Làm sáng tỏ nhận định: Văn chương sẽ là hình dung của sự sống muôn hình vạn trạng. Chẳng những thế, văn chương lại còn sáng tạo ra sự sống. Vũ trụ nầy tầm thường chật hẹp không đủ thỏa mãn mối tình cảm dồi dào của nhà văn. Nhà văn sẽ sáng tạo ra những thế giới khác

lam-sang-to-nhan-dinh-van-chuong-se-la-hinh-dung-cua-su-song-muon-hinh-van-trang-chang-nhung-the-van-chuong-lai-con-sang-tao-ra-su-song-vu-tru-nay-tam-thuong-chat-hep-khong-du-thoa-man-moi-tinh-c

“Văn chương sẽ là hình dung của sự sống muôn hình vạn trạng. Chẳng những thế, văn chương lại còn sáng tạo ra sự sống. Vũ trụ nầy tầm thường chật hẹp không đủ thỏa mãn mối tình cảm dồi dào của nhà văn. Nhà văn sẽ sáng tạo ra những thế giới khác“. (Hoài Thanh – Nhiệm vụ của văn chươngTao Đàn số 7, 1/6/1939)

Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy tìm hiểu sự sáng tạo trong văn chương qua một số tác giả tiêu biểu trong phong trào Thơ Mới 1932 – 1945.


* Gợi ý làm bài:

* Giải thích:

Văn chương sẽ là hình dung của sự sống muôn hình vạn trạng. Chẳng những thế, văn chương lại còn sáng tạo ra sự sống:

Văn chương không chỉ giúp hình dung sự sống – hiểu biết hiện thực cuộc sống phong phú đa dạng mà còn giúp khám phá, sáng tạo lại thực tại. Vì hiện thực khách quan được soi chiếu qua tâm hồn người nghệ sĩ, cho nên sáng tạo ra sự sống thực chất là hiện thực được nhào nặn trong tác phẩm ghi dấu ấn tư tưởng,tình cảm và sức sáng tạo của người nghệ sĩ.

– Vũ trụ nầy tầm thường chật hẹp không đủ thỏa mãn mối tình cảm dồi dào của nhà văn.

Sự đối lập giữa hiện thực khách quan và chủ thể sáng tạo được nhấn mạnh ở phương diện tâm hồn, tình cảm mãnh liệt, nguồn cảm hứng sáng tạo của tác giả vượt khỏi khuôn khổ hiện thực. Quan điểm của Hoài Thanh gắn với tư tưởng của chủ nghĩa lãng mạn đề cao vai trò cái Tôi chủ quan cá thể, muốn khẳng định bản sắc, phong cách riêng trong sáng tạo nghệ thuật.

Nhà văn sẽ sáng tạo ra những thế giới khác.

Thế giới khác do nhà văn sáng tạo chính là thế giới nghệ thuật được tạo dựng bằng ngôn từ nghệ thuật, hướng tới những đề tai hiện thực mà nhà văn quan tâm, qua đó gửi gắm quan niệm nghệ thuật, cảm hứng của tác giả về con người và cuộc sống, biểu đạt qua sắc thái thẩm mỹ đậm cá tính sáng tạo của nhà văn.

* Phân tích, bình luận:

– Cơ sở nhận định của Hoài Thanh gắn với sự phát triển của văn học giai đoạn 1930 – 1945 với sự phát triển đa dạng của các khuynh hướng văn học. Thời điểm 1939 đã xuất hiện những đỉnh cao trong sáng tác, hình thành nhiều phong cách tác  giả độc đáo, đặc biệt phong phú là phong trào Thơ Mới với những đỉnh cao, chẳng hạn như Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính… (theo đánh giá trong công trình nghiên cứu Ba đỉnh cao Thơ Mới của TS. Chu Văn Sơn). Các nhà thơ đã khẳng định cái Tôi cá nhân cá thể mạnh mẽ, tạo dựng không gian thơ của riêng mình…

– Một số gợi ý về dấu ấn sáng tạo trong thơ của các đỉnh cao Thơ Mới:

+ Xuân Diệu tạo dựng nên một “vũ trụ tình yêu đầy hoan lạc” (ý GS. Nguyễn Đăng Mạnh) để khẳng định vị trí ông Hoàng tình yêu, nhà thơ phát hiện mối quan hệ gắn kết con người – hiện thực bằng niềm khát khao giao cảm, bằng cảm xúc, cảm giác, bằng niềm vui,nỗi buồn của tâm hồn luôn sống vội vàng, cuống quít tận hưởng vẻ đẹp trần gian. Qua đó khẳng định vị trí nhà thơ mới nhất trong số các nhà Thơ Mới.

+ Hàn Mặc Tử là minh chứng sự phát tiết tinh hoa rực rỡ, phát triển sự sáng tạo từ thơ Đường luật đến thơ Lãng mạn và tiếp tục phát triển đến ranh giới siêu thực, tượng trưng trên tiến trình hiện đại hóa Văn học Việt Nam. Ông tạo dựng một thế giới khiến các tác giả Thi nhân Việt Nam như lạc vào một vườn thơ “rộng rinh và ớn lạnh”. Thế giới thơ Hàn Mặc Tử là “hương thơm”, “mật đắng”,”máu cuồng và hồn điên” thể hiện một khát khao tình người đậm đà. Trong thơ Hàn là sự trộn hòa kỳ lạ giữa thực và ảo, những câu thơ lấp lánh tài hoa…

+ Nguyễn Bính – “thi sĩ chân quê” tạo dựng một thế giới riêng của “trai hiền bạn với gái đồng trinh”, thấm đượm hồn quê, tình quê mang đậm phong vị Bắc Bộ. Trong khuôn khổ thi ca truyền thống, cảm xúc cá nhân được bộc lộ với nhiều cung bậc khi thiết tha dịu ngọt, lúc chua chát khinh bạc, mang tâm trạng tha hương sầu xứ ….

⇒ Các nhà thơ đã đóng góp những thế giới thơ riêng biệt nhưng góp phần tạo nên thế giới chung của tình cảm dồi dào với cuộc đời và con người.

* Mở rộng, nâng cao:

– Khẳng định vai trò chủ thể sáng tạo góp phần cho văn chương đến với cuộc đời thông qua con đường tình cảm. Đóng góp về nội dung – nghệ thuật trong tác phẩm giúp nhà văn định hình phong cách độc đáo.

– Cần tránh quá đề cao chủ quan dễ đi đến bóp méo, xuyên tạc sự thật, đi ngược lại những giá trị Chân – Thiện – Mỹ của cuộc sống.

3 Trackbacks / Pingbacks

  1. Làm sáng tỏ nhận định: "Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ”. (Tr
  2. Bàn luận về ý kiến: Phải chăng, tiếng nói tri âm là khát vọng muôn đời của văn chương xưa nay? - Theki.vn
  3. Nghị luận: Văn học là nhân học - M.Gorki - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.