Nội dung:
Cảm nhận về nhân vật Thánh Gióng trong truyện Thánh Gióng.
I. Mở bài:
– Giới thiệu về truyền thuyết Thánh Gióng, dẫn dắt để giới thiệu về nhân vật Thánh Gióng:
+ Truyền thuyết Thánh Gióng nằm trong hệ thống các truyền thuyết thời kì Hùng Vương, nói về quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.
+ Trong truyền thuyết nổi bật lên là hình tượng người anh hùng Thánh Gióng với sức mạnh vô địch, kiên cường, anh dũng là đại diện tiêu biểu cho tinh thần đấu tranh quật khởi của dân tộc ta trước giặc ngoại xâm xâm lược.
II. Thân bài:
1. Kể tóm tắt truyền thuyết Thánh Gióng:
– Sự ra đời kì lạ của Thánh Gióng:
– Sự lớn lên kì diệu của cậu bé Gióng:
– Thánh Gióng đi đánh giặc.
– Thánh Gióng bay về trời, dấu tích còn lại.
2. Sự ra đời kì lạ của Thánh Gióng,
– Đời Vua Hùng thứ sáu, ở làng Gióng, có hai vợ chồng ông lão chăm chỉ làm ăn nổi tiếng là sống phúc đức nhưng vẫn chưa có một mụn con.
– Một hôm, bà lão đi ra đồng trông thấy một bàn chân to, liền ướm thử vào để xem thua kém bao nhiêu. Không ngờ về nhà bà lão mang thai, sau mười hai tháng thì sinh ra một câu bé.
– Cậu bé lên ba tuổi mà vẫn không biết nói, biết cười, đặt đâu thì nằm đấy.
→ Sự ra đời không giống với bất kỳ đứa trẻ bình thường nào, trái với quy luật của tự nhiên. Điều đó như một lời báo hiệu cuộc đời phi thường của cậu bé làng Gióng.
3. Sự trưởng thành phi thường của Gióng.
– Bấy giờ có giặc Ân xâm lược nước ta, nhà vua bèn sai sứ giả đi khắp nơi tìm người tài giỏi cứu nước.
– Cậu bé nghe tiếng giao của sứ giả thì liền cất tiếng nói đầu tiên: “Mẹ mời sứ giả vào đây”.
– Gióng yêu cầu sứ giả về nói với nhà vua chuẩn bị “một con ngựa sắt, một chiếc roi sắt và một tấm áo giáp sắt” với lời hứa sẽ phá tan lũ giặc này.
→ Câu nói đầu tiên là câu nói với lòng mong muốn xin đi đánh giặc cứu nước cứu dân. Câu nói mang tấm lòng yêu nước của một cậu bé mới ba tuổi nhưng đã có trách nhiệm với đất nước nhân dân.
– Từ khi gặp sứ giả, Gióng lớn nhanh như thổi: “Cơm ăn mấy cũng không no, áo vừa mặc xong đã căng đứt chỉ”.
– Hai vợ chồng làm bao nhiêu không đủ, phải chạy nhờ bà con, làng xóm. Cả làng vui lòng góp gạo nuôi cậu bé, ai cũng mong cậu giết giặc cứu nước.
→ Sức mạnh của tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết của nhân dân ta. Gióng lớn lên trong vòng tay chăm sóc nuôi nấng của nhân dân.
4. Gióng đánh giặc và sự ra đi.
* Gióng đánh giặc:
– Giặc đến gần bờ cõi, chàng Gióng vươn vai trở thành tráng sĩ, mình cao hơn trượng, oai phong lẫm liệt.
– Chàng Gióng chuẩn bị ra trận:
+ Mặc áo giáp, cầm roi, nhảy lên ngựa.
+ Thúc ngựa phi thẳng đến nơi có giặc, đón đầu chúng đánh giết hết lớp này đến lớp khác, giặc chết như rạ.
+ Roi sắt gãy, Gióng nhổ những cụm tre cạnh đường quật vào giặc. Giặc tan vỡ và chạy trốn .
→ Hình ảnh một con người oai phong, lẫm liệt, tràn đầy sức mạnh. Đúng với sự ra đời kì lạ đã dự báo trước về cuộc đời của một con người phi thường, chàng Gióng chính là biểu tượng cho sức mạnh của dân tộc Việt Nam.
* Sự ra đi của Gióng:
– Thánh Gióng một mình một ngựa, lên đỉnh núi, cởi áo giáp sắt bỏ lại, rồi cả người lẫn ngựa bay lên trời.
→ Con người phi thường nên sự ra đi cũng trở nên phi thường. Thánh Gióng đã trở về với cõi bất tử. Đó chính là lòng tôn kính mà nhân dân ta dành cho một con người có công với đất nước.
5. Sự tưởng nhớ công ơn Thánh Gióng, tương truyền về làng Gióng.
– Vua nhớ công ơn phong là Phù Đổng Thiên Vương, và lập đền thờ ở quê nhà, nay là làng Phù Đổng, tục gọi là làng Gióng.
– Dấu tích còn lại ngày nay: những bụi tre ngà ở huyện Gia Bình vì ngựa phun mới vàng óng như thế, những vết chân ngựa thành những ao hồ liên tiếp, ngựa thét ra lửa thiêu cháy một làng gọi là làng Cháy…
→ Niềm tin bất diệt của nhân dân vào sức mạnh thần kì của dân tộc.
III. Kết bài:
– Đánh giá về hình tượng nhân vật Thánh Gióng:
+ Nhân vật được xây dựng bằng sự kết hợp giữa yếu tố thần kì và yếu tố anh hùng ca. Yếu tố thần kì được thể hiện ngay từ cách thụ thai, sự ra đời của Gióng, không chỉ vậy Gióng còn có sức mạnh kì diệu, lớn nhanh như thổi, vươn vai thành tráng sĩ để đánh đuổi giặc xâm lược. Gióng còn là hình tượng mang đậm dấu ấn anh hùng với vẻ đẹp kì vĩ (sinh ra từ vết chân lớn, vươn mình thành tráng sĩ,…).
+ Sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố đó đã khái quát hóa, lí tưởng hóa hình tượng Gióng để Thánh Gióng trở thành biểu tượng bất tử cho lòng yêu nước, sức mạnh của dân tộc ta trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm.
+ Thánh Gióng là một hình tượng đẹp đẽ của dân tộc ta. Qua hình tượng Thánh Gióng các tác giả dân gian đề cao truyền thống yêu nước bất khuất và sức mạnh của dân tộc trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.
Bài văn tham khảo 1:
- Mở bài:
Trải qua ngàn năm lịch sử dựng và giữ nước, dân tộc ta ngày nay được sống trong không khí thanh bình, hạnh phúc. Trong ngày hội lớn của quê hương, em cùng bố mẹ đến thăm di tích lịch sử đền Gióng để tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc năm xưa. Kí ức về truyện truyền thuyết Thánh Gióng lại vang lên trong em với những cảm phục, tự hào về nhân vật anh hùng này.
- Thân bài:
Gióng được sinh ra trong một hoàn cảnh khác thường. Mẹ Gióng mong mãi một mụn con, rồi khi nhìn thấy vết chân to khác thường ngoài đồng, bà đã ướm thử và về nhà mang thai. Cậu bé làng Gióng được sinh ra sau mười hai tháng trong niềm vui và hạnh phúc vô bờ bến của cha mẹ. Vậy nhưng, lên ba tuổi mà Gióng chẳng nói cười, chỉ nằm một chỗ. Vậy nhưng khi đất nước lâm nguy, sứ giả đi khắp đất nước những mong tìm người tài giỏi cứu nước giúp dân, Gióng đã mở lời. Để rồi Gióng lớn nhanh như thổi và ra trận xông pha, giúp đất nước dẹp tan bóng giặc xâm lăng. Hình ảnh Thánh Gióng phải chăng chính là ước mơ của nhân dân về những người anh hùng tài giỏi có thể đánh giặc lập công. Chi tiết kì ảo về cậu bé biết nói sau ba năm im lặng đã làm tăng thêm sức hấp dẫn của câu chuyện. Tiếng nói đầu tiên cất lên trong đời lại chính là tiếng nói đòi đánh giặc cứu nước. Phải chăng ba năm im lặng của Gióng là ba năm dồn nén để chuẩn bị cho sức mạnh của lòng yêu nước bùng lên mạnh mẽ. “Mẹ ra mời sứ giả vào đây”. “Ông về tâu với vua sắm cho ta một con ngựa sắt, một cái roi sắt và một tấm áo giáp sắt, ta sẽ phá tan lủ giặc này”. Tiếng nói đòi đánh giặc cứu nước của Thánh Gióng là tiếng lòng của toàn dân tộc. Thể hiện tinh thần yêu nước, yêu hòa bình, căm thù giặc sâu sắc của cha ông ta trong buổi bình minh của lịch sử chống giặc ngoại xâm.
Từ khi gặp sứ giả, Gióng ăn nhiều, lớn nhanh hư thổi, cơm ăn mấy cũng không đủ no, áo vừa may đã chật. Gióng lớn nhanh như thổi không chỉ nhờ công lao của cha mẹ mà còn nhờ sự đóng góp rất lớn của bà con xóm làng đã góp gạo thổi cơm nuôi cậu bé. Và để đủ vũ khí giúp Gióng chiến đấu với kẻ thủ còn nhờ sự vất vả của nhân dân ta, ngày đêm rèn luyện binh khí, ngựa sắt, áo giáp sắt . Qua đó, cho thấy tinh thần đoàn kết, chung sức chung lòng của nhân dân ta khi đất nước lâm nguy. Tinh thần ấy đã tạo nên sức mạnh to lớn để nhân dân ta đủ sức mạnh chống giặc ngoại xâm.
Không chỉ vậy, Gióng còn là hình ảnh của người anh hùng thông minh, mưu trí. Hình ảnh “Gióng vươn vai một cái bỗng biến thành tráng sĩ” là hình ảnh đẹp, cho thấy phong thái lẫm liệt của người anh hùng ra trận. Khi chiếc roi sắt bị gãy, Gióng nhanh trí nhổ khóm tre ven đường để quét sạch giặc Ân, chúng nhẫm đạp lên nhau để trốn thoát. Lũ giặc hung bạo, tham lam đã nhận kết cục thảm hại trước sức mạnh và lòng dũng cảm của chàng trai làng Gióng. Điều đó cũng thể hiện sự mưu trí, tận dụng mọi lực lượng, mọi vũ khó trong chiến đấu và bảo vệ non sông, bờ cõi.
Hình ảnh cuối cùng về người anh hùng làng Gióng là hình ảnh đẹp, mãi khắc ghi trong tâm trí em. Gióng giết giặc Ân rồi một mình phi ngựa lên đỉnh núi Sóc, cởi bỏ chiếc áo giáp sắt và từ từ bay lên trời. Người anh hùng ấy đã hoàn thành trọng trách mà đất nước, nhân dân giao phó. Người trở về trời mà không màng đến lợi danh, hi sinh vì hạnh phúc và ấm nó của nhân dân. Bởi vậy mà ngày nay, đến tháng tư hàng năm, nhân dân ta mở hội để nhớ ơn công lao của Thánh Gióng. Truyền thống uống nước nhớ nguồn đó là đạo lí cao đẹp của dân tộc và nhắc nhở con cháu mai sau mãi khắc ghi công ơn của thế hệ cha ông đi trước.
- Kết bài:
Hình tượng nhân vật Thánh Gióng với màu sắc thần kì là biểu tượng rực rỡ của ý thức và sức mạnh bảo vệ đất nước của cha ông ta. Qua đó, cũng thể hiện quan niệm và ước mơ của nhân dân ta ngay từ đầu buổi đầu lịch sử về người anh hùng cứu nước, chống giặc ngoại xâm.
Bài văn tham khảo 2:
- Mở bài:
Thánh Gióng là một trong những truyền thuyết nằm trong kho tàng truyền thuyết của Việt Nam. Thánh Gióng cũng mang những giá trị vô cùng to lớn đối với dân tộc. Thể hiện tinh thần yêu nước qua hình ảnh người anh hùng Thánh Gióng, truyền thuyết đã cho chúng ta biết được sức mạnh của lòng yêu nước, sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cứu nước.
- Thân bài:
Gióng có sự ra đời khác biệt so với mọi người. Hình ảnh người mẹ của Gióng trong một lần đi làm đồng đã thấy một vết cha to và lạ bèn ướm thử. Vậy là bà mang thai Gióng. Một sự ra đời kỳ lạ báo hiệu cho một tương lai hơn người. Gióng là thần được phái xuống để trừ giặc Minh cho dân nên sự ra đời của Gióng có yếu tố kỳ lạ là điều thường tình.
Không chỉ ra đời khác biệt, Thánh Gióng còn có cả quá trình lớn lên cũng vô cùng khác biệt. Mang thai chín tháng mười ngày, mẹ sinh Gióng. Thế nhưng Gióng sinh ra làm cách nào đi chăng nữa cũng không biết nói dù đã 3 tuổi. thế rồi, vào một hôm nghe sứ giả đi ngang qua đọc lời chiêu mộ người tài giúp dân đánh giặc Gióng đã cất tiếng nói đầu tiên.
Tiếng nói đầu tiên của Gióng không giống như những đứa trẻ khác, không phải là tiếng ê a, tiếng gọi cha mẹ mà là tiếng nói nhờ mẹ gọi sứ giả vào để nói chuyện. Câu nói đầu tiên với sứ giả ấy là lời yêu cầu cứu nước, là tinh thần và niềm tin vào sự chiến thắng. Đợi ba năm để đến ngày hôm nay Gióng được cất lên tiếng nói cho tổ quốc. Giọng nói đĩnh đạc, đàng hoàng, mạnh mẽ cứng cỏi lạ thường. Gióng nói với sứ giả báo với nhà vua chuẩn bị vũ khí, công cụ để mình ra trận đánh giặc. câu nói ấy cho thấy tinh thần yêu nước chống giặc ngoại xâm luôn luôn hiện diện thường trực trong tâm tưởng mỗi con người từ khi bé thơ. Tinh thần yêu nước chiến đấu vì đất nước sẽ không cứ người già hay trẻ, chỉ cần có lòng yêu nước là sẽ có thể chiến đấu giành lại hòa bình cho dân tộc.
Sau khi gặp sứ giả, hẹn ngày ra trận đánh giặc, Gióng ăn rất khỏe. Ăn bao nhiêu cũng không đủ. Dân làng góp gạo thổi cơm nuôi Gióng lớn. Và đương nhiên Gióng lớn nhanh như thổi. Đến ngày nhà vua đem ngựa sắt và những thứ mà Gióng yêu cầu tới là lúc Gióng vươn vai chuẩn bị ra trận.
Cái vươn vai kỳ diệu ấy đã biến Gióng thành một con người khác. Cái vươn vai ấy làm cho Gióng lớn bổng gấp ngàn lần. Qua chi tiết đó ta có thể thấy được sức sống mãnh liệt của người anh hùng, hình ảnh đại diện cho nhân dân. Mỗi khi gặp khó khăn không bao giờ gục ngã mà luôn luôn cố gắng vươn lên để chiến thắng. Cái sức mạnh vô biên ấy được nuôi lớn bởi những thứ bình thường giản dị trong cuộc sống hằng ngày. Đó là cơm gạo của nhân dân, đó là tình yêu thương của nhân dân đối với Gióng, đối với người anh hùng Việt Nam. Ngoài ra, đó còn là sức mạnh của tinh thần đoàn kết dân tộc vô cùng to lớn. Chi tiết Gióng lớn nhanh như thổi và mọi người trong làng góp gạo nuôi Gióng đã thể hiện được tinh thần đoàn kết, sự yêu thương đùm bọc giữa quân và dân ta trong những ngày chiến đấu gian khổ.
Người anh hùng Gióng sau khi đã nhận được tư trang từ nhà vua, sau khi đã nhận được sức mạnh từ nhân dân bằng tình yêu thương mộc mạc chân thành mà lên đường đi đánh giặc. Gióng ra đi trong khí thế hào hùng mạnh mẽ xông pha trận địa đánh ta quân giặc. Gióng cùng nhân dân không chỉ đợi giặc đến mà đánh, chàng còn cùng nhân dân tìm giặc mà đánh, khiến chúng thất bại thảm hại.
Trên đường đi đánh giặc, không đơn thuần là sử dụng vũ khí của vua ban, Thánh Gióng còn dùng cả những vũ khí sẵn có trên đường như cây tre, ngọn tầm vông. Trên đất nước này, đất nước mà tình thần yêu nước luôn hừng hực trong trái tim của mỗi con người thì tinh yêu nước ấy gắn liền với mọi vật trên mảnh đất quê hương. Không cứ là đao gươm hay vũ khí nào lợi hại, những cây cối ven đường cũng là thứ vũ khí mạnh mẽ của người anh hừng trong chiến tranh. Dù những cây cối ấy là nhỏ bé, tầm thường nhưng vẫn luôn mang một sức mạnh to lớn để đánh bại quân thù.
Trận đánh hiện lên qua lời kể của tác giả dân gian một cách nhanh gọn nhưng mạnh mẽ và cuốn hút làm nổi bật lên được hình tượng người anh hùng cứu nước của dân tộc ta. Trận đánh kết thúc, quân giặc tan tác trong thất bại, Gióng bay về trời. Một nhân vật ra đời trong phi thường, lớn lên một cách kỳ lạ, chiến đấu mạnh mẽ cho đến lúc ra đi cũng là một sự ra đi phi thường. Gióng tắm rửa cởi bỏ áo giáp sắt và bay về trời trên đỉnh Sóc Sơn. Giặc đã tan, đã đến lúc Gióng phải đi. Một sự ra đi nhẹ nhàng không màng danh lợi. Đánh giặc là điều hiển nhiên đối với Gióng cũng như đối với những người anh hùng Việt Nam. Họ xông pha trận mạc, hi sinh bản thân mình để đem lại bình yên cho tổ quốc và họ không chông mong vào một thứ gọi là danh lợi. Gióng là con của thần, được thân phái xuống đánh giặc giúp dân thì khi đã hoàn thành nhiệm vụ thì Gióng phải về trời.
Thánh Gióng bay về cõi vô biên bất tử, nhân dân đã lập đến thờ để tưởng nhớ đến công lao của Gióng, để thể hiện lòng biết ơn, sự yêu mến và trân trọng, luôn giữ mãi hình ảnh người anh hùng trong tâm trí họ mà biết ơn. Hình ảnh nhân vật Thánh Gióng ấy không chỉ có trong truyền thuyết, đó là những người anh hùng áo vải thực sự ngoài đời thật trong những cuộc kháng chiến khốc liệt. Họ là những con người sinh ra trong bình dị, lớn lên và nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước để một ngày cống hiến cho tổ quốc thân yêu không hối tiếc. Có những chàng trai và những cô gái ấy đã hi sinh tuổi xuân và cuộc đời của mình cho đất nước. Những em nhỏ vẫn ngày ngày trưởng thành trong ngây thơ cùng với lòng yêu nước nồng nàn của mình. Cả một dân tộc với biết bao con người, biết bao thế hệ cùng chung một nhịp đập hướng về tổ quốc đã không tiếc đời minh hi sinh cho tổ quốc để ngày hôm nay chúng ta được sống trong hòa bình hạnh phúc. Cũng như Gióng, những người anh hùng ấy sẽ mãi bất tử trong lòng mỗi người dân Việt.
- Kết bài:
Nhân vật Thánh Gióng là nhân vật mang đậm màu sắc của những người anh hùng, của nhân dân lạo động bình dị mộc mạc. Một con người sinh ra lớn lên va chiến đấu một cách kỳ lạ nhưng đó lại là ước mơ, là mong muốn của nhân dân ta gửi gắm trong những câu chuyện này.