»» Nội dung bài viết:
Nghệ thuật miêu tả đối lập, tương phản trong “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân và “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam.
1. Giải thích:
* Đặc điểm của sáng tác lãng mạn và yêu cầu sử dụng nghệ thuật tương phản:
– Đặc điểm của sáng tác lãng mạn:
+ Biểu hiện cái nhìn chủ quan của nhà văn trước cuộc đời- hình tượng nhân vật ít nhiều mang phảng phất bóng dáng cái tôi tác giả.
+ Hướng tới khám phá và thể hiện những gì độc đáo, khác thường, kì lạ.
– Yêu cầu sử dụng nghệ thuật miêu tả tương phản:
+ Hiệu quả của miêu tả tương phản: làm nổi bật các đặc điểm của từng đối tượng, gây ấn tượng mạnh mẽ, phù hợp với yêu cầu của sáng tác lãng mạn.
+ Tương phản, đối lập trở thành biện pháp nghệ thuật đặc thù của sáng tác lãng mạn.
2. Phân tích nghệ thuật miêu tả tương phản, đối lập trong hai tác phẩm:
* Thủ pháp đối lập, tương phản trong “Chữ người tử tù” (Nguyễn Tuân):
– Tính cách và hoàn cảnh:
+ Hoàn cảnh: Môi trường tù ngục đen tối, xấu xa, cảnh ngộ éo le với những áp lực nặng nề phải đối mặt dễ khiến con người ta tha hoá.
+ Tính cách: Có nhân cách, lương tâm- khác biệt với thế giới đen tối, tội lỗi; có dũng khí- ở Huấn Cao là dũng khí của bậc anh hùng, ở quản ngục là dũng khí của bậc hiền nhân. Chính nhân cách, lương tâm và dũng khí giúp họ chiến thắng hoàn cảnh.
→ Nguyễn Tuân luôn nhìn con người ở phương diện tài hoa nghệ sĩ.
– Ánh sáng và bóng tối:
+ “Bóng tối”: Theo nghĩa thực là của đêm khuya, của buống giam tử tù- nơi ánh sáng không thể lọt qua được; theo nghĩa tinh thần lại chính là cảnh ngộ éo le mà con người phải đối mặt (Huấn Cao- án tử hình, quản ngục- môi trường sống không phù hợp với tính cách con người ông). Là biểu tượng cho cái xấu xa.
+ “Ánh sáng”: Theo nghĩa thực là bó đuộc tẩm dầu khói toả như đám cháy nhà- thứ ánh sáng khá mờ nhạt; theo nghĩa tinh thần là ánh sáng toả ra từ cái đẹp của nghệ thuật (chữ Huấn Cao) và của tư thế tâm hồn con người. Chính thứ ánh sáng này soi sáng con đường để những kẻ tri âm đến với nhau.
→ Đó là sự đối lập giữa cái đẹp với cái xấu xa.
* Thủ pháp đối lập, tương phản trong “Hai đứa trẻ” (Thạch Lam):
– Hoàn cảnh và tính cách:
+ “Hoàn cảnh”: Nghèo khó, tù túng, đơn điệu, buồn tẻ – một kiểu hoàn cảnh có thể tạo ra sự chết mòn về tinh thần.
+ “Tính cách”: sự hồn nhiên, ngây thơ trong cách nhìn và rung động; sống với một tấm lòng nhân hậu và thế giới tâm hồn trong sáng, phong phú.
→ Tấm lòng yêu thương, cái nhìn trìu mến của nhà văn dành cho những tâm hồn trẻ thơ.
– Bóng tối và ánh sáng:
+ “Bóng tối”: Theo nghĩa thực là của phố huyện trong thời khắc chiều muộn và đêm khuya; theo nghĩa tinh thần là nỗi buồn đang lan toả, thấm thía và trĩu nặng dần trong tâm hồn nhân vật.
+ “Ánh sáng”: Theo nghĩa thực là của thiên nhiên( ráng chiều, vì sao đom đóm) và của cuộc sống con người ( các loại đèn, bếp lửa); theo nghĩa tinh thần là hồi quang kí ức về một thiên đường đã mất và niềm hi vọng dù le lói, mong manh.
→ Đó là sự đối lập, tương phản giữa cuộc đời thường nhật và khát vọng trong tâm hồn con người.
3. So sánh:
* Điểm giống:
– Cả hai tác phẩm đều phát hiện và miêu tả sự đối lập giữa tính cách và hoàn cảnh.
– Cả hai tác phẩm đều phát hiện và miêu tả sự đối lập, tương phản giữa ánh sáng và bóng tối mà cả ánh sáng và bóng tối đều hiện diện với nghĩa thực và nghĩa tinh thần.
* Điểm khác:
Cách xử lí mối quan hệ cụ thể của tương quan bóng tối- ánh sáng, tính cách- hoàn cảnh:
– Ánh sáng và bóng tối:
+ “Chữ người tử tù”: Sự chiến thắng tuyệt đối của ánh sáng với bóng tối, của cái đẹp với cái xấu xa.
+ “Hai đứa trẻ”: Ở cảnh thực, ánh sáng có nguy cơ bị bóng tối nuốt chửng, đè bẹp để rồi thay thế hoàn toàn. Ở đời sống tinh thần, ánh hồi quang kí ức có rực rỡ nhưng cũng nhanh chóng vụt tắt, hi vọng có tồn tại song rất mong manh.
– Tính cách và hoàn cảnh:
+ “Chữ người tử tù”: Sự chiến thắng tuyệt đối của tính cách với hoàn cảnh:
- Quản ngục dù sống trong hoàn cảnh đen tối vẫn giữ niềm đam mê cái đẹp và một thiên lương trong sáng.
- Huấn Cao dù phải đối diện với án tử hình, với cả một hệ thống hiện thân của thế lực đen tối vẫn hiên ngang bất khuất, vẫn bộc lộ tài năng và tấm lòng đáng quý.
+ “Hai đứa trẻ”: hoàn cảnh có sự tác động ở mức độ nhất định:
- Cuộc sống nghèo khó, buồn tẻ và không khí buồn lặng của cảnh ngày tàn, chợ tàn thấm vào tâm hồn Liên nỗi buồn man mác.
- Những khó khăn trong cuộc sống khiến Liên già trước tuổi- đảm đang tháo vát khi vẫn đang còn tuổi trẻ con.
4. Lí giải sự khác biệt:
– Do bối cảnh xã hội, văn hoá đặc biệt và quan điểm sáng tác khác nhau của các nhà văn cùng thời nên tạo nên những nét vừa tương đồng, vừa dị biệt của Chữ người tử tù và Hai đứa trẻ trong sử dụng nghệ thuật miêu tả tương phản.
– Với Nguyễn Tuân, cảm hứng thẩm mỹ của ông bắt nguồn từ cái đẹp lớn lao, cái cao cả, bi hùng hoặc mô tả những nhân cách lớn… nên thủ pháp nghệ thuật cũng xây dựng dựa trên sự đối lập gay gắt, ánh sáng và bóng tối; tính cách và hoàn cảnh cũng được sử dụng nhằm miêu tả những tương phản mạnh mẽ, những chuyển biến bất ngờ, đột ngột. Đó vừa là một thủ pháp trong xây dựng tình huống truyện, vừa là sự dẫn dắt đi đến kết thúc của sự chiến thắng giữa chân lý, cái đẹp với cái xấu, cái ác.
– Thạch Lam do chỉ chú ý đến những cái bình thường, giản dị, nhỏ nhoi trong cuộc sống nên tính cách và hoàn cảnh; ánh sáng và bóng tối trong tác phẩm của ông không có sự chuyển biến dữ dội, bất ngờ.
- Kết bài:
– Cả hai tác phẩm đều mang màu sắc lãng mạn, thể hiện cái nhìn và những ấn tượng riêng- chủ quan của nhà văn về cuộc sống và con người.
– Xét về mức độ và những biểu hiện cụ thể, có thể thấy “Chữ người tử” tù làm mẫu mực của kiểu sáng tác lãng mạn còn “Hai đứa trẻ” dường như đi chênh vênh trên ranh giới giữa hiện thực và lãng mạn nên tuy có gieo vào lòng người đọc những cảm xúc bâng khuâng, những tình cảm man mác và trí tưởng tượng bay bổng, song đồng thời nó cũng đem đến những cảm nhận thấm thía về đời sống hiện thực của con người.
Tham khảo:
Nghệ thuật miêu tả đối lập, tương phản trong “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân và “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam.
Ánh sáng và bóng tối vốn là hai phương diện quan trọng của cuộc sống, luôn luôn tồn tại bên cạnh nhau, bổ sung cho nhau. Trong hội họa, ánh sáng và bóng tối là một thủ pháp cơ bản được dùng để khắc họa con người và sự vật trong cuộc sống.
Trong văn chương, ánh sáng và bóng tối cũng được sử dụng như một thủ pháp nghệ thuật nhằm tạo tình huống truyện, chuyển tải nội dung tư tưởng, chủ đề của tác phẩm. Với Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân và Hai đứa trẻ của Thạch Lam, ánh sáng và bóng tối được sử dụng như một thủ pháp nghệ thuật nòng cốt “biểu hiện cách khai thác hình tượng đối với cuộc sống, như thủ pháp thuyết phục và thu hút độc giả” của tác giả. Nguyễn Tuân và Thạch Lam tuy cùng thuộc dòng văn học lãng mạn nhưng mỗi người có một cách sử dụng các thủ pháp nghệ thuật hoàn toàn khác nhau, tạo nên những thế giới nghệ thuật riêng biệt và độc đáo, mang đậm phong cách cá nhân của tác giả.
Miệt mài trong hành trình kiếm tìm cái đẹp, ngợi ca cái đẹp, Nguyễn Tuân và Thạch Lam, trong “Chữ người tử tù” và “Hai đứa trẻ”, ánh sáng và bóng tối được sử dụng không chỉ như một nguyên tắc tạo tình huống truyện mà còn vươn đến ý nghĩa biểu tượng về cái đẹp trong cuộc đời.
1. Nghệ thuật miêu tả đối lập, tương phản trong “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân.
Nguyễn Tuân viết “Chữ người tử tù” từ cảm hứng về một thú chơi tao nhã của người xưa, trong một tình huống đặc biệt mà người viết chữ và người chơi chữ là người tử tù và người quản ngục. Hai nhân vật này xuất hiện trong tác phẩm như một kiểu song trùng của sự tồn tại không thể thiếu nhau giữa hai khách thể đối cực, như ánh sáng và bóng tối, thậm chí là đối thủ trong một hoàn cảnh đặc biệt. Song chính vì là đối cực như ánh sáng với bóng tối nên bản thân sự khác nhau này cũng đã hàm chứa một sự tương liên, bổ sung cho nhau, thậm chí chuyển hóa từ tối ra sáng như một quy luật tất yếu.
Nếu nói như Nguyễn Đăng Mạnh: “Nguyễn Tuân là nhà văn của những tính cách phi thường, những tình cảm, cảm giác mãnh liệt”, thì có thể nhanh chóng nhận ra rằng cảnh cho chữ đã hội tụ tất cả những nét vượt trội ấy. Chính tài năng vận dụng thủ pháp nghệ thuật đối lập, tương phản tài tình, Nguyễn Tuẫn đã khắc họa cảnh cho chữ trông tù trở thành “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có”.
“Chữ” hiểu theo nghĩa của tác phẩm chính là Thư pháp, một “nghệ thuật thể hiện chữ viết và là phương tiện để biểu lộ tâm thức của con người… Thư pháp gắn với tính cách, tâm tư, tình cảm, quan niệm triết học, nhân sinh quan của người viết”. Từ nét chữ, người ta có thể đọc được tính tình, nhân cách, khí phách người viết, nó thể hiện thế giới nội tâm của người viết chữ. Vì vậy người xưa coi việc chơi chữ như một cách di dưỡng tính tình, hun đúc tinh thần. Viên quản ngục yêu chữ của Huấn Cao là yêu nhân cách, khí phách, tài hoa của người viết chữ, yêu cái đẹp tỏa ra từ thế giới nội tâm của con người này.
Không gian nghệ thuật của Chữ người tử tù chủ yếu được xây dựng dựa trên không gian nhà tù – một “trại giam tối om”, khung cảnh nền ấy ngập tràn bóng tối, “quạnh quẽ” và “tối mịt”, tất cả đều nhuốm vẻ âm thầm, u ám. Qua sự cảm nhận thị giác, sự tương phản được tô đậm ở ấn tượng đối sánh giữa cái “tối, chật hẹp, ẩm ướt” vói những “mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián” của căn buồng giam và “ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu” cùng hình ảnh “một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ”. Đây là sự tương phản giàu tính hội hoạ.
Mẩu đối thoại ngắn đầy e dè, gìn giữ, nghi ngại lẫn nhau giữa quản ngục và thầy thơ lại như khắc họa rõ hơn số phận những con người quanh năm trong bóng tối, tuy tự do về nhân thân nhưng lại bị cầm tù về nhân cách. Không gian nghệ thuật của tác phẩm được giới hạn ở một nhà tù nhỏ, một cõi nhân sinh mà bóng tối nhiều hơn ánh sáng, ánh sáng chỉ là một ngọn đèn leo lét lọt thỏm giữa bóng tối mịt mù và quạnh quẽ, chỉ là một vài vì tinh tú nhấp nháy xa xa, trong đó có một “ngôi sao chính vị muốn từ biệt vũ trụ”. Chút ánh sáng ấy quá nhỏ nhoi so với toàn bộ màn đêm bao phủ nơi đây, nhưng giữa sự tương phản có vẻ không cân đối ấy, tác giả muốn gởi gắm niềm tin về thiên lương con người, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, dù le lói nhưng không bao giờ tắt, và nếu có cơ hội nó lại bùng lên mạnh mẽ như niềm tin của con người vào cái tốt cái đẹp, vào ánh sáng. Đó là nét đẹp, là chút ánh sáng còn sót lại trong tâm hồn ngục quan. Con người đang tồn tại ở một nơi mà những vẻ đẹp và những điều xấu xa luôn kế cận nhau, ánh sáng luôn có nguy cơ bị dập tắt bởi bóng tối.
Chỉ bằng mấy nét phác hoạ. tác giả đã cho chúng ta một bức tranh với đủ đường nét, màu sắc, sáng – tối. Cũng có thể xem đó là một khuôn hình được bố cục, phối cảnh và sử dụng hiệu quả tương phản sáng – tối hết sức độc đáo.
Sự tương phản thiên về hình ảnh bên ngoài trên đây có tác dụng tương hỗ đặc biệt cho sự tương phản ở chiều sâu ý nghĩa, được thể hiện qua liên hệ đối sánh về thân phận, nhân cách ở từng nhân vật và giữa các nhân vật. Một kẻ tử tù đang là một nghệ sĩ, hiện thân cho thiên lương, cho cái đẹp ở ngay giữa chốn ngục tù tăm tối, bẩn thỉu. Thân phận tù nhân của Huấn Cao đối lập vói nhân cách Huấn Cao. Viên quản ngục cùng thầy thơ lại vốn đại diện cho quyền lực, nanh ác, thủ đoạn,… lại đang hiện diện là những con người đam mê, biết quý trọng cái đẹp thanh tao. Kẻ tử tù lại ở vị trí trung tâm, đầy uy lực còn bậc quyền uy lại đang khúm núm, vái lạy.
Trong thế giới tăm tối ấy, quản ngục như lạc lõng cô độc trong thế giới riêng của mình: một ngọn đèn leo lét, một bóng tối mịt mù quạnh quẽ, tiếng trống thu không, tiếng kiểng tiếng mõ thưa thớt, tiếng chó sủa vào những bóng ma mơ hồ huyền bí cứ ám mãi vào màn đêm hoang hút… Những sợi dây, những vòng dây trói vô hình cứ tròng lên, thít vào cuộc đời mòn rỉ của con người mà Nguyễn Tuân nói là “đang băn khoăn ngồi bóp thái dương”, với một ngoại hình mòn mỏi, cô đơn “tóc hoa râm, râu đã ngả màu”. Tuy vậy ẩn sâu bên trong con người này là một đời sống tâm hồn như “một thanh âm trong trẻo chen vào giữa bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn và xô bồ. Nguyễn Tuân đã rất thành công khi tạo lập bối cảnh và không khí để xây dựng tình huống truyện. Nỗi băn khoăn dẫn đến quyết định biệt đãi Huấn Cao của quản ngục được đặt trong một không gian nền đầy bóng tối – nơi chỉ có vài đốm sáng nhấp nháy trên bầu trời, thậm chí có một ngôi sao chính vị sắp từ biệt vũ trụ, tất cả như chòng chành giữa hai thế đứng để rồi ánh sáng của thiên lương tuy nhỏ nhoi vẫn chiến thắng, dẫn đến một thái độ ứng xử đẹp.
Cuộc gặp gỡ giữa hai con người tưởng như đối địch quyết liệt nhưng lại hòa hợp vô cùng ở kết thúc của truyện. Huấn Cao càng khí khái, cương trường, khinh thế ngạo vật bao nhiêu, quản ngục càng nhẫn nhịn, lễ phép, cam chịu bấy nhiêu. Tất cả chỉ vì sự tác động của cái đẹp, của ánh sáng tỏa ra từ một nhân cách, vì quý trọng một tài năng, xót xa một báu vật văn hóa sắp bị chôn vùi vĩnh viễn. Mạch ngợi ca tăng lên từ hai phía đối lập của hai thế đứng, hai tâm trạng, hai thái độ ứng xử, hai mặt của cuộc sống. Chính công việc, môi trường trại giam đã ràng buộc quản ngục vào một giới hạn nghiệt ngã, con người này hàng ngày là công cụ, là người máy, còn sâu trong cõi lòng kia chất chứa một nỗi cô đơn không kẻ tỏ bày, không người tri âm tri kỷ. Một con người mà mới thoạt trông bên ngoài tưởng như là một khối bóng tối khổng lồ nhưng rồi cái tài hoa của Nguyễn Tuân là đã biết chớp lấy cái khoảnh khắc thuận lợi nhất để chút ánh sáng le lói trong tâm hồn quản ngục có cơ hội bừng sáng lên. Không những thế tác giả còn dựng tình huống cho phút giây bừng sáng đó thành thiên thu vĩnh viễn ở đoạn kết – ở sự chiến thắng của ánh sáng với bóng tối, trong “cảnh cho chữ”, “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có”.
Thủ pháp tương phản đã được sử dụng một cách triệt để, thể hiện ở cả những biểu hiện bên ngoài lẫn bên trong, cả ở bối cảnh và nhân vật, ở cả tình huống đầy nghịch lí,… Chủ đề về sự chiến thắng của cái đẹp, cái thiện với cái xấu, cái ác; ánh sáng với bóng tối,… của tác phẩm Chữ người tử tù đã được thể hiện một cách sâu sắc, đầy ấn tượng. Có được điều đó, phần lớn cũng là nhờ vào hiệu quả của thủ pháp tương phản.
2. Nghệ thuật miêu tả đối lập, tương phản trong “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam:
Nhà văn Thạch Lam là một cây bút tài ba chuyên viết truyện ngắn và văn xuôi. Các tác phẩm của ông luôn mang một vẻ độc đáo riêng biệt, đó là những truyện ngắn có cốt truyện đơn giản hoặc thậm chí không có cốt truyện, nhưng luôn đọng lại trong lòng người đọc nhiều suy nghĩ, hoài niệm. Tiêu biểu trong số đó chính là tác phẩm “Hai đứa trẻ” – một tác phẩm đặc trưng cho phong cách văn thơ của ông. Với nghệ thuật tương phản sâu sắc trên nhiều khía cạnh, nhà văn Thạch Lam đã miêu tả được sinh động cuộc sống và niềm mơ ước của các nhân vật trong truyện.
Ánh sáng và bóng tối trong Hai đứa trẻ được sử dụng như một thủ pháp chính trong nghệ thuật dựng truyện của Thạch Lam. Sở dĩ nói như vậy bởi ánh sáng và bóng tối được tác giả sử dụng trong cách xây dựng bối cảnh tác phẩm, nhân vật lẫn trong các chi tiết nhỏ nhằm biểu đạt chủ đề của tác phẩm.
Bối cảnh của Hai đứa trẻ là không gian phố huyện buồn tẻ – một không gian nghệ thuật đặc trưng xuất hỉện khá nhiều trong truyện ngắn của ông. Đó là một không gian đan xen giữa làng quê và thành thị. Thời gian là một buổi chiều “êm ả như ru” đang sắp nhường chỗ cho bóng đêm, “dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời”. Khung cảnh phố huyện trong bóng tối gợi không khí buồn buồn, hiu hắt, chậm chậm, đơn điệu của cuộc sống nơi đây. Bóng tối ngập đầy trong đôi mắt của Liên. Số phận của lũ trẻ bới rác và những người lao động nghèo ở đây cũng nhạt nhòa trong bóng tối. Bối cảnh phố huyện và tâm trạng nhân vật được tác giả xây dựng vào những thời điểm khác nhau: lúc hoàng hôn, khi đêm về và lúc đêm đã khuya. Trong ánh sáng của ngọn đèn leo lét trên chõng hàng chị Tý, trên bếp lửa của bác Siêu và những hột sáng lọt qua phên nứa từ ngọn đèn của chị em Liên, con người hiện lên như những cái bóng vật vờ không số phận, không tính cách. Ngoài cuộc sống mò cua bắt ốc ban ngày ra, tối đến họ tập trung ở đây như để bắt đầu một cuộc sống thứ hai trong bóng tối, nhưng là để hướng đến ánh sáng. Tất cả cùng chờ đợi một điều gì đó mới mẻ, khác lạ so với cảnh đời buồn tẻ, quẩn quanh, tù hãm của cái “ao đời bằng phẳng” hàng ngày họ nếm trải.
