Nhà phê bình người Nga Belinxky viết: “Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả, nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra những câu hỏi hoặc trả lời những câu hỏi đó” (Lí luận văn học).
Bằng hiểu biết về văn học, anh (chị) hãy bình luận và làm sáng tỏ ý kiến trên
Dàn ý:
1. Giải thích nhận định của Biê-lin-xki.
– Tác phẩm nghệ thuật nói chung và tác phẩm văn học nói riêng chỉ tồn tại mãi cùng thời gian là tác phẩm nghệ thuật chân chính, đích thực. Đó là tiếng nói tình cảm và lí trí của con người, là tiếng thét, là giọt nước mắt, tiếng kêu ai oán, là những câu hỏi, câu trả lời,… quyện vào cuộc sống và con người, quyện lấy thiên nhiên hồn thiêng sông núi.
– Văn học là tấm gương diệu kì phản ánh hiện thực và thời đại. “Nhà văn là người thư ký trung thành của thời đại” (Ban-zắc). Tác phẩm văn chương vừa tái hiện cuộc sống, giúp người đọc nhận thức cuộc sống muôn màu, hiểu cuộc sống, có thái độ đúng và những quan niệm sống đúng, sống đẹp; hiểu cái đẹp và cái cao cả. Văn học đích thực miêu tả không chỉ là sự miêu tả, sao chép như chụp lại nguyên xi hiện thực, không tái hiện cuộc sống một cách đơn điệu, khô cứng hay tô vẽ lòe loẹt.
– Văn chương chỉ tồn tại lâu bền trong lòng độc giả khi nó phán ánh được những vấn đề lớn lao của thời đại, nêu được những giá trị tư tưởng lớn lao, động tới chỗ cao sâu nhất trong tâm tư con người. “Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả,…”. Ngoài miêu tả cuộc sống, tác phẩm nghệ thuật cần thể hiện đúng những giá trị đích thực của nó. Tác phẩm văn học chân chính hướng đến và chia sẻ, đồng cảm với những khổ đau hay ca tụng hân hoan những niềm vui lạc quan và hạnh phúc con người;nó đặt ra những câu hỏi hoặc trả lời những câu hỏi lớn của cuộc sống con người.
– Theo nhà phê bình Nga Bi-ê-lin-xki, người nghệ sĩ chân chính, trước hết cần biết cảm thông sâu sắc với số phận của con người, biết xúc động trước những kiếp đời lầm than, đau khổ; biết nêu lên những giá trị nhân sinh, biết căm thù cái xấu, cái ác và trân trọng cái đẹp, cái cao thượng. Và bằng việc miêu tả hiện thực cuộc sống, nhà văn thể hiện được những điều đó trên trang viết của mình. Khi đó, những “tiếng thét”, ”lời ca tụng”, “câu hỏi”, “câu trả lời” sẽ trở thành những con chữ không còn nằm yên trên trang giấy, nó sẽ len lỏi vào từng ngóc ngách của tâm hồn người đọc, khiến cho họ phải cùng suy nghĩ, trăn trở và day dứt với nhà văn, cùng nhà văn đến một mục đích duy nhất của văn chương, là hướng con người tới cái Chân,Thiện, Mĩ. Người nghệ sĩ chân chính dám đối mặt với hiện thực, đương đầu với điều phi lý, bất công để đem công bằng, hạnh phúc về cho nhân loại.
2. Phân tích, bình luận ý kiến.
– Văn chương trước hết là cuộc đời, văn học luôn phản ánh cuộc đời qua lăng kính chủ quan của nhà văn. Mặt khác nhà văn không thể thoát ly, mơ tưởng lãng mạn, trái lại, người cầm bút chân chính cần có thái độ rõ ràng chân thực khi miêu tả những sự thật của đời sống xung quanh. Nam Cao đã viết “văn chương không cần những người thợ khéo tay…”, và khẳng định “sống rồi hãy viết”. Nhà văn có trách nhiệm, yêu nghề, yêu bạn đọc thường quan tâm thể hiện cho được những vấn đề lớn của cuộc sống: tình thương, sự bắc ái, công bình và giúp người gần người hơn.
(Chọn và phân tích một số tác phẩm nêu số phận và bi kịch của con người trong sáng tác của Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Tản Đà, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử…tùy theo sở trường và hiểu biết mỗi người)
– Văn học chính là tiếng nói tâm hồn tri âm tri kỷ. Nhà văn trước hết rung cảm và xúc động trước cảnh huống, trước một sự thật hoặc một phần sự thật để từ đó ghi lại, làm sống lại trong độc giả những cảm xúc và trải nghiệm đó. Bằng tài năng và tâm huyết, các tác giả nổi tiếng luôn nêu lên và lý giải những chiều sâu, những uẩn khúc thầm kín mà vẻ vang của tâm hồn con người trong những éo le của cuộc đời. Bên trong giữa những dòng chữ là cả máu và mồ hôi, nước mắt người nghệ sĩ. Tiếng khóc than của Nguyễn Du, của Hồ Xuân Hương, của Nguyễn Gia Thiều thương mãi những người tài sắc bị vùi dập hay tiếng lòng cụ Nguyễn Khuyến, cụ Tú Xương xót xa cảnh hàn nho lỡ vận. Tiếng nói của Thơ mới nước ta đầu thế kỷ XX như cây đàn muôn điệu; tiếng kêu xé ruột bao kiếp người ngựa nghèo khổ của người dân nghèo bị bần cùng đến tuyệt lộ trong sáng tác của Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng; tiếng cười cay đắng mỉa mai kiếp người trong tác phẩm Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan; những tiếng hát tranh đấu đòi quyền tự do, chống thực dân đế quốc trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Chí Minh, Tố Hữu,…
– Văn học không chỉ phản ánh hiện thực,phản ánh những đau khổ mà còn ngợi ca những vẻ đẹp, những niềm vui hạnh phúc của cuộc sống, của con người. Nhiều tác phẩm trứ danh viết về tình yêu thiên nhiên, tình yêu con người, ca ngợi cuộc sống và tình yêu, ca ngợi cái đẹp lý tưởng, cái đẹp cuộc sống và tâm hồn con người. Cái đẹp vang bóng một thời trong sáng tác của Nguyễn Tuân; bài ca sông Hương núi Ngự đẹp như bài thơ trong Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường; cuộc sống như thiên đường trong thi phẩm Vội vàng của Xuân Diệu; tình yêu đẹp trong thơ Xuân Quỳnh, thơ Pus-kin, thơ Ta-go; những thông điệp nhân sinh trong kịch của Lưu Quang Vũ, trong sáng tác của Lỗ Tấn hay những bài ca tuyệt đẹp ca ngợi con người trong Ông già và biển cả của Hê-ming-uê hay Số phận con người của Sô-lô-khốp…
– Văn chương chỉ sống mãi được khi nó đặt ra và trả lời những câu hỏi của con người.Nếu sáng tác đó, dù có được viết thận trọng và tinh diệu đến đâu,nhưng không để lại trong lòng người đọc những day dứt, ám ảnh thì nó cũng sẽ chết, người ta đọc rồi quên ngay.Văn chương chỉ thực sự là văn chương, nghệ thuật chỉ thực sự là nghệ thuật khi nó phản ánh hiện thực thông qua bầu cảm xúc nồng nàn mãnh liệt của nhà văn, khi mỗi tác phẩm đặt ra một vấn đề để người đọc phải day day dứt, trăn trở. Tiếng kêu đòi lương thiện của Chí Phèo (tác phẩm cùng tên – Nam Cao), tiếng khóc của cái Tí van xin đừng bán nó (Tắt đèn- Ngô Tất Tố), tấm lòng của Lão Hạc (Lão Hạc – Nam Cao)làm xúc động nhiều thế hệ người đọc…Văn học thực hiện sứ mệnh cao cả góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, trong sáng hơn, giúp người gần người hơn. Văn học phải là “ thứ khí giới thanh cao và đắc lực” để “tố cáo và thay đổi thế giới giả dối và tàn ác”. Trong mỗi tác phẩm tốt là một thế giới mới với những tư tưởng tiến bộ, với những con người xứng đáng và thân thiện. Nhà văn trước hết là người ham mê sáng tạo và có tâm có tầm để hoàn thành những nhiệm vụ cao cả của nhà văn, góp phần làm cho thế giới ngày càng mới hơn, đẹp hơn và thân thiện hơn.
– Nghệ thuật chân chính, theo nhà phê bình Bi-ê-lin-xki, rất cần cái hay cái đẹp của hình thức nghệ thuật. Tác phẩm văn chương có tính nghệ thuật chẳng những có tư tưởng, tình cảm sâu sắc mà còn cần chuyển tải thông tin về cuộc sống và cái đẹp qua hệ thống ngôn từ nghệ thuật và các phương thức biểu đạt chọn lọc hiệu quả. Sự hoàn thiện về nội dung và sự sáng tạo mới mẻ về hình thức nghệ thuật sẽ làm cho tác phẩm văn chương thêm cuốn hút và không bao giờ chết trong lòng người đọc.
Bài văn tham khảo:
Mở bài:
Dostoevsky khi lí giải động lực khiến mình cầm bút đã nói rằng: “Tôi hãy còn một trái tim, một dòng máu nóng để yêu thương, cảm thông và chia sẻ”. Còn R.Tagore mong muốn sau khi từ giã cõi đời, được nhắn nhủ lại một lời: “Tôi đã từng yêu”. Có phải bởi những nhà văn, nhà thơ vĩ đại – những con người đã sống, đã sống hết mình và yêu hết mình với cuộc đời, với con người bởi thấm thía sâu sắc rằng: “Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả, nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra những câu hỏi hoặc trả lời những câu hỏi đó” (Belinxky).
- Thân bài:
Saltykov Shchedrin đã từng nói: “Nghệ thuật nằm ngoài quy luật của sự băng hoại. Chỉ mình nó khổng thừa nhận cái chết”. Vậy điều gì đã khiến các tác phẩm nghệ thuật bất tử? Ở tài năng hay ở tấm lòng của người cầm bút?
Ý kiến của nhà phê bình Bi-ê-lin-xki trên đây đã khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng, thậm chí, quyết định của tư tưởng, tình cảm, hay nói cách khác, cái tâm của người cầm bút quyết định sức sống của một tác phẩm nghệ thuật, ở đây được hiểu là tác phẩm văn học. Tác phẩm văn học chỉ sống được trong những tư tưởng, tình cảm mãnh liệt của người cầm bút mà thôi.
Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả. Trước hết, qua nhận xét của mình, Bi-ê-lin-xki muốn lên án thứ văn chương “miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả”. Đúng là văn học nghệ thuật ra đời để miêu tả, phản ánh hiện thực cuộc sống con người. Nhưng đó không phải là mục đích duy nhất của văn học.
Nếu văn học chỉ miêu tả cuộc sống đơn thuần không thôi thì đó đâu khác bức ảnh, bản photo nguyên xi, máy móc, vô hồn về cuộc sống. Và liệu rằng các tác phẩm ấy có thể cung cấp cho người đọc nhiều hiểu biết chính xác, phong phú, khách quan hơn các công trình nghiên cứu khoa học được chăng? Sao chép nguyên xi hiện thực, mô phỏng cuộc sống một cách vụng về, văn học nghệ thuật sẽ không còn là văn học, sẽ “chết” như cách nói của Bi-ê-lin-xki.
- Nghị luận: “Mỗi tác phẩm là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung” (Lêônit Lêônôp)
- Chứng minh: “Tác phẩm vừa là kết tinh của tâm hồn người sáng tác, vừa là sợi dây truyền cho mọi người sự sống mà nghệ sĩ mang trong lòng”
- Chứng minh: “Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả, nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra những câu hỏi hoặc trả lời những câu hỏi đó” (Lí luận văn học)
Tác phẩm nghệ thuật phải là “tiếng kêu đau khổ”. Vậy điều gì giúp cho các tác phẩm văn học, mặc dù vẫn miêu tả, thể hiện những khám phá về cuộc sống lại không trở thành những bức ảnh vô hồn hay những bản thống kê chi tiết đến khô cứng, lạnh lùng? Bi-ê-lin-xki đã chỉ ra rằng, tác phẩm ấy phải là tiếng thét khổ đau hoặc lời ca tụng hân hoan, tức là phải in đậm bầu cảm xúc mãnh liệt của người nghệ sĩ.
Bởi lẽ văn học là làm theo quy luật của tình cảm. Văn học là sự lên tiếng thôi thúc của những trái tim. Nhà văn chỉ viết được khi “trong tim ta cuộc sống đã tràn đầy”. Nếu như các ngành khoa học loại bỏ cái tôi trong nghiên cứu thì các ngành nghệ thuật, trong đó có văn học lại lấy cái tôi làm điểm tựa cho sự sáng tạo. Viên Mai đã từng nói: “Làm người thì không nên có cái tôi nhưng làm thơ không thể không có cái tôi”. Thơ nói riêng và văn học nói chung không thể thiếu cái tôi – ở đây là dấu ấn tư tưởng tình cảm của người nghệ sĩ.
Làm sao nhà văn có thể viết khi đứng trước hiện thực cuộc sống, trái tim anh không hề rung động, không hề xúc cảm? Hiện thực cuộc sống, dù phong phú, kì diệu đến mấy mà không được thổi hồn bởi những tình cảm mãnh liệt của người cầm bút thì cũng chỉ là những hình ảnh lay lắt, không có sức sống trong tác phẩm mà thôi. “Đừng cậy thời đại anh hùng nếu tâm hồn anh cứ bé” – ấy là lời nhắn nhủ chân thành, lời khuyên răn chính mình của nhà thơ Chế Lan Viên. Cho hay, đó cũng chính là điều sinh tử với những người cầm bút.
Tình cảm không chỉ là “khâu đầu tiên” mà còn là “khâu cuối cùng” trong quá trình hình thành một tác phẩm văn học. Văn học chỉ sống được trong tấm lòng đồng cảm của người đọc. Vậy làm sao tác phẩm nghệ thuật có thể lay động sâu xa tâm hồn người đọc, có thể khiến độc giả cùng vui, buồn, xôn xao, giận hờn, đau khổ, căm phẫn… cùng nhân vật khi nhà văn không thực sự xúc cảm, không viết nên từ “chiều sâu con tim”?
“Thơ muốn làm cho người ta khóc, trước tiên mình phải khóc, muốn làm cho người ta cười, trước hết mình phải cười”. Nhà văn phải đau cái đau của nhân vật, phải buồn cái buồn của nhân vật, vui cái vui của cuộc sống, của con người, khi ấy tác phẩm của anh mới có sức “đồng cảm mãnh liệt và quảng đại”. Cảm xúc trơ lì, sáo mòn; tình cảm nông cạn hời hợt, giả dối; tác phẩm chỉ là những con chữ vô hôồn, xác bướm ép khô không gây xúc động nơi người đọc. Thơ nối liền trái tim nghệ sĩ với tâm hồn độc giả, để trong đời này có nhiều yêu thương, sẻ chia hơn.
Nhà văn Nga Gercen đã từng cho rằng: “Nhà văn là một nỗi đau khổ”. Khổ đau trong cuộc đời, các nhà văn đã thấu hiểu sâu sắc “mọi nỗi đau đớn của con người thời đại, đã rung động tận đáy tâm hồn với những lo âu, bực bội, tủi hổ,… của loài người” (Đặng Thai Mai). Nguyễn Du đã viết Truyện Kiều bởi “nỗi đau đớn lòng” trước những điều Người đã “trông thấy”, đã từng trải qua trong cuộc đời.
Truyện Kiều là tiếng kêu đứt ruột về những kiếp sống bị đọa đày. Ai biết trong mười lăm năm lưu lạc của mình, Thuý Kiều đã từng bao lần rơi lệ, đã từng bao lần bị đánh đập, hành hạ? Và ai biết được, người nghệ sĩ có trái tim nhân đạo vĩ đại – Nguyễn Du đã bao lần nhỏ lệ trước “số phận một con người” bất hạnh, đau đớn ê chề. “Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều”. Nỗi đau ấy đã một lần thôi thúc Người viết nên hai câu thơ, mà hôm nay và mai sau hãy còn vang vọng:
“Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng cũng là lời chung”.
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Không cầu kì, hoa mĩ, đó là những lời huyết lệ, những lời tâm can của chính Nguyễn Du. Những câu thơ như thế, có gì hay, có gì mà hấp dẫn muôn triệu trái tim, muôn triệu tâm hồn? Phải chăng bởi đó là tiếng thét khổ đau, bởi đó là sự trào dâng mãnh liệt của cảm xúc, của tình yêu thương con người.
Mượn cốt truyện của người xưa nhưng Nguyễn Du không sao chép nguyên xi. Người đã thổi hồn cho những con chữ, những hình tượng sống dậy và sống mãi trong tâm hồn, trong những sướng khổ, buồn vui của biết bao thế hệ con người Việt Nam hôm nay và mai sau.
Khác với Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương cũng viết về người phụ nữ, nhưng với tâm trạng của người trong cuộc, hay đúng hơn, viết bằng sự trải nghiệm của chính bản thân mình. Những vần thơ của Xuân Hương là sự lên tiếng của một thân phận. Bất hạnh trong cuộc đời riêng, Xuân Hương tìm đến thơ như người bạn tâm tình – nơi gửi gắm, kí thác những nỗi niềm suy tư. Đọc thơ Xuân Hương, người đọc có thể bị cuốn đi bởi những câu thơ mỉa mai sát sàn sạt, những lời mắng chửi té tát, không thương tiếc với bọn “hiền nhân quân tử”, những vua chúa, sư sãi giả dối, hợm hĩnh, vô luân,…
Nhưng đằng sau những nụ cười “rất mạnh, rất sâu” ấy là những giọt nước mắt, những tiếng thét khổ đau cho thân phận người phụ nữ. Để rồi đọc thơ bà, ta thấy “cần phải khóc” trước những cảnh “Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng”, trước cảnh ngộ “Trơ cái hồng nhan với nước non”. Khao khát mãnh liệt về hạnh phúc, nhưng cuối cùng, nữ sĩ được gì ngoài “kiếp lấy chồng chung”, ngoài thứ tình cảm chia năm sẻ bảy “Mảnh tình san sẻ tí con con”.
Hồ Xuân Hương muốn vượt thoát tất cả, muốn “chém cha cái kiếp lấy chồng chung”, không còn những cảnh “Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng”. Nhưng cái xã hội phong kiến bất công phi nhân tính ấy đâu có để nữ sĩ sống hạnh phúc, bình yên như mong muốn. Cho nên tiếng thơ Hồ Xuân Hương đọng lại một niềm đau, không thể lãng quên, không thể ngui ngoai.
Trong truyện ngắn nổi tiếng “Chí Phèo”, Nam Cao lại quay tấm gương cuộc đời anh Chí để ta thấy một kiếp sống tủi nhục trong xã hội Việt Nam trước Cách mạng. Chí Phèo, một nạn nhận đau khổ của một xã hội cạn khô tình người với “con quỷ mang bộ mặt người”. Sinh ra không tình yêu thương của mẹ cha, Chí lớn lên trong sự đùm bọc của những người như anh thả ống lươn, bà cụ mù phó cối dù nghèo nhưng tốt bụng. Nhưng những năm tháng ấy, như chính những thước phim để nhà văn tái hiện rất ngắn gọn của Nam Cao, lướt qua cuộc đời Chí như cơn lốc cuốn qua.
Cái còn lại của cuộc đời, Chí đâu có gì ngoài những năm tháng tù tội, những lần rạch mặt ăn vạ, những khinh bỉ, miệt thị của người đời. Gặp thị Nở, cứ tưởng Chí sẽ bừng sáng, sẽ ngời lên hồi chuông an lành nhưng hạnh phúc, tình người lại thoảng qua như hơi cháo hành, như ảo ảnh về nguồn nước giữa sa mạc cạn khô. Người nhen lên ngọn lửa của lương tri, tình người cũng chính là người dập tắt hi vọng trở về với cuộc đời của Chí. Và khi “mất thiên thần, người đã chết”. Chí Phèo đã chết trên ngưỡng cửa trở vẻ với cuộc đời. Chí đã chết khi miệng “ngáp ngáp” như muốn thanh minh, muốn bày tỏ với cuộc đời, với con người. Có đau đớn nào đau đớn hơn thân phận của con người ấy?
Viết về những số phận bất hạnh, ngòi bút của Nam Cao đâu chỉ nhằm phản ánh chân xác thực trạng con người xã trong xã hội cũ. Đằng sau câu chữ, cách xưng hô có vẻ lạnh lùng, dửng dưng miệt thị ấy là một trái tim ấm nóng tình yêu thương con người. Nam Cao đã có lí tưởng muốn viết lên những tác phẩm làm cho “người gần người hơn” thì với Chí Phèo, ông đã làm được điều đó. Bởi lẽ nhà văn đã “đứng trong lao khổ mở hồn ra để đón lấy những vang động của đời” cho nên tác phẩm của ông, những “tiếng đau loát ra từ những kiếp lầm than” sẽ còn sống mãi.
Tác phẩm còn là “lời ca tụng hân hoan”. Bầu trời không chỉ có mây đen mà còn có những tia nắng vàng, cuộc sống không chỉ có những nỗi khổ đau mà còn có những niềm vui sướng. Văn học phản ánh chân thực, không chỉ là phản ánh những đau khổ mà còn ngợi ca những vẻ đẹp và niềm vui của cuộc sống, của con người.
Thơ Xuân Diệu là “bầu xuân”, là “bình chứa muôn hương” của tuổi trẻ, sức sống và tình yêu:
Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si;
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,
Mỗi buổi sớm, thần Vui hằng gỗ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
(Vội vàng – Xuân Diệu)
Người ta gọi thơ Xuân Diệu là “nguồn sống dào dạt chưa từng có ở chốn nước non lặng lẽ này” phải chăng bởi nhà thơ đã đốt cháy xúc cảm say mê mãnh liệt với cuộc đời. Cuộc sống muôn đời vẫn là vậy. Thế nhưng những cảnh sắc của cuộc sống đi qua tâm hồn nồng nàn tình yêu cuộc đời của Xuân Diệu lại ánh lên những màu sắc diệu kì, lại ngân lên những thanh âm du dương. Thế giới, qua cặp mắt “xanh non biếc rờn” của thi sĩ là khu vườn tình ái, nơi ong bướm đang trong “tuần trăng mật”, nơi chim muông ca lên “khúc tình si”, nơi tạo hoá đắm chìm trong “cặp môi gần” của tháng giêng. Đó còn là bữa tiệc thịnh soạn, phong phú của cuộc sống “nở hoa dâng tặng người muốn hái”.
Làm sao Xuân Diệu có những cảm nhận tinh tế, diệu kì ấy nếu nhà thơ dửng dưng, vô cảm với cuộc đời. Chính niềm khát khao giao cảm với cuộc đời, chính niềm yêu sống đến cuồng si, mãnh liệt đã giúp thi sĩ phát hiện ra vẻ đẹp của cuộc sống. Những vần thơ như “lòng” Xuân Diệu mở ra, như tay Xuân Diệu muốn chìa ra mời mọc, gợi mời con người. Sao có thể không nhớ, không yêu những vần thơ say đắm, thiết tha đến dường vậy! Thơ Xuân Diệu, tự bản thân nó không phải sự mô phỏng cuộc sống. Đó là lời tụng ca hân hoan, đắm đuối vẻ đẹp đích thực của cuộc sống.
Cũng như Xuân Diệu, Chế Lan Viên đã cất lên tiếng hát ngợi ca vẻ đẹp giá trị của cuộc sống trong những năm đất nước độc lập, tiến lên xây dựng cuộc sống mới, chế độ mới:
Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn!
Trái cây rơi vào áo người ngắm quả,
Đường nhân loại đi qua bóng lá xanh rờn,
Mặt trời đến mỗi ngày như khách lạ,
Gặp mỗi mặt người đều muốn ghé môi hôn..
(Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng? – Xuân Diệu)
Bước ra từ những tháp Chàm đổ nát để hoà nhập với cuộc đời, Chế Lan Viên như thoát khỏi “thung lũng đau thương” để tìm đến “cánh đồng vui”. Đấy là cuộc sống mới của những con người mới. Nhà thơ thấy cuộc đời tươi đẹp, phong phú, mến yêu biết bao nhiêu. Lần đầu tiên trong cuộc đời, nhà thơ cảm nhận được vẻ đẹp đích thực của cuộc sống. Sung sướng lắm! Tự hào lắm! Bởi được sống, được cống hiến, và thấy đời mình có ý nghĩa. Những lời thơ ấy đã ngân vang điệu nhạc rạo rực, say mê, hân hoan của hồn người. Âm hưởng của khúc nhạc thần kì ấy sẽ mãi còn vang vọng và dư ba. Tác phẩm nghệ thuật sẽ sống khi nó “đặt ra những câu hỏi” và “trả lời những câu hỏi đó”.
Như vậy, có thể thấy tình cảm là điều kiện không thể thiếu để có tác phẩm nghệ thuật đích thực. Cảm xúc chân thành mãnh liệt, tự nó đã là giá trị của tác phẩm văn học. Nó cũng chính là “cái hơi thở, cái sức sống của những tác phẩm vĩ đại”. Nhưng nếu chỉ có tình cảm không thôi, văn học liệu có được sức sống, sức hấp dẫn kì diệu đến như vậy hay không? Bi-ê-lin-xki thêm một lần nữa nhấn mạnh vào vai trò đặc biệt quan trọng của tư tưởng đúng đắn, sâu sắc ở người viết. Tác phẩm nghệ thuật sẽ sống khi nó đặt ra những câu hỏi và trả lời những câu hỏi đó. Những “câu hỏi” ở đây là những vấn đề nhà văn trăn trở, nghĩ suy về cuộc sống, về con người. Ấy là những “câu hỏi của cuộc sống” (Tố Hữu). Những câu hỏi ấy thể hiện cách nhìn, nhận thức, quan niệm nghệ thuật về con người, về xã hội của nhà văn. Nói cách khác, đó là sự hiện hình của tư tưởng nhà văn được biểu hiện trong tác phẩm.
Tư tưởng nghệ thuật là một trong những yếu tố quyết định tầm vóc của nhà văn và gỉá trị của tác phẩm. Nguyễn Khải đã từng nói: “Giá trị của một tác phẩm trước hết là ở giá trị tư tưởng của nó”. Còn Korolenco thì nhấn mạnh: “Tư tưởng là linh hồn của tác phẩm văn học”. Tư tưởng sai lầm, lệch lạc, văn học sẽ trở thành công cụ gây tội ác. Lỗ Tấn đã từng nói: “Làm một thầy thuốc kê đơn bốc thuốc bậy chỉ giết chết có một người, làm một viên võ tướng điều bình khiển tướng bậy chỉ nướng hết một đạo quân còn làm một nhà văn viết bậy có thể gây tác hại đến hai ba thế hệ”.
Có được ảnh hưởng hết sức quan trọng như vậy bởi nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng của văn học. Văn học không chỉ là “công cụ khám phá, hiểu biết và sáng tạo thực tại xã hội” mà còn tham gia vào quá trình cải tạo xã hội. Nói như Thạch Lam, đó là “thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng tạ có “để” tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác”. Văn học góp phần làm cho cuộc sống con người tốt đẹp, trong sáng hơn.
Vậy nếu nhà văn chỉ đơn thuần tái hiện vẹn nguyên cuộc sống mà không gửi gắm một tư tưởng tiến bộ nào, liệu rằng văn học có thể hoàn thành nhiệm vụ cao cả ấy không? Hơn ở đâu, nhà văn phải thể hiện, phải đặt ra và giải quyết những vấn đề quan trọng về nhân sinh. Để mỗi người đọc, đến với tác phẩm, đều phải day dứt, ám ảnh về điều đó, để rồi tự tìm ra được câu trả lời cho những vấn đề về con người.
Tìm hiểu sâu sắc về bản chất cuộc sống, và bản chất con người cho hay cũng là nhu cầu tiếp nhận chính đáng của người đọc. Độc giả tìm đến với tác phẩm văn chương đâu phải chỉ để hiểu biết về hiện thực cuộc sống, mà còn muốn tìm hiểu ý nghĩa, giá trị, bản chất của cuộc sống, để tìm câu trả lời cho những băn khoăn, trăn trở, nghĩ suy của bản thân mình. Bởi vậy, tác phẩm nghệ thuật phải đặt ra những câu hỏi, và có thể, còn cần phải trả lời những câu hỏi đó.Nam Cao, qua số phận bi kịch của Chí Phèo, đã cất lên câu hỏi: Làm thế nào để cứu vớt những con người đang đứng trên vực thẳm của sự tha hoá nhân tính và nhân hình? Làm thế nào để xã hội này không còn những Chí Phèo?
Câu hỏi ấy vang vọng, văng vẳng suốt thiên truyện, đau đáu mãi không ngui. Nó hiện hình trong lời kết án đau đớn tuyệt vọng của Chí Phèo trước khi tự kết liễu đời mình: “Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này?”. Nhà văn dẫu không trả lời trực tiếp, nhưng qua tác phẩm của mình, Nam Cao đã ngầm đưa ra câu trả lời cho bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí. Phải tiêu diệt xã hội đại ác, vạn ác này; phải tiêu diệt những con quỷ dữ bá Kiến, Đội Tảo,… để cuộc đời này không còn những Chí Phèo. Và quan trọng hơn, để cứu rỗi những linh hổn tội lỗi như Chí Phèo, chỉ cần có một lòng tốt bình thường – tình người chân thành, mộc mạc như thị Nở. Chỉ tình người mới cứu được tình người. Ấy là thông điệp nhân sinh, là câu trả lời sâu sắc, đúng đắn của Nam Cao cho những vấn đề bức xúc của xã hội.
Cũng như thế, Thạch Lam, trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ”, không dừng lại ở việc miêu tả cuộc sống tù túng, quẩn quanh, vô nghĩa, mòn mỏi đến tội nghiệp của những người dân nơi phố huyện nghèo. Nhà văn còn đạt ra những câu hỏi, những thông điệp sâu sắc: Hãy cứu lấy những đứa trẻ, hãy cứu lấy tương lai của phố huyện. Điều Thạch Lam trăn trở không phải vấn đề cơm áo, sưu thuế, bất công xã hội mà là quyền sống có ý nghĩa của con người. Xã hội Việt Nam trước Cách mạng như “ao đời phẳng lặng” nhấn chìm mọi sự sống, lăm le muốn cướp đi ý nghĩa thực sự của cuộc sống đối với con người.
Hai đứa trẻ – những mầm xanh mới đâm chồi nảy lộc trên mảnh đất cạn khô nhựa sống của phố huyện liệu có trở thành bà cụ Thi điên, liệu có là chị Tí hay bác phở Siêu, gia đình bác xẩm? Câu trả lời ấy, Thạch Lam không nói nhưng rõ ràng, nhà văn đã hé mở cho người đọc điều đó. Tại sao chị em Liên không nhập vào không khí tù đọng của phố huyện mà tối tối lại cố thức để chờ đoàn tàu qua? Có phải đoàn tàu đem đến cho Liên và An nhận thức ở đâu đó ngoài phố huyện còn có một miền đời, một cuộc sống khác ý nghĩa hơn? Như thế, con người phải tự vượt lên để không bị hoàn cảnh, để không bị cuộc sống vô nghĩa nhấn chìm. Đó chính là chiều sâu tư tưởng nhân đạo trong sáng tác của Thạch Lam.
Khác với Nam Cao, Thạch Lam,… các nhà văn, nhà thơ cách mạng trước và sau đó nhờ sự soi sáng của lí tưởng Đảng, nhờ giác ngộ cách mạng đã giải quyết những câu hỏi về con người, cuộc đời trực tiếp hơn. Tố Hữu qua bài thơ Tiếng hát sông Hương đã chỉ ra tương lai tươi sáng cho những kiếp người tủi nhục ê chề như cô gái trên sông. Cũng thương yêu những con người đau khổ, ở đây là người kĩ nữ như các nhà thơ lãng mạn trước đó, nhưng nhờ nhận thức khách quan, biện chứng về quy luật cuộc đời, nhờ nhân sinh quan cách mạng khoẻ khoắn, Tố Hữu đã tìm ra cho những người bất hạnh con đường đi đích thực.
Còn Tô Hoài, qua “Vợ chồng A Phủ” đã chỉ rõ con đường cần phải đi để những số phận trâu ngựa, những kiếp nô lệ tự giải thoát ấy là tìm đến với cách mạng. “Hạnh phúc là đấu tranh”. Đó là ý nghĩa tích cực của truyện ngắn Vợ chồng A Phủ gieo vào Ịòng người đọc.
Nhưng cũng cần thấy rằng, không nhất thiết nhà văn phải trả lời câu hỏi. Nhà văn có thể chỉ là bác sĩ gọi ra bệnh của bệnh nhân. Điều mà nhân loại thiếu là những người biết đặt ra câu hỏi. Tìm được câu hỏi, chắc rằng tự người đọc sẽ tìm được câu trả lời. Có phải vì vậy mà Shekhov chủ trương “nói thật, nói thẳng với mọi người”. “Hãy nhìn lại mình, hãy xem chúng ta đang sống tồi sống tẻ như thế nào” và chỉ cần có vậy bởi ông tin chắc rằng “khi đã thấu hiểu thế nào họ cũng phải tạo cho mình một cuộc sống khác tốt hơn”. Nghĩa là, “mỗi nhà văn chân chính trước hết phải là một nhà nhân đạo từ trong cốt tủy” (Sê-khốp)
Ý kiến của Bi-ê-lin-xki đã đặt ra yêu cầu hết sức đúng đắn, cần thiết, quan trọng với người cầm bút: ấy là anh phải có cái tâm trước cuộc sống, con người. Đó cũng chính là bài học đối với những nghệ sĩ. Muốn có được tác phẩm sống mãi với thời gian, anh phải sống sâu sắc với cuộc đời, nói như giáo sư Đặng Thai Mai phải biết “sâu sắc cảm thấy mọi nỗi đau đớn của con người trong thời đại, đã rung động tận đáy tâm hồn với những lo âu, bực bội, tủi hổ và cả những ước mong tha thiết nhất của loài người”.
Để viết nên tác phẩm, nhà văn phải “tìm tòi…, phải yêu rất nhiều và phải chịu nhiều đau khổ” (Gioocgiơ Xang). Và lịch sử văn học, thực chất chính là lịch sử của những tư tưởng vĩ đại của người nghệ sĩ. Tìm hiểu ý kiến của Bi-ê-lin-xki, chúng ta càng thấm thía quy luật đào thải nghiệt ngã nhưng công bằng của thời gian, của công chúng. Có những tác phẩm dù trung thành với nguyên tắc phản ánh hiện thực, thậm chí hết sức hiện thực nhưng không thể hiện tư tưởng, tình cảm mãnh liệt, sâu sắc nào. Những tác phẩm ấy chỉ là bức ảnh vô hồn, thậm chí rơi vào tự nhiên chủ nghĩa bởi tình cảm, tư tưởng miệt thị con người, bi quan với cuộc đời. Lại có những tác phẩm chỉ đắm chìm trong cảm xúc hay mê mải chạy theo những tư tưởng kì vĩ.
Chỉ những tác phẩm nào có sự quyện hoà cao độ giữa tư tưởng đúng đắn, sâu sắc với tình cảm chân thành, mãnh liệt của người cầm bút mới có được giá trị và sức sống bền lâu. Thế nhưng, văn chương trước hết vẫn là văn chương, nghệ thuật trước hết phải là nghệ thuật. Nói đến nghệ thuật là nói đến cái hay, cái đẹp của những hình thức nghệ thuật. Tư tưởng, tình cảm có sâu sắc, mãnh liệt đến mấy mà không được chuyển tải qua hệ thống phương tiện nghệ thuật giàu giá trị thẩm mĩ thì không thể thức tỉnh, lay động tâm hồn người đọc.
- Kết bài:
Gogol đã rất khổ tâm khi “những tình cấm rất quý có thể trở nên tầm thường khi diễn đạt ra thành lời”. Người nghệ sĩ vĩ đại không chỉ có cái tâm mà còn phải có cái tài để cái tâm được toả sáng lung linh. “Rồi nhân dân sẽ còn trìu mến tôi mãi mãi vì tôi đã dùng thơ đánh thức những tình cảm tốt lành, vì trong thế kỉ tàn khốc của chúng ta, tôi ngợi ca tự do và lòng thương những kẻ khốn cùng”. Bất cứ nghệ sĩ nào đã sống sâu sắc với cuộc đời, đã đau đớn, mừng vui với những vui buồn, sướng khổ của loài người đều có quyền tự hào và tin tưởng như Puskin về sự tồn tại vĩnh hằng của những tác phẩm nghệ thuật chân chính của mình.