Qua bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh, hãy chứng minh: “bài thơ đã thể hiện được một tình yêu có tính chất truyền thống như tình yêu muôn đời nhưng vẫn mang tính chất hiện đại như tình yêu hôm nay”
- Mở bài:
Xuân Quỳnh là một trong những cây bút nữ tiêu biểu nhất của thi ca thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước và thời kỳ hậu chiến. Thơ của chị là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên, tươi tắn, vừa chân thành, đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng hạnh phúc bình dị đời thường. Bài thơ “Sóng” được viết năm 1967, in trong tập “Hoa dọc chiến hào”. Đây được xem là một trong những sáng tác thành công nhất của Xuân Quỳnh về đề tài tình yêu. Nhận xét về bài thơ, giáo sư Hà Minh Đức cho rằng qua tiếng lòng của người phụ nữ trong “Sóng” đã nhận ra “một tình yêu có tính chất truyền thống như tình yêu muôn đời”.
- Thân bài:
“Một tình yêu có tính chất truyền thống như tình yêu muôn đời”, nghĩa là, tình yêu của người phụ nữ trong bài thơ ấy đã mang những đặc điểm của một tình yêu truyền thống như bao nhiêu tình yêu của người phụ nữ khác. Tình yêu ấy luôn giữ cho mình nét hồn hậu, đằm thắm, nữ tính muôn đời. Nhưng ẩn đằng sau chất truyền thống ấy là “chất hiện đại như tình yêu hôm nay”. Đó là cá tính mạnh mẽ của người phụ nữ thế kỷ hai mươi bứt phá những nhỏ hẹp đời thường để đến với tình yêu rộng lớn bao la “Sông không hiểu nổi mình/Sóng tìm ra tận bể”. Hiện đại ở đây gắn liền với quan niệm tình yêu tự do chứ không phải là thụ động như tình yêu truyền thống.
Trước hết, “Sóng” thể hiện một tình yêu có tính chất truyền thống như tình yêu muôn đời”. Tình yêu muôn đời có tự thuở xa xưa, khi trai gái biết nhớ thương, tình yêu bắt đầu bén rễ, hẹn hò bắt đầu làm tim nhau xốn xang để “nghìn năm hồ dễ mấy ai quên” thì tình yêu đến. Nam giới thường tự do hơn trong tình yêu, tự do đến, tự do đi, tự do nói lời yêu, tự do bộc bạch. Còn phụ nữ, do đặc điểm về giới tính, về định kiến nên chuyện tình cảm đối với họ là điều khó bộc bạch.
Vậy nên, trong tình yêu của người phụ nữ Việt Nam, cái truyền thống ngàn đời bó buộc họ trong một cái “khuôn” có sẵn. Xuân Diệu khi yêu đã mượn sóng để nói lên điều mãnh liệt của tình yêu giới mình, cái vồ vập, ham muốn của đàn ông khiến cho ai đó đỏ mặt:
“Anh xin làm sóng biếc
Hôn mãi cát vàng em
Hôn thật khẽ thật êm
Hôn êm đềm mãi mãi
Đã hôn rồi hôn lại
Cho đến nát cả trời
Anh mới thôi dào dạt”
Thì Xuân Quỳnh lại mượn sóng để nói lên nét nữ tính đáng yêu ngàn đời của người phụ nữ.
“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”
Sóng là một hình tượng ẩn dụ vừa hóa thân vừa hòa nhập với cái tôi trữ tình. Và ở đây, sóng góp phần nói lên tình cảm, tình yêu của Xuân Quỳnh. Tình yêu ấy có nhiều trạng thái biểu hiện, khi lặng lẽ dịu êm, hiền hòa, êm dịu. Đó là chất nữ tính – một phẩm chất di truyền từ ngàn đời ở phụ nữ. Khi lại ồn ào, dữ dội với những ghen tuông, giận hờn vô cớ (cung bậc muôn đời khi yêu).
- Phân tích hai khổ thơ đầu bài thơ “Sóng’ của Xuân Quỳnh
- Cảm nhận vẻ đẹp hình tượng sóng trong bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh
- Cảm nhận vẻ đẹp và sức mạnh của tình yêu tuổi trẻ qua bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh
- So sánh khát vọng tình yêu trong bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh và Vội vàng của Xuân Diệu
Hai trạng thái cảm xúc ấy “Dữ dội – dịu êm/Ồn ào – lặng lẽ” là đối cực của sóng nhưng cũng là những cảm xúc nội tâm đầy phức tạp, mâu thuẫn nhưng cũng rất thống nhất hài hòa trong tâm hồn của người phụ nữ khi yêu. Xuân Quỳnh dùng quan hệ từ “và” ở giữa hai sự tương phản ấy chứ không phải là từ “nhưng”. Nếu là “nhưng” thì sự tương phản đối lập là hoàn toàn. Còn “và” thì trong cái dịu êm có cái dữ dội, trong ồn ào có cái lặng lẽ. Sự quân bình giữa hai trạng thái tâm hồn ấy tạo nên tình yêu muôn đời ở người phụ nữ thật đáng yêu làm sao.
Con sóng là sự vĩnh hằng của biển khơi (xưa cũng vậy và nay cũng vậy), và tình yêu luôn là sự khát khao bồi hồi của tuổi trẻ.
“Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ”
Quy luật muôn đời của tự nhiên là sóng “ngày xưa” hay “ngày sau” thì “vẫn thế”. Nghĩa là nó bất biến, không thay đổi. Nó vẫn chứa đựng trong nó những cung bậc dữ dội, ồn ào, dịu êm, lặng lẽ muôn thuở ấy. Từ quy luật muôn đời ấy của tự nhiên, Xuân Quỳnh cũng rất tự nhiên khi chạm vào lòng ta quy luật của tình yêu muôn đời:
“Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ”
Dường như tuổi trẻ sinh ra là để yêu, và tình yêu có vị trí đặc biệt cho riêng tuổi trẻ vì “Làm sao sống được mà không yêu/ Không nhớ không thương một kẻ nào” (Xuân Diệu). Tình yêu là “cái buổi ban đầu lưu luyến ấy” đến bên ta như những con sóng nhỏ vỗ vào hồn để tim ta bồi hồi trong lồng ngực, để tâm hồn ta trào dâng bao “khát vọng” cồn cào. Vâng! Ông hoàng thi ca tình yêu Xuân Diệu đã đúng khi nói “Hãy để trẻ nhỏ nói vị ngọt của viên kẹo/ Hãy để tuổi trẻ nói hộ lời yêu”. Ai đang ở vào độ tuổi mười tám đôi mươi, ai đã đi qua thời tuổi trẻ, chắc chắn sẽ hiểu điều này.
Tình yêu là một tình cảm lớn lao, thiêng liêng được phát triển theo quy luật chung của đời sống xã hội và quy luật riêng của mỗi tình yêu. Không dễ cắt nghĩa, luôn là những thắc mắc “Khi nào ta yêu nhau” và rất khó xác định, không theo một quy luật chung nhất.
“Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau?”
Biển cả là thiên nhiên thuộc về bao la, vô tận, vô cùng là ẩn dụ cho tình yêu vĩnh cửu vĩnh hằng. Trước biển, người con gái là em cảm thấy bé nhỏ quá. Nhìn những con sóng bất tận xô bờ mà lòng bỗng phân vân. Điệp ngữ “em nghĩ” ấy cứ láy đi láy lại hai lần để rồi trong tâm hồn người con gái nhiều ưu tư ấy bật lên nhiều trăn trở:
“Từ nơi nào sóng lên?
Gió bắt đầu từ đâu?
Khi nào ta yêu nhau?”
Ba câu hỏi ấy là hỏi về nguồn gốc của sóng gió và cũng là nguồn gốc bí ẩn muôn đời của tình yêu. Ba câu hỏi ấy có cùng chung một câu trả lời thật nữ tính, đáng yêu, rất ư là con gái:
“Em cũng không biết nữa”
Ta bắt gặp cái lắc đầu nhè nhẹ, cái bất lực đáng yêu, cái “giả nai” con gái. Thực ra là biết cả đấy nhưng cứ nói thế mới là em. Và bởi vì em như thế nên tình yêu càng trở nên bí ẩn để anh mãi mãi đi tìm.
Nét nghĩa nữa trong ý thơ về nguồn gốc tình yêu trên là: tình yêu muôn đời vẫn là một ẩn số. Nó tựa như một giai điệu không có nốt nhạc kết, một bài thơ không có kết thúc, một bài toán không có đáp số… Tình yêu là sự khám phá hai thế giới, khám phá hai vũ trụ mà sự ngăn cách là “giới hạn không thể vượt qua”. Vì thế nên không một định nghĩa nào thật hoàn chỉnh về tình yêu, hay nói đúng hơn là mọi định nghĩa về tình yêu đều trở nên gượng ép.
Nói chung, càng yêu say đắm bao nhiêu, chân thành bao nhiêu thì người ta càng không thể lý giải được ngọn nguồn của nó. Hiểu như thế, ta càng yêu, càng quý người con gái trong bài thơ này vì tình yêu ấy chắc chắn không hề vụ lợi, toan tính mà rất tự nhiên, rất chân thành, đằm thắm. Tình yêu truyền thống không thể thiếu nỗi nhớ thương và sự thủy chung. Nếu thủy chung là thước đo của tình yêu thì nỗi nhớ là nồng độ để đo độ thủy chung ấy:
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”
Có ai đó đã từng nói rằng: một trái tim đang nhớ là biểu hiện của một trái tim đang yêu còn một trái tim đã ngừng nhớ là biểu hiện của một tình yêu sắp sửa lụi tàn. Từ xưa tới nay, tình yêu luôn gắn liền với nỗi nhớ, nỗi nhớ gắn với hai đầu “ở hai đầu nỗi nhớ”. Nỗi nhớ là giai điệu chính của tình yêu lứa đôi. Tố Hữu từng có so sánh rất độc đáo trong bài Việt Bắc: ”Nhớ gì như nhớ người yêu”. Thế mới biết, nỗi nhớ người yêu là trên hết và có sức mạnh vượt qua mọi nỗi nhớ khác để trở thành nỗi ám ảnh của những người yêu nhau:
“Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai”
Hay:
“Đêm nằm lưng chẳng tới giường
Cứ mong trời sáng ra đường gặp anh”
Trong bài thơ “Sóng” nhà thơ mượn sóng để nói lên nỗi nhớ mãnh liệt của mình. Sóng nhớ bờ mà nỗi nhớ trùm lên mọi không gian “lòng sâu”, “mặt nước”, trùm lên mọi thời gian “ngày đêm không ngủ được” để khao khát hướng vào bờ. Nỗi nhớ ấy vừa hiện diện trong chiều rộng “trên mặt nước” vừa có chiều sâu “dưới lòng sâu”. Sóng không ngủ được cũng như em nhớ anh đến nỗi “cả trong mơ còn thức”. Xuân Quỳnh quả rất sâu sắc khi dùng đến sáu dòng thơ để bộc bạch nỗi nhớ. Trong đó hai câu cuối khổ năm quả rất tài tình:
“Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”
Chữ “lòng” thật gợi cảm, nó là thần nhãn của cả câu thơ. Ý thơ giàu sức gợi có lẽ cũng là ở đây. Lòng là nơi sâu thẳm của tâm hồn con người, nhất là tâm hồn người phụ nữ. Nơi ẩn giấu những tình cảm chân thành đằm thắm. Nơi để yêu thương, sầu khổ, dịu dàng… Và khi Xuân Quỳnh nói “Lòng em nhớ đến anh” thì hãy hiểu rằng, người con gái ấy đã nghiêng hết cả tình yêu, dốc cạn cả tim mình để hướng về phương anh rồi. Câu thơ “Cả trong mơ còn thức” diễn tả nỗi nhớ thường trực. Nghĩa là cả trong tiềm thức, ý thức lẫn vô thức, hình bóng của người yêu vẫn cứ ám ảnh đến ngọt ngào khiến em “ra ngẩn vào ngơ một mình”.
Tình yêu truyền thống của người phụ nữ Việt là gắn liền với thủy chung. Vì yêu thương của người phụ nữ Việt là canh bạc mà yêu thương là sự “đặt cược” cuối cùng. Mất hết yêu thương coi như là sự trắng tay. Nhưng dù sao đi nữa thì em vẫn:
“Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương”
Hai câu thơ đầu như một mệnh đề với cặp từ “dẫu” đứng ở đầu câu cùng phép điệp cấu trúc “Dẫu xuôi – Dẫu ngược”. Các động từ “xuôi”, “ngược” và không gian địa lý Bắc – Nam đã góp phần làm nhấn mạnh sự xa xôi cách trở, sự vất vả, gian nan. Để mệnh đề hai Xuân Quỳnh khẳng định: Dẫu xa xôi cách trở, dẫu vất vả gian nan thì:
“Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương”
“Nơi nào” – “cũng nghĩ” là cách diễn tả một cảm xúc thường trực, ám ảnh. Còn “hướng về anh” là sự toàn tâm toàn ý. Lại thêm dấu gạch nối ở giữa và chữ “một phương” ở cuối câu thơ. Càng chắc chắn thêm cho sự khẳng định hướng về anh là cả “toàn hồn” của em. Bởi như Xuân Quỳnh từng nói:
“Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt đời thường ai chẳng có
Dẫu ngừng đập khi cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi”
(Tự hát)
Đã yêu là tin và người phụ nữ trong tình yêu ngàn đời luôn tin điều đó. Niềm tin ấy đặt vào những con sóng biển. Sóng ở mãi tận giữa vô cùng, gặp muôn ngàn bão tố nhưng cuối cùng “Con nào chẳng tới bờ/Dù muôn vời cách trở”.
Thì tình yêu cũng thế, muốn có tình yêu bền vững, phải biết vượt qua những thử thách mới có được hạnh phúc. Vì:
“Tình ta như hàng cây
Đã qua mùa bão tố
Tình ta như dòng sông
Đã yên mùa thác lũ”
(Thư tình cuối mùa thu – Xuân Quỳnh)
Tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh không dừng ở mức độ tình yêu buổi đầu giản đơn hò hẹn, non nớt, ngọt ngào mà là tình yêu – hạnh phúc, tình yêu gắn với cuộc sống chung, với nhiều đòi hỏi ở chiều sâu của tình cảm, với nhiều minh chứng của thử thách, mang đậm dấu ấn trách nhiệm. Đặc biệt nó có “tính hiện đại như tình yêu hôm nay”.
Qua hình tượng sóng và toàn bộ bài thơ, ta cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn mới mẻ của người phụ nữ trong tình yêu. Đó là sự mạnh bạo, chủ động bày tỏ những khát khao yêu đương mãnh liệt và rung động rạo rực trong lòng mình. Nếu như những cô gái trong ca dao xưa khi yêu chỉ biết thụ động “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” để rồi không thể quyết định lấy được hạnh phúc của mình. Mãi mãi họ sống trong khổ đau:
“Em như con hạc đầu đình
Muốn bay chẳng nhấc nổi mình mà bay”
Thì ở đây không còn sự thụ động, chờ đợi ( như trong truyền thống) nữa. Nếu “Sông không chịu hiểu mình” thì sóng dứt khoát từ bỏ nơi chật hẹp đó, “tìm ra tận bể”, đến với cái cao rộng, bao dung. Vì sóng chỉ thực sự là sóng khi nó tìm về với đại dương. Đại dương thực sự là nơi vĩnh hằng của sóng. Còn lòng sông chật hẹp kia muôn đời sao có thể làm con sóng yên lòng được. Cũng như vậy, tình yêu hiện đại là tình yêu không cam chịu một tình cảm nhỏ nhen, ích kỷ, tầm thường. Vì vậy, nếu anh hẹp hòi và thiếu sự bao dung thì em sẵn sàng từ bỏ anh để ra đi tìm tình yêu rộng lớn hơn.
Tình yêu hiện đại đó còn là một tình yêu với nhiều cung bậc (dữ dội, dịu êm, ồn ào, lặng lẽ, cả trong mơ còn thức…). Có lúc chị còn muốn hiến dâng:
“Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ”
Cụm từ “tan ra” không phải mất đi mà trường tồn đến ngàn năm vì Xuân Quỳnh biết chọn biển lớn tình yêu mà vỗ sóng. Biển lớn là hình ảnh cường tráng của điểm tựa tình yêu, tình người khiến bài thơ ấm và chắc. Sức hút của bài thơ là sức hút của người con gái biết yêu chủ động, mãnh liệt, biết dành hết mình cho tình yêu. Tình yêu của cá nhân con người chỉ có thể trở thành vĩnh cửu và bất tử khi tình yêu đó hóa thân vào biển lớn của tình yêu nhân loại. Xuân Quỳnh đã dám yêu và dám thổ lộ tất cả, đó là nét mới mẻ hiện đại trong tình yêu.
Có thể nói “Sóng” là khát vọng tình yêu, tồn tại mãi trong trái tim giàu yêu thương của Xuân Quỳnh và của chúng ta. “Sóng” vừa mang tính chất truyền thống muôn đời vừa mang tính chất hiện đại của tình yêu hôm nay. Con sóng của Xuân Quỳnh vừa dịu dàng neo đậu vào bờ bến thuỷ chung vừa mới mẻ, hiện đại và táo bạo vô cùng.
Đó là cái gốc của truyền thống dân tộc bền chắc khiến con sóng của Xuân Quỳnh gần gũi với sóng của ca dao: “Chừng nào con sóng bỏ ghềnh/ Cù lao bỏ biển anh mới đành bỏ em”. Đến đây có thể khẳng định ý kiến của giáo sư Hà Minh Đức là hoàn toàn chính xác: Qua bài thơ Sóng, Xuân Quỳnh “đã thể hiện được một tình yêu có tính chất truyền thống như tình yêu muôn đời nhưng vẫn mang tính chất hiện đại như tình yêu hôm nay”.
- Kết bài:
Bài thơ “Sóng” giống như câu chuyện cổ tích về tình yêu. Nó đánh thức ta, khơi dậy trong ta về nguồn gốc, về đạo lý, ân tình của tình yêu khiến mỗi câu thơ như sợi chỉ đan vào tâm hồn ta bao sợi nhớ sợi thương. Từ đó soi chiếu vào tình yêu của mình chúng ta biết trân trọng những gì có trong cuộc sống hôm nay. hay nói như nhà phê bình Hà Minh Đức: “đã thể hiện được một tình yêu có tính chất truyền thống như tình yêu muôn đời nhưng vẫn mang tính chất hiện đại như tình yêu hôm nay”