Đọc hiểu văn bản Đất nước (trích Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm

doc-hieu-van-ban-dat-nuoc-trich-mat-duong-khat-vong-cua-nguyen-khao-diem

Đọc hiểu văn bản:

Đất nước
(trích trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm)

I. Tìm hiểu chung.

1. Tác giả: Nguyễn Khoa Điềm.

– Nguyễn Khoa Điềm (1943), quê huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ông sinh ra trong một gia đình trí thức, giàu truyền thống yêu nước và tinh thần cách mạng. Nguyễn Khoa Điềm học tập và trưởng thành trên miền Bắc, tham gia chiến đấu và hoạt động văn nghệ ở miền Nam.

– Phong cách sáng tác: Thơ Nguyễn Khoa Điềm  giàu chất suy tư, xúc cảm dồn nén, giọng thơ đậm chất trữ tình chính luận.

2. Tác phẩm: Trường ca “Mặt đường khát vọng”.

– Hoàn cảnh sáng tác: Trường ca “Mặt đường khát vọng” hoàn thành ở chiến khu Trị -Thiên 1971. Bản trường ca khái quát quá trình thức tỉnh của tuổi trẻ các đô thị vùng tạm chiếm miền Nam. Đó là một cuộc lật đổ về ý thức. Thanh niên các đô thị vùng tạm chiếm nhận rõ bộ mặt xâm lược của đế quốc Mĩ, hướng về nhân dân, về đất nước, ý thức được sứ mệnh của thế hệ mình, đứng dậy xuống đường đấu tranh hoà nhịp với cuộc chiến đấu của toàn dân tộc. Đất Nước được trích ở phần đầu chương V của trường ca “Mặt đường khát vọng”.

3. Đoạn trích: “Đất nước”.

– Vị trí: Trích chương V của trường ca “Mặt đường khát vọng”.

– Cảm hứng chủ đạo: tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân, đất nước của ca dao, thần thoại”.

– Bố cục 2 phần:

+ Phần I (42 câu đầu): Đất nước được cảm nhận từ nhiều phương diện lịch sử văn hoá dân tộc, chiều sâu của không gian, chiều dài của thời gian. Quan hệ giữa con người và đất nước.

+ Phần II (47 câu cuối): Tư tưởng cốt lõi, cảm nhận về đất nước : Đất nước của Nhân dân.

– Nội dung: Đoạn trích “Đất Nước” có thể coi là chương hay nhất trình bày sự cảm nhận và lí giải của tác giả về đất nước, cũng đồng thời thể hiện sâu sắc tư tưởng cốt lõi của cả bản trường ca, đó là tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân”.

II. Đọc hiểu văn bản:

1. Cảm nhận về đất nước.

a. Đất nước được cảm nhận ở phương diện lịch sử, văn hoá dân tộc: (Đất nước có từ bao giờ?)

– Đất nước gắn liền với:

+ Nền văn hoá lâu đời của dân tộc: truyện cổ tích, phong tục.

+ Cuộc trường chinh không nghỉ ngơi: chống ngoại xâm, cuộc sống lao động vất vả.

→ Đất nước được hình thành và phát triển theo quá trình sống của mỗi con người, rất bình dị, thân thộc và gần gũi.

* Nghệ thuật: Giọng thơ nhẹ nhàng, âm hưởng đầy quyến rũ đã đưa ta về với cội nguồn của đất nước : Một đất nước vừa cụ thể vừa huyền ảo đã có từ rất lâu đời.

b. Đất nước được cảm nhận ở phương diện không gian địa lí và thời gian lịch sử: (Đất nước là gì?)

– Ở phương diện không gian: rất mới mẻ, độc đáo.

+ Không gian gần gũi với con người: nơi sinh hoạt của mỗi người, không gian tuyệt diệu của tình yêu và nỗi nhớ đầy thơ mộng với bao kỉ niệm ngọt ngào.

+ Không gian đại lí mênh mông từ “núi bạc” đến “biển khơi” và không gian sinh tồn của dân tộc bao thế hệ: “Những ai đã khuất…mai sau“.

→ Đất nước hiện lên thiêng liêng những vẫn gần gũi, gắn bó với mỗi con người. Là sự thống nhất giữa cá nhân với cộng đồng.

– Ở phương diện thời gian:

+ Nhắc đến cội nguồn dân tộc: “Lạc Long Quân và Âu Cơ” và ngày giỗ Tổ cho đến hiện tại với những con người không bao giờ quên nguồn cội dân tộc.

+ Đất nước là sự kế tục của các thế hệ: quá khứ, hiện tại và tương lai: “Những ai đã khuất…mai sau“.

→ Tác giả đã hướng tới cái nhìn toàn vẹn và nhiều chiều về đất nước để khơi dậy một đất nước có chiều dài của thời gian lịch sử, chiều rộng của không gian địa lí và chiều sâu của truyền thống văn hoá dân tộc.

c. Trách nhiệm của thế hệ mình với đất nước: (Điểm mấu chốt về tư tưởng, tập trung cảm xúc).

– Anh, em hai đứa cầm tay chúng ta cầm tay mọi người biết đoàn kết để cùng nhau xây dựng đất nước.

– Cá nhân: Đất nước kết tinh trong sự sống, trong máu thịt của mỗi cá nhân.

– Tình yêu đôi lứa: Tình yêu lứa đôi thống nhất, hài hoà với tình yêu đất nước.

– Tình yêu nhân dân: Sự phát triển từ cá nhân, tình yêu lứa đôi đến tình yêu nhân dân, kết hợp với hình ảnh “Đất nước vẹn tròn to lớn” gợi tả tình đoàn kết dân tộc (làm nên sức mạnh Việt Nam).

– Niềm tin vào thế hệ mai sau: Đất nước là “máu xương” của mỗi con, là những giá trị vật chất và tinh thần mà mỗi người được thừa hưởng (quyền lợi), gắn bó.

– Trách nhiệm của thế hệ mình: Trách nhiệm của mỗi người là phải biết san sẻ. Nghĩa vụ của mỗi người là phải gíp công sức xây dựng và bảo vệ Đất nước muôn đời.

→ Ý thơ mang tính chất tâm sự nhiều hơn là kêu gọi, giáo huấn nên sức truyền cảm rất mạnh.

* Nghệ thuật:

– Điệp ngữ “phải biết”  → giọng thơ chính luận.

– Âm điệu “em ơi em” → trữ tình thiết tha.

 Dùng từ “hoá thân” (hi sinh): hiến dâng, hoà nhập, sống còn vì đất nước sâu sắc, giàu ý nghĩa.

Lời thơ giản dị nhưng mang ý nghĩa sâu xa.

2. Tư tưởng cốt lõi: Đất Nước của Nhân Dân.

* Ở phương diện không gian địa lí:

– Cảm nhận đất nước qua những địa danh thắng cảnh gắn với cuộc sống tính cách số phận của nhân dân:

+ Tình nghĩa thuỷ chung thắm thiết (núi Vọng Phu, hòn trống mái).

+ Sức mạnh bất khuất (Chuyện Thánh Gióng).

+ Cội nguồn thiêng liêng (hướng về đất Tổ Hùng Vương).

+ Truyền thống hiếu học (Cách cảm nhận về núi Bút non nghiêng).

+ Hình ảnh đất nước tươi đẹp (Cách nhìn dân dã về núi con Cóc, con Gà , dòng sông)

→ Đất nước hiện lên vừa gần gũi vừa thiêng liêng.

* Ở phương diện thời gian lịch sử:

–  Nhìn vào bốn nghìn năm đất nước mà nhấn mạnh đến những con người vô danh. Họ đã âm thầm cống hiến và hi sinh.

– Truyền thống của nhân dân:

+ Say đắm trong tình yêu (Yêu em từ thuở trong nôi.)

+ Biết quý trọng tình nghĩa (Biết quý công…)

+ Quyết liệt trong căm thù và chiến đấu (Biết trồng tre...)

→ Sự phát hiện thú vị và độc đáo của tác giả về đất nước được triển khai trên hai hướng vừa khơi sâu, vừa phát triển những ý nghĩa mới trên các phương diện địa lí, lịch sử, văn hoá với nhiều ý nghĩa mới: Muôn vàng vẻ đẹp của đất nước đều là kết tinh của bao công sức và khát vọng của nhân dân, của những con người vô danh, bình dị .

– Tư tưởng cốt lõi và tụ điểm là “Đất Nước của Nhân Dân“: Vì Đất Nước là của nhân dân nên Đất Nước là của ca dao thần thoại.Đây là một định nghĩa giản dị mà độc đáo.

3. Nghệ thuật biểu hiện:

– Thể thơ tự do phóng túng.

– Giọng thơ suy tưởng: đặt câu hỏi và tự trả lời.

– Sử dụng các chất liệu văn hoá dân gian không phải là thủ pháp nghệ thuật mà là để chi phối tư tưởng “Đất Nước là của Nhân Dân”.

– Giọng thơ trữ tình – chính luận đặc sắc.

III. Tổng kết:

1. Nội dung:

– Đất Nước được cảm nhận ở nhiều phương diện: từ văn hóa – lịch sử, địa lí – thời gian đến không gian của đất nước. Đồng thời, tác giả cũng nêu lên trách nhiệm của các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ với đất nước mình.

– Cái nhìn mới mẻ, độc đáo về đất nước với tư tưởng cốt lõi là tư tưởng đất nước của nhân dân. Đất nước là sự hội tụ, kết tinh bao công sức và khát vọng của nhân dân. Nhân dân chính là người đã làm ra đất nước.

2. Nghệ thuật:

– Tác giả lựa chọn thể thơ tự do, phóng khoáng không bị bó buộc về số chữ trong một câu, số câu trong một bài vừa tạo ra nét độc đáo về hình thức cho bài thơ, vừa là cơ hội để dòng chảy của cảm xúc được phát triển một cách tự nhiên.

– Sử dụng các chất liệu văn hóa dân gian với đa dạng các thể loại: từ phong tục – tập quán sinh hoạt của nhân dân đến các thể loại của văn học dân gian như cadao – dân ca, truyện cổ tích, truyền thuyết, sự tích,…Điều đặc biệt là tác giả sử dụng một cách sáng tạo, không trích dẫn nguyên văn mà chỉ trích một vài từ nhưng người đọc cũng có thể hiểu về thi liệu dân gian ấy.

– Giọng thơ trữ tình – chính luận, là sự kết hợp giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng của người trí thức về đất nước và con người.

Phân tích đoạn trích Đất nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.