y-nghia-chi-tiet-nghe-thuat-trong-tac-pham-van-hoc

Ý nghĩa chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm văn học

Chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm văn học.

1. Chi tiết nghệ thuật là gì?

Theo “Từ điển thuật ngữ văn học”, chi tiết nghệ thuật là “Các tiểu tiết của tác phẩm mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng” và họ gọi chung là chi tiết nghệ thuật. Cũng theo nhóm tác giả này thì: “Tuỳ theo sự thể hiện cụ thể, chi tiết nghệ thuật có khả năng thể hiện, giải thích, làm minh xác cấu tứ nghệ thuật của nhà văn, trở thành tiêu điểm, điểm hội tụ của tư tưởng tác giả trong tác phẩm. Chi tiết nghệ thuật gắn với “quan niệm nghệ thuật” về thế giới con người, với truyền thống văn hoá nghệ thuật nhất định”

Sách giáo khoa ngữ văn 11 (bộ nâng cao) cho rằng chi tiết nghệ thuật “là những biểu hiện cụ thể, lắm khi nhỏ nhặt, nhưng lại cho thấy tính cách nhân vật và diễn biến quan hệ của chúng, đồng thời cũng biểu hiện sự quan sát và nghệ thuật kể chuyện của tác giả. Do đó chi tiết rất quan trọng đối với nhân vật, vừa tạo ra sức hấp dẫn, thú vị vừa bộc lộ ý nghĩa của chúng”.

Như vậy chi tiết nghệ thuật là những yếu tố nhỏ lẻ của tác phẩm nhưng mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng. Sức chinh phục của hình tượng nghệ thuật là ở sự truyền cảm thi góp phần quyết định tạo ra sức truyền cảm hấp dẫn lôi cuốn người đọc là nhờ chi tiết.

Chi tiết nghệ thuật gắn với quan niệm nghệ thuật và quan niệm nhân sinh của nhà văn. Đối với người đọc khi nhận biết được các chi tiết đắt giá trong tác phẩm, chúng ta có thể làm sáng tỏ được ý nghĩa của hình tượng nghệ thuật, tư tưởng chủ đề của tác phẩm và hiểu rõ ý đồ sáng tạo của nhà văn.

2. Đặc điểm của chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm tự sự.

– Tính tạo hình của chi tiết nghệ thuật: Hình tượng nghệ thuật cụ thể, gợi cảm, sống động nhờ các chi tiết về môi trường, phong cảnh chân dung, nội thất, cử chỉ, phản ứng nội tâm, hành vi lời nói. Trong tác phẩm tự sự chi tiết có khả năng gợi ra hình ảnh về sự vật, cảnh vật, con người… đặc biệt là vai trò khắc hoạ tính cách nhân vật. Nhà văn sử dụng rất nhiều chi tiết- những nét cụ thế để miêu tả ngoại hình, nội tâm, hành động của nhân vật, cũng như cảnh vật, sự kiện có liên quan đến nhân vật đó. Đan dệt hàng loạt các chi tiết với nhau mới có được một bức tranh bằng ngôn ngữ có thể tạo nên một ấn tượng tương đối xác định về nhân vật.

Ví dụ:

Chi tiết đồ vật tàn tạ trong “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam hiện ra chân thực với chiếc chõng tre, cửa hàng tạp hoá “nhỏ xíu”, gánh hàng nước của mẹ con chị Tí, manh chiếu rách, chiếc thau sắt rúm ró, cây đàn bầu cũ kĩ…góp phần làm nên bức tranh phố huyện nghèo nàn héo hắt, tiêu điều mà trong đó cuộc sống của con người cứ lay lắt héo mòn từng ngày.

Trong truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao, nhân vật Chí Phèo được hiện ra sinh động với các chi tiết về ngoại hình ngôn ngữ và nội tâm:

Sự tha hoá của Chí Phèo được khắc hoạ bằng những chi tiết về ngoại hình và ngôn ngữ, hành động của nhân vật.

– Sự thức tỉnh với chi tiết miêu tả nội tâm của Chí Phèo từ sau khi gặp Thị Nở.

Không chỉ gợi ra hình ảnh về sự vật, khắc hoạ tính cách nhân vật mà chi tiết nghệ thuật còn có vai trò cá biệt hoá nhân vật. Nhờ những chi tiết đắt giá sắc nét được tạo nên bởi tài năng của nhà văn mà các nhân vật văn học trở thành những gương mặt “quen mà lạ”, “con người này” không hề trộn lẫn mặc dù xuất hiện giữa đám đông cùng loại. Đều là những người nông dân nhưng Chí Phèo khác hẳn với Tràng. Bá Kiến cũng rất khác với Nghị Quế mặc dù đều là điển hình cho bọn cường hào ác bá.

3. Chi tiết nghệ thuật gắn với quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn.

Trong truyện cổ tích nhân vật được xây dựng theo kiểu chức năng theo hai tuyến thiện ác. Nhân vật không có tâm lí chỉ có chi tiết hành động thực hiện hai chức năng đó. Tấm với chi tiết diễn tả sự hoá thân liên tiếp (chim vàng anh, khung cửi, cây xoan đào, quả thị) thể hiện sức sống dẻo dai, mãnh liệt của cái thiện. Kết lại tác phẩm với hành động Tấm dội nước sôi vào Cám là sự trừng phạt đích đáng của cái thiện đối với cái ác qua đó thể hiện mơ ước của nhân dân về sự chiến thắng của cái thiện trong cuộc đấu tranh giành và giữ hạnh phúc.

Trong văn học trung đại, con người được quan niệm như con người siêu cá thể. Tư tưởng và hành động cũng như cách ứng xử của con người đều theo khuôn mẫu, quy ước chung bởi bị chi phối của thi pháp nặng về tính qui phạm , ước lệ và tính phi ngã. Con người được đặt trong những mối quan hệ cơ bản( tam cương), những đức tính chủ yếu trong hệ thống đạo đức của nho giáo (ngũ thường) chi phối đời sống tình cảm của con người. Khi nội tâm có sự giống nhau thì không có bí ẩn để khám phá.

Do vậy, lựa chọn những chi tiết thể hiện tâm lí chủ yếu bằng những chi tiết ngoại hiện như ngôn ngữ, hành động. Điều đó lí giải vì sao Kiều cứ nhất định phải bằng hành động bán mình chuộc cha mới là có hiếu. Nhân vật Vũ Nương với những chi tiết hành động và ngôn ngữ thể hiện vẻ đẹp “công dung ngôn hạnh” của người phụ nữ trung đại. Nhân vật Ngô Tử Văn khẳng khái nóng nảy, thấy chuyện bất bằng không tha cũng được khắc hoạ với các chi tiết hành động và ngôn ngữ. Đặc biệt là chi tiết Tử Văn đốt đền tà của viên Bách hộ họ Thôi.

Văn học hiện đại những năm 1930-1945, ở mỗi nhà văn có sự thức tỉnh về ý thức cá nhân, họ đã đi vào khám phá đời sống cá nhân mỗi con người, trong đó mỗi cá nhân là một tiểu vũ trự chứa đầy bí mật có cử chỉ, ngôn ngữ, đời sống nội tâm riêng. Nam Cao thuộc lớp nhà văn ấy, ông đã hướng ngòi bút vào khai thác thế giới nội tâm- chỗ tinh vi huyền diệu nhất của con người… Nam Cao đã miêu tả tâm lí nhân vật bằng rất nhiều thủ pháp với những chi tiết vô cùng đặc sắc. Những trang văn miêu tà sự thức tỉnh khát khao lương thiện của Chí Phèo được xem là thành công nhất kết tinh cho biệt tài phân tích tâm lí đạt đến trình độ bậc thầy ở Nam Cao là nhờ những chi tiết khơi sâu vào nội tâm nhân vật.

Văn học giai đoạn 1945-1954,với quan niệm con người riêng -chung, con người nhỏ bé bất hạnh trong xã hội cũ được đổi đời trong xã hội mới. Hạnh phúc của họ tìm thấy trong hạnh phúc chung của dân tộc. Xuất phát từ quan niệm này nên số phận của nhân vật có khác so với nhân vật trong văn xuôi hiện thực phê phán 1930- 1945 là do cách lựa chọn chi tiết kết thúc khác nhau. Kết thúc của Chí Phèo là bi kịch với chi tiết cái lò gạch cũ, còn Tràng trong “Vợ nhặt” chắc chắn sẽ có một tương lai tươi sáng được kết chi tiết lá cờ đỏ sao vàng bay trong gió.

Văn học kháng chiến 1945-1975, với quan niệm con người mang tính sử thi, tạc dáng đứng hào hùng vào lịch sử do vậy việc lựa chọn chi tiết để xây dựng nhân vật cũng khác. Nhà văn chọn những chi tiết để lí tưởng hoá nhân vật, nhân vật toả ánh hào quang, họ đẹp ở mọi phương diện trong chiến đấu và trong cả đời thường. Trong truyện “Rừng xà nu”, Tnú là một nhân vật anh hùng toàn diện. Tnú anh hùng từ nhỏ, lớn lên ườ thành người chiến sĩ cách mạng kiên trung và còn là người chồng người cha giàu yêu thương. Việt, Chiến ở “Những đứa con trong gia đình” cũng đẹp ở mọi phương diện và nhà văn cũng đã lựa chọn những chi tiết tiêu biểu để khắc hoạ vẻ đẹp lí tưởng ấy.

Văn xuôi sau 1975 vận động đổi mới theo hướng dân chủ hoá và trên tinh thần nhân bản sâu sắc. Văn học hướng tới hiện thực đa chiều, con người đa diện. Mọi mặt của đời sống con người được văn học quan tâm phản ánh: con người cá nhân, đời thường, con người với cả hạnh phúc và bi kịch, con người phi lí tưởng, nhân loại, tự nhiên bản năng… Do vậy việc lựa chọn chi tiết để khắc hoạ nhân vật cũng khác với văn học giai đoạn trước.

Số phận của Mị trong “Vợ chồng A Phủ” có khác với người đàn bà hàng chài trong “Vợ chồng A Phủ” bởi do xuất phát từ quan niệm nghệ thuật về con người có khác nhau nên cách chọn chi tiết kết thúc truyện cũng Khác nhau. Mị được đổi đời trong xã hội mới với chi tiết Mị giải thoát cho A Phủ và chạy theo A Phủ tới Phiềng Sa. Sau đó, hai người được tham gia vào đội quân giải phóng quê hương. Người đàn bà hàng chài cuối cùng vẫn phải cam chịu chấp nhận số phận không dám rời bỏ người chồng vũ phu, chấp nhận cảnh đòn roi như cơm bữa “ba ngày một rận nhẹ, năm ngày một trận nặng” và con thuyền gia đình chị vẫn đang chao đảo trong cơn bão cấp 11.

Gắn với quan niệm nghệ thuật về con người, do vậy chi tiết nghệ thuật có vai trò quan trọng làm nên diện mạo nhân vật văn học của từng thời. Khi phân tích nhân vật phải đặt nó trong típ người của từng thời kì văn học và cần phải lựa chọn những chi tiết nghệ thuật tiêu biểu để thẩm bình, làm nổi bật đặc điểm của nhân vật.

4. Cách cảm nhận chi tiết trong tác phẩm tự sự.

Hướng khai thác chi tiết trong truyện ngắn tự sự xuất phát từ đặc trưng của thể loại truyện ngắn. “Truyện ngắn là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ, thường được viết bằng văn xuôi, phản ảnh cuộc sống trong tỉnh khách quan của nó thông qua con người, hành vi và các sự kiện. Truyện ngắn đề cập đến hầu hết các phương diện của đời sổng con người và xã hội. Nét nổi bật của truyện ngắn là sự giới hạn về dung lượng”. “Nếu tiểu thuyết là một đoạn của dòng đời thì truyện ngắn chỉ là mặt cắt của dòng đời như mặt cắt giữa một thân cây cổ thụ. Chỉ liếc qua những đường vân trên khoanh gỗ tròn kia dù trăm năm vẫn thấy cả cuộc đời thảo mộc” (Nguyễn Minh Châu).

Do hạn chế về dung lượng câu chữ, nên truyện ngắn không phản ánh được một phạm vi hiện thực rộng lớn như tiểu thuyết, mà chỉ là những câu chuyện trong khoảnh khắc, là giây phút lóe sáng trong cuộc đời nhân vật. Pautốpxki đã nói: “Tôi nghĩ rằng truyện ngắn là một truyện ngắn gọn, trong đó cái không bình thường hiện ra như một cái gì bình thường và một cái gì bình thường hiện ra như cái không bình thường”.

Vì vậy, khi viết truyện ngắn, nhà văn phải có khả năng quan sát sắc sảo, năng lực khái quát cao độ, để có thể phản ánh được bản chất của con người và đời sống qua một hiện tượng, một biến cố, một lát cắt. Nhà văn phải dồn nén hiện thực và tư tưởng vào trong những chi tiết nghệ thuật có dung lượng ý nghĩa lớn lao như “bàn tay xiết lại thành nắm đấm” (Hemingway). Vì vậy yếu tố quan trọng bậc nhất của truyện ngắn là các chi tiết nghệ thuật.

Tuy nhiên, trong một truyện ngắn, không phải chi tiết nào cũng “mang nhiều ẩn ý”, vì vậy đòi hỏi chúng ta phải lựa chọn được những chi tiết đắt giá, phân tích làm sáng tỏ ý nghĩa của nó trong việc thể hiện hình tượng, chủ đề tác phẩm và tư tưởng của tác giả. Hơn nữa, theo kinh nghiệm viết truyện ngắn của Vương Trí Nhàn: “toàn truyện phải là một cái vòng khép kín, không dài quá, không ngắn quá, không xô đẩy xộc xệch, thậm chí không thừa một chi tiết nào. Khi đã vào truyện cái xà tích của một cô gái hay một chút ánh trăng thượng tuần cũng phải có ý nghĩa, cái nọ nương tựa cải kia, chi tiết này soi rọi cho chi tiết khác”.

Các chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm có quan hệ máu thịt với nhau, cho nên khi phân tích chúng ta phải đặt chi tiết đang tìm hiểu trong mối liên hệ khăng khít với các chi tiết khác, trong chỉnh thê nghệ thuật toàn vẹn của tác phẩm.

Bước 1: Trước hết phải đọc kĩ văn bản để nắm cốt truyện, ý đồ sáng tạo của nhà văn cùng với tư tưởng chủ đề của tác phẩm.

Bước 2: Tìm những chi tiết đắt giá có vai trò: thúc đẩy sự phát triển của cốt truyện; thể hiện số phận, phẩm chất, số phận của nhân vật; thể hiện tư tưởng, chủ đề của tác phẩm… Nếu trong giảng văn người giáo viên không biết hướng dẫn học sinh lựa chọn khai thác chi tiết tiêu biểu, quan trọng chắc chắn bài giảng sẽ không có độ sâu. Bài viết văn của học sinh cũng vậy sẽ không thực sự thuyết phục và để lại ấn tượng cho người đọc nếu như không chọn, bình những chi tiết đặc sắc.

Bước 3: Phân tích cảm thụ, bình giá chi tiết về nội dung tư tưởng và nghệ thuật.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang