»» Nội dung bài viết:
Những chuyển biến về ngôn ngữ thơ từ 1932 đến hết thế kỷ XX.
Đặc điểm ngôn ngữ Thơ mới (1932 – 1945).
Thơ là tiếng nói của tình cảm, đến với người đọc bằng con đường tình cảm, cho nên ngôn ngữ thơ không thể trần trụi, thô thiển mà phải gợi cảm, hàm súc, nói ít gợi nhiều. Điều đó đòi hỏi nhà thơ phải có sự tìm tòi công phu, cân nhắc kĩ lưỡng, chọn lọc, sáng tạo. Nói như tác giả Maiacôpxki:
“Nhà thơ trả chữ với giá cắt cổ
Như khai thác chất hiếm Radium
Lấy một gam phải mất hàng năm lao lực.
Lấy một chữ phải tốn hàng tấn quặng ngôn từ”
Và một chữ ấy “phải làm cho đau đớn – Triệu trái tim trong hàng triệu năm dài” (Raxun Gamzatốp). Ngôn ngữ của cuộc đời thường là một loại quặng còn lẫn tạp chất, nhà thơ làm công việc của người tinh luyện loại bỏ những chất thừa thải để đúc kết lại thành một thứ kim loại hoàn hảo hơn, đủ sức lóng lánh phản chiếu tâm hồn. Nhà thơ là người giữ gìn và phát huy vốn tài sản quý của Tiếng Việt.
Thời đại nào thì ngôn ngữ ấy. So với các loại hình nghệ thuật khác, thơ nhạy cảm với ngôn ngữ hơn cả. Thơ mới phải tạo ra ngôn ngữ mới để chuyên chở cảm xúc mới. Càng ngày thơ Việt Nam càng có chiều hướng trở về với đúng bản chất của một loại hình nghệ thuật đặc thù: nghệ thuật của ngôn từ. Cái chết của một nhà thơ là cái chết của chữ và sự bất tử của họ cũng do chính từ trường của những con chữ của họ tạo nên…
Phong trào Thơ mới được xem như dấu son đậm trên bước chuyển vào thời kỳ phát triển mới của thơ ca Việt Nam hiện đại. Đánh giá thành tựu của thơ Mới, tác giả Vũ Tuấn Anh viết: “Thơ Mới đã đóng vai trò to lớn, có thể nói là “dứt điểm” trong việc nâng quốc ngữ đạt đến trình độ ngôn ngữ nghệ thuật thi ca. Thơ Mới đã làm được một công việc to lớn: chuyển toàn bộ tinh hoa của thơ dân tộc và ngôn ngữ dân tộc cập bến hiện đại”. Đó là một sự thay đổi toàn diện về mặt ngôn ngữ thơ, gắn liền với một thời đại thơ đang chuyển mình theo hướng hiện đại hóa.
Nhìn lại hành trình hơn 10 năm của thơ Mới có thể thấy rõ những đóng góp về mặt ngôn ngữ thơ của phong trào này. Với những đặc trưng cơ bản: Ngôn từ thơ Mới tiếp nối và phát triển ngôn ngữ thơ trữ tình truyền thống, ngôn từ Thơ mới có sự kết hợp giữa thơ Đường và thơ Pháp, ngôn từ mang đậm tính chủ quan và thiên về cảm xúc cá nhân… các nhà thơ Mới đã để lại dấu ấn riêng trong hành trình sáng tạo ngôn ngữ của thế hệ mình.
Đặc trưng nổi bật nhất của ngôn ngữ thơ Mới là: ngôn từ thơ Mới mang đậm tính chủ quan, thiên về cảm xúc, cảm giác. Trong rất nhiều biểu hiện của ý thức cá nhân, cái tôi chủ thể thơ Mới đã thể hiện khát vọng được “thành thực”, được nói lên “sự thật” của tâm hồn bằng tiếng nói riêng của mình. Sự thức tỉnh của ý thức cá nhân đã tạo cho cái tôi trữ tình trong thơ Mới một tư thế mới. Các nhà thơ Mới với ý thức cá nhân và sức mạnh của tiếng nói nội tâm đã tìm đến những câu chữ thích hợp để diễn tả đúng những rung động tinh tế của tâm hồn một cách sinh động nhất.
Ngôn ngữ thơ Mới đã được chủ thể hóa cao độ. Cái tôi thơ Mới trở thành cái tôi chủ ngữ. Cấu trúc ngôn ngữ thơ Mới thể hiện tính chủ thể hóa cao độ, đúng như Nguyễn Đăng Điệp nhận xét: “Mô hình danh từ + là + danh từ trở thành mô hình cú pháp cơ bản khi các nhà thơ mới tìm cách xác lập và khẳng định vị thế của cái tôi cá thể trong thơ”: “Tôi là một kẻ mơ màng – Yêu sống trong đời giản dị, bình thường – Cùng với Nàng Thơ tháng năm ca hát” (“Trả lời” – Thế Lữ); “Tôi là một kẻ điên cuồng – Yêu những ái tình ngây dại” (“Thở than” – Xuân Diệu)…
Ngôn ngữ thơ Mới thiên về bộc lộ trực tiếp tâm trạng, là ngôn ngữ cảm xúc, cảm giác. Thơ Mới bộc lộ một cách trực tiếp tất cả mọi cung bậc và sắc thái tình cảm: vui, buồn, hờn, giận, thiết tha, say đắm, mộng mơ, cay đắng, xót xa… Đây cũng là xu hướng chính của thơ Mới ở giai đoạn đầu phát triển. Ngôn ngữ thơ Mới mang đậm dấu ấn của chủ nghĩa lãng mạn. Sự đa dạng của cảm xúc hiện ra trong từng “mao mạch” của thế giới ngôn từ. Trong chặng mở đầu, ngôn ngữ thơ Mới thường mang theo cái rạo rực, mê say tạo nên những khúc ca vui, niềm hy vọng với chất lãng mạn say người… Nhưng cảm giác đó lưu lại không lâu ở thơ Mới, thơ Mới dần chuyển cả cung đàn của mình sang thể hiện nỗi buồn thế hệ. Nỗi buồn thơ Mới buổi ban đầu thường nhẹ mà man mác bâng khuâng:
“Tiếng đưa hiu hắt bên lòng
Buồn ơi! xa vắng mênh mông là buồn…”
(Tiếng sáo Thiên Thai – Thế Lữ)
“Êm êm chiều ngẩn ngơ chiều
Lòng không sao cả hiu hiu khẽ buồn”
(Chiều – Xuân Diệu)
“Đây bãi cô liêu lạnh hững hờ
Với buồn phơn phớt, vắng trơ vơ”
(Cuối thu – Hàn Mặc Tử)
Càng về sau, cảm xúc của các nhà thơ càng nhức nhối, đau đớn tựa như những con sóng tràn bờ, miên man một giai điệu buồn:
“Tiếng gà gáy buồn nghe như máu ứa
Chết không gian, khô héo cả hồn cao!”
(Hè – Xuân Diệu)
“Trời ơi! Chán nản đương vây phủ
Ý tưởng hồn tôi giữa cõi Tang!”
(Thu – Chế Lan Viên)
Cùng với sự đa điệu của cảm xúc, ngôn ngữ thơ Mới đầy cảm giác. Thơ Mới phá tung ước lệ cổ điển để đi đến tận cùng của cảm giác. Để bộc lộ đến tận cùng thế giới cảm xúc trong tâm hồn mình, các nhà thơ Mới sử dụng với tần số cao các tính từ, động từ và hư từ trong thơ của mình. Xuân Diệu là nhà thơ táo bạo trong việc sáng tạo và đưa hệ thống ngôn ngữ độc đáo vào thơ. Trong “Vội vàng”, để thể hiện triết lí sống vội vàng, phương thức sống hết mình, quý trọng từng giây từng phút của cuộc đời, nhất là những năm tháng của tuổi trẻ, sống là chạy đua với thời gian để được tận hiến và tận hưởng mọi hương sắc của thời tươi, Xuân Diệu đã có những câu thơ táo bạo vào loại bậc nhất của thơ Việt hiện đại:
“Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước và cây và cỏ rạng
Cho chếnh choáng mùi thơm cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi
– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”
(Vội vàng – Xuân Diệu)
Trong đoạn thơ có sự xuất hiện những chuỗi động từ như: ôm, riết, say, thâu, cắn cùng một loạt tính từ: no nê, chếnh choáng, đã đầy diễn tả những hành động, những trạng thái mạnh mẽ bộc lộ một con người đang tận hưởng những vẻ đẹp của sức sống trong cuộc đời này. Xưa nay, thi ca dường như hiếm khi xuất hiện những động từ mạnh để diễn tả cảm xúc.
Ngay trong những vần thơ tiêu biểu của phong trào thơ Mới thì âm hưởng chủ đạo vẫn là nỗi buồn. Những nỗi buồn nhiều vẻ, nhiều cung bậc đã trở thành điệu hồn chung của thơ Mới nói chung. Giờ đây, với “Vội vàng“, Xuân Diệu đã đem đến cho người đọc một cảm giác hoàn toàn mới mẻ khi sử dụng những động từ mạnh để diễn tả niềm khao khát vô cùng của thi nhân. Đặc biệt là sự tăng tiến của động từ đó ngày một gấp gáp hơn, mãnh liệt hơn: từ ôm, đến ghì, riết rồi đến say, thâu và cuối cùng là cắn.
Hình ảnh thi sĩ hiện ra qua lớp lớp những động từ đó là một con người say đắm vô cùng trước cuộc đời, coi cuộc đời là thiên đường của tuổi trẻ, mỗi ngày trôi qua giống như một ngày hội, không bao giờ chán nản. Yêu đời là gắn bó thiết tha với cuộc đời, là bắt rễ vào những mạch nguồn khác nhau của cuộc sống, cảm nhận cuộc sống bằng đầy đủ những giác quan. Điều quan trọng không phải là tình yêu cuộc đời mà là mức độ của tình yêu đó.
Khi đạt tới độ viên mãn thì “no nê”, “chếnh choáng”, đã đầy chính là dạng thức của một tâm hồn thi sĩ tìm được những lẽ sống của mình. Xuân Diệu đã được là chính mình, là thi sĩ với một tâm hồn dào dạt sức trẻ. Bản sắc của cái “tôi” trữ tình của được thể hiện qua hệ thống lớp lớp liên tiếp những từ quan hệ như: và, cho tạo nên vẻ đẹp hiện đại của đoạn thơ. Xuân Diệu sử dụng những từ chỉ quan hệ hết sức mới mẻ tạo nên một sự gắn kết những hình ảnh thơ. Qua đó người đọc cảm nhận được những nhịp đập của trái tim yêu và sống hết mình cho cuộc đời này. Mỗi câu thơ giống như lớp sóng ngôn từ thể hiện những cảm xúc chứa chan tình yêu cuộc sống của một trái tim luôn khát khao giao cảm với cuộc đời và con người. Ngôn ngữ thơ Xuân Diệu gợi hình, gợi cảm là thứ ngôn ngữ đầy hiệu quả để diễn tả thế giới cảm xúc phong phú của thi nhân.
Trong vòng một thời gian ngắn, ngôn từ nghệ thuật thơ Mới đã có những cách tân mạnh mẽ. Sự đổi mới ngôn từ thơ Mới, trước hết, nhằm biểu đạt những nhận thức mới về đời sống, về xã hội, nhằm diễn đạt những cảm xúc, những khát vọng. Từ thực tế biểu hiện ấy, các nhà thơ Mới đã tạo cho ngôn từ một quyền lực mới. Đồng thời với nỗ lực biểu đạt những cảm nhận mới, tư duy ngôn ngữ của các nhà thơ Mới đã thay đổi. Họ đã tạo ra những dấu ấn ngôn từ riêng của thế hệ mình.
Quá trình ấy, các nhà thơ mới đã thực hiện một nhiệm vụ lịch sử: Đổi mới ngôn ngữ thơ Việt Nam, bảo tồn và phát triển ngôn ngữ tiếng Việt. Kết quả của quá trình này, diễn ngôn thơ Việt Nam đã chuyển từ trữ tình “điệu ngâm” sang một lộ trình mới gắn với dòng trữ tình “điệu nói”, đưa thơ về gần với đời sống, hòa nhập với quá trình hiện đại hóa văn học thế giới.
Đặc điểm ngôn ngữ nghệ thuật thơ Cách mạng Việt Nam (1945-1975).
Ngôn ngữ thơ giai đoạn 1945-1975 cũng có những biến đổi mạnh mẽ so với ngôn ngữ thơ giai đoạn trước Cách mạng. Thời kỳ đầu, thơ kháng chiến còn ảnh hưởng ngôn ngữ thơ cũ, còn sử dụng ngôn ngữ bác học như bụi trường chinh, áo hào hoa, kinh thành, biên cương, thây rơi,…nhưng trên cơ sở kế thừa và tiến xa hơn, ngôn ngữ thơ kháng chiến gần gũi với tất cả mọi người dân Việt Nam.
Thơ ca kháng chiến đã dần gạt bỏ được sự cầu kỳ, kiểu cách để tìm đến và tiếp nhận được sự phong phú của ngôn ngữ trong đời sống, với cuộc chiến đấu của nhân dân ta. Chính điều đó đã tạo cho thơ có khả năng tác động mạnh mẽ hơn đối với tình cảm, nhận thức của người đọc. Xu hướng chung là đưa ngôn ngữ thơ phát triển về phía hiện thực đời sống, trước hết là đời sống lao động, đấu tranh của quần chúng nhân dân, về gần với lời ăn tiếng nói hằng ngày, tự nhiên, bình dị, sinh động. Có thể bắt gặp khá nhiều trong thơ những từ ngữ, cách nói mang tính khẩu ngữ của quần chúng.
Từ những so sánh, theo lối ví von của ca dao: “Mưa phùn ướt áo tứ thân/ Mưa bao nhiêu hạt thương bầm bấy nhiêu” (Tố Hữu) đến những lời chất phác, thật thà của người dân quê miền Trung: “Thương anh, nỏ có – cầu anh mạnh/ Anh nện thằng Tây bổ sọ dừa” (Hồ Vi), “Đồng chí nứ vui vui/ Đồng chí nứ dạy tôi dăm tối chữ/ Đồng chí mô nhớ nữa/ Kể chuyện Bình Trị thiên/ Cho bầy tôi nghe ví” (Nhớ – Hồng Nguyên). Từ địa phương được đưa vào thơ khá rộng rãi và nhiều trường hợp đã góp phần tạo nên chất liệu hiện thực với sắc thái riêng độc đáo của bài thơ.
Ngôn ngữ thơ giai đoạn này còn nổi bật ở việc sử dụng rộng rãi các địa danh.
Trong thơ Việt Nam, chưa bao giờ các địa danh của mọi vùng miền lại xuất hiện nhiều và phổ biến như ở thời kì này, thậm chí nó còn dày đặc trong một bài thơ hay một câu thơ: “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi”, “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi/ Mường Lát hoa về trong đêm hơi” (Tây Tiến), “Tin vui chiến thắng trăm miền/ Hòa bình Tây Bắc, Điện Biên vui về/ Vui từ Đồng Tháp, An Khê/ Vui lên Việt Bắc, Đèo De, Núi Hồng” (Tố Hữu)… Đằng sau những địa danh ấy là một vùng đất đai, xứ sở của Tổ quốc, là sự chất chứa những vẻ đẹp, những đau thương, những kỉ niệm và niềm yêu mến của con người.
Ngoài từ ngữ sinh hoạt, các từ ngữ thuộc lĩnh vực chính trị, quân sự cũng có mặt ở không ít bài thơ, điều này phản ánh sự tham gia tích cực và tâm lí hào hứng của quần chúng với đời sống chính trị, quân sự của dân tộc. Xuất phát từ ngôn ngữ đời sống xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mĩ của dân tộc, do đó thơ thời kỳ này ngôn ngữ thể hiện đậm đà tính thời sự và tính chiến đấu. Cho nên, trong thơ xuất hiện một hệ thống từ ngữ mới mà ở thơ ca trước đó không có hoặc ít thể hiện.
“Như hôm nay giữa công trường đỏ bụi
Những đoàn xe vận tải nối nhau đi.”
(Bài ca xuân 1961- Tố Hữu)
“Ba lô nằm đợi hành quân
Lá ngụy trang vẫn cài trên mũ.”
(Ngủ rừng theo đội hình đánh giặc- Nguyễn Đức Mậu)
“Cuộc đời trải mút mắt ta
Lối mòn nhỏ cũng dẫn ra chiến trường
Những người sốt rét đương cơn
Dấu chân bấm xuống đường trơn có nhòe?”
(Dấu chân qua trảng cỏ – Thanh Thảo)
So với thơ ca giai đoạn trước Cách mạng, thơ ca 1945-1975 không chú trọng vào việc làm mới ngôn ngữ, không chú trọng vào việc dùng từ, đặt câu. Chính vì vậy, ta không thấy xuất hiện nhiều những hiện tượng nhà thơ tạo được “vân chữ” trong thơ của mình giai đoạn này. Ngôn ngữ thơ của các nhà thơ cách mạng đều giản dị, dễ hiểu, trong sáng. Có lẽ vì thế mà độ phổ quát của thơ cách mạng rất rộng lớn.
Trong “Đồng chí“ của Chính Hữu, ta bắt gặp một ngôn ngữ giản dị, một ngôn ngữ bám sát đời sống, một ngôn ngữ rất gần với lời thường của những người lính. Nhưng đáng nói hơn có lẽ là cách dùng thành ngữ và tổ chức ngôn từ theo phong cách thành ngữ. Trong một bài thơ không dài, Chính Hữu đã dùng nhiều thành ngữ và cụm từ theo lối thành ngữ: Nước mặn đồng chua, Giếng nước gốc đa, Rừng hoang sương muối, Đầu súng trăng treo. Dùng cách tổ chức ngôn từ theo lối thành ngữ, Đồng chí giản dị mà vẫn sâu sắc vô cùng.
Đặc điểm ngôn ngữ thơ Việt sau 1975 đến hết thế kỉ XX.
Sau năm 1975, đất nước hòa bình, cuộc sống mới đặt ra nhiều vấn đề thiết thực. Để nói, để viết cho hết, cho đúng cái thực tại ấy, các nhà thơ cần đến tiếng nói của đời thường. Đó cũng là lí do để các tác giả có ý thức đưa ngôn ngữ đời thường vào thơ. Trước hết là cách nói dân gian được nhiều nhà thơ sử dụng khiến cho thơ vừa dễ nhập vào người đọc, vừa có khả năng tạo nên tiếng cười trong thơ. Tiêu biểu cho cách nói này là nhà thơ Nguyễn Duy. Thơ Nguyễn Duy có những “kiểu “xẩm ngọng” và giọng điệu “bụi bậm” đã khiến cho thơ trở nên “tếu táo” hơn và cũng “gần gũi với người đọc hơn”. Những từ láy trong thơ Nguyễn Duy cũng đặc biệt: “Đàn kêu tinh tỉnh tình tinh”, “Đàn kêu tang tảng tàng tang” (Xẩm ngọng),….
Những từ láy ba, láy tư được dùng theo kiểu riêng của Nguyễn Duy như một điểm nhấn của ngôn ngữ đời thường trong thơ sau năm 1975. Ngôn ngữ thơ giai đoạn này hướng đến sự giản dị, không cầu kỳ kiểu cách, với một hệ thống từ ngữ có sắc thái đời thường, gần gũi với cuộc sống con người. Nhiều từ ngữ, hình ảnh được sử dụng trong thơ sau năm 1975 mang đậm tính thời đại. Các tác giả đưa vào thơ những hình ảnh, từ ngữ mà ở trong đời sống nó được xem như là dấu hiệu của một xã hội mới – xã hội hiện đại hóa.
Cuộc sống hôm nay với nhiều màu sắc phong phú và sự phối màu cuộc sống cũng phức tạp hơn rất nhiều so với giai đoạn trước đó. Bởi vậy, trong thơ sau năm 1975 có rất nhiều từ được dùng để gọi cuộc đời với tính chất của nó ẩn đằng sau từng con chữ. Đó là chợ đời, nợ đời, chợ tình trong thơ Trần Mạnh Hùng, là cái khôn – cái dại, cái ngắn – cái dài, cái rộng – cái hẹp, cái dở – cái hay trong thơ Lương Quy Nhân, … Những chữ ấy dẫu chưa ở trong thơ cũng đã nghe ra được một chút gì chua xót, một nỗi băn khoăn, một sự đắn đo lựa chọn, một nỗi e ngại trước những biến đổi đang diễn ra trước mắt.
Trong thơ sau năm 1975, người đọc còn nhận thấy một loại từ diễn tả tính chất ăn năn, hối hận của bản thân con người: tôi sững sờ, tôi hốt hoảng, tôi day dứt, tôi nhận biết, tôi ngỡ, tôi đâu biết, chợt thấy mình có lỗi, bỗng tôi chợt thấy rằng, xin cúi đầu,…:
“Tôi sững sờ
Gặp lại dáng mẹ tôi quạt thóc
Bên đường hai mươi năm về trước
(…)
Từ bàn tay của má
Thổi vào hồn tôi những ngọn gió buồn
Thổi vào hư không một luồng gió gắt
Thổi vào cuộc đời bao điều day dứt.”
(Má quạt thóc bên đường – Dương Kỳ Anh)
Bên cạnh đó, ngôn ngữ thơ sau 1975 thể hiện những vấn đề về tính dục. Sự xuất hiện của nội dung sex trong thơ ở giai đoạn trước không phải không có nhưng được diễn đạt bằng những hình ảnh bóng bẩy, tượng trưng,…Còn ở giai đoạn sau những bài thơ có nội dung sex lại đậm đặc từ ngữ “trần trụi”.
Có thể thấy, ngôn ngữ thơ sau 1975 được mở rộng hoàn toàn về biên độ. Chính điều đó đã giúp thơ đi sâu diễn tả cái phong phú, cái bộn bề và phức tạp của cuộc sống và tâm lí của con người thời hiện đại.
“Tôi giản dị đồng nhất thơ vào chữ”
(Trần Dần)
Khao khát đưa thơ trở về với chính nó buộc các nhà thơ hiện đại phải nhận rõ cái gì là đặc trưng cốt tủy của thơ, đâu là hạt nhân chủ chốt quyết định tính thơ. Những băn khoăn ấy đưa người làm thơ đối mặt với vấn đề ngôn ngữ. Ám ảnh thường trực về giới hạn của ngôn ngữ, về nguy cơ cạn kiệt, bị mòn hóa của các biểu tượng, các yếu tố ngữ nghĩa, ngữ pháp, các phương thức tu từ quen thuộc… thúc đẩy nhà thơ thực hiện sự “dấn thân” trên con chữ, thăm dò, khai thác, tạo sinh những khả năng mới của ngôn từ.
Lê Đạt tự nhận mình là phu chữ, suốt đời nâng niu bóng chữ, vân chữ. Dương Tường chú trọng vào con âm, tự làm nên thi pháp âm bồi. Theo đó con âm sẽ được lẩy lên trên bề mặt chữ. Cũng bởi vậy mà thơ Dương Tường giàu chất nhạc còn thơ Lê Đạt lại có dụng công đặc biệt trong việc tìm kiếm bóng chữ, cái không hiển hiện ra trên vỏ vật chất của ngôn ngữ. Bản thân cách gọi bóng chữ cũng là một kiểu chơi chữ của nhà thơ Lê Đạt. Hiểu theo cách đơn giản nhất, đó là nghĩa bóng của chữ, nhưng cũng có thể mỗi chữ trong thơ ông là cái bóng, đè lên những chữ khác hoặc con chữ có bóng – tức là con chữ sống, không ngừng biến đổi. Dưới cái bóng ấy, con chữ trong thơ Lê Đạt đa diện, lập thể, lung linh một “lịch sử chữ” góp phần tạo nên những cú pháp mới cho thơ. Đoạn thơ sau đây có thể coi là ví dụ điển hình cho sự sáng tạo chữ của các nhà thơ luôn mang trong mình mối “ưu tư” về chữ
“Anh đến mùa thu nhà em
Nắng cúc lăm răm vũng nhỏ
Mà cho đấy rửa lông mày
Nông nỗi heo may từ đó”
(Thu nhà em – Lê Đạt)
Những từ đập mạnh vào giác quan người đọc nhất ở đoạn thơ này chứa đựng nhiều kí ức về những văn bản khác. Chữ “lăm răm” chẳng hạn. Chữ đó đã được sử dụng từ thời của Tản Đà: “Ai đang độ ấy lăm răm mắt”. Cái chữ đó chưa hề có trong từ điển. Có lẽ nó là biến thể của những từ láy đã được định hình như “lăm tăm” (diễn tả những tăm nhỏ nổi lên trên mặt nước), lâm râm (mưa lâm râm ướt đầm lá hẹ). Truy nguyên xa hơn, chữ “lăm răm” có lẽ xuất phát từ ca dao: “Thương ai con mắt lá răm”.
Đến lượt Lê Đạt, chữ “lăm răm” được sử dụng lại, ngoài nét nghĩa miêu tả ánh mắt, còn có thêm nét nghĩa mới. Nó được chuyển hóa thành từ ngữ gợi tả chính xác về cảm giác và ánh nắng hắt trên mặt nước, thành từng gợn nắng lấp lánh. Câu thơ không tả gió mà dường như ta vẫn cảm thấy có gió chạm nhẹ vào mặt nước, khiến từng gợn nắng rung rinh. Hai nét nghĩa ấy trong câu thơ giao thoa không phân định rạch ròi. Như vậy, khai thác “lịch sử chữ”, với Lê Đạt không chỉ là tận dụng nét nghĩa đã có của chữ mà còn bao hàm cả hành động “lạ hóa” chữ, cấp cho chữ những nét nghĩa mới, từ đó khiến chữ không bao giờ trở nên khô cứng về nghĩa, về tính biểu cảm.