Hình tượng ánh sáng ở đây được xây dựng như một hình tượng nghệ thuật độc đáo, gây nhiều ám ảnh. Những hột sáng ít ỏi, nhỏ nhoi lọt thỏm giữa không gian phố huyện ngập tràn bóng tối tăng thêm độ mênh mông tối tăm, không khí buồn lặng của khung cảnh phố huyện vào đêm. Nỗi buồn chán của hai đứa trẻ và những người dân phố huyện nếu khi chớm đêm mới chỉ ở mức độ mơ hồ thì càng về khuya nó càng rõ nét. Bầu trời đầy sao và vũ trụ bao la như tương phản, đối lập gay gắt với cuộc sống tù đọng đơn điệu ở phố huyện, hé mở tâm hồn khao khát hạnh phúc của chị em Liên. Lúc này nỗi buồn không còn nhòa nhạt mơ hồ nữa mà đã sắc nét, rõ rệt hơn khi cô nhớ về Hà Nội, một thứ “siêu cảm giác” bởi cô đang hồi tưởng về quá khứ, cảm thấy bằng tâm hồn về một thời khác với thời hiện tại Liên đang sống – “một vùng sáng rực và lấp lánh”
Nhân vật chính trong tác phẩm đó chính là hai chị em Liên và An, hai người sống ở một phố huyện nghèo khi gia đình khó khăn phải lui về ở đấy. Khi mới vào tác phẩm, Thạch Lam đã dùng nghệ thuật tương phản để miêu tả rõ nét quang cảnh của buổi chiều tà nơi vùng quê, đó chính là sự đối lập của bóng tối và ánh sáng. Bóng tối cùng màn đêm dần buông xuống, nó bao trùm, ngự trị khắp mọi nơi, mọi ngóc ngách. Phố xá thì tối hết cả, con đường chỉ toàn là những rác rưởi, văng vẳng đâu đó là những tiếng ếch kêu, tiếng vo ve của muỗi. Tất cả mọi thứ làm cho khung cảnh trở nên ảm đạm, tẻ nhạt và vô vị, nó thấm vào sâu thẳm trong cả con người khiến con người ta buồn man mác. Trong gam màu tối chủ đạo ấy, vẫn hiện lên những hình ảnh le lói của những tia sáng yếu ớt. Đó chính là những tia nắng cuối cùng của buổi chiều tà đang tắt dần qua các ngọn núi, là ngọn đèn treo trong nhà bác phở Mĩ, đèn hoa kì leo lắt trong nhà ông Cửu, hay đơn giản chỉ là tia sáng phát ra từ những cây nến nhỏ bé.
Những nguồn sáng ấy quá lẻ loi, đơn độc, chẳng thể nào thắp sáng cả một khu phố, cũng giống như số phận của những con người lao động nơi đây, dù có cố gắng, chăm chỉ làm ăn, nhưng cuộc sống vẫn mãi quẩn quanh trong sự đói nghèo và bế tắc. Tiêu biểu là ánh đèn dầu của chị Tí – một người phụ nữ nghèo khổ, làm lụng vất vả, lúc nào cũng nheo nhóc với đứa trẻ con và đống đồ đạc. Ánh sáng phát ra từ cây đèn là một quầng sáng mờ nhạt, leo lắt, chỉ đủ chiếu tỏ một vùng nhỏ bé, đó giống như một hình ảnh ẩn dụ mà thông qua đó nhà văn Thạch Lam muốn khơi gợi về những mảnh đời cơ cực, những kiếp sống nhỏ bé trong một xã hội đầy những bất công và khổ nhục.
Quang cảnh tiếp theo thể hiện sự tương phản đó chính là sự đối lập giữa mặt đất và bầu trời. Bầu trời đẹp đẽ bao nhiêu, rực rỡ toàn sao bao nhiêu thì dưới đất lại bẩn thỉu, ngột ngạt bấy nhiêu. Thạch Lam đã miêu tả: “trên đất chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và lá mía, một mùi âm ẩm bốc lên”, chả có điều gì thơm tho, đẹp đẽ ở đó cả. Những con người trên bề mặt đấy còn khiến ta động lòng, cảm thương hơn nhiều: “Mấy đứa trẻ con nghèo ven chợ cúi lom khom trên mặt đất đi tìm tòi. Chúng nhặt nhạnh thanh nứa, thanh tre hay bất cứ cái gì đó có thể dùng được từ các người bán hàng để lại”, hay hình ảnh đứa trẻ con nhà bác xẩm bò ra đường “nghịch nhặt những rác bẩn vùi trong cát” không khỏi khiến con người ta phải cảm thương cho những số phận đang vùi mình trong đêm tối ấy.
Từ sự khác nhau giữa mặt đất và bầu trời ấy, Thạch Lam đã dẫn dắt người đọc sang một nét tương phản khác, đó chính là sự tương phản giữa quá khứ – thực tại và những mơ ước xa xôi. Quá khứ của An và Liên là những ngày tháng tươi đẹp nơi Hà thành, nơi mà hai chị em vô âu vô lo, được mẹ dẫn đi Bờ Hồ chơi, uống những cốc nước xanh đỏ mát lạnh. Ngoài ra những kỉ niệm về Hà Nội đó chính là cả một vùng sáng rực rỡ và lấp lánh. Nhưng giờ đây, hai con người ấy lại phải ngồi ở một nơi đói nghèo, tối tăm, cuộc sống tẻ nhạt, vô vị. Thay vì vui chơi, học hành thì giờ đây Liên đã bắt đầu biết suy nghĩ về cuộc sống, về những thứ xa xôi, chính điều ấy đã khiến cô trở nên trưởng thành hơn. Sống trong một cuộc sống như vậy, cho nên Liên lúc nào cũng mơ về một cuộc sống tốt đẹp, sung túc hơn. Những ước mơ của cô thật xa vời nhưng cũng rất giản dị.
Thạch Lam đã mượn hình ảnh đoàn tàu hàng ngày chạy qua nơi phố nghèo để nói lên rõ nhất những ước mơ của hai chị em cũng như toàn thể người dân lao động nghèo nơi đây. Đoàn tàu chính là sự hiện thân của ánh sáng, của những hoài niệm đẹp đẽ, ấm áp nơi Hà Thành “các toa đèn sáng trưng, chiếu ánh cả xuống đường”, “những toa hạng trên sang trọng lố nhố những người, đồng và kền lấp lánh”. Đoàn tàu ấy như mang một thế giới hoàn toàn khác đi ngang qua nơi này, một thế giới mà Liên ao ước và hoài niệm. Trong một thực tại tối tăm, nghèo đói, bế tắc, nhưng những con người nơi phố huyện vẫn luôn mơ đến những ước mơ xa xôi, mơ về một cuộc sống sung túc, tươi đẹp. Nhưng rồi, khi đoàn tàu đi qua, bóng tối lại bao trùm, màn đêm buông xuống, tất cả trở lại với thực tại tầm thường.
Ánh sáng từ đoàn tàu thì đã tới, nhưng ánh sáng thực sự, hạnh phúc thực sự của những con người nơi đây thì mãi vẫn tồn tại trong tâm tưởng mà không biết khi nào mới thành hiện thực. Hình tượng ánh sáng và bóng tối ở Hai đứa trẻ khi đặt vào diễn biến nội tâm tinh tế, phức tạp của Liên trong cảm nhận độ dày của bóng tối từ chiều đến đêm khuya mới thấy rõ giá trị của nó, thấy được độ “khát thèm được chiếu sáng và được đổi thay” của hai đứa trẻ và những người dân nơi đây. Giá trị nghệ thuật và giá trị tư tưởng của tác phẩm vì vậy được nâng lên một tầm khác hẳn khiến Hai đứa trẻ của Thạch Lam trở thành một trong những truyện ngắn hay, đặc sắc của văn học Việt Nam.
Bằng bút pháp đối lập tương phản tinh tế, nhà văn Thạch Lam đã miêu tả một cách khéo léo được quang cảnh nghèo khổ, tẻ nhạt của cuộc sống nơi phố nghèo. Nhưng cũng qua đó mà những nét đẹp của con người Việt Nam đã được tác giả thể hiện, đó chính là sự vô tư, tốt bụng, dù có khó khăn bế tắc thế nào đi chăng nữa nhưng lúc nào cũng chăm chỉ làm ăn, luôn mơ ước về một cuộc sống tươi đẹp ở phía trước.
3. Đánh giá:
Nghệ thuật sử dụng ánh sáng và bóng tối như một thủ pháp trong “Chữ người tử tù” và “Hai đứa trẻ” vừa có điểm giống nhau lẫn khác nhau. Cả hai tác giả đều sử dụng ánh sáng và bóng tối như một nguyên tắc đối lập, một thủ pháp nghệ thuật trong xây dựng tình huống truyện. Nhưng với Nguyễn Tuân ánh sáng và bóng tối vừa đối lập, vừa bổ sung, nâng đỡ nhau, đồng thời có sự chuyển hóa từ bóng tối ra ánh sáng. Nhân vật viên quản ngục khi được Huấn Cao “khai tâm” đã nghẹn ngào “xin bái lĩnh”, là một minh chứng cho sự chuyển hóa này. Ánh sáng và bóng tối ở đây từ nghĩa thực đã chuyển thành nghĩa tượng trưng. Đều hướng tới mục đích ngợi ca cái đẹp, nhưng cái đẹp trong văn Nguyễn Tuân là cái đẹp thiêng liêng, sang trọng đã ổn định và có giá trị như một bảo vật văn hóa của dân tộc, như một kiểu chơi đẹp, thú uống trà, chơi chữ, một kiểu sống đẹp, một nhân cách đẹp… Chính vì vậy ánh sáng trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân là ánh sáng của chân lý, của cái đẹp trong tài hoa, nhân cách, nên tác phẩm cũng được kết thúc đẹp bằng sự chiến thắng của ánh sáng với bóng tối, của thiên lương con người với cái xấu cái ác. Bóng tối ở đây vừa là cuộc sống tù đọng, quẩn quanh mòn mỏi âm u – là nét giống với bóng tối trong Hai đứa trẻ – nhưng nó cũng vừa đại diện cho cái xấu cái ác trong cuộc sống cũng như trong bản chất con người, điểm khác với truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam.
Với Thạch Lam, bóng tối vừa mang nghĩa biểu trưng cho cuộc sống tù đọng, quẩn quanh nơi phố huyện vừa được sử dụng như phông nền chính nhằm làm nổi bật ba loại ánh sáng: a) Ánh sáng nơi phố huyện – những quầng sáng giới hạn, nhỏ nhoi, leo lét, những hột sáng… tượng trưng cho số phận mòn mỏi của những con ngưòi nơi đây; b) Ánh sáng đô thị – vừa là quá khứ, vừa là tương lai, là miền mơ ước của hai đứa trẻ; c) Ánh sáng con tàu – ánh sáng thức tỉnh đời sống tỉnh lẻ, như một cầu nối từ hiện tại (ánh sáng phố huyện) về quá khứ (ánh sáng đô thị), rồi hướng tới tương lai (ánh sáng đô thị). Từ đây ánh sáng, bóng tối không còn mang nghĩa thực nữa mà mang nghĩa biểu tượng, biểu tượng của ước mơ, của khát khao hạnh phúc và những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Còn với Nguyễn Tuân, cảm hứng thẩm mỹ của ông bắt nguồn từ cái đẹp lớn lao, cái cao cả, bi hùng hoặc mô tả những nhân cách lớn… nên thủ pháp nghệ thuật cũng xây dựng dựa trên sự đối lập gay gắt, ánh sámg và bóng tối cũng được sử dụng nhằm miêu tả những tương phản mạnh mẽ, những chuyển biến bất ngờ, đột ngột. Đó vừa là một thủ pháp trong xây dựng tình huống truyện, vừa là sự dẫn dắt đi đến kết thúc của sự chiến thắng giữa chân lý, cái đẹp với cái xấu, cái ác. Thạch Lam do chỉ chú ý đến những cái bình thường, giản dị, nhỏ nhoi trong cuộc sống nên ánh sáng và bóng tối trong tác phẩm của ông không có sự chuyển biến dữ dội, bất ngờ.
Chính từ tính quy phạm của ánh sáng và bóng tối trong hội họa, vào văn chương nó đã vừa kế tục vừa phá vỡ tạo ra hiệu quả thẩm mỹ mới, góp phần đắc lực cho xây dựng tình huống truyện, được sử dụng như một tình tiết nghệ thuật đặc sắc. So sánh hai tác phẩm để thấy sự giống nhau và khác nhau trong nghệ thuật sử dụng ánh sáng và bóng tối, lý giải nó từ quan niệm nghệ thuật, vốn văn hóa của tác giả để thấy tài năng của nhà văn và giá trị nghệ thuật to lớn của tác phẩm. Từ đó có thể khắc họa rõ hơn diện mạo của tác giả, tác phẩm, xác lập một cách thức tiếp cận văn bản không phải chỉ từ chính nó mà bằng liên văn bản. Điều này không nằm ngoài mục đích khám phá các vẻ đẹp tiềm ẩn của tác phẩm văn chương khiến nó luôn mới mẻ, lấp lánh nhiều giá trị.
Phân tích hình ảnh chuyến tàu đêm trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam.