de-bai-doc-hieu-ve-chu-de-biet-lang-nghe

Đề bài: Đọc – hiểu về chủ đề biết lắng nghe

Chủ đề biết lắng nghe

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

Cuộc sống luôn có nhiều áp lực nên không phải lúc nào ta cũng có đủ vững chãi  để làm chủ hết bản thân, nhất là khi có những biến động bất ngờ. Trong những lúc tâm tư rối bời hoảng loạn hay chán chường lạc lõng, ta luôn ước ao có một người thân bên cạnh để được chia sẻ. Dù người ấy chẳng giúp ta giải quyết được vấn đề, thậm chí chẳng khuyên được một điều gì bổ ích, nhưng chỉ cần thái độ lắng nghe hết lòng cũng đủ khiến ta vơi đi rất nhiều phiền muộn rồi. Cho nên, được lắng nghe là nhu cầu không thể thiếu của con người. Thế nhưng, điều nghịch lý là ai cũng muốn người khác lắng nghe mình, còn mình lại không chịu lắng nghe ai cả.

(….) Nếu ta thực sự muốn giúp người kia vơi đi những nỗi khổ niềm đau đang đè nặng trong lòng, thì việc trước tiên là ta phải biết lắng nghe họ. Cũng như vị thầy thuốc trước khi chẩn mạch kê toa thì phải luôn quan sát thần sắc của bệnh nhân. Sau đó, lắng nghe thật kĩ càng những báo cáo hay những lời than thở về bệnh trạng. Khi ta quyết định lắng nghe một người đang khổ, tức là ta đang đóng vai thầy thuốc để chữa trị bệnh cho họ. Dù ta không phải nhà tâm lý trị liệu, nhưng với lòng chân thành và thái độ lắng nghe đúng đắn, chắc chắn ta sẽ giúp được người kia ít nhiều. Vì vậy mỗi khi chúng ta chuẩn bị lắng nghe, ta phải hỏi kỹ lại mình đã thật sự vào vai của một người cứu giúp chưa?

(Theo Minh Niệm, Hiểu về trái tim, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2017, tr.160-162)

Câu 1. Điều nghịch lí mà tác giả nêu ra trong bài viết là gì? (0.5 điểm)
Câu 2.Theo tác giả, khi chúng ta lắng nghe cần có thái độ như thế nào? (0.5 điểm)
Câu 3. Anh (chị) hiểu như thế nào là thái độ lắng nghe đúng đắn ? (1.0 điểm)
Câu 4. Anh (chị) có đồng tình với ý kiến “Khi ta quyết định lắng nghe một người đang khổ, tức là ta đang đóng vai thầy thuốc để chữa trị bệnh cho họ” không? Vì sao? (1.0 điểm)


* Gợi ý trả lời:

Câu 1:

Điều nghịch lí mà tác giả nêu ra trong bài viết là: ai cũng muốn người khác lắng nghe mình, còn mình lại không chịu lắng nghe ai cả.

Câu 2:

Theo tác giả, khi chúng ta lắng nghe cần có lòng chân thành và thái độ lắng nghe đúng đắn.

Câu 3:

Thái độ lắng nghe đúng đắn:

+ Ngừng trò chuyện, đừng cắt ngang câu chuyện của họ.
+ Cổ vũ người nói để họ được tự nhiên, thoải mái bày tỏ nổi niềm.

Câu 4:

HS trình bày lí lẽ thuyết phục, có thể là đồng tình, có thể không.

+ Đồng tình: vì khi được lắng nghe, người đang khổ sẽ cảm thấy được đồng điệu, được cảm thông, được san sẻ. Lúc ấy tâm trạng của họ sẽ khá hơn, do đó tác giả cho rằng người lắng nghe đóng vai trò là người thầy thuốc.

+ Không đồng tình: lắng nghe nhưng hời hợt, thiếu cảm thông.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang