»» Nội dung bài viết:
Suy nghĩ về việc chọn nghề cho tương lai của học sinh lớp 12
Các bạn học sinh lớp 12 khi được hỏi: “Sẽ chọn nghề gì để làm hồ sơ dự thi vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp?”, có bạn trả lời: “Mình sẽ chọn nghề mà sau này kiếm được thật nhiều tiền”, bạn khác lại cho rằng: “Sẽ chọn nghề mà mình yêu thích”.
Anh/chị có suy nghĩ gì trước những ý kiến trên? Hãy trình bày quan điểm của mình bằng một bài văn nghị luận.
Hướng dẫn làm bài:
1. Giới thiệu khái quát vấn đề cần nghị luận:
Khẳng định tầm quan trọng của việc lựa chọn nghề cho tương lai của học sinh cuối cấp: quyết định đến tương lai hạnh phúc của bản thân, ảnh hưởng tới cả gia đình và xã hội.
2. Bàn luận về những quan điểm chọn nghề của học sinh lớp 12.
* Thanh niên, học sinh hiện nay có rất nhiều quan niệm về việc lựa chọn nghề nghiệp, thậm chí có những quan niệm đối lập nhau. Việc đó tưởng chừng đơn giản, nhưng thực ra lại rất quan trọng bởi nó thể hiện quan điểm sống, lí tưởng sống của tuổi trẻ.
– Chọn nghề kiếm ra được nhiều tiền:
+ Tiền rất quan trọng trong cuộc sống mỗi con người: thỏa mãn nhu cầu cá nhân, tạo lập hạnh phúc, giải quyết công việc, giúp đỡ người thân, góp phần xây dựng đất nước,… Mọi nghề nghiệp suy cho cùng cũng là kiếm tiền để phục vụ cuộc sống (dẫn chứng).
+ Tuy nhiên, tiền không phải là tất cả, có nhiều thứ không thể mua được bằng tiền như: danh dự, uy tín, hạnh phúc, lòng nhân ái,…Do vậy, chọn nghề chỉ mục đích kiếm tiền con người sẽ trở nên thực dụng, toan tính, cơ hội. Hơn nữa, nghề nghiệp đó mà bản thân không có khả năng hoặc không yêu thích nó thì sẽ khó thoát khỏi áp lực, sẽ trở thành gánh nặng suốt đời (dẫn chứng).
– Chọn nghề mình yêu thích:
+ Sẽ có nhiều hứng thú, niềm vui và sự say mê, sáng tạo trong công việc, hiệu quả công việc rõ rệt, thỏa mãn nhu cầu cá nhân (dẫn chứng).
+ Tuy nhiên, cuộc sống ngày càng phát triển, nhu cầu cá nhân ngày càng được nâng cao, nếu chỉ chú ý đến yêu thích mà không chú ý đến thu nhập và khả năng của bản thân thì sẽ khó duy trì được tình yêu với nghề nghiệp của mình (dẫn chứng).
3. Quan điểm chọn nghề của bản thân:
– Quan tâm đến sở thích cá nhân và mức thu nhập sau khi được nhận việc (kết hợp cả hai quan niệm trên).
– Cần phải căn cứ vào năng lực của bản thân, hoàn cảnh gia đình, nhu cầu của xã hội đối với ngành nghề đó… để khắc phục tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”.
– Chọn nghề theo yêu cầu của quê hương, đất nước. Tâm huyết với những nghề nghiệp hữu ích với gia đình, quê hương…, ta sẽ tìm thấy niềm vui, sự hứng thú và lợi ích thiết thực; ta sẽ tìm thấy ý nghĩa đích thực của cuộc sống.