Nghệ thuật khắc họa nhân vật trong truyện ngắn “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân
Nhân vật Huấn Cao trong truyện Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân là một con người tài hoa, khí phách hiên ngang bất khuất, “thiên lương” trong sáng. Huấn Cao viết chữ rất đẹp: “Chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm(…). Có được chữ ông Huấn mà treo là có một báu vật trên đời”. Trong thị hiếu thẩm mỹ của cổ nhân, từ Trung Hoa đến Việt Nam, viết chữ đẹp là một thủ pháp nghệ thuật và chơi chữ đẹp là một thú chơi cao khiết, tao nhã. Bởi vậy, qua những băn khoăn, tính toán, mưu mẹo, biệt đãi, nhẫn nhục, đau khổ, hốt hoảng, hi vọng, tuyệt vọng, hồi hộp, lo sợ, thành kính của viên quản ngục thì cái tài hoa quý hiếm của nhân vật Huấn Cao càng được tôn lên đỉnh cao chói lọi.
Về khí phách, Huấn Cao không chịu vào luồn ra cúi, không chịu sống cảnh “cá chậu chim lồng”, ông đi làm giặc triều đình. Đến khi bị bắt đưa vào ngục tử tù, ông không tỏ ra mảy may sợ hãi hay hối tiếc. Cổ mang gông, chân vướng xiềng, bước vào ngục tử tù chờ ngày ra pháp trường, ông vẫn hiên ngang, đường hoàng như bước đi trên đường cái. Chính cái khí phách khác thường của ông đã làm cho ngục quan – một người đầy uy quyền đối với ông – phải tỏ ra “khép nép” khi vào gặp ông tại nhà lao. “Thiên lương” của ông vô cùng trong sáng: cái tài của Huấn Cao chính là nơi phát lộ cái tâm của ông. Tiền bạc, uy quyền không hề lung lạc được ông: “Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ”. Ông đúng là một nhân cách lí tưởng: “Bần tiện bất năng di, phú quý bất năng dâm, uy vũ bất năng khuất”.
Vì vậy, khi chưa hiểu được các phẩm chất tốt đẹp của ngục quan (biết trân trọng, thật lòng yêu cái đẹp dù phải sống trong hoàn cảnh xấu xa) thì Huấn Cao có thái độ cứng rắn với ông. Đến lúc cảm được “cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài” của ngục quan, Huấn Cao mềm lòng thốt lên: “Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao -quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phí mất một tấm lòng trong thiên hạ”.
Và Huấn Cao sẵn sàng cho ngục quan những dòng chữ cuối cùng của một đáng tài hoa, một bậc anh hùng nghĩa sĩ trong một cảnh tượng “xưa nay chưa từng có ở chốn lao tù”: “Đêm hôm ấy, lúc trại giam tỉnh Sơn chỉ còn vẳng có tiếng mõ trên vọng canh, một cảnh tượng xưa nay chưa từng có, đã bày ra trong một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián. Trong một không khí tỏa như đám cháy nhà, ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu rọi lên ba cái đầu người đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ. Khói bốc tỏa cay mắt, làm họ dụi mắt lia lịa. Một người tù, cổ đeo gông, chân vướng xiềng đang dậm tô nét chữ trên một tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván. Người tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng. Và cái thầy thơ lại gầy gò, thì run run bưng chậu mực. Thay bút con, đề xong lạc khoản, ông Huấn Cao thở dài, buồn bã đỡ viên quản ngục đứng thẳng người dậy và đĩnh đạc bảo: “Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo bức lụa trắng với những nét vuông tươi tắn nó nói lên cái hoài bão tung hoành của một đời con người. Thỏi mực, thầy mua ở đâu mà tốt và thơm quá vậy. Thầy có thấy mùi thơm ở chậu mực bốc lên không?… Tôi bảo thực đây, thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở đã, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiện lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cả đời lương thiện đi”. Lửa đóm cháy rừng rực, lửa rụng xuống nền đất ẩm phòng giam, tàn lửa tắt nghe xèo xèo. Ba người nhìn bức châm, rồi lại nhìn nhau. Ngục quan cảm động, vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rì vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”.
Đoạn văn tả cảnh Huấn Cao cho chữ trên đây bộc lộ tron vẹn nhất vẻ đẹp sáng ngời của nhân cách Huấn Cao. Trong không khí trang trọng, thiêng liêng, trong cảm hứng sáng tạo mãnh liệt, mê say, ông Huấn Cao đã quên hẳn gông xiềng, nhà ngục chặt hẹp, tối tăm, ẩm ướt, quên cả cái chết đang chờ đợi mình. Tâm hồn ông hoàn toàn hướng tới sự bất tử của cái đẹp, cái “thiện lương” trong sáng. Lời khuyên nhủ của ông đối với quản ngục đã thể hiện quan niệm biện chứng của ông giữa cái tâm và cái tài, giữa cái đẹp và cái thiện. Trong nhân sinh quan cao vời của ông, người nghệ sĩ say mê cái đẹp trước hết phải là người phải biết đặt “thiện lương” lên vị trí tột cùng. Lời di huấn thiêng liêng ấy của Huấn Cao về nghệ thuật, về đạo lí làm người đã được quan ngục bái lĩnh bằng tất cả tấm lòng chân thực của mình và người đời trân trọng lắng nghe.
Có thể nói, cảnh ông Huấn Cao cho chữ là sự chiến thắng kiêu hùng của ánh sáng đối với bóng tối, của “thiện lương” đối với tội ác, của cái chân – thiện – mỹ đối với cái xấu xa, thô bỉ. Hơn nữa, đó còn là biểu tượng của việc tài hoa lên ngôi trong cảnh lao tù. Người tử tù đang tiến dần đến cõi chết, nhưng còn tài hoa của họ đang hàng hái, ung dung bước vào còi bất tử, vĩnh hằng. Nhìn chung, vẻ đẹp của hình tượng Huấn Cao là vẻ đẹp lãng mạn, có sức chinh phục, cảm hóa mãnh liệt đối với những con người có tấm lòng “biệt nhỡn liên tài”. Từ việc tìm hiểu vài nét về vẻ đẹp hình tượng của nhân vật Huấn Cao chúng ta dễ thấy được chỗ thống nhất và khác biệt trong cách tiếp cận con người của Nguyễn Tuân trước và sau Cách mạng tháng Tám. Về nét chung (tính thống nhất): Nguyễn Tuân vẫn tiếp cận con người ở phương diện tài hoa, nghệ sĩ. ông vẫn là ngòi bút tài hoa, uyên bác. lịch lăm, vận dụng tri thức tổng hợp của nhiều ngành văn hóa, nghệ thuật khác nhau trong miêu tả và biểu hiện: điện ảnh, hội họa, điêu khắc…
Ông vẫn sử dụng vốn ngôn từ hết sức tinh lọc, phong phú, độc đáo, giàu có. Khả năng tổ chức câu văn xuôi đầy giá trị tạo hình, có nhạc điệu trầm bổng, biết co duỗi nhịp nhằng. Mặt khác, các phép ví von, so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, nhân hóa, tượng trưng, đối ngữ, liệt kê… được nhà văn phối hợp vô cùng điêu luyện, về nét riêng (tính khác biệt): Trước Cách mạng tháng Tám, con người Nguyễn Tuân hướng tới và ca ngợi là những “con người đặc tuyển, những tính cách phi thường”. Các nhân vật ông Nghè, ông Cử, ông Huấn Cao (Vang bóng một thời), ông Thông phu, cô đào Tám (Chiếc lư đồng mắt cua) là những minh chứng sinh động.
Trước Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tuân là một người tài tử, thích chơi “ngông”, mắc cái bệnh hum mê thanh sắc, thích chiêm ngưỡng, chắt chiu cái Đẹp và nhấm nháp những cảm giác mới lạ. Khi ấy, ở Nguyễn Tuân, hầu như cái gì cùng trở thành “chủ nghĩa”: chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa duy mĩ, chủ nghĩa xê dịch, chủ nghĩa hưởng lạc, chủ nghĩa cảm giác, chủ nghĩa tài tử, chủ nghĩa ẩm thực…, và bao trùm lên tất cả là chủ nghĩa độc đáo. Sau Cách mạng tháng Tám, nhà văn nhạy cảm với con người mới, cuộc sống mới từ góc độ thẩm mĩ của nó. Nhưng không còn là một Nguyễn Tuân “nghệ thuật vị nghệ thuật” nữa. Ông đã nhìn ra cái đẹp của con người dưới góc độ của những vấn đề xã hội (Xòe). Cụ thể là cái đẹp gắn với nhân dân lao động, với cuộc sống đang nảy nở sinh sôi; đồng thời lên án, tố cáo chế độ cũ, khẳng định bản chất nhân văn hóa của chế độ mới.
Sau Cách mạng tháng Tám, nhân vật tài hoa nghệ sĩ của Nguyễn Tuân có thể tìm thấy ngay trong cuộc chiến đấu, lao động hàng ngày của nhân dân. Đó là anh bộ đội Tây Bắc ngụy trang bằng hoa đào, đuổi giặc giữa rừng đào. Đó là người chiến sĩ cộng sản Tô Hiệu trồng đào trong xà lim hay cô nhân quân Quảng Bình ngồi gác máy bay dưới gốc hoàng mai. Đó là những cô gái lái đò sông Đà trên những chiếc thuyền đuôi én cao vút… Đặc biệt là ông lái đò sông Đà vượt thác sông Đà “tay lái ra hoa”.