»» Nội dung bài viết:
Suy nghĩ về giá trị của sự sống qua câu chuyện: Ông lão đốn củi và thần chết.
Một ông già đốn củi và gánh về nhà. Đường thì xa, gánh củi thì nặng, ông già kiệt sức, đặt bó củi xuống và nói:
– Chà chà, thần Chết mang ta đi có phải hơn không!
Thần Chết đến và bảo:
– Ta đây, lão cần gì nào?
Ông già sợ hãi bảo:
– Lão muốn ngài nhắc hộ bó củi lên cho lão.
(Lep-tôn-xtôi – Phỏng theo truyện ngụ ngôn Ê-dốp)
Từ câu chuyện trên, em hãy viết bài văn bàn về giá trị của sự sống?
* Hướng dẫn làm bài:
- Mở bài:
Cuộc sống không phải bao giờ cũng diễn ra như mình mong muốn, cho nên, đừng buồn phiền, bởi vì đời là như vậy. Có những lúc quá cực nhọc, ta nghĩ rằng cái chết là một sự giải thoát. Nhưng, điều đó không đúng. Được sống mới là điều khiến con người hành phúc nhất. Câu chuyện giữa ông lão đốn củi và Thần chết cho ta một bài học sâu sắc về giá trị của sự sống, khiến chúng ta phải suy nghĩ.
- Thân bài:
1. Ý nghĩa câu chuyện và giá trị của sự sống.
– Câu chuyện đặt ra tình huống một ông già phải gánh một bó củi nặng, đường thì xa mà ông đã kiệt sức tới mức mong muốn thần Chết đến mang mình đi. Có nghĩa là ông muốn được giải thoát khỏi nỗi khổ cực bằng cái chết. Nhưng khi thần Chết xuất hiện, ông lão nói rằng muốn được nhấc hộ bó củi nghĩa là không còn muốn chết nữa. Câu chuyện đã đặt con người bên bờ vực thẳm và buộc họ chọn lựa giữa cái chết nhẹ nhàng và sự sống vất vả.
– Câu chuyện đem đến một triết lí sống sâu sắc: sự sống vô cùng quý giá, nhất là khi con người cận kề với cái chết. Sự sống là không có gì có thể đánh đổi được. Cho dù trong cực khổ thế nào, con người vẫn luôn khát khao được sống.
2. Bàn luận về giá trị của sự sống.
Vì sao phải biết quý trọng giá trị của sự sống ?
– Vì quyền sống là quyền tự nhiên, bình đẳng, chính đáng mà mỗi người được tạo hóa ban cho. Được sống, được trải nghiệm, được cống hiến và tận hưởng cuộc sống là quyền và cũng là niềm hạnh phúc lớn lao của mỗi con người.
– Con người chỉ cảm nhận được hạnh phúc khi còn sống. Dù là trong cuộc sống đó có thiếu thốn, khó khăn như thế nào, chỉ cần được sống, con người còn cảm nhận được ý nghĩa của sự tồn tại.
– Mỗi người chỉ sống có một lần và đời người là hữu hạn nên nếu không biết trân trọng, quý giá sự sống, ta sẽ sống hoài, sống phí, sống vô nghĩa. Nếu ta tự hủy hoại sự sống của bản thân là có tội với những người sinh ra, có tội với chính mình.
Vì sao không được đầu hàng số phận trước khi thần chết đến và mang chúng ta đi ?
– Tư tưởng bi quan và lòng ham sống tồn tại song song trong con người. Nhưng, như một quy luật, sự sống luôn giành chiến thắng, chí ít là sự chiến thắng diễn ra trong tư tưởng con người.
– Cuộc sống luôn có muôn vàn khó khăn, thử thách. Do đó, con người cần có bản lĩnh vượt qua chông gai trên hành trình đi tìm hạnh phúc; không nên vì một phút nản lòng mà có thể đánh mất cả cuộc đời mình.
3. Đánh giá
– Câu chuyện đặt ra một vấn đề nhân sinh giàu ý nghĩa, cho thấy niềm tin vào sức sống của con người trước những khó khăn, thử thách của cuộc sống rằng trong mỗi con người, lòng ham sống luôn giành chiến thắng.
– Câu chuyện truyện có khả năng truyền động lực sống cho con người, nhất là những người đang buồn đau, tuyệt vọng… Dù là trong nghịch cảnh tối tăm, tuyệt vọng nhất, chúng ta cũng phải biết thắp lên ngọn lửa cho chính mình.
4. Mở rộng, liên hệ.
– Câu chuyện gợi ra một vấn đề có ý nghĩa nhân sinh lớn lao, hướng con người một quan niệm sống cao đẹp: phải biết vươn tới một cuộc sống đích thực, một bản lĩnh trước cuộc sống nhiều thử thách.
– Cuộc sống luôn đặt ra cho con người muôn vàn khó khăn, thử thách nên bên cạnh lòng ham sống, con người cần có ý chí, nghị lực để vượt qua và để sự sống có thể chiến thắng cái chết.
– Trân trọng, quý giá sự sống không đồng nghĩa với ham sống, sợ chết, với thái độ sống ích kỉ, hèn nhát, chỉ chăm chăm giữ lấy sự sống của mình, kể cả phải hi sinh mang sống của người khác.
– Xã hội hiện đại với nhiều cạnh tranh, sức ép khiến con ngươi rơi vào những căn bệnh tâm lí trầm kha, có xu hướng tự hủy hoại sự sống của bản thân. Bản chất của những căn bệnh tâm lý ấy chính là nhận thức lệch lạc về giá trị sự sống.
– Câu chuyện hàm ý phê phán những người sống yếu hèn, dễ dàng gục ngã, tìm đến cái chết khi rơi vao nghịch cảnh.
– Dám đương đầu với nghịch cảnh, sống mạnh mẽ … là những phẩm chất cần thiết của con người trong thời đại mới.
5. Bài học nhận thức.
– Cuộc sống không phải lúc nào cũng sung sướng nhưng giá trị của sự sống là vô giá, không gì có thể đánh đổi được và cũng không ai dám từ bỏ nó. Hãy yêu sự sống. Dù ở trong hoàn cảnh nào, con người ta cũng phải luôn hướng về phía cuộc sống, dù có lúc sẽ tuyệt vong.
– Mỗi người cần trân trọng sự sống của mình bằng cách nỗ lực vượt qua những giới hạn của bản thân để sống mạnh mẽ và có ý nghĩa.
– Rèn luyện ý chí, nghị lực, sống có ý thức trách nhiệm với đời, với bản thân để dù hoàn cảnh thế nào vẫn không bi quan, gục ngã, đầu hàng hoàn cảnh.
– Một trong những cách thức thể hiện lòng ham sống, quý giá sự sống chính là tích cực học tập, đặt ra những mục tiêu để vươn tới và không chịu khuất phục khi gặp khó khăn.
– Như cây nến không thể cháy mà không có lửa; người không thể sống nếu không có đời sống tâm linh. Nhưng nếu quá tin vào tâm linh và định mênh, con người sẽ trở nên yếu đuối và có thể sai lầm.
- Kết bài:
Đôi khi, việc lấy lại khát vọng sống ngay lúc chúng ta tuyệt vọng nhất có thể cứu mình khỏi sự hủy diệt. Cuộc sống của chúng ta được định hình bởi chính tâm trí của chúng ta. Chúng ta sẽ trở thành những gì chúng ta nghĩ. Hãy tin tưởng vào chính mình và biết quý trọng sự sống ngay khi chúng ta có thể. Đừng bao giờ từ bỏ trước khi thần chết thực sự đến và mang chúng ta đi mãi mãi.
Đọc thêm:
- Nghị luận: Hãy cố gắng thắp lên ngọn lửa nhỏ còn hơn chỉ ngồi nguyền rủa bóng tối.
- Suy nghĩ về nghị lực vượt lên nghịch cảnh qua câu chuyện Con lừa rơi xuống giếng.
Nghị luận: Tài sản có giá trị nhất trên đời mà bạn có thể sở hữu chính là một thái độ sống tích cực