“Quá trình sáng tạo nghệ thuật chân chính bao giờ cũng là một quá trình kép: vừa sáng tạo ra thế giới, vừa kiến tạo nên bản thân mình”.
Bằng những hiểu biết của mình về văn xuôi Việt Nam hiện đại giai đoạn 1930-1945, anh (chị) hãy giải thích và làm sáng tỏ nhận định trên.
Gợi ý làm bài:
1. Giải thích nhận định:
– “Sáng tạo ra thế giới”: thế giới nghệ thuật.
– “Kiến tạo nên bản thân mình”: hoàn thiện bản thân.
⇒ Nhận định trên đã nêu lên khái quát chung cho quá trình sáng tạo nghệ thuật chân chính: nhà văn không chỉ tạo ra thế giới thu nhỏ của hiện thực cuộc đời mà qua đó chính nhà văn còn xây dựng phong cách và hoàn thiện nhân cách của chính mình.
2. Bàn luận:
* Quá trình sáng tác, nhà văn sáng tạo ra thế giới:
– Cùng viết về một đề tài nhưng mỗi nhà văn lại có cách khám phá và thể hiện riêng.Viết về đời sống nông thôn trước CMT8, các tác phẩm của Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan nghiêng về tái hiện đời sống khốn cùng của người nông dân chủ yếu về vật chất gắn với nạn sưu cao thuế nặng, nạn cướp đất cướp ruộng khiến họ bị đẩy tới chỗ bần cùng hóa. Nam Cao đến sau, ông lại tập trung đề cập đến nỗi đau, nỗi nhục trong đời sống tinh thần của con người. Qua hình tượng Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên, Nam Cao phản ánh chân thực bi kịch tha hóa của con người trước những tác động nghiệt ngã của hoàn cảnh.
– Nét đặc sắc riêng trong hình tượng Chí Phèo còn được khắc họa sâu hơn trong bi kịch bị từ chối quyền làm người lương thiện của nhân vật. Với “Chí Phèo” nói riêng, với các tác phẩm vể đề tài người nông dân nói chung, Nam Cao đã dựng lại diện mạo của xã hội nông thôn Việt Nam đương thời, gửi gắm bao trở trăn đau xót và cả những triết lí sâu xa về cuộc sống, về con người. Thạch Lam là một nhà văn với phong cách độc đáo. Ông thiên về những khai thác cuộc sống bình thường, giản dị.Tác phẩm “Hai đứa trẻ” đưa người đọc đến với thế giới mờ xám của cư dân phố huyện nghèo, một thế giới đầy ám ảnh cho người đọc thấy tình trạng sống mòn, vô nghĩa, buồn tẻ của những số phận bất hạnh trong xã hội. Cái chất hiện thực đó lại được ông khám phá bằng phương cách trữ tình, tạo nên dư vị nên thơ cho tác phẩm.
– Qua quá trình sáng tác, nhà văn tự hoàn thiện chính mình:
+ Nam Cao viết văn từ 1938 và sáng tác rất nhiều thể loại. Lúc đó Nam Cao chịu ảnh hưởng của văn học lãng mạn đương thời, nhưng ông đã nhận ra thứ văn chương đó dần xa lạ với cuộc sống lầm than của nhân dân lao động và ông đã đoạn tuyệt với nó để tìm đến con đường hiện thực chủ nghĩa.Quan điểm sáng tác đúng đắn đã khiến cho Nam Cao phát huy được sở trường, dần dần tạo được cho mình một phong cách riêng biệt mà còn giúp ông trở thành một trong những nhà văn hàng đầu của văn học Việt Nam.
+ Còn những trang viết của Nam Cao về người trí thức nghèo trước cách mạng tháng 8 cũng chính là những suy tư, trăn trở của chính con người Nam Cao. Trong đó bi kịch của nhân vật Hộ trong “Đời thừa” thể hiện rõ nhất những trăn trở, suy tư của ông với tư cách con người và nghệ sĩ. Hộ gặp phải bi kịch đó là bi kịch về những giấc mộng văn chương. Đối với anh, văn chương là trên hết, là khát vọng lớn nhất của anh. Anh muốn viết tác phẩm có giá trị nhưng lại bị gánh nặng cơm áo gạo tiền “ghì sát đất” nên anh buộc phải viết nhanh, viết ẩu.
+ Có người cho rằng Hộ chính là hình ảnh của Nam Cao thời kỳ trước cách mạng. Nam Cao đã có có thể bị áo cơm ghì chặt nhưng ông vẫn hơn Hộ, ông đã viết nên những áng văn hay nhất về cuộc đời và những kiếp lầm than như “Chí Phèo”, “Lão Hạc”… Và dù ông có viết về đề tài người trí thức nghèo hay người nông dân bị tha hóa thì ông vẫn phát hiện ra những phẩm chất tốt đẹp của họ. Điều đó cho thấy ngòi bút nhân đạo sâu sắc của Nam Cao, cho thấy con đường nhà văn tự nhận thức được nghề văn “chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, sáng tạo những gì chưa có”( Đời thừa).
+ Những quan điểm sáng tác đúng đắn của Nam Cao cho thấy ông không chỉ hoàn thiện phong cách sáng tác của mình mà còn luôn trăn trở hoàn thiện nhân cách khiến ông sát gần với hiện thực, gần gũi với người nông dân hơn, để sau CMT8 có nhiều chuyển biến trong cả “đôi mắt” nhìn đời lẫn hành trình sáng tác.
+ Qua “Hạnh phúc của một tang gia”(Trích Số đỏ), Vũ Trọng Phụng ghi lại như một trang phóng sự chính xác và sinh động đến không ngờ bằng ngòi bút như chảy máu từ một trái tim thắm nồng tình yêu dân tộc, ta cùng đã bật cười và rồi xót xa muốn khóc cho những giá trị truyền thống cao đẹp nhất của dân tộc ta đã bị chà đạp…
+ Qua việc phản ánh hiện thực, nhà văn nhìn thấy được những điều sai trái của cuộc đời để từ đó dần hoàn thiện nhân cách bản thân, sống một cách chuẩn mực, giàu lòng tự trọng, đồng thời cũng hình thành nên diện mạo độc đáo của bản thân trong văn học với tư cách một cây bút trào phúng có một không hai.
Bài văn tham khảo: