Nghị luận: Nghệ thuật chỉ làm nên câu thơ, trái tim mới làm nên thi sĩ (André Chénien)

nghi-luan-nghe-thuat-chi-lam-nen-cau-tho-trai-tim-moi-lam-nen-thi-si

Nghị luận: “Nghệ thuật chỉ làm nên câu thơ, trái tim mới làm nên thi sĩ” (André Chénien)

  • Mở bài:

Sê khốp từng nói: “Một nghệ sĩ chân chính phải là một nhà văn nhân đạo từ trong cốt tủy”. Nghĩa là, mỗi tác phẩm đều lấy con người làm đối tượng phản ánh trọng tâm nhất. Văn học thoát ra từ đời sống và quay lại phục vụ cho cuộc sống ấy. Bàn về vai trò của nghệ thuật và thiên chức của người nghệ sĩ, André Chénien cho rằng:  “Nghệ thuật chỉ làm nên câu thơ, trái tim mới làm nên thi sĩ”.

  • Thân bài:

1. Giải thích:

“Nghệ thuật chỉ làm nên câu thơ”: Nghệ thuật ở đây là những đặc sắc về hình thức tạo nên vẻ đẹp của lời thơ (tứ thơ, thể thơ, ngôn ngữ, hình ảnh…)

“Trái tim mới làm nên thi sĩ”: Trái tim là thế giới của đời sống tâm hồn, tình cảm, tâm nguyện của người nghệ sĩ gửi gắm vào sáng tác nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng. Chính trái tim người nghệ sĩ mới làm nên cái hồn cho thơ.

⇒ Ý kiến của André Chénien khẳng định: Một bài thơ hay không chỉ có hình thức nghệ thuật đặc sắc mà quan trọng, phải là những tình cảm, những rung cảm mãnh liệt, chân thành của người nghệ sĩ. Chính thế giới tâm hồn ấy đã làm nên cái hồn thơ, là yếu tố không thể thiếu của một nghệ sĩ chân chính.

2. Phân tích, chứng minh, bàn luận:

– Trong văn chương hình thức luôn đóng vai trò thật sự nổi bật. Một bài thơ có giá trị phải có những sáng tạo nghệ thuật độc đáo được làm nên từ tài năng thiên phú của người nghệ sĩ.

– Nếu thơ chỉ vẻn vẹn những hình thức nghệ thuật hoa mĩ mà không có những rung cảm mãnh liệt từ trái tim người nghệ sĩ khi đứng trước cuộc đời, thì những hình thức ấy dù đẹp, dù hấp dẫn đến đâu cũng chỉ làm nên bài thơ có xác mà không có hồn.

– Thơ phải là tiếng nói trữ tình, tiếng nói của cảm xúc, phải là thư kí trung thành của trái tim. Tâm hồn người nghệ sĩ mới là yếu tố quan trọng làm nên những câu thơ có tầm tư tưởng, những câu thơ có thể chạm đến cõi sâu kín nhất trong tâm hồn con người. André Chénien đã nhấn mạnh đến những rung cảm thẩm mỹ của người nghệ sĩ.

– Tuy nhiên, một tác phẩm thực sự có giá trị đều phải là “một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung”(L.Lêônôp). Cái tài và cái tâm, “nghệ thuật” và “trái tim” đều là những nhân tố quan trọng để hình thành một tác phẩm thơ ca nổi tiếng và một nhà thơ vĩ đại. Trong hai yếu tố đó, cái tâm được coi là yếu tố cốt lõi để làm nên một tác phẩm nghệ thuật chân chính

– Một nhà thơ chân chính phải có một trái tim đa cảm, phải biết yêu thương con người, biết đấu tranh với cái xấu, cái ác đồng thời phải gắn bó với cuộc đời “thơ chỉ bật ra trong tim khi cuộc sống đã thật đầy”. Và nhà thơ cũng phải biết “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có”.

3. Đánh giá, mở rộng:

– Đánh giá chung về tác phẩm (hoặc đoạn thơ).

– Nhận xét của André Chénien đã khẳng định vai trò quan trọng của tình cảm trong thơ và mối quan hệ hài hòa giữa nội dung và hình thức

– Nhận xét của André Chénien giúp ta cảm nhận sâu sắc hơn, hiểu và biết trân trọng tấm lòng và cả những sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ cho đời.

– Là bài học cho người sáng tác và người tiếp nhận văn học.

  • Kết bài:

Tất cả mọi nghệ thuật đều phục vụ cho một nghệ thuật vĩ đại nhất là nghệ thuật sống trên trái đất. Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật trước hết là ở giá trị tư tưởng của nó. Nhưng là tư tưởng đã được rung lên ở các bậc tình cảm, chứ không phải là cái tư tưởng nằm thẳng đơ trên trang giấy. Có thể nói,tình cảm của người viết là khâu đầu tiên cũng là khâu sau cùng trong quá trình xây dựng tác phẩm lớn. Tất cả đều phụ thuộc vào trái tim của người nghệ sĩ vậy.


Tham khảo:

Anđré Chénien – nhà thơ Pháp đã viết: “Nghệ thuật chỉ làm nên câu thơ, trái tim mới làm thi sĩ”. Anh/ chị hiểu câu trên như thế nào? Dựa vào đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ (trích Chinh phụ ngâm – Nguyên tác chữ Hán Đặng Trần Côn, bản dịch Đoàn Thị Điểm) hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

Hướng dẫn:

1. Giải thích ý kiến:

– “Nghệ thuật chỉ làm nên câu thơ ”: Nghệ thuật ờ đây có thể hiểu là cái đẹp của lời thơ, ý thơ, tứ thơ và các yếu tố tổ chức câu thơ như thể thơ, ngôn ngữ, hình ảnh, gieo vần, ngắt nhịp, giọng điệu; các biện pháp tu từ và các phương thức biểu đạt…

– “Trái tim mới làm nên thi sĩ”: Trái tim là thế giới của đời sống tâm hồn, tình cảm, tâm nguyện của người nghệ sĩ gửi gắm vào sáng tác nghệ thuật nói chung, thơ ca nói riêng. Chính trái tim người nghệ sĩ mới làm nên cái hồn cho thơ.

– “Nghệ thuật” và “trái tim” là những chất liệu để là nên những câu thơ hay và sản sinh ra những nhà thơ vĩ đại.

– Ý kiến của Anđré Chénien khẳng định và đề cao thiên chức của nhà thơ và quá trình sáng tạo nghệ thuật: Mỗi một nhà thơ phải có một trái tim biết yêu thương cái đẹp cái thiện, phải biết đấu tranh với cái xấu, cái ác để bênh vực và bảo vệ cho quyền sống và nhân phẩm của con người nhất là những con người đau khổ, bất hạnh. Và nhà thơ cũng phải biết “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có”.

2. Phân tích đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ(trích Chinh phụ ngâm – Nguyên tác chữ Hán Đặng Trần Côn, bản diễn Nôm của Đoàn Thị Điểm) để làm sáng tỏ cách hiểu của mình.

a. Nghệ thuật của khúc ngâm được thể hiện ở những sáng tạo ấn tượng:

+ Thể thơ song thất lục bát với sự kết hợp hai câu thơ bảy chữ kiểu Đường thi hàm súc, trang nhã, đăng đối gợi cảnh, gợi tình tạo nên nhịp thơ buồn thương man mác.

+ Ngôn ngữ thơ tài hoa, đài các, tinh xác nhuần nhị; tính uyên bác, trang trọng được thể hiện ở hệ thống điển tích, điển cố.

+ Lời thơ mượt mà, luyến láy đằm thắm chất trữ tình được chuyển tải bằng hệ thống từ láy tượng thanh, tượng hình: phất phơ, đằng đẵng, dằng dặc, thăm thẳm, đau đáu, trùng trùng…

+ Hình ảnh thơ ước lệ, giàu tính tạo hình, biến hoá linh hoạt phù hợp với bức chân dung u sầu, ai oán của người chinh phụ.

– Nghệ thuật miêu tả thế giới nội tâm sắc sảo, tài hoa bằng ngôn ngữ độc thoại nội tâm, tả cảnh ngụ tình để xây dựng được chân dung tâm trạng và số phận của người chinh phụ.

+ Các biện pháp tu từ, nhạc điệu đã làm nên giá trị nghệ thuật của khúc ngâm.

b. Trái tim của nhà thơ trong trích ngâm:

+ Một trái tim biết yêu thương, đồng cảm với nỗi bất hạnh của người phụ nữ có chồng đi chinh chiến.

+ Một trái tim biết trân trọng tình yêu thuỷ chung và khát vọng cuộc sống bình yên, hạnh phúc của người chinh phụ.

+ Trái tim biết lên tiếng bênh vực cho quyền sống con người, gián tiếp tố cáo chiến tranh phong kiến phi nghĩa đã gây nên nỗi đau khổ, bất hạnh cho người chinh phụ, người phụ nữ nói chung.

+ Trái tim ấy ánh lên hào quang của giá trị nhân văn, luôn tri âm với đồng loại và sẽ đồng vọng mãi với nhiều thế hệ.

3. Đánh giá chung:

+ Chinh phụ ngâm luôn mãi chứa đựng những nỗi khắc khoải nhân sinh, đánh thức lương tri nhân loại về ý thức đấu tranh đòi quyền sống cho con người.

+ Ý kiến của Anđré Chénien giúp ta cảm nhận sâu sắc hơn, hiểu và biết trân trọng tấm lòng và và những sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ cho đời. Học sinh biết chọn những dẫn chứng tiêu biểu, hay để làm sáng tỏ những ý kiến của mình.

1 bình luận

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.