»» Nội dung bài viết:
HAI ĐỨA TRẺ
– Thạch Lam –
I. Tìm hiểu chung.
1. Tác giả: Thạch Lam
– Thạch Lam là nhà văn tiêu biểu của văn học hiện đại Việt Nam.
– Là con người điềm đạm, nồng hậu và rất đỗi tinh tế.
– Có biệt tài về truyện ngắn. Mỗi truyện như một bài thơ trữ tình, giọng điệu điềm đạm, chứa đựng tình cảm chân thành và sự nhạy cảm tinh tế của nhà văn đối với tâm hồn con người. Văn phong trong sáng, giản dị mà thâm trầm, sâu sắc.
2. Tác phẩm: Truyện “Hai đứa trẻ”
– Xuất xứ: Trích trong tập “Nắng trong vườn” (1938). Tiêu biểu cho phong cách truyện ngắn của Thạch Lam, kết hợp giữa hai yếu tố hiện thực và lãng mạn.
II. Đọc – hiểu văn bản.
1. Bức tranh phố huyện lúc chiều tàn và tâm trạng của Liên:
* Bức tranh thiên nhiên:
– Từ âm thanh (Tiếng trống thu không gọi chiều về, tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng, tiếng muỗi vo ve…) đến hình ảnh, màu sắc (Phương tây đỏ rực như lửa cháy”, những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn”, “dãy tre làng cắt hình rõ rệt trên nền trời”….đã gợi tả chân thực một bức hoạ đồng quê quen thuộc, bình dị, buồn nhưng thơ mộng, gợi cảm rất Việt Nam.
– Câu văn: dịu êm, nhịp điệu chậm, giàu hình ảnh và nhạc điệu, uyển chuyển, tinh tế gợi những xúc cảm nồng hậu, ấm áp trước một bức tranh quê thân thuộc.Nghệ thuật miêu tả ý vị, giàu sức gợi rất đặc trưng của Thạch Lam.
* Bức tranh đời sống:
– Cảnh chợ tàn:
+ Chợ đã vãn từ lâu, người về hết và tiếng ồn ào cũng mất.
+ Chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và lá mía.
– Những phận người hiu hắt:
+ Mấy đứa trẻ con nhà nghèo tìm tòi, nhặt nhạnh những thứ còn sót lại ở chợ.
+ Mẹ con chị Tí: với cái hàng nước đơn sơ, vắng khách.
+ Bà cụ Thi: hơi điên đến mua rượu lúc đêm tối rồi đi lần vào bóng tối.
+ Bác Siêu với gánh hàng phở – một thứ quà xa xỉ.
+ Gia đình bác xẩm mù sống bằng lời ca tiếng đàn và lòng hảo tâm của khách qua đường.
⇒ Cảnh chợ tàn và những kiếp người tàn tạ: sự tàn lụi, sự nghèo đói, tiêu điều của phố huyện nghèo.
* Tâm trạng của Liên:
– Hoàn cảnh: Thiếu nữ mới lớn với tâm hồn nhạy cảm, tươi mới đã phải đối mặt với những mất mát, buồn thương (Bố thất nghiệp, gia đình sa sút, chuyển từ Hà nội về phố huyện nghèo, phải giúp mẹ bán hàng…).
– Tâm trạng:
+ Cảm nhận “mùi riêng của đất, của quê hương này” với một tấm lòng thuần hậu, đầy yêu mến.
+ Buồn thấm thía trước cảnh ngày tàn (Thấy lòng buồn man mác…) và những kiếp người tàn (Động lòng thương những đứa trẻ nhà nghèo nhưng chính chị cũng không có tiền mà cho chúng, xót thương mẹ con chị Tí ngày mò cua bắt tép, tối dọn cái hàng nước chè tươi chả kiếm được bao nhiêu).
+ Rung động trước vẻ đẹp giản dị của thiên nhiên, nhất là khao khát những nguồn ánh sáng
⇒ Liên là một cô bé có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, có lòng trắc ẩn, yêu thương con người.
– Liên là nhân vật Thạch Lam sáng tạo để kín đáo bày tỏ tình cảm của mình:
+ Yêu mến, gắn bó với thiên nhiên đất nước.
+ Xót thương đối với những kiếp người nghèo khổ, nhất là sự lụi tàn những vẻ đẹp tâm hồn trong hoàn cảnh cơ cực.
2. Bức tranh phố huyện lúc đêm khuya:
* Không gian có sự tương phản giữa “bóng tối” và “ánh sáng”:
– Phố huyện về đêm ngập chìm trong bóng tối: Bóng tối xâm nhập, bám sát mọi sinh hoạt của những con người nơi phố huyện. (“Đường phố và các ngõ con dần dần chứa đầy bóng tối”, “Tối hết con đường thẳm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng càng sẫm đen hơn nữa”).
– Ánh sáng của sự sống hiếm hoi, bé nhỏ. Đó là thứ ánh sáng yếu ớt, le lói như những kiếp người nghèo khổ nơi phố huyện. (Chấm sáng, hột sáng, khe sáng, vệt sáng….)
⇒ Sự tương phản ấy làm nổi bật hình ảnh những kiếp người nhỏ bé sống leo lét, tàn lụi trong đêm tối mênh mông của xã hội cũ.
* Đời sống của những kiếp người nghèo khổ trong bóng tối:
– Vẫn nhịp sống nghèo khổ quẩn quanh (Chị Tí dọn hàng nước, bác Siêu hàng phở thổi lửa, gia đình bác xẩm góp chuyện bằng mấy tiếng đàn bầu bật trong im lặng…) và tẻ nhạt (những mẩu đối thoại vẩn vơ, không chủ đích…,những mong chờ vô vọng về những người phu gạo, phu xe, mấy chú lính lệ vào hàng uống bát che tươi và hút điếu thuốc lào) và nhất là sự quen thuộc đến nhàm chán ( “Họ” là ai mọi người đều biết..),
– Tất cả đều khắc khoải mơ ước xa vời về tương lai chất chứa những buồn chán trước hiện tại: “chừng ấy người trong bóng tối dang mong đợi một cái gì tươi sáng cho cuộc sống nghèo khổ hàng ngày của họ”
– Giọng văn: chậm buồn, tha thiết thể hiện niềm cảm thương của Thạch Lam với những mảnh đời chìm dần đi trong bóng tối.
3. Hình ảnh chuyến tàu đêm qua phố.
– Hình ảnh đoàn tàu với âm thanh sôi động, ánh sáng rực rỡ như đã đem một thế giới khác đi qua.
– Tâm trạng đợi tàu:
* Lí do:
+ Để bán hàng
+ Để được nhìn chuyến tàu đêm đi qua – hoạt động cuối cùng của đêm khuya.
* Tâm trạng:
+ Trước khi tàu đến: hồi hộp, náo nức.
+ Khi tàu đến: vui sướng, hạnh phúc, mơ mộng.
+ Khi tàu qua: bâng khuâng, luyến tiếc.
* Ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh con tàu:
– Biểu tượng của một thế giới đáng sống: sự giàu sang và rực rỡ ánh sáng, nó đối lập với cuộc sống mỏi mòn, nghèo khổ, tối tăm của người dân phố huyện.
– Hình ảnh của Hà Nội, của hạnh phúc, của những kí ức tuổi thơ êm đềm.
– Là khát vọng vươn ra ánh sáng, vượt qua cuộc sống tù túng, quẩn quanh, không chấp nhận cuộc sống tầm thường, nhạt nhẽo đang vây quanh.
4. Thông điệp nhà văn muốn gửi gắm mang giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm:
– Xót thương những kiếp người phải lụi tàn đi trong bóng tối cuộc đời.
– Phủ nhận cuộc sống chìm trong cái “ao đời phẳng lặng” (Xuân Diệu). Con người phải sống cho ra sống, phải không ngừng khao khát và xây dựng cuộc sống có ý nghĩa.
– Hướng con người đến một cuộc sống đầy ánh sáng, hướng tới một cuộc sống tươi sáng.
5. Nghệ thuật.
– Cốt truyện đơn giản, nổi bật những dòng tâm trạng chảy trôi, những cảm xúc, cảm giác mong manh mơ hồ trong tâm hồn nhân vật.
– Bút pháp tương phản đối lập.
– Miêu tả sinh động những biến đổi tinh tế của cảnh vật và tâm trạng con người.
– Ngôn ngữ, hình ảnh giàu ý nghĩa tượng trưng.
– Giọng điệu thủ thỉ thấm đượm chất thơ, chất trữ tình sâu lắng.
6. Ý nghĩa văn bản.
Truyện ngắn Hai đứa trẻ thể hiện niềm cảm thương chân thành của Thạch Lam đối với những kiếp sống nghèo khổ, chìm khuất trong mỏi mòn, tăm tối, quẩn quanh nơi phố huyện trước Cách mạng và sự trân trọng với những mong ước bé nhỏ, bình dị mà tha thiết của họ.