Bức tranh tâm trạng của Thúy Kiều khi ở lầu Ngưng Bích.
- Mở bài:
Đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” (trích Truyện Kiều) thể hiện rõ nét tài năng miêu tả tâm lí nhân vật bậc thầy của thiên tài Nguyễn Du. Bức tranh tâm trạng của Thúy Kiều khi ở lầu Ngưng Bích được nhà thơ lột tả từng lớp, từng lớp, cho người đọc một cái nhìn chi tiết vè nỗi đớn đau, dằn vặt của Thúy Kiều trước ngưỡng cửa cuộc đời.
- Thân bài:
Đoạn trích thuộc phần đầu tác phẩm. Sau khi bị Mã Giám Sinh lừa gạt, làm nhục, bị Tú Bà mắng nhiếc, Kiều nhất quyết không chịu tiếp khách làng chơi, không chịu chấp nhận cuộc sống lầu xanh. Đau đớn, tủi nhục, phẫn uất, nàng định tự vẫn. Tú Bà sợ mất vốn bèn lựa lời khuyên giải, dụ dỗ Kiều. Mụ vờ chăm sóc thuốc thang, hứa hẹn khi nàng bình phục sẽ gả nàng cho người tử tế. Tú Bà đưa Kiều ra sống riêng ở lầu Ngưng Bích, thực chất là giam lỏng nàng để thực hiện âm mưu mới đê tiện hơn, tàn bạo hơn.
Thứ tự miêu tả đi từ hoàn cảnh cô đơn, tội nghiệp của Kiều đến thương nhớ Kim Trọng và cha mẹ và kết thúc trong nỗi hoang mang, hãi hùng của tâm trạng. Sự chuyển tiếp tâm trạng của Thúy Kiều khi ở làu Ngưng Bích có thể là quá nhanh nhưng hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh và tính cách của nàng, một người con hiếu thảo, sống có trách nhiệm, một thiếu nữ với trái tim rạo rực, đắm say, thủy chung son sắt trong tình yêu.
Lầu Ngưng Bích ở chênh vênh trên một sườn núi. Nơi ấy cảnh quan hùng vĩ, thơ mộng, là địa điểm lí tưởng để tao nhân mặc khách du sơn thưởng ngoạn cảnh đẹp. Đất trời quyến luyến khói sương, non cao vọng về biển cả, thiên nhiên vũ trụ hòa hợp nhất thể khiến cho lòng người được an nhiên, tĩnh lặng. Đáng tiếc thay, ngay lúc này, Thúy Kiều không cần đến điều đó. Nàng đang ở trong nghịch cảnh đầy mâu thuẫn và lo toan, dù cảnh đẹp đến mấy cũng không thể khiến nàng khuây khỏa, nguôi ngoi được. Thế nên, Bức tranh tâm trạng của Thúy Kiều khi ở lầu Ngưng Bích thấm đẫm một nỗi buồn ly tan.
Ngưng Bích nghĩa nơi ngưng đọng lại ánh trời xanh. Khóa xuân là khóa kín tuổi xuân, ý nói cấm cung (con gái nhà quyền quý thời xưa không được ra khỏi phòng ở). Nguyễn Du sử dụng từ khóa xuân với ngụ ý mỉa mai, nói lên cảnh ngộ trớ trêu của Kiều như tù nhân bị giam lỏng. Nàng trơ trọi giữa một không gian mênh mông, hoang vắng: “bốn bề bát ngát xa trông”:
“Trước lầu Ngưng Bích khoá xuân
Vẻ non xa, tấm trăng gần ở chung
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia”.
Cảnh “non xa”, “trăng gần” gợi hình ảnh lầu Ngưng Bích đơn độc, chơi vơi giữa mênh mông trời nước. Từ trên lầu cao nhìn ra chỉ thấy những dạy núi mờ xa, những cồn cát bụi bay mù mịt. Cái lầu trơ trọi ấy giam một thân phận trơ trọi, không một bóng hình thân thuộc bầu bạn, không cả bóng người. Hình ảnh “non xa” “trăng gần”, “cát vàng”, “bụi hồng” có thể là cảnh thực mà cũng có thể là hình ảnh mang tính ước lệ để gợi sự mênh mông, rợn ngợp của không gian, qua đó diễn tả tâm trạng cô đơn của Kiều.
Nơi lầu cao, đẹp mà vô tình, Thúy Kiều ngày đêm đối diện với hoàn cảnh của chính mình, chẳng lúc nào nàng thôi nghĩ ngợi:
“Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình, nửa cảnh, như chia tấm lòng”.
Cụm từ “mây sớm đèn khuya” gợi thời gian tuần hoàn, khép kín. Tất cả như giam hãm con người, như khắc sâu thêm nỗi cô đơn khiến Kiều bẽ bàng, chán ngán, buồn tủi sớm và khuya, ngày và đêm, Kiều “thui thủi quê người một thân” và dồn tới lớp những nỗi niềm chua xót đau thương khiến tấm lòng Kiều như bị chia xẻ “Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng”. Vì vậy, dù cảnh có đẹp đến mấy, tâm trạng Kiều cũng không thể vui được. Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình của nguyễn Du đã đi vào chỗ vi diệu. Cảnh làm nền cho tình, tả cảnh để tả tình. Cảnh đẹp và tình cũng rất đẹp. Hai yếu tố vừa song song lại vừa hòa cuộn vào nhau khiến cho bức tranh tâm trạng của Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích rối bời, tê tái.
Tám câu thơ tiếp theo diễn tả tâm trạng thương nhớ Kim Trọng và cha mẹ của Kiều. Đó là nối nhớ chủ đạo và thường trực nhất trong tâm trí Thúy Kiều lúc này:
“Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trông mai chờ
Bên trời góc bể bờ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai?”
Mối tình Kim – Kiều là nghìn năm có một. Người quốc sắc, kẻ thiên tài lưu luyến nhau thuở ấy đã trở thành kinh điển, mẫu mực cho tình yêu lứa đôi. Kiều “tưởng” như thấy lại kỉ niệm thiêng liêng đêm thề nguyền đính ước “Tưởng người dưới nguyệt chén đồng”. Cái đêm ấy hình như vừa mới ngày hôm qua. Một lần khác nàng nhớ về Kim Trọng cũng là “Nhớ lời nguyện ước ba sinh”. Kiều xót xa hình dung người yêu vẫn chưa biết tin nàng bán mình, vẫn ngày đêm mòn mỏi chờ trông chốn Liêu Dương xa xôi.
Nàng nhớ người yêu với tâm trạng đau đớn: “Tấm son gột rửa bao giờ cho phai”. Có lẽ “tấm son” ấy là tấm lòng Kiều son sắt, thủy chung, không nguôi thương nhớ Kim Trọng. Cũng có thể là Kiều đang tủi nhục khi tấm lòng son sắt đã bị dập vùi, hoen ố, không biết bao giờ mới gột rửa cho được. Trong nỗi nhớ chàng Kim có cả nỗi đau đớn vò xé tâm can.
Có thể thấy, mối tình Kim – Kiều không gặp phải sự ngăn trở của gia đình. Tuy không lên tiếng ủng hộ nhưng gia đình không gây những trở lực có thẻ khiến cho hai kẻ yêu nhau phải bận tâm. Thế nên, sau nỗi nhớ Kim trọng, Thúy kiều nhớ về cha mẹ và bổn phận làm con của mình:
“Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa?
Có khi gốc tử đã vừa người ôm”
Nàng xót xa khi tưởng tượng cha mẹ khi sáng, lúc chiều tựa cửa mong ngóng tin con. Nàng xót thương da diết và day dứt khôn nguôi vì không thể “Quạt nồng ấp lạnh” phụng dưỡng song thân, băn khoăn không biết hai em có chăm sóc cha mẹ chu đáo hay không. Nàng còn tưởng tượng nơi quê nhà tất cả đã đổi thay, gốc tử đã vừa người ôm, cha mẹ ngày thêm già yếu.
Cum từ “cách mấy nắng mưa” vừa cho thấy sự xa cách bao mùa mưa nắng, vừa nói lên sức mạnh tàn phá của tự nhiên đối với cảnh vật, con người. Lần nào nhớ về cha mẹ, Kiều cũng “nhớ ơn chin chữ cao sâu” và luôn ân hận mình đã phụ công sinh thành, phụ công nuôi dạy của cha mẹ. Kiều đã quên mất cảnh ngộ của bản thân, chỉ một lòng nghĩ và hướng về Kim Trọng, về cha mẹ. Tấm lòng ấy khẳng định Kiều là người tình chung thủy, người con hiếu thảo, người luôn nghĩ và sống cho người khác, người có tấm lòng vị tha đáng trân trọng
Theo sự miêu tả, Kiều nhớ Kim Trọng trước, sau đó mới nhớ đến song thân. Nhiều hủ nho cho rằng như vậy là không đúng với truyền thống dân tộc, đi ngược lại lễ giáo, thuần phong mĩ tục. Thế nhưng, nhìn kỹ, thật ra lại là rất hợp lí. Kiều đã bán mình cứu cha và em, nghĩa là đã đền đáp được một phần công lao cha mẹ, nên nàng đỡ bứt rứt. Còn với Kim Trọng, vì chữ hiếu mà nàng đã bội bạc lời thề kết tóc se duyên, trăm năm đầu bạc với chàng. Kiều thấy mình như một kẻ phụ tình, phụ tấm lòng người yêu, nên nàng cắn rứt khôn nguôi. Đây là một nét bút đặc sắc, hết sức độc đáo của Nguyễn Du, phù hợp với quy luật và chiều sâu tâm lý con người.
Nhớ đến người rồi nàng lại nghĩ về mình. Phận nàng nhỏ bé, còn không gian thì rộng lớn quá, mênh mông quá. Cảnh vật ở lầu ngưng Bích tuyệt đẹp nhưng dưới cái nhìn của tâm trang đau thương, buồn nhớ của người thiếu nữ, nó đã trở nên hoang vắng, tiu đìu:
“Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ dầu dầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”.
Đây là 8 câu thơ thực cảnh mà cũng là tâm cảnh. Mỗi biểu hiện của cảnh đồng thời là một ẩn dụ về tâm trạng con người – mỗi một cảnh lại khơi gợi ở Kiều những nỗi buồn khác nhau, với những lí do buồn khác nhau trong khi nỗi buồn đã đầy ắp tâm trạng để rồi tình buồn lại tác động vào cảnh, khiến cảnh mỗi lúc lại buồn hơn, nỗi buồn ấy mỗi lúc một ghê gớm, mãnh liệt.
Cách sử dụng ngôn ngữ độc thoại, điệp ngữ độc đáo. Bốn bức tranh, bốn nỗi buồn đều được tác giả khắc họa qua điệp từ “buồn trông” đứng đầu mỗi câu có nghĩa là buồn mà trông ra bốn phía, trông nóng một cái gì mơ hồ sẽ đến làm thay đổi hiện tại, nhưng trông mà vô vọng. “Buồn trông” có cái thoảng thốt lo âu, có cái xa lạ hút tầm nhìn, có cả dự cảm hãi hùng của người con gái ngây thơ lần đầu lạc bước giữa cuộc đời ngang ngược. Điệp từ “buồn trông” kết hợp với các hình ảnh đứng sau đã diễn tả nỗi buồn với nhiều sắc độ khác nhau. Điệp ngữ lại được kết hợp với các từ láy chủ yếu là những từ láy tượng hình, dồn dập, chỉ có một từ láy tượng thanh ở cuối câu tạo nên nhịp điệu, diễn tả nỗi buồn ngày một tăng, dâng lên lớp lớp, nỗi buồn vô vọng, vô tận. Điệp ngữ tạo âm hưởng trầm buồn, trở thành điệp khúc của đoạn thơ cũng là điệp khúc của tâm trạng.
Mở ra nỗi buồn là cảnh biển mênh mang. Chiều hôm buông xuống. thời gian gợi nghĩ đến sự trở về đoàn tụ. Có cánh buồm xa xa, tín vật của sự gắn kết nhưng sao xa quá là xa:
“Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cảnh buồm xa xa”.
Một cánh buồm thấp thoáng nơi cửa biển là một hình ảnh rất đắt để thể hiện nội tâm nàng Kiều. Một cánh buồm nhỏ nhoi, đơn độc giữa biển nước mênh mông trong ánh sáng le lói cuối cùng của mặt trời sắp tắt; cũng như Kiều trong không gian vắng lặng của hiện tại nhìn về phương xa với nỗi buồn nhớ da diết về gia đình, quê hương. Con thuyền gần như mất hút, vẫn còn lênh đênh trên mặt biển khi mà những con thuyền khác đều đã cập bến, biết bao giờ mới tìm được bến bờ neo đậu; cũng như Kiều còn lênh đênh giữa dòng đời, biết bao giờ mới được trở về sum họp, đoàn tụ với những người thân yêu.
Đến bức tranh thứ hai, tầm nhìn tuy có gần lại hơn nhưng vẫn còn rộng quá:
“Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu?”
Từ “Buồn trông” tiếp tục gợi âm điệu buồn mênh mang, nỗi buồn nhân lên khi nàng nhìn thấy cánh hoa trôi lênh đênh vô định. Từ “trôi” chỉ sự vận động nhưng ở thế bị động, nhũng cánh hoa trôi mặc sóng nước vùi dập như số phận Kiều cũng thế . Những cánh hoa tàn lụi trôi man mác trên ngọn nước mới xa khi Kiều càng buồn hơn bởi như nàng như nhìn thấy trong đó thân phận mình lênh đênh, vô định, ba chìm bảy nổi giữa sóng nước. Cánh hoa mỏng manh, vô định gợi thân phận nhỏ bé, mỏng manh, lênh đênh trôi dạt trên dòng đời vô định không biết đi đâu về đâu.
Không thể tìm thấy nơi để tâm hồn nương trú, nàng thoái tầm nhìn về với cảnh vườn mong tìm chút ấm áp. Thế nhưng, càng ngóng tìm càng thấy chơi vơi:
“Buồn trông ngọn cỏ rầu rầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh”.
Nội cỏ “rầu rầu”, “xanh xanh”, hai sắc xanh héo úa, mù mịt, nhạt nhòa trải dài từ chân mây đến mặt đất. Có còn đâu cái “xanh tận chân trời” như sắc cỏ trong tiết Thanh minh khi Kiều còn trong cảnh đầm ấm. Màu xanh này gợi cho Kiều một nỗi chán ngán, vô vọng vì cuộc sống cô quạnh và những chuỗi ngày vô vị, tẻ nhạt không biết kéo dài đến bao giờ. Màu xanh nhợt nhạt héo hắt của cảnh vật chính là ẩn dụ cho tương lai mờ mịt vô vọng của Kiều. Kiều tuyệt vọng, mất phương hướng hoàn toàn. Đây vừa là tâm trạng vừa là cảnh ngộ đáng thương của Thúy Kiều
Cuối cùng, ngoại cảnh không còn niềm tin nào nữa, nàng trở về với chính mình trong nỗi hoang mang cùng cực:
“Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”
Dường như nỗi buồn càng lúc càng tăng, càng dồn dập. Một cơn “gió cuốn mặt duềnh” làm cho tiếng sóng bỗng nổi lên ầm ầm như vây quanh ghế Kiều ngồi. Cái âm thanh “ ầm ầm tiếng sóng” ấy chính là âm thanh dữ dội của cuộc đời phong ba bão táp đã, đang ập đổ xuống đời nàng và còn tiếp tục đè nặng lên kiếp người nhỏ bé ấy trong xã hội phong kiến cổ hủ, bất công. Tất cả là đợt sóng đang gầm thét, rút gào trong lòng nàng. Lúc này Kiều không chỉ buồn mà còn lo sợ, kinh hãi như rơi dần vào vực thẳm một cách bất lực. Nỗi buồn ấy đã dâng đến tột đỉnh, khiến Kiều thực sự tuyệt vọng. Thiên nhiên chân thực, sinh động những cũng rất ảo. Đó là cảnh được nhìn qua tâm trạng theo quy luật “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.
Cảnh được miêu tả từ xa đến gần, màu sắc từ nhạt đến đậm, âm thanh từ tĩnh đến động để diễn tả nỗi buồn man mác, mông lung đến lo âu, kinh sợ, dồn đến bão táp nội tâm cực điểm của cảm xúc trong lòng Kiều. Tất cả là hình ảnh về sự vô định, mong manh, sự dạt trôi bế tắc, sự chao đảo, nghiêng đổ dữ dội. Lúc này Kiều trở nên tuyệt vọng, yếu đuối nhất. Cũng vì thế mà nàng đã mắc lừa Sở Khanh để rồi dấn thân vào cuộc đời “thanh lâu hai lần, thanh y hai lượt”.
Đoạn thơ đã khắc họa thành công tâm trạng của Thúy Kiều khi ở lầu Ngưng Bích. Có thể xem đây là kiểu mẫu của lối thơ tả ảnh ngụ tình trong văn chương cổ điển. Để diễn tả tâm trạng Kiều Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình “tình trong cảnh ấy, cảnh trong tình này” để khắc họa tâm trạng của Kiều lúc bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích.
- Kết bài:
Những chặng đường đầy cạm bẫy, nhiều máu và nước mắt có “ma đưa lối, quỷ đem đường”, đối với Kiều đang ở phía trước. Đoạn thơ “Kiều ở lầu Ngưng Bích” như chứa đầy lệ. Lệ của người con gái lưu lạc, đau khổ vì cô đơn lẻ loi. buồn thương chua xót vì mối tình đầu tan vỡ, xót xa vì thương nhớ mẹ cha, lo sợ cho thân phận, số phận mình. Lệ của nhà thơ, một trái tim nhân đạo bao la đồng cảm, xót thương cho người thiếu nữ tài sắc, hiếu thảo mà bạc mệnh.
- Thuyết minh tác giả Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều
- Cảm nhận 8 câu thơ cuối trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích
- Phân tích nghệ thuật tả người đặc sắc trong đoạn trích “Chị em Thúy Kiều”
- Tài năng miêu tả người bậc thầy của Nguyễn Du qua đoạn trích “Chị em Thúy Kiều”
- Phân tích sắc đẹp và tài năng của nhân vật Thúy Kiều qua đoạn trích “Chị em Thúy Kiều”
- Cảm nhân vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên mùa xuân qua 4 câu thơ đầu và 6 câu thơ cuối trong đoạn trích “Cảnh ngày xuân” (trích Truyện Kiều – Nguyễn Du)