»» Nội dung bài viết:
Chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân đạo trong văn học trung đại.
I. Chủ nghĩa yêu nước :
1. Khái niệm:
– Yêu nước gắn liền với tư tưởng “trung quân ái quốc”. Tự hào dân tộc. Yêu thiên nhiên, quê hương, xứ sở.Khát vọng và quyết tâm cống hiến bảo vệ và xây dựng đất nước.
2. Biểu hiện của chủ nghĩa yêu nước :
+ Ý thức độc lập tự chủ, tư hào dân tộc.
+ Lòng căm thù giặc sâu sắc.
+ Tự hào trước chiến thắng lịch sử.
+ Biết ơn, ca ngợi anh hùng hi sinh vì nước.
+ Tình yêu thiên nhiên đất nước.
3. Tác phẩm : Nam quốc sơn hà, Bình Ngô đại cáo, Hịch tướng sĩ, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc…
II. Chủ nghĩa nhân đạo.
1. Khái niệm:
– Cảm thông sâu sắc với những nỗi khổ của con người. Đề cao những phẩm chất tốt đẹp của con người, những giá trị tốt đẹp của cuộc sống; niềm tin vào vẻ đẹp tâm hồn của những kiếp người nhỏ bé trong xã hội. Lên tiếng tố cáo các thế lực trong xã hội đã chà đạp lên quyền sống của con người; cất tiếng nói bảo vệ và đòi quyền sống xứng đáng cho những kiếp đọa đày đau khổ.
– Đây là nội dung lớn, xuyên suốt. Bắt nguồn từ truyền thống nhân đạo của người Việt. Chịu ảnh hưởng từ những điểm tích cực của các tôn giáo.
2. Biểu hiện :
+ Cảm thông, chia sẻ đối với nỗi khổ đau, bất hạnh của con người
+ Lên án, tố cáo các thế lực chà đạp con người.
+ Đề cao, ca ngợi con người.
+ Đề cao quan hệ đạo đức, đạo lí làm người.
3. Tác phẩm: Truyện Kiều, Tự tình, Chuyện người con gái Nam Xương, Chức phán sự đền tản viên,…
Tham khảo:
Chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân đạo trong văn học trung đại.
1. Chủ nghĩa yêu nước.
– Chủ nghĩa yêu nước là nội dung lớn, xuyên suốt quá trình tồn tại và phát triển của văn học trung đại Việt Nam.
– Chủ nghĩa yêu nước trong văn học trung đại gắn liền với tư tưởng “trung quân ái quốc” (trung với vua là yêu nước, yêu nước là trung với vua).
– Chủ nghĩa yêu nước biểu hiện rất phong phú, đa dạng, là âm điệu hào hùng khi đất nước chống ngoại xâm, là âm hưởng bi tráng lúc nước mất nhà tan, là giọng điệu thiết tha khi đất nước trong cảnh thái bình thịnh trị.
– Chủ nghĩa yêu nước được thể hiện tập trung ở một số phương diện như:
+ Ý thức độc lập tự chủ, tự cường, tự hào dân tộc (Sông núi nước Nam, Đại cáo bình Ngô).
+ Lòng căm thù giặc, tinh thần quyết chiến quyết thắng kẻ thù (Hịch tướng sĩ).
+ Tự hào trước chiến công thời đại (Phò giá về kinh), tự hào trước truyền thống lịch sử (Phú sông Bạch Đằng, Thiên Nam ngữ lục).
+ Biết ơn, ca ngợi những người hi sinh vì đất nước (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc).
+ Tình yêu thiên nhiên đất nước (những bài thơ viết về thiên nhiên trong văn học Lí – Trần, trong sáng tác của Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến…).
2. Chủ nghĩa nhân đạo.
– Chủ nghĩa nhân đạo cũng là nội dung lớn, xuyên suốt văn học trung đại Việt Nam.
– Chủ nghĩa nhân đạo trong văn học trung đại vừa bắt nguồn từ truyền thống nhân đạo của người Việt Nam, từ cội nguồn văn học dân gian, vừa chịu ảnh hưởng tư tưởng nhân văn tích cực của Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo.
– Truyền thống nhân đạo của người Việt Nam biểu hiện qua những nguyên tắc đạo lí, những thái độ ứng xử tốt đẹp giữa người với người… Tư tưởng nhân văn của Phật giáo là từ bi, bác ái; của Nho giáo là học thuyết nhân nghĩa, tư tưởng thân dân; của Đạo giáo là sống thuận theo tự nhiên, hòa hợp với tự nhiên.
– Chủ nghĩa nhân đạo trong văn học trung đại rất phong phú, đa dạng, biểu hiện ở lòng thương người; lên án, tố cáo những thế lực tàn bạo chà đạp lên con người; khẳng định, đề cao phẩm chất, tài năng của con người; những khát vọng chân chính như khát vọng về quyền sống, quyền hạnh phúc, quyền tự do, khát vọng về công lí, chính nghĩa; đề cao những quan hệ đạo đức, đạo lí tốt đẹp giữa người với người.
– Biểu hiện của chủ nghĩa nhân đạo qua các tác phẩm văn học của Nguyễn Trãi (Đại cáo bình Ngô, Tùng, Cảnh ngày hè…), Nguyễn Bỉnh Khiêm (Ghét chuột, Nhàn…), Nguyễn Dữ (Chuyện người con gái Nam Xương, Chuyện chức phán sự đền Tản Viên…).
– Cảm hứng nhân đạo đặc biệt nổi bật ở các tác phẩm thuộc giai đoạn văn học thế kỉ XVIII – giữa thế kỉ XIX như Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, thơ Hồ Xuân Hương (Bánh trôi nước, Mời trầu, chùm thơ Tự tình), Truyện Kiều của Nguyễn Du, Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu…
Sự thể hiện nội dung yêu nước và nhân đạo qua một số tác phẩm văn học.
1. Nội dung yêu nước.
– Bài thơ “Vận nước” của Sư Pháp Thuận: Vận nước gắn liền với ngôi vua.
– Bản hùng văn “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi: Khẳng định chính nghĩa vốn được xây nền từ truyền thống văn hiến, vị thế chủ động của một đất nước có chủ quyền và niềm tự hào trước thế hệ anh hùng hào kiệt.
– Bài “Bạch Đằng giang phú” của Trương Hán Siêu:
+ Khái quát những quy luật lớn lao của cõi sông nước.
+ Khẳng định cơ sở chiến thắng là con người, tài trí con người.
+ Ca ngợi hai vị vua như là biểu tượng của người tài đức, văn võ song toàn.
– Bài thơ “Thuật hoài” của Phạm Ngũ Lão:
+ Khí thế ba quân và hình ảnh võ tướng, người anh hùng mang tầm vóc vũ trụ đo điếm bằng chiều kích của giang sơn núi rộng sông dài.
2. Nội dung nhân đạo.
– Bài thơ “Cảnh ngày hè” của Nguyễn Trãi: Khát vọng về đất nước thái bình nhân dân được ấm no hạnh phúc.
– Khúc ca “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn: Tiếng kêu thương của người phụ nữ chờ chồng, nhớ thương chồng đi chinh chiến phương xa .
– Khúc ca “Cung oán ngâm” của Nguyễn Gia Thiều: Lê án chế độ cung tần mĩ nữ trong cung vua phủ chúa ngày xưa. Nỗ đau của người cung nữ bị Vua ruồng bỏ.
– Kiệt tác “Truyện Kiều” của Nguyễn Du: Số phận của nàng Kiều người con gái tài sắc nhưng phận bất hạnh.
→ Nhìn chung nội dung yêu nước và nhân đạo gắn bó với nhau, bổ sung cho nhau và là những giá trị luôn tồn tại trong nhau, làm nên hai dòng chủ lưu trong nền văn học dân tộc.
Văn học trung đại Việt Nam được xây một chặng đường phát triển dưới thời phong kiến, nối dài qua 10 thế kỉ, bắt đầu từ thế kỉ thứ X đến hết XIX. Văn học trung đại đã định hình những đặc điểm và truyền thống cơ bản gắn bó với vận mệnh đất nước và số phận con người Việt Nam.