Ý nghĩa hình ảnh “lộc giắt đầy quanh lưng” trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải
- Mở bài:
Thành Hải là nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Pháp và có nhiều đóng góp quan trọng đối với nền thơ ca kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thơ ông nhẹ nhàng, đằm thắm như chính tâm hồn ông. Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ là tác phẩm tiêu biểu nhất của Thanh Hải. Bằng cảm nhận tinh tế, nhà thơ đã sáng tạo nên những hình ảnh thơ độc đáo, giàu sức gợi. Trong đó, hình ảnh “lộc giắt đầy quanh lưng” đã để lại trong lòng người đọc nhiều suy nghĩ.
- Thân bài:
Từ mùa xuân của thiên nhiên đất trời, tác giả đã chuyển cảm nhận về mùa xuân của cuộc sống, nhân dân và đất nước. Cùng với hình ảnh “người cầm súng” và “người ra đồng” thì từ “lộc” có vai trò làm tăng thêm sức gợi cảm cho ý thơ:
“Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy quanh lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ”
Đất nước và con người mang vẻ đẹp của sức sống vô tận, rộn ràng bước vào một mùa xuân mới. Lộc xuân theo người cầm súng, lộc xuân trải dài nương mạ.
Hình ảnh “người cầm súng” và “người ra đồng” biểu trưng cho hai nhiệm vụ chiến đấu và lao động dựng xây đất nước. Âm hưởng thơ hối hả, khẩn trương với nhiều điệp từ, điệp ngữ láy lại ở đầu câu. Câu thơ vừa là thực, nhiều nghĩa.
“Lộc” là lá biếc chồi non của cỏ cây. Lộc còn có nghĩa là mùa xuân, là sức sống, là thành quả hạnh phúc. Người cầm súng giắt lộc để nguy trang ra trận như mang theo sức xuân vào trận đánh, người ra đồng như gieo mùa xuân trên từng nương mạ. Những con người lao động, chiến đấu ấy đã mang cả mùa xuân ra trận địa của mình để gặt hái mùa xuân về cho đất nước.
Như vậy, hình ảnh lộc non là biểu tượng cho sức sống mới vươn lên. Lộc của lính là cành lá ngụy trang. Những cành lá ngụy trang biến thành lộc đầu mùa được mang đến theo từng bước chân người lính. Lộc mà người chiến sĩ mang đến cho chúng ta là xương máu mà các anh đổ xuống, là công sức bảo vệ mùa xuân thanh bình của dân tộc, gieo niềm hạnh phúc đến mọi nhà. Người lính biểu trưng cho những con người bảo vệ Tổ quốc và người nông dân là những con người tiêu biểu trong công cuộc xây dựng đất nước.
Hình thức sóng đôi hài hòa, âm hưởng câu thơ trở nên nhịp nhàng, cân đối. Từ bàn tay người nông dân “lộc trải dài nương mạ”. Bàn tay của “người ra đồng” tô điểm cho mùa xuân đất nước. Đôi bàn tay kì diệu của những người họa sĩ ấy đã vẽ nên những mảng xanh của niềm tin, hi vọng lên đất nước. Cũng như người cầm súng, lộc của người ra đồng mang đến cũng đáng trân trọng biết bao. Lộc mà người nông dân tặng là mồ hôi, là bát cơm gạo, là cơm no áo ấm. Người cầm súng, người ra đồng là hình ảnh rất tiêu biểu cho những con người đóng góp, cống hiến cả thân mình để làm nên mùa xuân Tổ quốc.
Hình ảnh “lộc” ở đoạn thơ vừa là những lộc non của cây lá mơn mởn sức sống ở những ngày đầu xuân vừa niềm vui thắng lợi của con người đang làm chủ đất nước. Mùa xuân đến, trong tâm hồn của con người cũng rộn vang niềm vui mới. Họ thấy tự hào và tin tưởng trong công việc mới, thấy có trách nhiệm đối với quê hương và tin tưởng ở ngày mai của dân tộc và đất nước.
- Kết bài:
Từ xúc cảm trước mùa xuân của thiên nhiên, đất trời đến mùa xuân của mỗi con người trong mùa xuân lớn của đất nước, bài thơ thể hiện khát vọng được dâng hiến “mùa xuân nho nhỏ” của mình vào mùa xuân lớn của cuộc đời chung. Điều tâm niệm ấy được thể hiện một cách chân thành trong những hình ảnh tự nhiên, giản dị và đẹp. Nhà thơ đã dùng những hình ảnh đẹp của thiên nhiên để nói lên ước nguyện của mình: muốn “làm con chim hót”, muốn “làm một cành hoa”… Niềm mong muốn được sống có ích, cống hiến cho đời là một lẽ tự nhiên như con chim mang đến tiếng hót, như bông hoa toả hương sắc, mang đến vẻ đẹp cho cuộc đời, như một “lộc” non xanh thắm thắm những ước mơ, niềm tin và khát vọng vĩnh hằng.
- Ôn tập luyện thi văn bản “Mùa xuân nho nhỏ”
- Ý nghĩa nhan đề bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”
- Cảm nhận ý nghĩa khổ 1 bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”
- Cảm nhận khổ thơ 2 và 3 bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”
- Cảm nhận khổ 4 và 5 bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”
- Cảm nhận hình ảnh thiên nhiên trong “Mùa xuân nho nhỏ” và “Sang thu”
- Suy nghĩ về cách xưng hô “tôi” và “ta” trong bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải