nghi-luan-moi-nghe-si-co-the-den-voi-van-chuong-va-cuoc-doi-bang-con-duong-rieng-cua-minh-nhung-tu-duy-nghe-thuat-du-co-doi-moi-den-dau-di-nua-thi-cung-khong-the-vuot-ra-ngoai-cac-quy-luat

Nghị luận: Mỗi nghệ sĩ có thể đến với văn chương và cuộc đời bằng con đường riêng của mình. Nhưng….tư duy nghệ thuật dù có đổi mới đến đâu đi nữa thì cũng không thể vượt ra ngoài các quy luật của chân thiện mĩ, quy luật nhân bản (Lã Nguyên – Về tác gia và tác phẩm, NXBGD)

Nghị luận: “Mỗi nghệ sĩ có thể đến với văn chương và cuộc đời bằng con đường riêng của mình. Nhưng….tư duy nghệ thuật dù có đổi mới đến đâu đi nữa thì cũng không thể vượt ra ngoài các quy luật của chân thiện mĩ, quy luật nhân bản” (Lã Nguyên – Về tác gia và tác phẩm, NXBGD)


* Gợi ý làm bài:

I. Giới thiệu vấn đề:

Mỗi nghệ sĩ có thể đến với văn chương và cuộc đời bằng con đường riêng của mình. Nhưng tư duy nghệ thuật dù có đổi mới đến đâu đi nữa thì cũng không thể vượt ra ngoài các quy luật của Chân – Thiện – Mỹ, quy luật nhân bản. Nhà văn chân chính có sứ mệnh khơi nguồn cho dòng sông văn học đổ ra đại dương nhân bản mênh mông.

II. Giải quyết vấn đề.

1 Giải thích:

1. Giải thích:

– Con đường riêng: chỉ cách thức khác nhau trong lao động sáng tạo văn học nghệ thuật của người nghệ sĩ.

– Quy luật của chân thiện mĩ, quy luật nhân bản: là những giá trị văn học (nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ….) có khả năng nhân đạo hóa con người. Đó là bản chất mang ý nghĩa nhân văn muôn đời của văn học.

– Ý kiến khẳng định vai trò của hướng đi riêng trong khám phá, sáng tạo nhưng đích đến muôn đời của văn chương vẫn là chân thiện mĩ, nhân bản.

2. Bàn luận:

– Mỗi nghệ sĩ có thể đến với văn chương và cuộc đời bằng con đường riêng của mình, bởi vì:

+ Vì đời sống là đối tượng khám phá của nghệ thuật, của văn chương. Cuộc đời là nơi xuất phát của văn học. Đứng trước hiện thực cuộc sống phong phú, mỗi nhà nghệ sĩ có những cảm xúc, suy ngẫm, lí giải khác nhau, lựa chọn những mảng đề tài khác nhau, cách xử lí đề tài khác nhau để đặt ra những vấn đề khác nhau. Và đó là con đường riêng họ tạo ra cho mình. Đó cũng là yêu cầu xuất phát từ đặc trưng của văn học nghệ thuật: lĩnh vực của sự sáng tạo. Đó cũng là lương tâm, là trách nhiệm của mỗi người nghệ sĩ. Nam Cao tâm niệm: “Văn chương không cần những người thợ khéo tay…”.

+ Đặc trưng của văn học là lĩnh vực sáng tạo. Đứng trước hiện thực phong phú, mỗi nghệ sĩ có những cảm xúc, suy ngẫm, lí giải khác nhau, chọn những mảng đề tài khác nhau, cách xử lí khác nhau.

+ Lựa chọn con đường riêng sẽ tạo ra sự đa dạng, mới lạ trong sáng tạo nghệ thuật, khẳng định được vị trí, phong cách của nhà văn.

– Tư duy nghệ thuật dù có đổi mới đến đâu đi nữa cũng không thể vượt ra ngoài quy luật của chân thiện mĩ, quy luật nhân bản, bởi vì:

+ Chân thiện mĩ, nhân bản là đích hướng đến, tâm điểm của mọi khám phá sáng tạo nghệ thuật. Nếu không tạo ra con đường riêng của mình thì tác phẩm của họ sẽ trở thành sự sao chép, sẽ chết, dẫm lên vết chân của người đi trước.

+ Quy luật chân thiện mĩ, nhân bản có khả năng soi rọi cho người đọc ánh sáng của lí tưởng, khơi gợi tình yêu cuộc sống, nuôi dưỡng sự đồng cảm, bồi đắp và thanh lọc tâm hồn con người….làm cho người gần người hơn.

– Tác dụng: Tạo ra con đường riêng của mình người nghệ sĩ sẽ tạo ra sự đa dạng trong sáng tạo nghệ thuật, khẳng định sức sống của mỗi tác phẩm, vị trí, phong cách của nhà văn, cái lí để nhà văn đứng được với cuộc đời.

* Tư duy nghệ thuật…. quy luật chân thiện mĩ, quy luật nhân bản:

– Đây là vấn đề đổi mới tư duy nghệ thuật – một vấn đề đặt ra như một nhu cầu bức thiết, sống còn của nghệ thuật. Nhà văn luôn phải tự làm mới mình góp phần đổi mới nghệ thuật. Đổi mới cái gì? Đổi mới đề tài, chủ đề, cảm hứng, văn phong… Quan trọng là đổi mới tư duy, cách nhìn nhận của nhà văn trước cuộc đời.

– Nhưng mọi sự đổi mới đều không vượt ra ngoài quy luật chân, thiện, mĩ. Cái chân, cái thiện, cái mĩ, cái nhân bản vẫn là cái đích hướng đến của mọi khám phá, sáng tạo nghệ thuật. Quy luật chân thiện mĩ, nhân bản giống như sợi dây neo giữ, là giới hạn mà bán kính sáng tạo nhà văn quay chiều nào cũng không thể vượt qua. Nói cách khác, nó cũng là một tâm điểm của mọi khám phá sáng tạo nghệ thuật.

– Văn học sở dĩ là nhu cầu, là món ăn tinh thần không thể thiếu của con người, vì nó là lĩnh vực đáp ứng nhu cầu sống của con người. Văn học có nhiều chức năng (nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ, dự báo, giải trí…); có nhiều quan niệm cổ kim đông tây, nhưng điểm giao thoa gặp gỡ vẫn cứ là cái chân – thiện – mĩ, những vấn đề mang tính nhân bản nhân văn của đời sống con người. Cái chân, là muốn nói đến chức năng nhận thức của văn học; văn học phải chân thực. Cái thiện là nói đến chức năng giáo dục, cảm hóa của văn học. Cái mĩ, là nói đến chức năng thẩm mĩ, chức năng cơ bản nhất, chất keo kết dính các chức năng khác. Khi đạt tới chân thiện mĩ là văn học đạt tới chiều sâu nhân bản, hướng về con người, vì con người.

* Sứ mệnh nhà văn chân chính… đại dương nhân bản mênh mông:

– Đây là vấn đề trăn trở của nhiều cây viết. Chữ dùng có thể khác nhau, nhưng thực chất vẫn là một. Đó là vấn đề cái tâm của người cầm bút. Ở đây người nói đặt vấn đề: “khơi nguồn dòng sông văn học đổ ra đại dương nhân bản mênh mông” – ý tưởng độc đáo. Mọi dòng sông đều đổ về biển rộng, cũng như mọi khám phá sáng tạo đều có đích hướng về, những vấn đề thuộc về con người, nhân sinh, nhân bản. Bởi lẽ, con người là một trung tâm khám phá của văn học nghệ thuật. Văn học có thể viết về mọi vấn đề của đời sống, mọi hình thức sáng tạo, nhưng đều hướng tới là để đặt ra và cắt nghĩa những vấn đề của nhân sinh. Văn học chân chính phải là thứ văn chương vị đời, nhà văn chân chính phải là nhà văn vì con người, tác phẩm mới đạt tới tầm nhân bản.

2. Chứng minh qua một vài tác phẩm.

* Truyện Kiều – Nguyễn Du:

– Truyện Kiều có nguồn gốc từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài nhân, nhưng bằng tài năng và sự sáng tạo của mình, Nguyễn Du đã khoác lên cho cốt truyện ấy một gương mặt hoàn toàn mới mẻ. Đó là sự thay đổi, cách tân cả về hình thức và nội dung.

– Tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du khiến con người ta biết:

+ Yêu thương, cảm thông cho số phận bất hạnh của Thúy Kiều, vì cứu cha, cứu gia đình mà phải bán mình, chịu nỗi khổ 15 năm phiêu dạt nơi đất khách quê người. Đồng thời cũng cảm thông cho số phận của những người phụ nữ sống dưới chế độ phong kiến.

+ Không chỉ vậy, tác phẩm cũng khiến ta căm ghét, phẫn nộ trước sự tàn ác của chế độ phong kiến, cướp đi quyền sống, hạnh phúc, quyền được tự do,… của con người. Đẩy con người ta đến đường cùng.

* Ánh trăng – Nguyễn Duy:

– Viết về trăng không phải điều mới mẻ trong văn học, nhưng đến với Nguyễn Duy ông đã phú cho nó một hình thức mới:

+ Thể thơ năm chữ giàu nhịp điệu.

+ Bài thơ chỉ viết hoa chữ cái đầu tiên của mỗi khổ và không sử dụng dấu câu khi kết thúc câu, chỉ dùng dấu câu khi kết thúc khổ thơ đó. Với hình thức như vậy đã giúp bài thơ được liền mạch cảm xúc, thể hiện quan điểm, tư tưởng của tác giả.

– Đồng thời tác phẩm còn là những bài học về chân – thiện – mĩ cho người đọc: bài học về sự thủy chung, tình nghĩa, là nối tiếp truyền thống dân tộc “uống nước nhớ nguồn”. Không được quên đi nghĩa tình quá khứ.

+ Khép lại bài thơ Ánh trăng, Nguyễn Duy đã thể hiện rất rõ ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh vầng trăng và từ đó tác giả nêu ra bài học triết lí gợi nhắc thái độ sống đối với mỗi người

“Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.”

+ Trăng xưa vẫn vậy, vẫn tròn đầy, vẹn nguyên thủy chung, từ “cứ”, “kể chi” còn cho thấy thái độ bao dung, độ lượng của vầng trăng nhưng đối lập với hình ảnh trăng tròn vành vạnh là con người vô tình, đổi thay.

+ Trăng như một người bạn với ánh nhìn im phăng phắc, đó là cái nhìn nghiêm nghị dù rất bao dung, không một lời trách cứ.

+ Đến đây “Vầng trăng” đã được thay bằng “Ánh trăng” để nhấn mạnh về ánh sáng. Ánh sáng của lương tri con người soi rọi những góc khuất tối trong tâm hồn người. Ánh sáng soi đường cho con người trở về về với con đường thủy chung, tình nghĩa.

+ Trước cái nhìn nghiêm nghị, bao dung của người bạn thủy chung, ân tình, trước ánh sáng kì diệu của vầng trăng, con người phải “giật mình”. Giật mình để nhìn lại chính mình. Giật mình để tự vấn lương tâm, để soi vào chính mình, để thấy những tháng ngày qua mình đã vô tình bạc bẽo, để hoàn thiện bản thân. Đây là cái giật mình vô cùng đáng quý, đáng trân trọng.

⇒ Như vậy, qua khổ thơ cuối, hình ảnh vần trăng mang ý nghĩa biểu tượng sâu xa. Trăng là vẻ đẹp vĩnh hằng của thiên nhiên, trăng là đồng chí, đồng đội, là tấm lòng bao dung, nhân hậu của nhân dân. Trăng là quá khứ vất vả, gian lao nhưng tình nghĩa. Trăng là cội nguồn, là quê hương, đất nước. Từ hình ảnh vầng trăng, tác giả gợi nhắc người đọc một bài học triết lí sâu xa, đó là thái độ sống “Uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa thủy chung.

* Bến quê – Nguyễn Minh Châu.

– Bến quê là một tác phẩm giàu triết lí của nhà văn Nguyễn Minh Châu, tác phẩm đã thức tỉnh hàng triệu con người, hàng triệu trái tim về lối sống, cách ứng xử:

+ Nhĩ đã cho ta thấy quê hương là nơi ấm áp gần gũi nhất với chúng ta. Nơi có người vợ luôn tảo tần, hi sinh thầm lặng, có những đứa trẻ tay chua lòm mùi dưa nhưng vô cùng đáng yêu… Nơi đó mới là bến đỗ bình yên của cuộc đời mà chúng ta phải trân trọng.

+ Tác phẩm cũng cho ta thấy, trong cuộc đời này có nhiều cái chùng chình, vòng vèo chúng ta cần phải tỉnh táo để không sa vào những cái chùng chình đó. Và cũng là để biết trân quý những giá trị đích thực của cuộc sống.

* Lặng lẽ Sa Pa – Nguyễn Thành Long

– Tác phẩm là bài ca ca ngợi về anh thanh niên với nhiều phẩm chất đẹp đẽ, đáng quý:

+ Quan niệm đúng đắn về hạnh phúc, hạnh phúc đối với anh là được làm việc, được phục vụ cộng đồng.

+ Anh thanh niên là người trung thực, biết quan tâm. chăm sóc người khác và là người rất khiêm tốn.

+ Có lý tưởng nghề nghiệp đúng đắn.

+ Xây dựng cuộc sống ngăn nắp, khoa học, tự làm giàu tri thức bản thân và làm phong phú đời sống tinh thần.

– Hình ảnh của anh thanh niên cũng chính là một bài học về chân – thiện – mĩ cho người đọc. Anh thanh niên hướng con người đến với lối sống giản dị, hòa mình vào thiên nhiên. Hướng chúng ta đến với quan điểm đúng đắn về nghệ nghiệp, lao động để cống hiến cho đất nước. Và anh thanh niên cũng giúp chúng ta nhận thấy cần sống chân thành, yêu thương với mọi người và sống thành thực, khiêm tốn,…

III. Tổng kết vấn đề:

– Văn học khuyến khích người nghệ sĩ đổi mới, cách tân nhưng cần có sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa dấu ấn riêng và giá trị chung.

– Yêu cầu đối với người nghệ sĩ trong sáng tác phải là nhà nhân đạo từ trong cốt tủy, phải có sự trải nghiệm sâu sắc, đứng trên lập trường nhân sinh vì con người.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang