lam-sang-to-nhan-dinh-tho-khong-phai-la-mot-vong-quay-cham-rai-cua-cam-xuc-ma-la-mot-loi-thoat-cua-cam-xuc-khong-phai-la-su-bieu-hien-cua-tinh-cach-ma-la-mot-loi-thoat-cho-ca-tinh-t-s-eliot

Làm sáng tỏ nhận định: Thơ không phải là một vòng quay chậm rãi của cảm xúc mà là một lối thoát của cảm xúc, không phải là sự biểu hiện của tính cách mà là một lối thoát cho cá tính. (T.S. Eliot)

Làm sáng tỏ nhận định: “Thơ không phải là một vòng quay chậm rãi của cảm xúc mà là một lối thoát của cảm xúc, không phải là sự biểu hiện của tính cách mà là một lối thoát cho cá tính”. (T.S. Eliot)


* Gợi ý làm bài:

1. Giải thích nhận định:

– Thơ là hình thức sáng tác văn học đầu tiên của loài người, thực sự hình thành khi con người có nhu cầu tự biểu hiện. Thơ phản ánh cuộc sống qua những cảm xúc dạt dào, chất chứa, những liên tưởng, tưởng tượng mạnh mẽ, ngôn ngữ hàm súc và gợi cảm, hình ảnh phong phú và rất giàu nhịp điệu…

– Vòng quay chậm rãi của cảm xúc: biểu hiện cảm xúc  một cách đều đều, mờ nhạt, không cuộn trào, không thăng hoa, không mãnh liệt…

– Lối thoát của cảm xúc: cảm xúc trong thơ phải được biểu hiện ra, thoát ra, tuôn trào mãnh liệt qua những đợt sóng ngôn từ, nếu không có thơ, người nghệ sĩ sẽ rơi vào bế tắc. Thơ là lối thoát duy nhất của thi sĩ.

– Tính cách: là tổng thể nói chung những đặc điểm tâm lí ổn định trong cách xử sự của một con người. Nói thơ không phải là sự biểu hiện của tính cách là khẳng định: mục đích của thơ không nhằm biểu hiện bản chất xã hội, con người xã hội của nhà thơ.

– Thơ là một lối thoát cho cá tính: Cá tính là cái riêng, diện mạo riêng của một người, phân biệt với những cá nhân khác trong cộng đồng. Trong đời sống, cá tính được thể hiện qua suy nghĩ, tình cảm, hành động của con người trong những tình huống cụ thể. Trong nghệ thuật, cá tính được hiểu là phong cách nghệ thuật, là cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ.

⇒ Bằng cách diễn đạt giàu hình ảnh, T.S. Eliot đã khẳng định được đặc trưng cơ bản của thơ ca là sự bộc lộ của tình cảm, cảm xúc, mong muốn được giãi bày, tâm sự, chia sẻ và nhận được sự đồng điệu từ người đọc; đồng thời thơ ca chính là nơi mà người nghệ sĩ khẳng định cá tính qua sự độc đáo, sáng tạo về cả nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật.

2. Bình luận:

– Thơ không phải là một vòng quay chậm rãi của cảm xúc mà là một lối thoát của cảm xúc:

+ Người nghệ sĩ sáng tạo không chỉ phản ánh đời sống mà còn thể hiện những tư tưởng, tình cảm trước hiện thực.

+ Thơ là thể loại trữ tình, vạch xuất phát của thơ là tình cảm, đích đến của thơ cũng là tình cảm. Người nghệ sĩ bao giờ cũng là những người nhạy cảm hơn hết trước cuộc đời, trước đời sống tâm hồn mình. Họ đến với thơ, dùng tiếng thơ để được giãi bày tất cả những hỉ, nộ, ái, ố và mong muốn nhận được sự tri âm, đồng điệu từ người đọc. Thơ là cách giải thoát cho những nỗi niềm, là điệu hồn đi tìm những hồn đồng điệu…

Tình cảm trong thơ phải chân thành, mãnh liệt chứ không thể nhạt nhòa, đơn điệu. Bởi nếu không đủ mãnh liệt thì thi nhân không đủ rung động để sáng tạo, thơ cũng không thể ra đời, hoặc nếu có, tiếng thơ ấy cũng không thể tìm được sự đồng điệu cùng độc giả

– Thơ không phải là sự biểu hiện của tính cách mà là một lối thoát cho cá tính:

+ Tính cách thể hiện bản chất con người xã hội của nhà thơ nhưng cá tính mới là cái riêng biệt, phân biệt con người này với con người khác. Trong thơ ca, cá tính sáng tạo đòi hỏi phải được khẳng định thông qua sự độc đáo, mới lạ trong nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật của tác phẩm.

+ Xuất phát từ yêu cầu của sáng tạo văn chương: Bản chất của nghệ thuật là sáng tạo, vì vậy thơ ca cũng đòi hỏi nhà thơ phải in dấu ấn riêng của mình trong tác phẩm. Nhờ khả năng sáng tạo tuyệt vời mà các thi nhân luôn tìm ra những cách nói mới từ những điều đã cũ. Nếu không có sáng tạo, không có phẩm chất riêng thì tác phẩm và tác giả sẽ bị lãng quên. Những sáng tạo về hình thức biểu hiện rất phong phú qua thể loại, cấu tứ tác phẩm, ngôn ngữ thơ, hình ảnh thơ,… Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức… Nhờ có cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ mà cảm xúc chân thành mãnh liệt mới đến được và tìm được tiếng nói tri âm nơi người đọc,…

3Phân tích và chứng minh:

– Phân tích dẫn chứng cần tập trung vào các vấn đề sau:

+ Phân tích tình cảm, cảm xúc mãnh liệt, thăng hoa thể hiện trong thi phẩm.

+ Chỉ ra cá tính sáng tạo của nhà thơ thể hiện qua nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật tác phẩm.

4. Đánh giá ý nghĩa của vấn đề

– Ý kiến của T.S. Eliot đã khẳng định được một đặc trưng quan trọng của thơ ca, có ý nghĩa định hướng cho người sáng tác và tiếp nhận :

– Nhà thơ cần trau dồi vốn sống, sống sâu sắc, mãnh liệt trong từng cảm xúc, đồng thời luôn luôn sáng tạo để mang đến sự độc đáo, mới lạ cho tác phẩm, khẳng định được cá tính trong nghệ thuật.

– Người đọc trong quá trình tiếp nhận văn học cần trân trọng công sức của nhà thơ, đọc không chỉ thấy cái hay của câu chữ mà còn thực sự đồng điệu tri âm với tâm hồn, với tiếng nói sâu lắng mà nhà thơ gửi gắm vào tác phẩm.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang