»» Nội dung bài viết:
Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn và sức sống mãnh liệt của nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ
- Mở bài:
Vợ chồng A Phủ bức tranh chân thực về cuộc sống và số phận đau khổ của người nông dân nghèo miền núi Tây Bắc dưới ách áp bức của các thế lực thực dân và phong kiến, đồng thời là bài ca về sức sống mãnh liệt và khát vọng tự do, hạnh phúc của con người. Nhân vật chính trong tác phẩm là Mị. Đây là nhân vật kết tinh tư tưởng chủ đề của truyện cũng như vẻ đẹp nghệ thuật của tác phẩm.
- Thân bài:
Mị xuất hiện ngay ở những dòng đầu tiên của truyện ngắn qua thủ pháp phác họa chân dung để gợi mở số phận nhân vật và nghệ thuật tạo tình huống có vấn đề của nhà văn. Ấn tượng đầu tiên về Mị mà bất cứ “ai ở xa về, có việc vào nhà thống lý Pá Tra” là : “thường trông thấy một cô con gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa”. Đây không phải là hình ảnh xuất hiện một lần, hai lần, một tháng, một năm đôi bận mà hiện hữu thường xuyên đến mức quen thuộc.
Một sự đối lập, tương phản gay gắt giữa một bên là cái tấp nập, đông đúc, giàu sang của nhà quan thống lí với một bên là cuộc sống âm thầm, lẻ loi, im lìm tăm tối của Mị – “tảng đá” – cái “tàu ngựa”. Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi. Cái dáng vẻ và khuôn mặt này của Mị cũng chẳng hề ăn nhập gì với nhà thống lí, nơi vốn rất giàu có và đông vui.
- Phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị
- Phân tích truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài
- Cảm nhận ý nghĩa tiếng sáo trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài
- Cảm nhận sức sống kì diệu của hình tượng nhân vật Mị trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài
Như vậy, mở đầu truyện ngắn, nhà văn Tô Hoài đã dựng nên những mảng đối lập giữa Mị và cái không gian sống của Mị – nhà thống lý Pá Tra. Trong sự tương phản ấy, người ta thấy, dù chỉ là vài nét phác thảo, chân dung nhân vật trung tâm của truyện. Giống như Thúy Kiều trong những nét “vẽ” ngoại hình dự báo số phận của Nguyễn Du, những nét phác thảo chân dung Mị cũng ngầm báo một cuộc sống tinh thần buồn nhiều hơn vui, một cuộc đời không bằng phẳng, một số phận nhiều ẩn ức và có thể là một bi kịch của cõi nhân thế nơi miền núi cao Tây Bắc.
Mị là cô gái có ngoại hình đẹp, tài hoa và nhiều phẩm chất tốt.
Chỉ bằng một vài chi tiết đã được lựa lọc một cách tinh tế, nhà văn cũng đã khiến người đọc có những cảm nhận khó quên về nhân vật nữ chính. Đó là một cô gái có ngoại hình đẹp, tài hoa và nhiều phẩm chất tốt. Nhan sắc rực rỡ của Mị đã làm rung động trái tim của biết bao chàng trai : “Trai đến đứng nhẵn chân vách đầu buồng Mị”. Vẻ đẹp ấy cũng khiến cho A Sử – con trai thống lý Pá Tra – phải tìm cách cướp Mị về và dùng đến tập tục “cúng trình ma” để trói giữ người con gái đẹp ấy cho riêng hắn. Không chỉ đẹp, Mị còn có tài “thổi sáo”, cô thổi hay đến mức “có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị”. Mà tài thổi sáo cũng như tài đánh đàn, vẽ tranh, làm thơ… đâu chỉ là tài năng nghệ thuật mà còn là biểu hiện của đời sống nội tâm phong phú, có chiều sâu.
Mị là một cô gái yêu đời, yêu cuộc sống tự do, không ham giàu sang phú quý. Mị từng đề nghị bố đừng bán cô cho nhà giàu. Cô đã định ăn lá ngón để tìm đến cái chết hòng giải thoát khỏi cuộc sống tù túng, thiếu tự do và không có tình yêu đích thực. Với cha mẹ, Mị là một người con hiếu thảo. Cô sẵn sàng lao động vất vả để trả món nợ truyền kiếp cho cha mẹ. Nếu chỉ sống cho mình, Mị đã chết. Nhưng vì thương cha nên Mị đã chấp nhận một cuộc sống mà cô không hề mong muốn, sống mà như đã chết. Ở Mị, dường như kết tinh những tinh hoa của đất trời và con người miền Tây Bắc của Tổ quốc. Nếu phải chọn ra một đại diện cho vẻ đẹp sơn cước trong “cuộc thi sắc đẹp” với những người đẹp khác trong văn học, Mị xứng đáng là một đại diện tiêu biểu.
Cuộc đời Mị là bi kịch của kiếp làm “con dâu gạt nợ” ở nhà Pá Tra
Là một người đẹp, hội đủ nhiều yếu tố để có hạnh phúc, nhưng Mị đã không có được hạnh phúc như cô đáng được hưởng. Giống như nhiều nhân vật “tài hoa bạc mệnh” trong văn học, Mị đã rơi vào một bi kịch đau đớn trong cuộc đời của người con gái ở vùng núi cao Tây Bắc – bi kịch của kiếp “con dâu gạt nợ” ở nhà thống lý Pá Tra.
Bề ngoài là con dâu vì Mị là vợ A Sử, nhưng bên trong Mị thực chất chỉ là một thứ gán nợ, bắt nợ để bù đắp cho khoản tiền mà bố mẹ Mị đã vay của nhà thống lý Pá Tra nhưng chưa trả được. Điều đau đớn trong thân phận của Mị là ở chỗ nếu chỉ là con nợ thay cho bố mẹ thì Mị hoàn toàn có thể hi vọng vào một ngày nào đó sẽ được giải thoát sau khi món nợ đã được thanh toán (bằng tiền, bằng vật chất hoặc công lao động). Nhưng Mị lại là con dâu, bị cướp về và “cúng trình ma” ở nhà thống lý. Linh hồn Mị đã bị con “ma” ấy “cai quản”. Đến hết đời, dù món nợ đã được trả, Mị cũng sẽ không bao giờ được giải thoát, được trở về với cuộc sống tự do. Đây chính là bi kịch đau đớn nhất trong cuộc đời Mị.
Đời “con dâu gạt nợ” của Mị ở nhà thống lý là một quãng đời thê thảm, tủi cực, sống mà như đã chết. Mị “ở lâu trong cái khổ” nên “quen khổ rồi”, không còn ý niệm gì về sự khổ nữa. Ở đó, Mị dường như đã bị tê liệt cả lòng yêu đời, yêu sống lẫn tinh thần phản kháng.
Ỏ nhà thống lý, Mị vùi vào làm việc” cả đêm, cả ngày, cả năm, cả tháng. Mị thật chẳng khác gì một công cụ lao động. một thứ gì đó vô tri, vô giác. Mị giống như một tù nhân của chốn địa ngục trần gian, đã mất tri giác về cuộc sống. Nơi ở của Mị là một căn buồng Mị nằm, kín mít có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng. Đây rõ ràng không phải là căn buồng hạnh phúc mà nó giống như một gian ngục thất giam cầm một tù nhân đã mất ý niệm về thời gian sống, mất cảm giác về cuộc sống của mình và thân phận mình.
Qua đoạn đời làm dâu gạt nợ ở nhà thống lý Pá Tra của Mị, nhà văn không chỉ gián tiếp tố cáo sự áp bức bóc lột của bọn địa chủ phong kiến miền núi mà còn nói lên một sự thật thật đau xót : dưới ách thống trị của cường quyền bạo lực và thần quyền hủ tục, người dân lao động miền núi Tây Bắc bị chà đạp một cách tàn nhẫn về tinh thần đến mức tê liệt cảm giác về sự sống, mất dần ý niệm về cuộc đời. Từ những con người có lòng ham sống mãnh liệt, họ trở thành những người sống mà như đã chết, tẻ nhạt và vô thức như những đồ vật trong nhà. Một sự hủy diệt ý thức sống của con người thật đáng sợ !
Sức sống tiềm tàng mãnh liệt của Mị trong đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài và trong đêm mùa đông cứu A Phủ.
Cái đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài và cái đêm mùa đông chứng kiến cảnh A Phủ bị trói đến chết đã thức dậy sự sống ở trong Mị. Sức sống tiềm tàng, mãnh liệt trong lòng người con gái Tây Bắc đã được đánh thức.
Sự thức tỉnh của lòng ham sống và khát vọng tự do, hạnh phúc trong Mị trước hết có căn nguyên từ ngoại cảnh. Đầu tiên phải kể đến khung cảnh mùa xuân ở Hồng Ngài – một không gian tươi vui, tràn đầy sức sống và màu sắc : màu sắc của thiên nhiên (“cỏ gianh vàng ửng”), màu sắc của cuộc sống con người (“trong các làng Mèo đỏ, những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên mỏm đá xòe như con bướm sặc sỡ).
Mùa xuân về trên rẻo cao, đó là thời điểm mà người Mông cởi bỏ mọi nặng nhọc của công việc, mọi tủi cực của số phận, mọi oan khiên của kiếp sống để đắm chìm trong niềm vui giản dị của lẽ tồn sinh. Đó là thời điểm mà bao chàng trai có thể cởi bỏ chiếc áo lam lũ của ngày thường để khoác lên mình chiếc áo đẹp vẫn để dành mà tìm bạn, mà vui chơi quên ngày đêm. Đó là thời điểm mà biết bao cô gái nghèo cũng có quyền diện những chiếc váy hoa sặc sỡ mà dâp dìu, tình tứ trong những đám chơi ngày Tết.
Cái không khí ấy không thể không ảnh hưởng tới Mị, lay thức các giác quan của cô. Nhưng tác động mạnh mẽ nhất phải là tiếng sáo, không chỉ vì ngày trước Mị thổi sáo giỏi, bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị, mà còn vì đó là tiếng sáo gọi bạn tình, “tiếng sáo rủ bạn đi chơi”. Tiếng sáo, đối với Mị, là tiếng ca của hạnh phúc, là biểu tượng âm nhạc của tình yêu đôi lứa, là tín hiệu âm thanh của cuộc sống tự do.
Phản ứng tâm lý và hành động đầu tiên đánh dấu sự trở về của một tâm hồn yêu đời, yêu sống ở Mị là “ngồi nhẩm thầm bài hát của người đang thổi”. Sau bao ngày lặng câm, “lầm lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”, Mị đã cất tiếng, dù đó chỉ là những lời “thì thầm mùa xuân”. Bản “tình ca Tây Bắc” của những kẻ yêu nhau, của những người tự do, khao khát hạnh phúc đã cất lên trên đôi môi của Mị. Tiếp đó, trong cái nồng nàn của bữa rượu ngày Tết, “Mị cũng uống rượu… cứ uống ực từng bát”. Sau bao tháng ngày đau đớn, tủi nhục, giờ là lúc Mị được sống lại với chính con người mình. Mị uống như để quên đi cái phần đời cay đắng vừa qua, như để sống lại mạnh mẽ cái phần đời tươi trẻ đã có.
Tiếng sáo thiết tha và lời hát cứ vọng về đánh thức tâm hồn Mị. Tình trạng sống mà như đã chết ở hiện tại được cởi bỏ. Quá khứ tươi đẹp tưởng như đã bị vùi chôn dưới lớp tro tàn nguội lại, nay đã “bùng cháy”. Nguồn sinh khí được tiếp lấy từ những ngày tự do, hạnh phúc đã qua giống như trận mưa tưới tắm đến đâu làm tươi tốt đến đấy. Có lẽ vì thế mà Mị “thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước”. Để rồi sau những tháng ngày mất ý niệm về không gian, thời gian, bản thân, Mị cảm thấy mình “trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ” và Mị “muốn được đi chơi”.
Như một lẽ tự nhiên, khi ý thức sống đã trỗi dậy thì cũng là lúc Mị cảm thấy rõ hơn bao giờ hết cái vô nghĩa lý của cuộc sống thực tại. Nếu trước đây Mị “quen khổ” đến mức chai sạn, không còn tưởng đến việc ăn lá ngón tự tử thì giờ đây “Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa”. Đây chính là biểu hiện của sự phản kháng với hoàn cảnh, của sự xung đột gay gắt giữa một bên là khát vọng sống chân chính đã thức tỉnh với một bên là thực tại đáng chán vẫn đang hiện hữu. Những giọt nước mắt của Mị chỉ càng chứng tỏ rằng Mị đã thực sự hồi sinh và Mị đang ý thức rất rõ hoàn cảnh đau xót của mình.
Có thể thấy, những biến động mạnh mẽ trong tâm hồn Mị đã chuyển hóa thành hành động và hành động này dẫn đến những hành động tiếp theo không thể ngăn được. Nhưng giữa lúc những hoạt động sống trong Mị trào sôi thì cũng là lúc nó bị vùi dập một cách dã man bởi A Sử.
Có thể khẳng định, nhân vật Mị của Tô Hoài đã không mất đi hoàn toàn bản chất người tốt đẹp. Cái khát vọng sống, niềm khát khao hạnh phúc vẫn được bảo tồn trong sâu thẳm tâm hồn nhân vật. Những tác động của ngoại cảnh là không nhỏ nhưng cái sức mạnh tiềm ẩn, không thể nào dập tắt của con người mới là điều mấu chốt quyết định sự trỗi dậy của Mị.
Đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài đã giúp ta nhận ra những bí ẩn trong con người Mị nói riêng và đời sống tâm hồn, tình cảm của con người nói chung. Tuy nhiên, tất cả vẫn chưa dừng lại ở đó. Đây dường như mới chỉ là bước chuẩn bị cho những hành động phản kháng mãnh mẽ và táo bạo hơn diễn ra tiếp theo. Đó là cái đêm mùa đông Mị cứu A Phủ rồi cùng A Phủ bỏ trốn khỏi Hồng Ngài.
Từ sự lạnh lùng, thơ ơ ban đầu, cho đến khi nhìn thấy dòng nước mắt A Phủ chảy xuống, nhìn thấy cái chết đang đến dần đối với A Phủ, Mị đã đi đến một suy nghĩ táo bạo. Sức mạnh của tình thương người cùng với niềm khát khao tự do trỗi dậy đã khiến Mị vượt qua nỗi sợ hãi để quyết định hành động táo bạo: cắt dây trói cứu A Phủ và theo A Phủ bỏ trốn khỏi Hồng Ngài. Đây là hệ quả tất yếu sau những gì đã diễn ra ở Mị.
Từ đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài đến đêm mùa đông cứu A Phủ là một hành trình tìm lại chính mình và tự giải thoát mình khỏi những “gông xiềng” của cả cường quyền bạo lực và thần quyền lạc hậu. Đó cũng là sự khẳng định ý nghĩa của cuộc sống và khát vọng tự do cháy bỏng của người dân lao động Tây Bắc.
Từ hình tượng nhân vật Mị, ta thấy toát lên niềm tin và sự trân trọng của nhà văn đối với những khát khao vươn lên cuộc sống tự do, hạnh phúc và có ý nghĩa của những người dân lao động bị đọa đầy ở miền núi cao Tây Bắc. Đây là chiều sâu nhân đạo của ngòi bút Tô Hoài, là sự tiếp nối tinh thần nhân đạo truyền thống trong văn học dân tộc. Song, cũng qua nhân vật Mị ta thấy nhà văn đã phát triển tinh thần nhân đạo ấy lên một cấp độ cao hơn. So với những tác giả văn học trung đại và văn học hiện thực phê phán Việt Nam trước cách mạng tháng Tám, Tô Hoài đã tìm ra con đường giải thoát khỏi kiếp sống khổ đau cho nhân vật của mình. Việc để cho Mị tự giải phóng khỏi “thế giới ngục tù” ở nhà thống lý chính là bước khởi đầu của hành trình nhà văn đưa nhân vật của mình đến với cách mạng, đến với ánh sáng của Đảng ở Phiềng Sa sau này.
- Kết bài:
Có thể khẳng định xây dựng nhân vật Mị là một thành công của Tô Hoài. Đó là một nhân vật điển hình, tiêu biểu cho vẻ đẹp và số phận của người dân lao động ở vùng núi cao Tây Bắc, đồng thời là một trong số những hình tượng nhân vật nữ để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc của văn học ta từ trước đến nay. Tạo nên một cô Mị đặc sắc như vậy không thể không nói đến tài năng nghệ thuật của nhà văn mà thể hiện tập trung ở bút pháp xây dựng nhân vật và miêu tả tâm lý con người khá sắc sảo, tinh tế của Tô Hoài. Những đoạn miêu tả ngoại hình, hành động gợi mở số phận, tính cách hay những trang khắc họa diễn biến tâm lý nhân vật đều là những đoạn văn đặc sắc, chúng chứng tỏ bút lực và “tay nghề già dặn” của nhà văn.
Bài tham khảo:
Đề bài: Trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”, nhà văn Tô Hoài hai lần miêu tả tâm trạng của nhân vật Mị.
Lúc mới về làm dâu: “Ở cái buồng Mị nằm, kín mít, có một chiếc cửa sổ lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng không biết là sương hay là nắng. Mị nghĩ rằng mình cứ chỉ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi.”
Và trong đêm tình mùa xuân, khi nghe tiếng sáo gọi bạn tình: “…Mị ngồi xuống giường, trông ra cái cửa sổ lỗ vuông,… Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi.”
(Trích “Vợ chồng A Phủ”, Tô Hoài, Ngữ văn 12, tập 2 NXB Giáo dục Việt Nam)
Phân tích diễn biến tâm trạng Mị qua hai lần miêu tả trên, từ đó làm nổi bật sức sống tiềm tàng của nhân vật này.
- Mở bài
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
– Nêu vấn đề nghị luận.
- Thân bài
– Năm 1952, Tô Hoài theo bộ đội vào giải phóng Tây Bắc. Trong chuyến đi dài 8 tháng này, ông đã sống gắn bó nghĩa tình với đồng bào dân tộc vùng cao Tây Bắc. Và chính cuộc sống của đồng bào nơi đây đã khơi nguồn cảm hứng để Tô Hoài hoàn thành truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” vào năm 1953.
– Truyện được in trong tập “Truyện Tây Bắc” Tập truyện được tặng giải Nhất của Hội Văn nghệ Việt Nam 1954-1955.
– Truyện viết về cuộc sống khổ đau, cơ cực của đồng bào dân tộc Tây Bắc dưới ách thống trị của bọn phong kiến chúa đất miền núi. Thông qua tác phẩm, Tô Hoài thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc, chỉ ra con đường tất yếu để thay đổi cuộc đời nô lệ là tự giải phóng và tìm đến với Cách mạng.
– “Vợ chồng A Phủ” ra đời đến nay đã hơn nửa thế kỉ nhưng vẫn giữ gần như nguyên vẹn giá trị và sức thu hút ban đầu.
– Mị là cô gái xinh đẹp nổi tiếng vùng Hồng Ngài, có tài thổi sáo, chịu thương chịu khó, có khát vọng tình yêu, khát vọng tự do…
– Thế nhưng Mị lại phải chịu một số phận bất hạnh: Cha mẹ nghèo khó, lại có món nợ truyền kiếp với nhà thống lí Pá Tra, đau khổ hơn cô lại bị bắt làm con dâu gạt nợ.
– Dưới thân phận con dâu gạt nợ, Mị bị bóc lột sức lao động, bị chà đạp lên nhân phẩm, bị áp chế về tinh thần, bị tước đi niềm khao khát sống.
– Với cái nhìn tinh tế, trái tim nhạy cảm, Tô Hoài đã phát hiện và diễn tả một cách tài tình sức sống tiềm tàng của Mị qua tâm trạng cô trong căn buồng tối, khi mới đến làm dâu và trong những đêm tình mùa xuân.
Tâm trạng Mị qua lần miêu tả thứ nhất:
– Đoạn miêu tả nằm ở phần đầu truyện, mô tả căn buồng Mị nằm và tình cảnh của cô khi làm dâu nhà thống lí.
– Khi mới đến nhà thống lí, có đến mấy tháng trời, đêm nào Mị cũng khóc, Mị định ăn lá ngón tự tự, nhưng thương cha, Mị chết không đành. Từ đó cô chấp nhận cuộc sống đày đọa, chấp nhận làm thân trâu ngựa, tồn tại như một “cái xác không hồn”, như một vật vô tri, vô giác.
Diễn biến tâm trạng:
– Mô tả căn buồng Mị nằm, Tô Hoài viết: “Ở cái buồng Mị nằm, kín mít, có một chiếc cửa sổ lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng không biết là sương hay là nắng”
+ Căn buồng của Mị là không gian nhỏ bé, “kín mít”, ngột ngạt, tù túng, đối lập với cái mênh mông, rộng lớn của đất trời Tây Bắc; đối lập với cái giàu có, tấp nập của nhà thống Lí Pá Tra.
+ Trong căn buồng ấy, chân dung, số phận khổ đau của Mị được nhà văn khắc họa thật rõ nét: Mị sống câm lặng như đá núi “không nói”, lầm lụi, chậm chạp, trơ lì như “con rùa” quẩn quanh nơi xó cửa.
+ Căn buồng cho thấy Mị mất hết ý niệm về không gian, thời gian, nhìn ra ngoài “chỉ thấy trăng trắng không biết là sương hay là nắng”.
+ Căn buồng là vật vô tri vô giác nhưng được nhà văn sử dụng với ý nghĩa tượng trưng cho cuộc sống tăm tối, cực khổ, cho sự đen tối của chế độ phong kiến chúa đất miền núi. Căn buồng như một thứ ngục thất tinh thần, không giam giữ được thân thể nhưng cầm cố tuổi xuân và sức sống của cô.
– “Mị nghĩ rằng, mình cứ chỉ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi”
+ Ý nghĩ cho thấy Mị đang trơ lì cảm xúc, mất đi ý thức về giá trị bản thân, mất ý thức phản kháng, cam chịu, chấp nhận số phận.
+ Ý nghĩ còn cho thấy Mị đang trong trạng thái tê liệt tinh thần.
Ý nghĩa:
– Mô tả Mị trong cảnh sống này, nhà văn đã tố cáo sâu sắc chế độ cai trị miền núi đã đày đọa con người, làm tê liệt quyền sống, quyền khao khát hạnh phúc của họ.
– Qua Mị, Tô Hoài bày tỏ tấm lòng xót xa, thương cảm với số phận người phụ nữ vùng núi cao Tây Bắc khi Cách mạng chưa về.
Tâm trạng Mị qua lần miêu tả thứ hai
– Chi tiết nằm giữa phần một của tác phẩm. Mùa xuân về trên đất Hồng Ngài, âm thanh tiếng sáo gọi bạn tình khiến Mị “thiết tha bổi hổi”; “Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ừng ực từng bát”. Rồi say, “Mị lịm mặt ngồi đấy nhìn mọi người nhảy đồng, người hát, nhưng lòng Mị đang sống về ngày trước”; Mị “từ từ bước vào buồng… “Bấy giờ Mị ngồi xuống giường, trông ra cái cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trăng trắng”; “Mị thấy phơi phới trở lại”…
Diễn biến tâm trạng Mị:
– Rượu làm cơ thể Mị say nhưng tâm hồn cô thì từ đây đã tỉnh sau bao tháng ngày câm nín, mụ mị đi vì sự đày đọa.Vẫn căn buồng ấy nhưng Mị đã thay đổi.
– Cô “ngồi xuống giường, trông ra cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trăng trắng”. Cử chỉ này cho thấy Mị đang nung nấu những suy tư, như báo hiệu một sự nổi loạn của hành động.
– Lúc đó tiếng sáo vọng lại từ xa, mãi ở đầu núi, Mị vẫn còn tỉnh táo nhẩm theo lời bài hát của người đang thổi, nhưng sau đó tiếng sáo chuyển thành tiếng gọi bạn yêu, nó “lửng lơ ngoài đồng như lòng ai đợi chờ oán trách”, tiếng sáo thành tiếng lòng của người thiếu phụ. Tiếng sáo là tác nhân mạnh mẽ đem đến sự nổi loạn trong tâm trạng và hành động của Mị: “Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”.
+ Từ láy “phơi phới” diễn tả thật tài tình cảm xúc vui sướng, niềm hạnh phúc ngập tràn của cô gái bấy lâu tê liệt xúc cảm, chỉ biết “cúi đầu”, mặt “buồn rười rượi”, cô gái mà Tô Hoài đặt cạnh “hòn đá”, “tàu ngựa”, “máy quay sợi”…những vật vô tri, vô giác.
+ So sánh “vui sướng như những đêm tết ngày trước” có tác dụng giúp người đọc hình dung về sự hồi sinh của Mị. Lần miêu tả thứ nhất, Mị cứ “chỉ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi”, giờ đây Mị đã thức tỉnh, khát vọng sống, khát vọng yêu, khát vọng hạnh phúc ngày nào đã trở về. Các từ “trở lại”, “ngày trước” đã đưa Mị về với quá khứ đẹp đẽ của cô, những ngày Mị còn trẻ, còn tự do.
+ Cùng với sự trở về của cảm xúc là sự tỉnh ngộ của nhận thức. Mị nhận ra mình còn trẻ lắm. Kết cấu tăng tiến “Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ” đã nhấn mạnh ý thức về quyền sống của con người.
+ “Muốn đi chơi” là biểu hiện cao nhất của sự thức tỉnh, Mị muốn được hạnh phúc, muốn được tự do như mọi người. Đây là nguyên nhân khiến Mị nảy sinh những hành động tiếp theo như “búi tóc, lấy cái váy, với thêm chiếc áo”…hành động chú ý đến bản thân, chăm chút cho nhan sắc.
Ý nghĩa chi tiết:
– Chi tiết cho thấy sự thay đổi trong tâm lí, tính cách nhân vật Mị, vẫn con người ấy, trong căn buồng ấy, từ sự cam chịu, tê liệt về tinh thần đã chuyển thành khao khát sống mạnh mẽ, mãnh liệt.
– Chi tiết khẳng định sức sống tiềm tàng sẽ không bao giờ mất trong những tâm hồn yêu sống.
Nghệ thuật miêu tả: Nghệ thuật phân tích, miêu tả tâm lý nhân vật tinh tế; xây dựng chi tiết giàu sức biểu tượng, ngôn ngữ đậm chất thơ, giọng điệu trần thuật linh hoạt.
Đánh giá
– Hình ảnh Mị tiêu biểu cho số phận bất hạnh, cuộc đời khổ đau của đồng bào dân tộc miền núi.
– Qua miêu tả tâm lí nhân vật Mị, nhà văn bày tỏ sự yêu thương, cảm thông, sự trân trọng ngợi ca sức sống tiềm tàng trong tâm hồn người lao động, đồng thời khẳng định sống ấy không một thế lực nào có thể tiêu diệt được, nó chỉ bị cuộc sống đày đọa làm cho tê liệt mà thôi.
– Tâm lí, tính cách nhân vật Mị rất phù hợp với hướng vận động của tâm lí, tính cách nhân vật trong văn học Việt Nam 1945 – 1975: Tâm lí, tính cách nhân vật được miêu tả gắn bó chặt chẽ với hoàn cảnh sống, thường vận động theo chiều hướng tích cực, gắn với sự “thức tỉnh”, sự “trưởng thành” hay sự “hồi sinh”. Nhân vật có khả năng vượt lên hoàn cảnh, thậm chí thay đổi hoàn cảnh sống.
- Kết luận:
– Tóm lược nội dung đã trình bày
– Đánh giá vị trí, ý nghĩa tác phẩm và chi tiết.