Cảm nhận vẻ đẹp tình cảm của quê hương đối với con người qua 4 câu thơ: Người đồng mình thương lắm con ơi…. trong bài thơ Nói với con của Y Phương.

cam-nhan-ve-dep-tinh-cam-cua-que-huong-doi-voi-con-nguoi-qua-4-cau-tho-nguoi-dong-minh-thuong-lam-con-oi-trong-bai-tho-noi-voi-con-cua-y-phuong

Cảm nhận vẻ đẹp tình cảm của quê hương đối với con người qua 4 câu thơ: Người đồng mình thương lắm con ơi…. trong bài thơ Nói với con của Y Phương.

  • Mở bài:

Y Phương là một trong số ít ỏi những nhà thơ người dân tộc thiểu số có đóng góp quan trọng đối với tiến trình phát triển của nền văn học Việt Nam thế kỷ 20. Y Phương là một nhà thơ có phong cách riêng bởi khi sáng tác ông luôn đi tìm cái mới, cái độc đáo. Với Y Phương điều quan trọng nhất là phải biết sống và giữ gìn khuôn phép, kể cả trong thơ và đời sống thực. Đặc biệt, ông dành cho quê hương mình những trang viết vô cùng chán thành và cảm động. Bài thơ Nói với con là một trong những tác phẩm thể hiện sâu sắc tình cảm ấy.

Trong bài thơ “Nói với con” tiếp theo sự khái quát gia đình và sự lao động trên quê hương là nguồn cội sinh dưỡng mỗi con người, nhà thơ Y Phương đã tiếp tục đi tìm nơi sinh thành ra những phẩm chất của “người đồng mình” mà ông đã cất tiếng yêu tha thiết ngay ở khổ thơ đầu:

“Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng
“.

  • Thân bài:

Mỗi vùng quê, mỗi mảnh đất quê hương cụ thể trong mình nó chứa bao nhiêu truyền thống quý báu. Truyền thống đó có thể là những phẩm chất tâm hồn của cộng đồng người sống trên mỗi cùng quê đó và họ luôn tự hào về nó. Con người sinh ra và lớn lên, từ thuở sơ khai đã nguyện gắn kết mình với mảnh đất quê hương ấy. Quê hương là máu thịt, là hồn cốt. Quê hương là cội nguồn sinh dưỡng của mỗi con người và cũng là nơi đón nhận con người khi sự sống chấm dứt. Hình ảnh quê hương đâu chỉ là nơi để gắn bó, để hướng về, mà còn có ý nghĩa tâm linh rất quan trọng đối với đời sống tinh thần của mỗi con người.

Trên quê hương thơ mộng nghĩa tình, người đồng mình hiện lên trong cuộc sống lao động cần cù mà tươi vui:

“Người đồng mình yêu lắm, con ơi!
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát”.

Giọng thơ vang lên đầy thiết tha và tự hào: Người đồng mình yêu lắm, con ơi!. “Người đồng mình” là người bản mình, người quê mình – Y Phương có cách gọi rất độc đáo, rất gần gũi và thân thương về những con người quê hương. Với hình thức câu cảm thán, người đọc cảm nhận lời tâm tình được cất lên tự đáy lòng thương mến của người cha về người đồng mình.

Khi tâm tình với con về cuộc sống lao động của “người đồng mình”, tác giả đã lựa chọn đưa vào những hình ảnh đẹp đẽ “nan lờ cài đan hoa” và tươi vui “vách nhà ken câu hát”. Đan lờ để đánh bắt cá tôm, cùng dựng nhà dựng cửa, cấy cày, trồng trọt… Những chiếc lờ dùng để đánh bắt cá không chỉ làm bằng tre nứa mà còn làm bằng hoa. Ngôi nhà của người đồng mình có vách được ken bằng những câu hát. Người đồng mình vừa làm vừa hát. Các động từ “đan”, “ken, cài” được sử dụng liên tiếp không chỉ giúp cho người đọc hình dung được những công việc cụ thể của con người trên quê hương còn gợi ra tính chất gắn bó, hoà quyện, quấn quýt của con người và của quê hương, xứ sở. Phải chăng đó chính là nguồn cội nuôi dưỡng tâm hồn con người?

Y Phương chỉ chọn hình ảnh “hoa” để nói về cảnh quan của rừng. Những hình ảnh ấy có sức gợi rất lớn, gợi về những gì đẹp đẽ và tinh tuý nhất. Hình ảnh này góp phần diễn đạt điều tác giả đang muốn khái quát: Thiên nhiên không chỉ đẹp thơ mộng mà còn chan chứa nghĩa tình. Thiên nhiên đã ban tặng cho con người những gì đẹp nhất. Rừng cho hoa trái ngát thơm, trên đường con đi, con sẽ gặp những tấm lòng rộng mở vỗ về con. Cha muốn con hiểu rằng, bên con không chỉ có tình yêu thương của cha mẹ mà còn có sự đùm bọc che chở của quê hương, làng xóm. Không chỉ có gia đình mà quê hương cũng chính là mái nhà ấm áp của con. Nếu cơm gạo của cha mẹ nuôi lớn con về thể xác thì quê huơng đã nuôi dưỡng con về tâm hồn, về lẽ sống. Bằng cách nhân hoá “rừng”“con đường” qua điệp từ “cho”, người đọc có thể nhận ra lối sống tình nghĩa của “người đồng mình”.

Quê hương hiện diện trong những gì gần gũi, thân thương với con. Đó cũng chính là một nguồn mạch yêu thương vẫn tha thiết chảy trong lâm hồn mỗi người, bởi “con đường cho những tấm lòng”, vẻ như mộng ấy của thiên nhiên, nghĩa tình sâu đậm ấy của “những tấm lòng” đã che chở, nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn cũng như lối sống của con. “Con đường” là nơi con người liên kết gặp gỡ, tâm tình, và cũng là nơi để con người chia sẻ với nhau những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống. Thế nên từ “hoa” cũng có thể hiểu là những tình cảm tốt đẹp mà “người đồng mình” dành tặng cho nhau mỗi ngày.

Quê hương ấy chính là cái nôi để đưa con vào cuộc sống êm đềm Nói với con những điều đó, người cha muốn dạy dỗ con tình cảm cội nguồn bằng chính tình yêu và lòng tự hào về quê hương mình. Cha cũng con hiểu rằng bên cạnh gia đình thì quê hương cũng chính là cội nguồn hạnh phúc của con người. Cha sung sướng ôm con thơ vào lòng, nhìn con khôn lớn, suy ngẫm về tình nghĩa làng bản quê nhà, nhà thơ đã nghĩ về cuội nguồn hạnh phúc. Điệp từ “cho” đã khiến hai câu thơ trở nên sống động, giúp người đọc cảm nhận được cuộc sống của Người đồng mình dạy dỗ con bằng chính tình yêu que hương và muốn con cũng trở nên như vậy.

Khi đọc những lời thơ này, chắc hẳn nhiều người liên tưởng đến một bài thơ “Quê hương” của Đỗ Trung Quân. Không chọn cách nói hoàn toàn giống Y Phương trong “Nói với con” song những điều tác giả muôn nói lại có những điểm tương đồng. Trong hình thức trả lời cho câu hỏi của một em bé:

“Quê hương là gì hở mẹ?
Mà cô giáo dạy phải yêu!
Quê hương là gì hở mẹ!
Ai đi xa cũng nhớ nhiều?”

Quê hương vốn là mọt khái niệm trừu tượng. Ở đây, để cụ thể hóa hình ảnh quê hương, tác giả đã đi đến định nghĩa quê hương trong hàng loạt những câu trúc khẳng định: Quê hương là “chùm khế ngọt”, là “đường đi học”, là “cánh diều”, là “con đò nhỏ”, là “cầu tre nhỏ”, là “đêm trăng tỏ”. Nếu như những hình ảnh núi rừng được Y Phương chấm phá trong Nói với con thì hình ảnh một miền quê mang đậm cảnh sắc nông thôn yên ả cũng hiện ra trong bài thơ “Quê hương”. Và tác giả của quê hương cũng luôn láy lại rằng, mỗi cảnh vật cụ thể ấy đều gắn với những hành động của con, với hình dáng mẹ – hình ảnh thân thương nhất đời của mỗi con người. Hai nhà thơ dường như đã gặp nhau ở cùng một cách hiểu: quê hương là những gì gần gũi thân thương nhất và cũng là nguồn cội của những tình cảm sâu sắc, tha thiết nhất của con người.

Quê hương chính là linh hồn của mỗi con người, thế nên ông Hai (Làng – Kim Lân) dẫu có đi đâu cũng nhớ về. Ông nhớ từng ngôi nhà, từng con đường, từng ngóc ngách của làng chợ Dầu. Ông vo tròn nỗi nhớ trong trái tìm của mình và nâng niu nó như một báu vật. Ông không muốn xa làng là bởi ông muốn gắn bó trọn đời với nó. Kể cả khi chết, ông cũng muốn nằm lại trên mảnh đất quê hương.

Và tình cảm cũng sẽ lại khởi nguồn cho những tình cảm lớn lao, bền vững hơn như tình yêu đất nước, như Xuân Diệu đã từng khái quát: “Tình yêu tổ quốc là đỉnh núi bờ sông”. Trong Nói với con, chỉ vài câu thơ ngắn, vài lời thơ giản dị nhưng đã mở ra những ý tứ sâu xa, thâm trầm gần như được nâng lên tầm triết lý. Sức mạnh của thơ, quyền năng, sự quyến rũ của thơ là ở đó chăng?

“Người đồng mình” không chỉ “yêu lắm” với những hình ảnh đẹp đẽ, giản dị ghi nhắc nguồn cội sinh dưỡng tâm hồn, tình cảm, lối sống cho con người mà còn với những đức tính cao đẹp, đáng tự hào. Trong lời chân tình của cha có niềm ước mong con sẽ kế tục, phát huy một cách xứng đáng truyền thống của tổ tiên, của quê hương xứ sở.

Chỉ với những câu thơ ngắn gọn, nhà thơ giúp ta hình dung được hình ảnh đáng yêu của người đồng mình giữa núi rừng thơ mộng, hiền hòa. Vẻ đẹp của họ được gợi ra từ cuộc sống lao động bình dị, từ bàn tay tài hoa và khối óc sáng tạo. Họ có niềm vui giản dị, tinh tế ngay trong cuộc sống mộc mạc đời thường.

  • Kết bài:

Nói với con là thi phẩm tiêu biểu cho hồn thơ Y Phương: niềm rung cảm tự nhiên, ẩn sâu chiều sâu triết lí. Tình yêu quê hương tha thiết đã khiến con người và quê hương xứ sở hoà quyện trong mối tương quan nhất thể. Quê hương tồn chứa con người và con người luôn mang theo quê hương. Bởi thế, vẻ đẹp cuộc sống của người đồng mình hay cũng chính là tất cả những gì mà con người cần mang theo trên mỗi bước đường đời.

Phân tích bài thơ Nói với con của Y Phương

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.