn man mác mơ hồ.

– Không chỉ yêu cảnh vật, Liên còn rất gắn bó với miền đất này. Khi quan sát cảnh phiên chợ đã tàn em cảm nhận được cái tiêu điều của vùng đất nghèo khó qua những thứ rác rưởi bỏ lại trên nền chợ “vỏ bưởi vỏ thị, lá nhãn, lá mía“. Liên yêu mảnh đất này đến mức thuộc lấy cả mùi cát bụi “một mùi âm ẩm của cát bụi bốc lên khiến chị em Liên tưởng là mùi riêng của vùng đất này”.

– Đặc biệt Liên tìm thấy ở đây những vẻ đẹp bình dị mà giàu chất thơ. Qua cách cảm nhận của em một đêm mùa hạ bỗng trở nên trong trẻo êm ả lạ thường “trời bắt đầu đêm, một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát”. Có cả vẻ đẹp của bầu trời đêm thăm thẳm với hàng ngàn ngôi sao đang ganh nhau lóe sáng…

→ Cách cảm nhận về thiên nhiên chứng tỏ tâm hồn cô bé Liên luôn rộng mở gắn bó và yêu thương với thế giới xung quanh.

b. Không chỉ yêu thiên nhiên trái tim cô bé còn biết yêu thương, cảm thông xót xa cho những nỗi khổ của con người.

– Liên thương trong cuộc sông nghèo khổ cơ cực của những người dân nghèo:

+ Em xót xa khi thấy những đứa trẻ nhà nghèo phải tìm bới nhặt nhạnh trong đống rác mặc dù biết mình không có tiền cho chúng.

+ Liên dành cho cụ Thi điên chút lòng qua cút rượu rót đầy.

+ Cô bé thương mẹ con chị Tí “ngày mò cua bắt tép tối lại dọn hàng tới tận khuya mà cũng chẳng ăn thua”.

+ Ánh mắt cô bế siết bao ái ngại khi quan sát cảnh khốn cùng của gia đình bác sẩm “cả nhà ngủ gục trên manh chiếu rách; chiếc thau sắt trống không…” Dường như em mường tượng được nỗi đói rét cùng cực đang chờ đợi họ.

– Cùng với nỗi xót xa trong cuộc sống vất vả nghèo khó cơ cực của những người dân phố huyện, cô bé Liên còn cảm nhận cả sự bế tắc tù đọng trong kiếp sống của họ. Họ bị giam cầm trong giữa cái ao đời quẩn quanh tăm tối không ánh sáng không tương lai. Cái nhìn của em thấm đượm niềm thương cảm sâu xa: “Chừng ấy người ngồi lặng trong bóng tối như đang mong đợi một cái gì tươi sáng hơn cho.”

→Miêu tả những cảm xúc tinh tế sâu sắc khi đối diên với thiên nhiên con người cuộc sống. Thạch Lam đã làm hiện lên một thế giới tâm hồn trẻ thơ trong sáng giàu tinh yêu thương.

c. Cô bé Liên còn biết ước mơ, khát vọng biết hướng tới tương lai.

* Tâm hồn ấy luôn thiết tha hướng về ánh sáng.

– Bản thân cô bé phải sống trong không gian tiêu điều tăm tối của phố huyên nghèo, đặc biệt bóng tối như trùm lấp cả đất trời chiếm lĩnh mọi khoảng thời gian không gian. Không phải ngẫu nhiên Thạch Lam tô đậm đêm tối “đường phố và các ngõ con dần chứa đầy bóng tối… tối hết cả con đường thăm thẳm qua sông, con đường qua chợ, những ngõ con vào làng càng…”. Trên nền trời cuộc sống tăm tối ấy nổi bật hình ảnh hai đứa trẻ nhỏ nhoi đáng thương như bị giam cầm trong bóng tối: “Từ khi nhà Liên dọn ở Hà Nội về đây, từ khi có cái cửa hàng này, đêm nào Liên và An cũng phải ngồi với cái tối của quang cảnh phố chung quanh”.

– Nhưng bằng tất cả sức sống của một tâm hồn trẻ thơ tươi sáng, Liên đã không chịu “khuất phục” cái bóng tôi dày đặc kia. Ánh mắt em luôn thiết tha kiếm tìm những nguồn sáng. Có lúc cô bé ngước lên bầu trời đêm thăm thẳm để chiêm ngưỡng “hàng ngàn ngôi sao đang ganh nhau lấp lánh“, có lúc Liên tìm về những với những ngọn đèn gần gũi ấm áp xung quanh: đèn dây sáng trong hiệu khách; vầng sáng nhỏ tên chõng hành chị Tí;… thậm chí Liên nâng niu đến cả từng hột sáng lọt qua khe liếc. Tâm hồn em như một mầm cây khỏe khoắn luôn hướng về nơi có ánh sáng.

* Cô bé còn biết kiếm tìm những niềm vui, biết hướng tới tương lai. Vẻ đẹp này được thể hiện qua niềm mong đợi chuyến tàu đêm qua phố huyện.

– Liên cố thức đợi chuyến tàu không phải để bán thêm vài món hàng mà em đợi tàu để được nhìn thấy một cuộc sống náo động, một nguồn sáng rực rỡ. Bởi vì con tàu ấy là niềm vui duy nhất sau mỗi ngày dài đằng đẵng buồn tẻ và tăm tối của cuộc sống nơi đây… Cho nên, Liên đợi nó như người ta mong một điều gì đó lớn lao kì diệu.

– Liên đánh thức em dậy từ lúc tàu chưa đến cô bé đón với tất cả niềm hân hoan vui sướng

+ Qua cái nhìn của em, đoàn tàu bỗng trở nên lộng lẫy lạ thường “đoàn tàu rầm rộ đi tới…”. Đoàn tàu như đến một thế giới của thần thoại. Nó khơi lên trong Liên biết bao nhiêu cảm xúc hồi tưởng về một quá khứ hạnh phúc và mơ tưởng về một thế giới khác

+ Lúc đoàn tàu đi qua, Liên vẫn còn bâng khuâng dõi theo. Nó đánh thứ trong Liên những ý nghĩ mơ hồ mà em không lí giải được. Em chìm vào giấc ngủ với ý nghĩ: “Mình sống giữa bao nhiêu sự xa xôi không biết như… một vùng nhỏ“. Suy nghĩ ấy chứng tỏ Liên đã sớm có ý thức về bản thân mình, sự thức tình cái tôi cá nhân ấy đã gieo vào lòng người đọc niềm hi vọng rằng cô bé có tâm hồn tươi sáng kia sẽ không bị giam cầm trong kiếp sống tù đọng tăm tối này mãi mãi.

2. Bút pháp lãng mạn qua nghệ thuật xây dựng các hình ảnh đối lập, tương phản.

– Đến với “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam, người đọc đặc biệt ấn tượng với hai chi tiết tương phản là bóng tối và ánh sáng. Bóng tối là chi tiết nghệ thuật đầy ám ảnh đè nặng lên cảnh vật và con người. Bóng tối đến với tiếng trống thu không, với những đám mây hồng như hòn than sắp tàn, với dãy tre làng trước mặt đen lại. Ánh sáng của ban ngày vẫn còn nhưng yếu thế. Bóng tối mới xuất hiện nhưng bắt đầu lấn át ánh sáng. Rồi từng bước từng bước bóng tối đậm dần, ngập dần, lan tràn và ngự trị cả phố huyện: Các đường phố và các ngõ con dần dần chứa đầy bóng tối… Tối hết cả con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại càng sẫm đen hơn nữa. Bóng tối ngập tràn đôi mắt Liên, chị đã quen lắm với đêm tối. Mọi hoạt động của con người đều bắt đầu từ chiều tối tới tận đêm khuya.

– Không dưới 30 lần hình ảnh bóng tối xuất hiện, bóng tối như một cái gì hãi hùng đang xâm lấn, luồn lách vào mọi cảnh vật, bủa vây mọi con người ở nơi phố huyện. Nó tạo nên không gian đen đặc cho bức tranh phố huyện. Bóng tối trở thành nỗi ám ảnh về một cuộc sống tối tăm, bế tắc, ngao ngán. Đối lập với bóng tối tràn lan, đậm đặc là hình ảnh ánh sáng nhỏ nhoi, yếu ớt, được miêu tả rất khe khắt, hiếm hoi và đơn độc, chỉ là những khe sáng, hột sáng, quầng sáng, vệt sáng, chấm lửa,… không đủ để soi sáng không gian, mà còn tô đậm thêm bóng đêm đậm đặc, mênh mông của phố huyện.

– Nếu ánh sáng, âm thanh là biểu tượng của sự sống, thì bóng tối, sự tịch mịch là biểu tượng của hư vô, của cái chết. Cuộc sống hiện tại của chị em Liên là phố huyện ngập chìm trong đêm tối, nghĩa là sự sống đang hụt hơi, hấp hối như một miền đời quên lãng, một vùng đất chết, thiếu vắng sự sống.

– Như vậy, hai chi tiết đối lập này đã góp phần thể hiện được sâu sắc thông điệp của Thạch Lam: hãy đem đến cho con người một cuộc sống khác, hãy đem đến cho hai đứa trẻ một tương lai khác, hãy cứu lấy những đứa trẻ, cứu lấy mảnh đất phố huyện, cứu lấy sự sống trên thế giới này. Con người có thể vô danh nhưng không thể sống vô nghĩa.

  • Kết bài:

Thành công của Thạch Lam chính là sự kết hợp hài hòa giữa bút pháp lãng mạn với xu hướng hiện thực và nhân đạo. Chính điều này đã tạo cho mỗi tác phẩm của ông một sức sống trường tồn trong lòng người. Tình người của nhà văn với nhân vật đã đưa ý nghĩa truyện lên một tầng cao mới. Hai đứa trẻ vừa là bức tranh hiện thực phố huyện nghèo, vừa như một bài thơ trữ tình đặc sắc. Tác phẩm đã gieo vào lòng người đọc một nỗi buồn bâng khuâng day dứt về đời sống con người.

Phân tích truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.